YOMEDIA
NONE

Phân tích truyện ngắn Những đứa con trong gia đình

Theo dõi Vi phạm
ADSENSE

Trả lời (1)

  • Được mệnh danh là “nhà văn của người nông dân Nam Bộ”, những trang viết của nhà văn Nguyễn Thi dù ở bất cứ thể loại nào dường như cũng đều bắt nguồn từ hiện thực những năm tháng chiến tranh ác liệt ở Nam Bộ và thể hiện rõ nét những vẻ đẹp tâm hồn, tính cách của con người nơi đây. Bằng lối viết vừa đậm chất hiện thực vừa đậm chất trữ tình cùng năng lực phân tích tâm lí nhân vật và xây dựng tình huống độc đáo, những tác phẩm của Nguyễn Thi luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” - ra đời năm 1966 là một trong số những sáng tác tiêu biểu và xuất sắc nhất của ông. 

    Đặt điểm nhìn ở nhân vật Việt, “Những đứa con trong gia đình” là câu chuyện sâu sắc, thấm thía và đầy cảm động về những đứa con trong một gia đình đầy truyền thống, là ông nội, là ba, là má, là chú Năm, là chị Chiến và cả Việt nữa. Câu chuyện về gia đình nông dân Nam Bộ ấy đúng như lời chú Năm từng nói “Câu chuyện gia đình như một dòng sông và con sông của gia đình ta cũng đang dào dạt đổ về biển lớn”. Vâng có lẽ, gia đình Nam Bộ ấy có thật nhiều truyền thống tốt đẹp - yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, luôn thủy chung với cách mạng. Truyền thống tốt đẹp ấy của gia đình đang hòa mình và thống nhất với truyền thống của quê hương, đất nước, dân tộc. Và để rồi, trong dòng sông truyền thống gia đình ấy, mỗi nhân vật đều là một khúc sông tuyệt vời để làm nên vẻ đẹp của dòng sông ấy.

    Trước hết đó chính là nhân vật chú Năm - khúc sông thượng nguồn đang không ngừng cố gắng lưu giữ và truyền lại cho thế hệ sau truyền thống gia đình. Chú Năm để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc trước hết ở lời nói của chú khi hai chị em Chiến và Việt tranh nhau ghi tên đi tòng quân và cả lời của chú với hai chị em Chiến, Việt khi nghe hai chị em trình bày với chú về việc sắp xếp công việc nhà trước khi lên đường. Những lời nói bắt nguồn từ chính trong suy nghĩ, cảm nhận của chú nhưng có lẽ hơn hết giúp người đọc thêm hiểu, thêm trân trọng chú. Với chú Năm, tòng quân chính là một việc làm lớn, còn những việc gia đình chỉ là việc nhỏ, bởi vậy chú ủng hộ việc Chiến, Việt tham gia tòng quân và điều đó xét đến cùng chính là chú đang cố gắng gìn giữ và tiếp nối những truyền thống tốt đẹp của gia đình. Thêm vào đó, người đọc nhớ đến chú Năm còn bởi tiếng hò rất riêng, rất đặc biệt của chú. Có lẽ, những điệu hò đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của những người con Nam Bộ, nhưng điệu hò lần này của chú Năm là một điệu hò rất đặc biệt - “một điệu hò khác với ngày thường”. Không phải là một điệu hò vào ban đêm mà đó là một điệu hò giữa bên ngày. Đặc biệt hơn nữa, trong điệu họ ấy người ta thấy ngân lên biết bao nỗi niềm, bao lời nhắn gửi “bắt đầu cất lên như một hiệu lệnh dưới ánh nắng chói chang, rồi kéo dài, từng tiếng một vỡ ra, nhắn nhủ, tha thiết, cuối cùng ngắt lại như một lời thế giữ dội”. Và người đọc nhớ đến chú Năm còn bởi vai trò rất đặc biệt của chú, chú Năm chính là người lưu giữ, ghi chép cuốn sổ gia đình mỗi ngày và chú ghi chép nó mỗi ngày. Chú ghi lại trong cuốn sổ ấy cả những đau thương, mất mát và cả những chiến công mà mỗi thành viên trong gia đình có được. Có lẽ chính vì điều ấy, cuốn sổ gia đình là trang sử vẻ vang của gia đình nông dân Nam Bộ, là bằng chứng vừa đau thương nhưng cũng rất đỗi anh hùng, hiên ngang.

    Nếu chú Năm là khúc sông thượng nguồn thì hai chị em Chiến và Việt chính là khúc sông sau, là những người đang viết tiếp vào cuốn sổ gia đình những trang sử anh hùng, đang cố sức lưu giữ những truyền thống tốt đẹp của con sông gia đình. Người đọc có thể dễ dàng nhận thật ở Chiến và Việt có nhiều điểm giống nhau. Đầu tiên, cả Chiến và Việt đều là những người con trong một gia đình Nam Bộ với nhiều truyền thống tốt đẹp và có lẽ chính bởi điều đó nên cả Chiến và Việt đều mang trong mình những phẩm chất anh hùng đáng trân quý. Chiến và Việt đều luôn mang trong mình khao khát được đi bộ đội và ý nghĩ, ước muốn ấy luôn thường trực trong cả hai chị em từ lúc mẹ mấy. Để rồi, hai chị em đã tranh nhau ghi tên để được tòng quân. Không chỉ dừng lại ở đó, trong quá trình tham gia chiến đấu, cả Chiến và Việt đều là những chiến sĩ kiên cường, dũng cảm và lập được nhiều chiến công. Đối với Chiến và Việt, đánh giặc đã trở thành niềm đam mê và khao khát cháy bỏng. Trong đêm trước ngày đi tòng quân, cuộc đối thoại giữa Chiến và Việt đã thể hiện rõ nét khao khát ấy “Đã là thân con gái, ra đi thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à!”. Có lẽ, chính bởi niềm khao khát cháy bỏng ấy đã thôi thúc cả Chiến và Việt không ngừng chiến đấu và lập được nhiều chiến công vang dội. Việt đã đánh được một chiếc xe bọc thép còn chị Chín thì đã bắn chìm tàu của địch. 

    Bên cạnh những điểm chung, chị Chiến và Việt cũng có những nét riêng, mang dấu ấn riêng của mỗi người. Chiến là người chị trong gia đình, và vì vậy, Chiến luôn là người yêu thương, nhường nhịn em, trừ việc ghi tên đi tòng quân. Thêm vào đó, chị Chiến còn mang nhiều phẩm chất, vẻ đẹp giống má khiến cho Việt trong đêm trước ngày tòng quân phải thốt lên rằng “chị Chiến sao mà giống má”. Là một người con gái với dáng người khỏe mạnh, “hai bắp tay tròn vo, sạm đỏ cháy nắng, thân hình to và chắc nịch, bước chân bình bịch”, chị Chiến luôn đảm đang, tháo vát, lo toàn, sắp xếp công việc gia đình đâu vào đấy và chính chú Năm cũng phải khen rằng “khôn! Việc nhà nó thu được gọn thì việc nước nó mở được rộng, gọn bề gia thế, đặng bề nước non”.

    Ở chị Chiến, ta thấy được hình ảnh của người con gái Việt Nam xưa “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Ý chí quyết tâm, bản lĩnh hơn người của chị Chiến được thể hiện trực tiếp qua câu nói với Việt: “ Đã làm thân con gái ra đi, tao chỉ nói một câu: Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à”.

    Còn với Việt, nếu chị Chiến hiện lên là người chị đảm đang, tháo vát thì Việt lại là người con trai mới lớn, vẫn còn mang trong mình tính cách trẻ con, vô tư, hồn nhiên. Việt phó mặc việc lo toan, sắp xếp mọi việc trong nhà cho chị Chiến “chị nói sao thì tôi nghe vậy”. Và tính cách trẻ con ấy đã theo Việt vào cả trong chiến đấu - đi chiến đấu, Việt không sợ địch mà sợ ma, đi đánh giặc mà lại luôn mang theo bên mình ná thun,...

    Khác với vẻ trẻ con khi còn ở với má, với chị Chiến, khi vào chiến trường Việt đã trưởng thành và trở thành một người lính giải phóng quân. Việt đã lập chiến công hạ một chiếc xe bọc thép và 6 tên lính Mĩ, cả khi bị thương nặng, lạc đồng đội, Việt vẫn thể hiện được tinh thần, ý chí quả cảm của một người lính thực thụ, điều này được thể hiện qua suy nghĩ của Việt “Tao sẽ chờ mày, trên trời có mày, dưới đất có mày, cả khu rừng này chỉ có mình tao. Mày có bắn thì tao cũng bắn được mày! Mày chỉ giỏi giết gia đình tao, còn đối với tao mày chỉ là thằng chạy”. 

    Tóm lại, với nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo cùng việc lựa chọn điểm nhìn trần thuật độc đáo, ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ, những trang viết trong truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” của nhà văn Nguyễn Thi đã xây dựng thành công câu chuyện về những người con trong một gia đình Nam Bộ với nhiều truyền thống tốt đẹp, đáng trân quý.

      bởi Trần Hoàng Mai 11/06/2020
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF