YOMEDIA
NONE

Hướng dẫn soạn Vợ nhặt

Hướng dẫn soạn bài "Vợ nhặt"  _ Kim Lân

Theo dõi Vi phạm
ADSENSE

Trả lời (1)

  • I.Tác giả - tác phẩm

    1. Tác giả 

    Kim Lân ( 1920-2007) tên thật là Nguyễn Văn Tài, quê ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Gia đình nghèo, ông chỉ được học hết bậc tiểu học rồi đi làm. Ông bắt đầu sự nghiệp viết văn năm 21 tuổi với những câu chuyện mang tính tự truyện như : "Đứa con người vợ lẽ", "Đứa con người cô đầu", "Cô Vịa"....

    Kim Lân được dư luận đặc biệt chú ý khi ông đi vào mảng đề tài độc đáo tái hiện sinh hoạt phong phú ở thôn quê. 

    Sau cách mạng tháng Tám, ông tiếp tục làm báo, viết văn và vẫn chuyên viết truyện ngắn, chủ yếu là viết về làng quê Việt Nam - mảng hiện thực mà từ lâu ông đã hiểu biết sâu sắc.

    Tác phẩm chính : "Nên vợ nên chồng" - tập truyện ngắn, 1955, "Con chó xấu xí"- tập truyện ngẵn 1962.

    2. Tác phẩm

    Truyện ngắn "Vợ nhặt" có tiền thân là tiểu thuyết "Xóm ngụ cư", tác phẩm được viết  từ ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công nhưng còn dang dở và mất bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại ( 1954), Kin Lân dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết "Vợ Nhặt"

    Thông qua những hình ảnh thật xúc động, nhà văn đã vẽ lên bức tranh hiện thực xã hội nông thôn Việt Nam trong nạn đói 1945. Vẽ ra thảm cảnh, tác giả đồng thời cũng khẳng định chỉ có lòng nhan ái và sự quật khởi mới có thể giúp những người cùng khổ vượt qua tai họa ghê gớm ấy.

    II. Trả lời câu hỏi

    1. Tác phẩm gồm 4 đoạn chính

    - Đoạn 1 : Từ đầu đến "thị vẫn ngồi mớm ở mép giường, hai tay ôm khư khư cái thúng, mặt bần thần" : Cảnh Tràng dẫn vợ về nhà.

    - Đoạn 2 : Tiếp theo đến "cùng đẩy xe bò về" : lí giải về việc Tràng nhặt vợ

    - Đoạn 3 : Tiếp theo đến " nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng" : cuộc gặp gỡ giữa bà cụ Tứ và nàng dâu mới

    - Đoạn 4 : Phần còn lại : buổi sáng hôm sau ở nhà Tràng

    2. Truyện ngắn gây chú ý cho người đọc ngay từ nhan đề truyện - một cái nhan đề nói lên được khá nhiều về hoàn cảnh, số phận của nhân vật chính. Tên truyên ghi nhận một tình huống éo le, độc đáo, vừa bi thảm nhưng cũng lại thấm đẫm tình người, đó là tình huống Tràng lấy được vợ. Tình huống này đã gây ngạc nhiên cho cả xóm ngụ cư, cho mẹ Tràng và cho cả bản thân Tràng nữa bởi :

    - Một người nghèo túng, xấu xí, dân ngụ cư (bị người làng khinh bỉ), xưa nay con gái không ai thèm để ý đến, vả lại cũng chẳng thể có tiền để lấy vợ, vậy mà bỗng dưng lại lấy được vợ, dù chỉ là "vợ theo", "vợ nhặt".

    - Giữa lúc đói kém, người như Tràng đến thân mình còn không nuôi nổi lại đèo bòng vợ với con.

    Chính vì thế mà khi Tràng dắt một người đàn bà lạ mặt về nhà, cả xóm ngụ cư đều ngơ ngác, không hiểu thế nào. Họ chưa thể nghĩ đấy là vợ anh và anh ta lại dám lấy vợ lúc này.

    Bà cụ Tứ, mẹ Tràng còn ngạc nhiên hơn nữa khi trông thấy người đàn bà kia ở trong nhà với con mình

    Đến ngay chính Tràng cũng ngạc nhiên. Thậm chí sáng hôm sau ngày có vợ, anh ta vẫn chưa hết bàng hoàng.

    Đây là một tình huống oái oăm không biết nên vui hay buồn, không biết nên mừng hay lo. Mọi người đếu có tâm trạng ấy, từ những người dân xóm ngụ cư đến chính Tràng. Đặc biệt tâm trạng bà cụ Tứ đầy mâu thuẫn, vì "Lòng người mẹ nghèo khổ ấy  còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự". Bà mừng vì dù sao con mình cũng đã có vợ, một mặt lại tủi vì gặp phải lúc đói khổ này người ta mới đến lấy con mình. Bà lo lắng nhưng rồi lại động viên con và hi vọng chúng nó có thể vượt qua được cái "tao đoạn khó khăn này"

    Tình huống éo le trên đã mở đầu cho sự phát triển của truyện và tác động đến diễn biến tâm trạng và hành động của các nhân vật trong tác phẩm

    3. Hai chữ "vợ nhặt" đã tạo được ấn tượng, kích thích sự chú ý của người đọc. Đây không phải là cảnh lấy vợ đàng hoàng, có ăn hỏi, có cưới xin theo phong tục truyền thống của người Việt mà là một hạnh phúc do vô tình mà có, do nhặt nhạnh mà thành. Chỉ qua hiện tượng "nhặt được vợ" của Tràng, tác giả đã làm nổi bật tình cảnh và thân phận của người nông dân nghèo trong nạn đói khủng khiếp 1945. Tràng "nhặt được vợ" như người ta nhặt được cái rơm, cái rác vứt ở ven đường. Cái giá của con người chưa bao giờ rẻ rúm đến vậy. Tình cảnh anh Tràng nhặt được vợ phơi bày tình cảnh thê thảm và thân phận tủi nhục của người nông dân nghèo, khi mà vấn đề cái đói, miếng ăn trở thành vấn đề sinh tử, hiện thực khủng khiếp đối với con người. Miếng ăn được Kin Lân nhìn rộng ra vấn đề tình người, cái đói đẩy con người đến chỗ đường cùng, tuyệt lộ. Hạnh phúc, tình yêu dẫu nhỏ bé, mong manh, tội nghiệp nhưng hết sức đáng trọng.

    4.Niềm khao khát hạnh phúc gia đình được thể hiện hết sức chân thực và sâu sắc qua nhân vật Tràng. Lúc đầu, khi có ý định đưa người đàn bà xa lạ về nhà, không phải Tràng không có chút phân vân, do dự vì anh nghĩ lúc này không biết có nuôi nổi thân mình không mà lại còn đèo bòng. Nhưng sau một thoáng do dự anh đã tặc lưỡi rồi đưa người đàn bà xa lạ về nhà. Cái quyết định và hành động thể hiện niềm khao khát hạnh phúc gia đình của người nông dân nghèo khổ này. Đây cũng là ý đồ nghệ thuật của Kim Lân : " Khi người ta không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống. Dù ở trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống, vẫn hi vọng vào tương lai, vẫn muốn sống, sống cho ra người"

    Kim Lân đã có những phát hiện tinh tế và sâu sắc về niềm khát khao hạnh phúc gia đình của nhân vật Tràng. Sự kiện bất ngờ nhặt được vợ làm thay đổi cuộc đời và số phận của nhân vật Tràng. Trên đường dẫn vợ về nhà, Tràng như đã thành một con khác: "Mặt hắn có một vẻ gì phởn phơ khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh". Trước con mắt tò mò của người dân xóm ngụ cư, người đàn bà càng thêm "ngượng nghịu, chân nọ bước díu cả và chân kia", còn Tràng "lại thấy làm thích ý, cái mặt cứ vênh vênh tự đắc  với chính mình". Những chính Tràng cũng không khỏi có lúc " lúng ta lúng túng , tay nọ xoa xoa vào vai kia đi bên người đàn bà". Kim Lân đã diễn tả cụ thể , vừa sinh động niềm khát khao tổ ấm gia đình và tình thương giữa những con người nghèo khổ vượt lên tất cả , bất chấp tất cả cái đói và cái chết.  Đến cái buổi sáng đầu tiên có vợ , Tràng thực sự thấy cuộc đời mình đã thay đổi, anh cảm thấy " trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra", chợt nhận ra "xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi, khác lạ". Trong những giờ phút có tính chất bước ngoặt ấy, con người ta bỗng thấy mình trưởng thành. Niềm vui sướng, nỗi hạnh phúc của Tràng gắn liền với ý thức về bổn phận, trách nhiệm. Con người trở nên người hơn với những yêu thương, khát khao sâu thẳm, những ước mong gắn bó, xây đắp.

    5. Bà cụ Tứ là nhân vật được xây dựng thành công nhất trong tác phẩm, thể hiện chiều sâu tư tưởng, gửi gắm thông điệp về tình yêu thương con người. Đó là hình ảnh người mẹ già nghèo khổ, bất hạnh nhưng cùng là một người mẹ giàu tình yêu thương. Tâm trạng tinh tế, phức tạp của bà cụ Tứ sau khi Tràng có vợ được Kim Lân miêu tả hết sức sinh động, khéo léo. Từ chỗ ngạc nhiên đến lo lắng, phấp phỏng, đến những day dứt, băn khoăng rồi xót thương, chua chát và cuối cùng là vui vẻ chấp thuận,...tất cả đã thể hiện tấm lòng bao dung, nhân hậu của người nghèo. Ngạc nhiên là tâm trạng đầu tiên, cũng là phản ứng tất yếu của một người mẹ quen sống lầm lũi, neo đơn. Với bà, việc Tràng dẫn người đàn bà về nhà là một việc bất thương, khác lạ, gây ra sự ngỡ ngàng, bất ngờ, đẩy bà vào thế bị động. Tràng lấy vợ là một việc trọng đại, bà ngạc nhiên bởi sự thay đổi lớn trong gia đình. Tác giả đã diễn tả sự ngạc nhiên của bà cụ qua hàng loạt những câu hỏi mà bà tự đặt ra cho mình. Bao nhiêu câu hỏi là bấy nhiêu nghi ngờ, lạ lẫm. Nhưng nỗi khổ sở, sự đói nghèo thường nhật đã thấm quá sâu vào tâm can bà, khiến bà đón nhận tin vui của con trong sự nín lặng. Hình như bà cũng chẳng biết nên vui hay nên buồn, nên cười hay nên khóc. Nỗi tủi phận, thương tâm đến sâu thẳm của số phận con người đã được Kim Lân dồn tụ trong sự câm lặng của bà cụ. Bà phải kìm nén bao nhiêu tâm sự của mình để chọn một trạng thái duy nhất. Nghệ thuật độc thoại nội tâm được sử dụng khá thành công, sau giây phút im lặng ấy, bà hiểu ra biết bao nhiêu là cơ sự. Những câu văn được biết từ nước mắt xót đau của tác giả, lời than của bà cụ là lời than của mọi kiếp người khốn khổ trong xã hội. Bao nhiêu quan niệm về bổn phận, trách nhiệm của một người mẹ được đánh thức trong bà. Bà cảm thấy mình  lỗi với con, những câu bà tự nhủ giống như lời tự thú đau đớn của con người. Cái đói, cái nghèo kéo ghì số kiếp con người, làm con người phải quằn lưng, oằn xuống để gánh trả nó, nhưng đó vãn là món nợ đeo đẳng, triền miên suốt cả một đời.

    Sau khi hiểu ra cơ sự, khi có thời gian để ngẫm về cuộc đời mình, bà mới khóc. Giọt nước mắt rỉ xuống trong kẽ mắt kèm nhèm là giọt nước mắt tủi thân, tủi phận khi bà ý thức sâu sắc về cuộc đời khốn khổ của mình. Giọt nước mắt trào ra như diễn tả bao nhiêu day dứt, tức tưởi, dằn vặt, lo lắng của con người. Đó là hệ quả tất yếu của sự kìm nén, nín lặng trong ai oán, xót thương ở trên, đó là những giọt nước mắt của cuộc đời tủi nhục, đau đớn. Bà quay lại nhìn người đàn bà con mình lấy làm vợ, từ tình thương cho con trai, bà chuyển sang tình thương cho con dâu. Đó là sự gặp gỡ, đồng cảm trong tâm hồn những người phụ nữ bất hạnh, bà cụ Tứ không chỉ ý thức được nỗi khổ của đời mình, của con mình mà còn biết cảm thông với nỗi khổ của người đàn bà tội nghiệp kia. Dường như có một mối dây liên hệ kì diệu giữa tâm hồn những người phụ nữ đồng cảm, trái tim họ cùng nhịp đập của những sẻ chia yêu thương, khao khát hạnh phúc. Đến đây, bà thương con trai thì ít mà tội và thương con dâu nhiều hơn. Nước mắt ròng ròng của bà cụ Tứ là nước mắt của sự đồng cảm , nỗi sẻ chia. Bà như muốn dùng nước mắt của mình để gột rửa nỗi đau thân phận mình. Tiếng khóc lúc này là sự giãi bày lòng mình, sự đi tìm những đồng cảm với các con. Cuối cùng bà chấp nhận câu chuyện Tràng lấy vợ trong sự mừng vui, hạnh phúc. Bà vẽ ra viễn cảnh tương lai cho các con : Ngăn nhà, thu dọn nhà cửa, chủ động nói chuyện vui, đãi chè khoán,.... Những ước mơ, khao khát là biểu hiện cao nhất của tình yêu con, là nỗi trăn trở xưa nay chưa được làm tròn. Niềm tin, khát vọng, sự sống vẫn được thắp sáng trong tâm hồn con người dù đã già nua, dù đã gần đất xa trời. Đây chính là dụng ý nghệ thuật sâu sắc của Kim Lân, là cái đẹp của chủ nghĩa nhân văn, là triết lí tình thương vượt lên mọi đau khổ. Hình ảnh, tâm trạng bà cụ Tứ thể hiện chiều sâu tư tưởng của Kim Lân, là nhân vật điển hình của bà mẹ Việt Nam khốn khó, bất hạnh nhưng giàu yêu thương, nhân ái

    6.Đặc điểm nghệ thuật của truyện ngắn Kim Lân qua truyện ngắn "Vợ nhặt"

    - Cách tạo tình huống truyện độc đáo, tự nhiên, kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố hiện thực và nhân đạo

    - Bút pháp phân tích tâm lí nhân vật tinh tế, sâu sắc

    - Nghệ thuật đối thoại, độc thoại nội tâm làm nổi rõ tâm lí của từng nhân vâtj.

    - Ngôn ngữ truyện phong phú, có tính cá thể hóa, phù hợp với tính cách nhân vật

    - Cách kể chuyện tự nhiên, giọng điệu chậm rãi thể hiện vốn sống, sự hiểu biết phong phú về đời sống nông thôn và người nông dân. Cách kể nhiều khi hóm hỉnh, sắc sảo nhưng vẫn đôn hậu.

    - Kết cấu truyện khá đặc sắc, kết thúc mở. Kim Lân có tài sử dụng những chi tiết nghệ thuật, thể hiện sinh động tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm

      bởi Tran Thi Khanh Toan 10/09/2018
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF