YOMEDIA
NONE

Sử dụng ngôi kể thứ nhất hãy kể về cuộc sống giản đơn nơi gia đình

Sử dụng ngôi kể thứ nhất hãy kể về cuộc sống giản đơn nơi gia đình với những điều em cho là hạnh phúc nhất

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (7)

  • Ba gọi điện chiều nay sẽ trở về sau chuyến công tác dài ngày, mẹ nhoẻn cười hiền lành, không giấu nổi cái khấp khởi của người phụ nữ đã hai con, xa chồng lâu ngày.

    Cúp điện thoại là mẹ vội vàng gõ cửa phòng ồ ạt thông báo liền cho hai thằng nhỏ đang “chiến game” ở trong. Nói rồi, mẹ hào hứng cầm rổ ra sau vườn ngắt vài ngọn khoai cho vào tủ lạnh trước khi xách giỏ đi chợ.

    Dù có chuẩn bị bữa tối tinh tươm đến đâu thì rau lang luộc vẫn không thể vắng mặt trong những dịp như thế này - món ăn kỉ niệm của cả nhà mình. Nhìn đĩa rau xanh hãy còn bốc khói trên bàn, nhớ quá đi thôi một thời xa lắc chính nó là món ăn cứu tinh cho cái gia đình bé nhỏ qua một thời đói khát, lo cho ba đi học tiếp, cũng chính những ngọn khoai ấy đưa chúng con vào giảng đường.

    Khoảng đất trống ở góc vườn, mẹ thả mấy dây khoai lang hòng lấy ngọn cải thiện bữa ăn. Hết rau lang luộc chấm ruốc rồi lại ngọn lang xào tỏi, cứ đều đều ăn riết thành quen, đâm nghiện lúc nào không hay.

    Mùi nhựa rau hăng hắc khi cho bắc chảo xào, rồi cái mùi ê ê của nước rau cho thêm tí mì chính, tí đường cũng thành món canh húp nước ngon lành. Nhìn dây khoai tốt ngọn óng mượt bò tràn lan trên mặt đất, ai cũng bảo “chắc lắm củ đấy”. Vậy mà, đến ngọn còn không đủ làm thức ăn cho cả nhà lấy đâu mà ra củ. Nhiều bữa thấy mẹ phải ngắt luôn cả hàng lá ở gần sát ngọn, rồi sợ lá già sẽ đắng và cứng, mẹ cho vào nước luộc trước khi đem xào dầu.

    Dạo ấy, ba đi học tiếp trên thị xã, mẹ phải tăng ca làm thêm tất bật mới đủ sức nuôi “ba đứa học trò trong nhà”. Cứ mỗi chiều thứ Bảy ba lại đạp xe về. Ba cha con tự nhiên đến nỗi tự biết xách rổ ra sau vườn hái ngọn lang vào luộc làm bữa chính bởi cả cha cả con thừa hiểu nếu có về mẹ cũng chỉ đủ tiền mua mớ tép con con cho có cái gọi là  tanh tanh một chút. Ấy vậy mà đấy được coi là bữa ăn xa xỉ nhất trong tuần.
     
    Cơm chiều dọn ra, mẹ ân cần xúc bỏ vào chén ba, chén tụi nhỏ mấy con tép vàng vàng, còn ngọn rau luộc xanh xanh mẹ cẩn thận chấm nước cho vào chén mình, tươi cười mẹ ngồi lặng lẽ nhìn ba bố con ăn ngon lành. Cái vị bùi bùi, giòn giòn lại ê ê, vậy đó mà cả nhà vét đến hạt cơm cuối cùng, thấy thế là sướng rơn và vui vẻ không gì bằng.

    Cuộc sống tằn tiện chắt chiu, song vẫn không thể bền bỉ như thế được lâu. Ba tự túc xin đi học thêm lên, kinh phí tự bỏ ra, tụi con lớn lên sách vở cũng phải tăng trang, mỗi bữa cơm dọn ra càng tố cáo nỗi eo hẹp của cái gia đình bé nhỏ ấy.

    Đồ đạc trong nhà lần lượt đội nón ra đi theo từng đợt học phí, chỉ có mỗi đám dây khoai ở góc vườn là không ngừng được nới rộng đất trồng. Thực đơn của mẹ cũng vì thế mà thêm phần sáng tạo: Ngọn lang xào tỏi, rau luộc chấm ruốc, canh rau lang nấu dầu... Hiếm có bữa nào, mâm cơm lại thiếu đi màu xanh quen thuộc.

    Thời gian tím sắc trôi theo từng đợt hoa lang nở rộ, bung cánh tím biếc cả một góc sân rộng. Nhà mình bây giờ khá hơn nhiều, cuộc sóng đã theo kịp nhịp của một gia đình phố thị. Bữa cơm không còn theo chủ nghĩa “độc tôn một món”, nhất rau xanh như trước đây nữa!
     
    Chúng con mỗi đứa có được một phòng riêng, cũng chẳng còn cảnh cả nhà ba người đàn ông và một người khác giới phải trải chiếu dưới nền nhà ẩm mốc lăn đùng ra ngủ sau một ngày thở dốc. Song, dù có tiện nghi đến mấy, mỗi thành viên vẫn không khỏi thấy nhớ và thương đến đắng lòng từng đám ngọn lang xanh rì bò dọc ngang trong vườn nhà.

    Ba trở về, mẹ khấp khởi mừng thầm. Chiều nay, cả nhà mình lại chung mâm cơm có món rau quen thuộc và có cả kí ức đầm ấm một thời bên nhau.

    Vòng tay qua ôm trọn lấy vòng eo vốn đã không còn thon thả nhưng vẫn còn đủ sức cho cái mặn mà một thời đắm say của mẹ, bên bữa cơm chiều, giọng ba thỏ thẻ:

    Anh đi anh nhớ vợ anh

    Hết rau lang luộc, lại đem xào dầu...

    Thương lắm từng đọt ngọn lang ơi...!


     

      bởi ミ★Bạch Kudo★彡 26/11/2019
    Like (2) Báo cáo sai phạm
  • YOMEDIA

    Video HD đặt và trả lời câu hỏi - Tích lũy điểm thưởng

  • Đêm đã về khuya. Cảnh vật im lìm xung quanh khiến tôi bỗng cảm thấy nhớ nhà đến lạ. Sống xa nhà đã một năm nay, vì thế mà mỗi khi nhớ về gia đình, trong tôi lại trào dâng một nỗi nhớ da diết. Gia đình nhỏ của tôi có rất nhiều kỉ niệm bên nhau, nhưng tôi nhớ nhất, là mùa hè năm trước, khi nhà tôi gặp một biến cố.

    Gia đình tôi vốn ít làm quen với bệnh viện và thuốc men. Ai cũng nghĩ rằng bản thân có một sức khỏe phi thường cho nên chẳng bao giờ có bệnh tật gì hết. Nhưng đúng là chẳng ai có thể thắng nổi tuổi tác và thời gian. Mẹ tôi cũng không còn trẻ nữa, công việc căng thẳng khiến bà trở nên yếu hơn, tới bệnh viện, bác sĩ nói mẹ tôi bị sỏi mật, chùm sỏi đã lớn lắm rồi, cần làm phẫu thuật cắt bỏ túi mật ngay. Những cơn đau bụng kéo dài khiến mẹ tôi cảm thấy mệt mỏi và đau đớn. Bố tôi quyết định đưa mẹ vào bệnh viện để làm phẫu thuật, tiến hành cắt bỏ túi mật như lời bác sĩ đã dặn dò.

    Mẹ tôi luôn là người quán xuyến hết mọi việc gia đình. Từ ngày mẹ tôi vào viện, công việc nhà lại dồn cả vào tôi. Thế là tôi phải là người thanh mẹ quán xuyến hết việc nhà, cũng bởi từ bé tôi chưa quen nhiều việc, nên ban đầu tôi cảm thấy rất lúng túng. Con bé tôi của mùa hè năm trước còn vụng về hậu đậu, tôi loay hoay một mình mà cũng chẳng biết cầu cứu sự trợ giúp của ai. Trải qua những ngày tháng như thế tôi mới hiểu các bà, các mẹ đã vất vả như nào để có thể giữ gìn cho tổ ấm của mình luôn gọn gàng, ấm cúng. Hết dọn việc nhà, tôi còn phải nấu cháo, đưa bố mang vào viện cho mẹ. Nhiều lúc tôi chỉ muốn òa khóc lên vì mọi việc cứ dồn dập lên đầu, mẹ nhập viện, tôi phải ở nhà một mình, còn bao nhiêu việc trên đời lại đổ dồn hết vào tôi. Ở bệnh viện, mẹ tôi vẫn thường gọi điện cho tôi hỏi han, dặn dò. Tôi chỉ biết cố nhịn khóc để mẹ khỏi lo, rồi lại lặng lẽ khóc một mình.

    Ngày mẹ phẫu thuật đã tới. Nhìn mẹ được đưa vào phòng mổ mà tim tôi thắt lại. Từ trước đến giờ chưa bao giờ tôi nhìn thấy mẹ phải nhập viện, nếu có người đi bệnh viện thì đó chính là tôi. Từ trước đến nay tôi luôn là người được chở che chăm sóc. Tôi đã quên rằng, bố mẹ tôi không còn trẻ, và người cần chăm sóc sức khỏe nhất, chính là bố mẹ của tôi.

    Ca phẫu thuật thành công, mẹ tôi được đẩy vào phòng hồi sức. Ngồi trên băng ghế dài của bệnh viện, tôi không được gặp mẹ, lại càng lo lắng thêm bội phần. Mẹ đã vào viện điều trị được 2 tuần, chỉ có 2 tuần thôi mà sao tôi thấy thời gian trôi qua lâu đến thế. Nhà cửa, vườn tược vắng bóng người, sự lo lắng quây quanh tôi khiến lòng tôi bất an vô cùng. Liệu mẹ đã tỉnh chưa nhỉ? Liệu bao lâu nữa mẹ mới được xuất viện? Những câu hỏi dồn dập khiến tôi cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi khi ngồi chờ mẹ ở hành lang.

    Mấy ngày sau, mẹ tôi được xuất viện. Vết mổ vẫn còn đau, mẹ tôi cũng không dám đi lại như người bình thường. Bố tôi lại trở về đi làm sau những ngày xin nghỉ phép để chăm sóc cho mẹ tôi. Tôi ở nhà, nấu cháo cho mẹ, dọn dẹp nhà cửa, cho gà vịt ăn. Tôi bưng một bát cháo đầy lên cho mẹ, mẹ ăn mà tôi thấy hình như mắt mẹ ươn ướt.

    - Mẹ, sao mẹ lại khóc?

    - Con gái của mẹ lớn thật rồi đấy nhỉ?

    Tôi chợt sững sờ. Thì ra, khoảng thời gian mà mẹ nhập viện, tôi đã lớn hơn nhiều lắm. Không còn là cô nhóc thích làm nũng mẹ ngày xưa nữa, cũng không còn trẻ con hay lười biếng như xưa. Tôi đã trở thành người biết suy nghĩ hơn, biết cáng đáng mọi việc hơn, và cũng trở nên trưởng thành hơn nữa. Mẹ ốm, tôi đã biết chăm sóc mẹ như ngày xưa mẹ đã từng chăm sóc cho tôi. Lòng tôi chợt cảm thấy vui. Từ nay, tôi sẽ quan tâm và chăm sóc cho bố mẹ nhiều hơn nữa vì bố mẹ tôi cũng không còn trẻ nữa rồi. Đứa con như tôi, đã từng nhận được rất nhiều tình yêu và sự chăm sóc của bố mẹ, đến nay khi đã lớn khôn, bổn phận còn lại là phải phụng dưỡng cha mẹ cho thật tốt.

    Một năm đã trôi qua. Tôi rời gia đình đi theo học ở ngoài tỉnh. Mỗi lần nhớ nhà, nhớ bố mẹ, tôi lại nghĩ đến kỉ niệm thuở nào mà tự nở một nụ cười. Trong hoạn nạn, khó khăn, mới thấy tình cảm gia đình quý giá biết nhường nào. Và chỉ khi có gian nan thử thách, con người ta mới thấy được giá trị của tình yêu mà cố gắng giữ gìn.

     

      bởi ミ★Bạch Kudo★彡 26/11/2019
    Like (1) Báo cáo sai phạm
  • Tôi may mắn được sinh ra ở trên đời này thì đó không chỉ là sự tồn tại mà là sống có ý nghĩa. Ấy là khi tôi biết yêu thương và hi sinh cho người khác, biết trân trọng, nâng niu những điều xung quanh. Và gia đình- hai tiếng gọi thân thương mà trìu mến chính là tổ ấm mà tôi luôn ấp ủ một tình yêu tha thiết đến mãnh liệt. Giờ đây, khi đã đi một chặng đường 15 năm, nhìn lại quá khứ, tôi càng thêm trân trọng những kỉ niệm với các thành viên trong gia đình.

    Tôi nhớ ngày ấy mình là một đứa con trai học lớp 5, mười tuổi- cái tuổi mà cũng không còn quá ngây thơ, trong sáng nhưng cũng không hoàn toàn trưởng thành. Ở độ tuổi ấy, tôi khá khó dạy bảo, thường xuyên không chịu nghe lời bố mẹ. Khi đó, gia đình tôi sống ở một vùng quê thanh bình yên ả, nhà chỉ có ba thành viên: tôi và bố mẹ. Hằng ngày, bố mẹ tôi thường bận bịu với công việc đồng áng và ruộng vườn nên tôi hay ở nhà chơi cùng bọn trẻ trong xóm. Tôi tự thấy mình lá một đứa trẻ hiếu động và nghịch ngợm. Buổi trưa, tôi trốn bố mẹ đi ra đường chèo thuyền ra sông bắt cá, vào vườn vặt trộm quả xoài chùm nhãn, thậm chí là còn nghịch tới mức đi trêu chó hay cắt mào gà của nhà người ta... Vài lần không may bị bắt được, tôi không chỉ bị mắng mà khi bố mẹ biết còn đánh cho một trận. Đau, khóc mếu là thế, tôi vẫn chứng nào tật đấy. Phải chăng khi ấy tôi là một đứa trẻ quá ư ương bướng và khó dạy bảo? Có những hôm đi học, tôi còn rủ vài thằng bạn trốn tiết để đi lên bãi cát chơi. Đôi lúc, cả thầy cô và bố mẹ cũng phải đến "bó tay" với tôi. Và có lẽ, tôi sẽ mãi hư đốn và khó dạy bảo như thế nếu không có kỉ niệm ấy- một kỉ niệm như một liều thuốc thần dược khiến tôi ngoan ngoãn và yêu thương bố mẹ nhiều hơn.

    Kì nghỉ hè đến, tôi có một thời gian dài để nghỉ ngơi và thư giãn sau khi đã hoàn thành kì thi chuyển cấp đầy căng thẳng. Những ngày hè vui chơi cùng lũ bạn đồng quê thật vui vẻ. Bọn bạn tôi, đứa nào cũng sắm cho mình vài ba chiếc cần câu để đi câu cá hết từ ao này đến hồ nọ. Là một thằng con trai, tôi cũng ao ước được mua một cái. Thế nhưng tôi làm gì có tiền. Băn khoăn, nghĩ ngợi một lúc, trong đầu tôi đã nảy sinh ra ý tưởng. Chiều hôm ấy, tôi không đi chơi mà ở nhà dọn dẹp và nấu cơm từ rất sớm. Bố mẹ về thấy rất ngạc nhiên với tôi, vì từ trước tới giờ chưa bao giờ tôi tự giác đến thế. Trong bữa cơm, giọng nhỏ nhẹ và lễ phép cất lên:

    - Bố mẹ cho con tiền mau chiếc cần câu giống thằng Hùng, thằng Khánh đi ạ. Với cả mua cho con một cái súng để chơi bắn trânn giả mới hay.

    Gương mặt bố mẹ nhăn lại, tỏ vẻ không hài lòng, bố nói:

    - Không mua mấy thứ đấy, tốn tiền lắm. Mày còn sắp vào trường mới, lớp mới nên bố mẹ đi làm bục mặt để kiếm tiền đây.

    Mặt tôi tối sầm lại, buồn và ấm ức, thậm chí là giận dỗi. Với bản tính trẻ con, tôi bỏ bát đũa xuống, chạy lên phòng đóng rầm cửa lại. Trong đầu tôi thầm nghĩ "Không hiểu sao mà bố mẹ lại không cho tiền mình. Chỉ có một số tiền nhỏ thôi mà, bọn bạn mình nó có hết rồi". Vậy là cả ngày hôm ấy, tôi chỉ ở trong phòng, ai gọi cũng không chịu thưa. Với tính cách ương bướng, muốn có được những thứ mình thích nên tôi quyết định bằng mọi cách phải mua được cái cần câu với khẩu súng kia. Không có nó thì mùa hè này chán chết mất, khi đi chơi với lũ bạn lại thấy lạc lõng thế nào.

    Nằm suy nghĩ một hồi lâu, tôi đã nghĩ ra một cách. Đợi bố mẹ đi làm hết, tôi nhẹ nhàng lén xuống phòng, cẩn thận mở chiếc tủ ra. Lục lọi khắp nơi, cuối cùng tôi cũng thấy chỗ mẹ để tiền. Trong đầu lóe lên ý nghĩ :"Thôi đã chót thì lấy nhiều nhiều tí, có gì mua thêm đồ chơi với đi ngao du cùng bọn bạn một tí chẳng hạn". Nghĩ vậy và chẳng hề băn khoăn, tôi lấy hai đồng là ba trăm nghìn. Có tiền rồi, tôi tung tăng rủ bọn bạn đi mua các thứ. Có tiền cái là tôi đi chơi cả buổi chiều không về nhà. Vui đùa, thích thú cùng chiếc súng, chiếc cần câu mới... tôi không hề suy nghĩ và băn khoăn về hành động mình vừa làm. Buổi tối về tới nhà cũng là lúc bố mẹ tôi đang dọn cơm. Khác mọi lần, bố mẹ không mắng tội đi chơi muộn mà im lặng khiến tôi phần nào thắc mắc. Trong đầu lại hiện lên bao câu hỏi :"hay bố mẹ biết chuyện rồi nhỉ?", " không biết mình có bị làm sao không nữa?"... Bố mẹ gọi tôi ngồi vào bàn, giọng đầy nghiêm túc:

    - Có phải con lấy tiền trong tủ không,

    - Không, con làm gì có lấy, con không biết tiền bố mẹ để đâu cả.

    - Con có nói thật không. Vậy thì tại sao 300 nghìn đồng lại không cánh mà bay và con có súng mới, cần câu mới....

    - Con không lấy, con không biết... mấy đồ kia con mượn của bạn.

    Sự ương bướng và dối gạt của tôi làm bố tức giận không kìm nén nổi mình đã tát tôi 2 phát. Vừa đau vừa giận, tôi chạy một mạch ra đường. Đi lang thang, thơ thẩn khắp nơi. Đi mãi, đi mãi mà trời thì ngày càng tối, bụng thì sôi réo vì đói. Tôi lại muốn trở về nhà, ăn một bữa cơm cùng gia đình và xin lỗi. Bởi vì khi ấy tôi mới hiểu được giá trị của mái ấm gia đình, nơi duy nhất có những người luôn yêu thương, chở che và đùm bọc. Khi ấy, đi lang thang giữa đường phố nhộn nhịp và xa hoa, liệu có ai dừng lại mà hỏi rằng cháu đi đâu đấy, cháu có cần giúo gì không, bố mẹ cháu đâu? Tuyệt nhiên không có, bởi họ có cần quan tâm tôi là ai và tôi như thế nào đâu. Đi mãu như vậy, tôi nhận ra hình như mình đã lạc tới một nơi nào đó, nơi có những tòa cao ốc và con đường tráng lệ. Thế rồi, những giọt nước mắt vì sợ, vì đói, vì rét lăn dài trên má. Tôi thiếp đi tự lúc nào không biết. Và khi tỉnh dậy tôi đã thấy mình nằm ở nhà, trong vòng tay âu yếm của mẹ cha. Đôi mắt tôi vừa mở thì đã nhận ra đôi mắt thâm quầng vì thức đêm của bố và những giọt nước mắt của mẹ. Chỉ từng ấy thôi ít nhất cũng làm thay đổi một đứa trẻ như tôi. Hình ảnh đầy xúc động đã đánh thức trong tôi tình yêu thương, lòng biết ơn sâu sắc với bậc sinh thành. Cha mẹ luôn yêu thương con cái đến nhường nào!

    "Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ

    Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha"

     

      bởi ミ★Bạch Kudo★彡 26/11/2019
    Like (0) Báo cáo sai phạm
  • Trong cả cuộc đời mình, con người ta đã gặp và kết bạn với hàng trăm người. Những mối quan hệ ấy là sợi dây gắn kết con người trong xã hội lại với nhau. Nhưng dù có hàng trăm, hàng nghìn sợi dây liên kết xã hội như thế, con người ta vẫn không thể từ bỏ gia đình - cái nôi nuôi dưỡng ta và những điều bình dị nhất.

    Từ trước đến giờ tôi vẫn luôn là một đứa con ngoan của bố mẹ, một người chị tốt của thằng em trai, là học trò cưng của thầy cô giáo và là hình mẫu được dùng để bố mẹ lũ bạn mang ra dạy dỗ chúng. Nhưng chẳng ai biết, cuộc sống của tôi thật sự chỉ xoay quanh việc đi học và về nhà. Tôi không có bạn thân, không có những buổi tụ tập, hẹn hò lê la phố xá với lũ bạn như học sinh khác. Tan trường tôi sẽ trở về nhà để học bài và chơi với thằng em trai. Có lẽ vì thế mà tôi cũng không được trải nghiệm nhiều thứ. Những kỉ niệm thời cấp hai và cả học trò của tôi chỉ là những giờ lên lớp, những buổi đi học thêm. Chỉ là học và học.

    Năm tôi học lớp 9, bài vở nặng hơn rất nhiều. Thời gian tôi đến trường và ở các lớp học thêm còn nhiều hơn thời gian tôi ở nhà. Đầu óc tôi luôn trong tình trạng căng như dây đàn. Tôi đã bắt đầu học với cường độ cao từ hè năm lớp 8. Vì bố mẹ và mọi người đều tin rằng tôi chắc chắn sẽ đỗ vào chuyên Anh của trường chuyên thành phố.

    Càng đến ngày thi, tôi lại càng thấy căng thẳng và mệt mỏi. Những con số, những tờ đề cứ thế cuốn lấy tôi. Tôi bắt đầu cảm thấy sợ hãi. Tôi sợ mỗi buổi sáng thức dậy tôi sẽ phải tiếp tục quay cuồng với đống bài vở và những lớp học nối tiếp nhau. Tôi sợ phải ngồi lì hàng giờ trong căn phòng kín với tiếng điều hòa ro ro mát lạnh để cắm đầu vào những con số. Tôi sợ những bữa ăn vộ vã trên đường khi đi từ lớp học này đến lớp học khác. Tôi sợ tiếng mở cửa của gia sư mỗi buổi tối. Tôi sợ những câu hỏi quan tâm của cha mẹ, về tình hình học tập của tôi bây giờ. Tất cả những hứng thú của tôi cho việc học đều bị năm học này phá hỏng hết rồi. Tôi không còn học vì thích thú, vì đam vmee và muốn tìm hiểu nữa. Tôi học vì tôi phải học. Tôi học vì bố mẹ tôi muốn thế. Chỉ đơn giản là thế thôi. Tôi thấy mệt mỏi vô cùng.

    Một tháng trước ngày thi, tôi khủng hoảng thực sự. Bài vở càng lúc càng nhiều. Thời gian ngủ của tôi cũng không không cón nhiều nữa. Tôi gầy đi trông thấy. Bố mẹ cũng lo lắng, nhìn tôi và bảo:

    - Mệt quá thì thôi con ạ. Nghỉ ngơi đi!

    Những ngày gần thi, bố mẹ tôi tự nhiên không còn quá áp lực với tôi về việc điểm số, trường thi nữa. Bố mẹ nhẹ nhàng và nhắc nhở tôi nghỉ ngơi nhiều hơn. Có lẽ thấy việc học của tôi vất vả và áp lực quá nên bố mẹ không muốn gây thêm áp lực cho tôi nữa. Những ngày cuối cùng, tôi dồn hết sức để ôn tập và bước vào phòng thi thật tự tin. Thật may mắn, năm tôi thi, trường chuyên của thành phố cho phép học sinh có thể đăng kí thi hai chuyên một lúc. Tức là tôi vừa có thể thi chuyên Anh, vừa thi chuyên Văn như tôi mong muốn.

    Hôm tôi đi thi là một ngày trời nắng nóng. Cái nắng hè gay gắt đổ xuống khiến mặt đường bốc lên từng đợt hơi nóng thật khó chịu. Tôi thi môn Văn vào buổi sáng, Toán vào buổi chiểu và hai môn chuyên sẽ thi vào ngày hôm sau. Tôi làm bài các môn đều ổn, kể cả hai môn chuyên. Ra khỏi phòng thi, bố mẹ và em trai tôi đã chờ sẵn. Khuôn mặt mọi người đều lo lắng. Mẹ nhìn thấy tôi, đi nhanh đến hỏi:

    - Có mệt không con? Làm bài thế nào?

    - Ổn mẹ ạ! - tôi đáp

    Mẹ tôi mỉm cười thật tươi, lấy chiếc khăn trong túi lau mồ hôi trên trán cho tôi. Chúng tôi lên xe trở về nhà. Kết thúc những tháng ngày  ôn thi căng thẳng và vất vả. Tôi trở về nhà với tâm lí thật thoải mái. Mẹ đưa cho tôi một tờ kế hoạch. Đó là kế hoạch mẹ đã chuẩn bị từ trước, khi thấy tôi quay cuồng với lịch học, ôn. Tôi nhìn bản kế hoạch chi tiết, tỉ mỉ của mẹ, thấy mắt mình cay cay. Tôi là một con bé nhút nhát. Mẹ cũng biết cuộc sống của tôi thực đơn giản. Chỉ đi học rồi về nhà. Có lẽ bố mẹ lo lắng tôi không có bạn. Tôi sẽ buồn. Nhưng quả thực, bố mẹ không biết, chỉ cần có mọi người là đủ.

    Lúc nhận kết quả thi, tôi đủ điểm đỗ cả hai chuyên, cả lớp chọn của trường. Đó là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực suốt một năm qua của tôi. Không cần tôi báo, chắc bố mẹ cũng đã biết rồi. Vì bố mẹ còn hồi hộp hơn tôi nhiều lần. Tôi thấy bố mẹ xem kết quả với một khuôn mặt mãn nguyện. Nụ cười của mẹ lúc này thật hạnh phúc. Tôi còn để ý thấy trong bữa tối, mẹ len lén lau nước mắt. Tôi biết mọi cố gắng của mình lúc này đều xứng đáng. Bữa tối gia đình thật đơn giản. Nhưng ai cũng cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Thằng em trai gắp cho tôi một miếng sườn và bảo:

    - Cho chị Bống, chị giỏi. Em cũng muốn học giỏi như chị!

    - Bin còn giỏi hơn chị cơ - tôi cười, xoa đầu nó.

    Gia đình là điều quan trọng nhất đối với tôi. Bởi lẽ, ở đó bố mẹ sẽ yêu tôi vô điều kiện. Mọi người sẽ chăm sóc và lo lắng cho tôi mỗi khi tôi mệt mỏi. Và quan trọng nhất, gia đình sẽ không bao giờ quay lưng và bỏ tôi lại một mình.

     

      bởi ミ★Bạch Kudo★彡 26/11/2019
    Like (0) Báo cáo sai phạm
  • Trong cuộc đời mỗi người chắc hẳn ai cũng đều có người để yêu thương và quý mến nhưng đã có ai từng nghĩ: “Ai là người mình yêu nhất và ai là người để lại cho mình những kỉ niệm không thế phai mờ?”. Đối với mọi người có thể người ấy là bạn thân, ông bà hay anh, chị, em nhưng riêng đối với tôi, người mà tôi luôn yêu mến và mãi sẽ yêu là Mẹ - người đã trao cho tôi cuộc sống.

    Mẹ tôi năm nay đã gần bốn mươi tuổi. Mọi người vẫn khen mẹ tôi trẻ và xinh nhưng đôi khi tôi gần mẹ, tâm sự với mẹ, tôi thấy mẹ như đã già đi nhiều. Đôi mắt mẹ ánh lên vẻ ấm áp, trìu mến, giờ đây đã xuất hiện nhĩíng vết chân chim. Vầng trán mẹ đã có nhiều nếp nhăn. Nổi bật nhất trên khuôn mặt mẹ là chiêc mũi cao dọc dừa và đôi môi đỏ. Tôi vẫn còn nhớ như in những nụ hôn ấm áp mẹ trao cho khi tôi còn bé. Làn da mẹ mềm mại, trắng hồng nhưng đã điểm những nốt tàn nhang của tuổi bốn mươi. Trước đây, khi tôi còn nhỏ, mẹ có mái tóc dài, mượt mà, mái tóc đen của mẹ như một đoạn của dải của Ngân Hà, đen mượt và óng ả. Khi tôi học lớp Năm, mẹ tôi đã thay đổi kiểu tóc, mẹ đã cắt mái tóc dài và thay vào đó là mái tóc xoăn. Mái tóc ngắn, xoăn, màu nâu đỏ thả bồng bềnh trên vai có lẽ hợp với khuôn mặt trái xoan của mẹ hơn, nhưng tôi vẫn thích mẹ để tóc dài như trước.

    Tôi còn nhớ như in ngày đầu tiên tôi đi học. Tối hôm đó, sau bữa tối, mẹ đã mang vào phòng tôi một bọc quà rất to. Tôi cứ nghĩ là được mẹ mua cho đồ chơi hay là một bộ lego mà tôi hằng mong muốn. Tôi háo hức mở bọc quà, thì ra đó toàn là sách, vở, đồ dùng học tập và có cả một chiếc cặp sách in hình siêu nhân mà tôi rất thích. Bộ đồng phục đã được mẹ là phẳng phiu. Mọi thứ đã sẵn sàng, tôi rất thích thú đợi đến ngày mai — ngày đầu tiên tôi gấp thành nêp và được xếp lại ngay ngắn bước vào lớp Một. Sáng hôm sau, mẹ âu yếm dắt tôi đến trường. Tôi vẫn nhớ cảm giác hồi hộp và lo sợ lúc đó, tôi không biết mình sẽ làm gì và mình sẽ như thế nào khi không có mẹ ở bên. Rời tay mẹ, tôi bước vào cổng trường, tôi thấy mình thật bơ vơ và lạc lõng. “Cố lên con, rồi con sẽ quen với cô giáo và các bạn, đừng lo!”. Đi được mấy bước tôi vẫn nghe thấy tiếng mẹ ở đằng sau. Tôi vội quay lại ôm mẹ rồi khóc thật to.

    Mẹ ôm tôi vào lòng âu yếm: “Con lớn rồi mà, từ hôm nay con đã là học sinh lớp Một rồi. Hãy tự tin lên nào!”. Tôi nghe lời mẹ, vào lớp học. Ngày hôm đó đối với tôi thật dài, tôi rất nhớ mẹ, chưa bao giờ tôi lại thấy yêu mẹ và cần mẹ hơn lúc này.

    Đã tám năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên đi học nhưng tôi không thể nào quên được hình ảnh thân thương của mẹ và những cảm xúc của mình trong cái ngày đáng nhớ ấy. Mẹ đã giúp tôi tự tin, vững vàng bước những bước đi đầu tiên trên con đường tri thức.

    Đã có lần, tôi vô lễ với mẹ và tôi nhớ mãi để không bao giờ tái phạm nữa. Tôi còn nhớ như in, đó là một ngày mưa, khi tôi còn là một cậu học sinh lớp Sáu. Tôi đi học về với một vẻ mặt buồn bã. Mẹ rất quan tâm, mẹ hỏi han rất nhiều. Nhưng vi quá bực bội nên tôi đã gắt lên với mẹ: “Con ghét mẹ lắm, mẹ đừng nói nữa!”. Nói rồi tôi bật khóc và chạy lên phòng, đóng sập cửa lại. Tôi khóc rất to, mắt đã đỏ hoe. Chỉ vì thằng bạn thân hiểu nhầm tôi mà chúng tôi cãi nhau to. Cả ngày hôm nay, tôi không có tâm trí nào mà tập trung vào việc học được nữa và hậu quả là tôi đã không làm được bài kiểm tra môn Toán. Nghĩ đến những việc đó, đầu óc tôi lại như phát điên. Tôi nằm bẹp suốt một giờ đồng hồ. Cảm giác cô đơn và lạnh lẽo khiến tôi tỉnh táo hẳn. Tôi nghĩ đến mẹ, nghĩ đến câu mình vừa nói với mẹ. Trời ơi, tôi đã mắc phải một sai lầm lớn! Tại sao mình lại có thể nói vô lễ với người luôn yêu thương, chăm sóc mình được chứ? Tôi ân hận lắm! Chỉ vì bị bạn hiểu lầm mà tôi đã trút giận lên mẹ. Tôi bật dậy, định chạy ra ngoài xin lỗi mẹ thì mẹ tôi đã mở cửa phòng bước vào. Như đoán được suy nghĩ của tôi, mẹ nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến và ngồi xuống bên tôi. “Mẹ ơi, con xin lỗi, con sai rồi!”. Tôi nói trong tiếng nấc nghẹn ngào. Mẹ nhẹ nhàng vuốt tóc tôi rồi nói thật nhẹ nhàng: “Mẹ cũng có lỗi vì đã không thông cảm và hỏi han con”. Tôi rất ân hận vì đã làm mẹ — người tôi luôn yêu thương bấy lâu nay, phải buồn. Chính những lời nói nhẹ nhàng, cử chỉ âu yếm của mẹ làm tôi thêm day dứt vì lỗi lầm của mình hơn. Tôi đã kể cho mẹ nghe mọi chuyện. Mẹ đã an ủi và động viên khiến tôi phấn chấn hơn nhiều. Từ lần đó, tôi luôn tự hứa phải suy nghĩ kĩ trước khi nói và không được làm mẹ buồn nữa.

    Có những lần tôi bị ốm, mẹ đã chăm sóc tôi tận tình và dành cho tôi tình yêu thương nồng ấm để tôi mau khỏi bệnh. Những đêm tôi ôn thi, mẹ đã thức cùng tôi, ở bên động viên và giúp tôi học.

    Với tôi, mẹ như một làn mây che cho tôi mưa nắng, mẹ là ngọn lửa thôi thúc con tim tôi để vững bước trên đường đời. Dù mai đây nếu mẹ có mất đi thì trong tôi, mẹ luôn sống và theo tôi suốt cuộc đời.


     

      bởi ミ★Bạch Kudo★彡 26/11/2019
    Like (0) Báo cáo sai phạm
  • Đã bao giờ bạn tin rằng sau một giấc mơ những điều bạn hằng mong ước bấy lâu sẽ trở thành sự thật? Đã có lúc tôi rất tin vào điều đó và luôn nhớ khoảnh khắc kỳ diệu mà giấc mơ đã đem đến cho tôi.

    Hôm ấy là một buổi tối cuối tuần, trời đầy sao và gió thì dịu nhẹ. Tôi nằm trên trần nhà mơ mộng đếm những vì sao. Bỗng nhiên tôi thấy cả không gian như bừng sáng. Trong vầng hào quang sáng lấp lánh, ông tôi cười hiền từ bước về phía tôi. Tôi sung sướng đến nghẹt thở ngắm nhìn gương mặt phúc hậu, hồng hào và mái tóc bạc phơ của người ông yêu quí. Ông tôi vẫn thế: dáng người cao đậm, bộ quân phục giản dị và cái nhìn trìu mến! Tôi ngồi bên ông, tay nắm bàn tay của ông,tận hưởng niềm vui được nâng niu như thuở còn thơ bé... Tôi muốn hỏi những ngày qua ông sống như thế nào? Ông ở đâu? Ông có nhớ đến gia đình không... Tôi muốn hỏi nhiều chuyện nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu cả.

    Ông kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích mà ngày xưa ông vẫn kể. Giọng ông vẫn thế: rủ rỉ, trầm và ấm. Ông hỏi tôi chuyện học hành, kiểm tra sách vở của tôi. Đôi mày ông nhíu lại khi thấy tôi viết những trang vở cẩu thả. Ông không trách mà chỉ ân cần khuyên nhủ tôi cố gắng học tập chăm chỉ hơn. Ông nhìn tôi rất lâu bằng cái nhìn bao dung và khích lệ. Ông còn bảo những khát vọng mà ông làm dang dở,cháu hãy giúp ông biến nó thành hiện thực. Những khát vọng ấy ông ghi lại cả trong trang giấy này. Muốn làm được điều ấy chỉ có con đường học tập mà thôi...

    Ông dẫn tôi đi trên con đường làng đầy hoa thơm và cỏ lạ. Hai ông cháu vừa đi vừa nói chuyện thật vui. Ông bảo đến chợ hoa xuân, ông muốn đem cả mùa xuân về căn nhà của cháu. Ông chọn một cành đào, cành khẳng khiu nâu mốc nhưng hoa thì tuyệt đẹp: màu phấn hồng, mềm, mịn và e ấp như đang e lệ trước gió xuân. Nụ hoa chi chít, cánh hoa thấp thoáng như những đốm sao. Tôi tung tăng đi bên ông, lòng sung sướng như trẻ nhỏ. Ông cầm cành đào trên tay. Có lẽ mùa xuân đang nấp cả trong những nụ đào e ấp ấy... Xung quanh ông cháu tôi, kẻ mua, người bán, ồn ào và náo nhiệt. Họ cũng đang chuẩn bị đón xuân về!

    Tôi đang bám vào tay ông, ríu rít trò chuyện về những ngày xuân mới sắp đến, chợt nghe tiếng mẹ gọi rất to. Tôi giật mình tỉnh dậy, thấy mình vẫn đang nằm trêm trần nhà. Lòng luyến tiếc nhận ra tất cả chỉ là một giấc mơ thôi...

    Giấc mơ chỉ là khoảnh khắc kỳ diệu đáp ứng niềm mong nhớ của tôi. Tôi nuối tiếc song cũng học được nhiều điều từ giấc mơ đó. Và quan trọng nhất là tôi được gặp ông, được ông truyền cho niềm tin và sự nỗ lực cố gắng thực hiện những ước mơ của chính mình.

     

      bởi ミ★Bạch Kudo★彡 26/11/2019
    Like (0) Báo cáo sai phạm
  • Những ngày mùa hạ rả rích, khi ôm sách và lắng nghe vài giai điệu phát ra từ cái radio cũ mèm, tự dưng tôi nghe thấy mấy lời da diết vang lên: “Người thầy... vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa/Từng ngày, giọt mồ hôi rơi nhòe trang giấy…”. Tiếng Cẩm Ly tha thiết, chiều mùa hạ như đang rơi xuống, vỡ tan và xoáy vào lòng những kí ức tươi đẹp. Đột nhiên, có cảm giác như đang lạc vào một thế giới nào đó, một thế giới không phải của mình, thế giới của quá khứ. Và tự nhiên, tôi nghĩ, dường như mình đang được xem lại cuộc đời bốn năm trước, qua vài cảnh quay được trích ra từ cái máy quay có lẽ là đời từ những năm 1980.
    Máy quay có lẽ đã cũ lắm rồi, cảnh được cảnh mất, nhưng cũng đủ để tôi thấy tôi - mười một tuổi - đứng trong sân trường cấp II lộng gió, và bóng một người thấp bé lặng lẽ đạp chiếc xe khung, đi trong nắng vàng. Bất chợt, người ấy quay lại. Ánh mắt hiền từ được máy quay ghi lại rõ ràng không sai. Tim tự dưng thấy hẫng một nhịp.
    Kia rồi! Thầy tôi...
    Người đàn ông đi trong nắng vàng hôm ấy là người tôi kính trọng nhất trên đời. Có lẽ biết thế nên mọi cảnh quay về người ấy đều rõ nét và chân thực đến kì lạ. Tôi nhìn rõ cái bóng liêu xiêu, đổ dài trên con đường dài dằng dặc, cùng với cây thước kẻ nửa mét kẹp trong chiếc cặp da sờn cũ, hộp phấn bằng thép chỉ chực rơi ra, cùng mái tóc đã bạc lắm rồi. Bỗng nhiên, tôi thấy nước mắt đang dâng lên, đầy tràn hai khóe mắt.
    Nhiều người vẫn miêu tả: Các thầy cao to, vạm vỡ, có đôi mắt sáng quắc uy nghiêm. Nhưng không! Thầy tôi thấp lắm, nếu so với chuẩn 1,8 m, chỉ chừng 1,6 m, tóc bạc trắng và lúc nào cũng lọc cọc đi trên chiếc xe khung han rỉ. Mắt thầy sáng, nhưng sáng bởi ánh sáng dịu hiền, ấm áp khiến chúng tôi rất an tâm. Mọi thứ thuộc về thầy cũ kĩ đến mức hoài cổ. Chúng tôi, thời những năm lớp 6, đã từng trêu thầy nhiều lần vì điều ấy. Tôi vẫn nhớ thầy chỉ cười hiền và bảo, thầy già rồi, có cần gì hiện đại.
    Máy quay chuyển cảnh. Từng hình ảnh nhảy nhót. Cứ như bị lỗi, những hình ảnh ấy cứ nháy đi nháy lại, nhưng lại rõ đến từng chi tiết.
    Mùa đông lạnh thê lương. Khi mà gió vuốt những ngón tay trên mái nhà, tôi nhìn thấy thầy đạp xe đến trường. Những vòng quay xe đạp cứ thế quay đều, quay đều. Pê đan cũ lắm rồi, xích kêu lạch cạch tựa như đang đòi nghỉ ngơi. Thầy vẫn cần mẫn đạp xe, cần mẫn xách chiếc cặp sờn cũ đến lớp. Tháng qua, tôi thấy thầy khẽ run. Không chỉ mùa đông ấy, mà còn nhiều mùa đông sau này nữa. Tôi vẫn luôn nhìn thấy hình ảnh đó. Luôn nhớ mình đứng trên tầng 2, vẫy tay “Em chào thầy” mà láo xược chế thành “Em thầy!”, và thầy, trên chiếc xe đạp cũ đi ngược gió, vẫy tay cười lại.
    Hiền như tiên.
    Tự dưng, cảnh quay tiếp theo hiện ra. Tôi thấy...
    Đêm tối. Trong một căn bếp lụp xụp, có mỗi một bóng đèn mù mịt. Bảng đen viết đầy những công thức loằng ngoằng. Có hai đứa học sinh ngồi quây quần cắt cái bánh trung thu nhân thập cẩm, và một người tóc bạc phơ ngồi cạnh, mỉm cười nhấm nháp ngụm trà nóng trong đêm thu mong manh.
    Thầy ơi, thầy không ăn thập cẩm à, thế phải làm sao bây giờ. Tiếng đứa con gái cất lên lo lắng. Thằng con trai ngồi cạnh im lặng ăn miếng bánh nướng thơm lừng, còn người đó chỉ cười, bảo, ừ, hai đứa cứ ăn đi, còn lại để vào tủ lạnh, lúc nào cô về thì cô ăn.
    Tôi nhận ra, đấy chính là mình, với Âu Sơn, và thầy.
    Tôi thấy mình lúng túng, rồi cũng ngồi xuống, cầm con dao cắt bánh ra thành nhiều miếng nho nhỏ. Sau nhiều lần từ chối, cuối cùng thầy cũng ăn, và hai đứa học sinh cười thành tiếng. Căn bếp lụp xụp như sáng thêm. Sáng thêm. Mãi đến sau này tôi mới biết thầy không ăn được thịt mỡ, cứ đến cổ họng lại bị nôn ra, thế mà hôm ấy thầy vẫn ăn miếng bánh Trung thu, có lẽ chỉ để chúng tôi vui lòng.
    Đột nhiên muốn khóc. Thầy của tôi, vĩ đại như thế đấy.
    Có lẽ nhiều người không hiểu nổi từ vĩ đại. Tại sao lại vĩ đại? Tôi không thể diễn tả được cảm xúc của tôi khi nghe việc thầy không ăn được thịt mỡ, rồi liên tưởng đến miếng bánh trung thu ngày hôm ấy. Chỉ để chúng tôi vui, thầy đã ăn hết miếng bánh mà có thể làm thầy khó chịu suốt những ngày sau đó. Ai đó từng nói, tấm lòng người thầy vĩ đại lắm, và cũng trong sáng lắm, y như pha lê không bao giờ bị vấy bẩn. Đúng, đúng lắm.
    Những tháng ngày đó, bất kể nắng hay mưa, bất kể nóng nực hay lạnh giá, thầy, vẫn cặm cụi đi trên chiếc xe đạp cũ xỉn, dạy chúng tôi học. Tôi nhớ những ngày tháng 1, năm tôi lớp 7. Lúc ấy gió trời còn mạnh, và nắng thì hong hanh lắm. Tôi, với ba thằng con trai khác, ngồi trong lớp nghe thầy giảng Toán. Sơn đùa, bảo thầy sao không làm hiệu trưởng mà lại chấp nhận làm giáo viên quèn. Ôi, làm hiệu trưởng thì không quát được giáo viên đâu, còn làm giáo viên, học sinh không nghe thì tống nó ra khỏi lớp. Thầy bảo, như thế. Chúng tôi cứ cười mãi về câu nói ấy. Đến tận hai năm sau, tôi mới biết, thầy chấp nhận làm giáo viên là để dìu dắt thêm nhiều lớp học trò trước khi bước vào tuổi già.
    Sau này mới biết, tình cảm thầy dành cho học sinh chúng tôi còn nhiều hơn gấp tỉ tỉ lần những thứ công danh lợi lộc tầm thường.
    Năm lớp bảy, có thầy, có những kì vọng và quyết tâm từ biết bao ngày trước, tôi đạt giải Nhất toán. Biết tin, thầy chỉ cười thật tươi. Nhưng trong mắt tôi, đó là nụ cười ấm áp nhất tôi từng biết. Nụ cười ấy khiến bao mệt mỏi, khó nhọc trở về số 0. Nụ cười khiến cho tất cả học sinh an lòng. Năm ấy, có lẽ là năm tôi hạnh phúc nhất.
    Không biết đã đi qua bao nhiêu ngày nắng, mưa? Chỉ biết, thầy đã đồng hành cùng chúng tôi trong suốt hai năm rưỡi. Hai năm rưỡi lọc cọc đạp chiếc xe cũ ấy, hai năm rưỡi dạy dỗ lũ học sinh lớp A nghịch như quỷ. Thầy chẳng hề than vãn lấy một lời.
    Các em là lứa học sinh cuối cùng của thầy, chỉ mong dạy được thật tốt, không muốn ai bị chửi mắng cả. Thầy trả lời cho câu hỏi của tôi về việc, tại sao chúng em mất trật tự mà thầy không nhắc.
    Lúc ấy, tôi không hiểu. Sau này ngẫm nghĩ lại mới ngộ ra. Hóa ra, chúng tôi chính là những kẻ vô ơn bậc nhất, không hiểu nổi tâm ý của thầy giấu trong từng con chữ.
    Mười ba tuổi, chỉ biết nghịch ngợm, vô ưu vô lo. Đâu biết người thầy vẫn cặm cụi chiến đấu với tuổi già và sức khỏe, ngày ngày lên lớp dạy dỗ cho những học sinh cuối cùng trong cuộc đời dạy học của mình.
    Hết học kì I năm tôi lớp 8, thầy có quyết định nghỉ hưu.
    Quyết định không hề vội vã, nhưng lại gây bất ngờ trong tập thể lớp. Tất cả xôn xao, và dường như có gì đó nghẹn ở trong tim, rất lạ. Dù biết, nhưng cuối cùng vẫn đến lúc phải chia tay rồi.
    Ngày chia tay, tôi tặng thầy một bó hoa kẹo mút. Chính tay dính từng bông hoa, chính tay ghim từng bó mút. Có lẽ đó là bó hoa xấu nhất tôi từng làm, nhưng cũng là bó hoa mang nhiều tình cảm nhất. Cũng là bó hoa đầu tiên tôi tặng cho sự chia ly.
    Thầy nghỉ rồi...
    Giáo viên mới dạy thay. Bài giảng sôi động, súc tích vô cùng. Nhưng thỉnh thoảng đột nhiên ngẩn ngơ. Vẫn ngỡ thầy còn ở đây, ngay trên bục giảng, viết những con số vốn bị chê “xấu mèm” nhưng thật rất rõ ràng. Ngỡ rằng thầy vẫn sẽ đi cùng chúng tôi qua những năm tháng còn lại. Không, không còn nữa rồi!
    Đó là những tháng ngày khó khăn nhất. Không có thầy ở bên cạnh dạy dỗ, không có ai cười hiền từ động viên trong những ngày khó khăn. Năm đó, tôi tụt hạng, chỉ đạt giải Ba. Đề rất dễ. Thế mà, điểm cũng chỉ đạt “nhì non”. Lúc ấy, tôi mới biết hóa ra thầy ảnh hưởng đến tôi nhiều như thế.
    Lên lớp 9, ông nội dẫn tôi xuống nhà thầy. Từ đó, tôi chính thức học thêm với thầy. Chính thức bắt đầu một năm học tuy vất vả nhưng tràn đầy niềm vui. Ngôi nhà mà chúng tôi học, cũng chính là ngôi nhà thầy đã sống suốt mấy chục năm qua. Cả một đời người vất vả chỉ có một khoảnh sân nho nhỏ để phơi nắng, một căn bếp tối, lụp xụp, cái nhà xây lợp lá cọ mát rượi trong những ngày nóng bức, và cả một cây trứng cá lúc nào cũng bị lũ học sinh nhăm nhe chọc quả. Thầy bảo, như thế đã là hạnh phúc lắm rồi.
    Đôi khi tôi nghĩ thầy sống sao mà giản đơn quá. Thầy chỉ cười. Không, thế đã là quá đủ rồi. Tôi không biết đủ là gì, không biết tại sao thầy có thể hài lòng. Sau đó nhiều tháng, tôi mới được nghe thầy kể về biết bao ngày khó khăn thầy đã trải qua. Đấy là những năm tháng vất vả đến bần hàn. Thầy là sinh viên nghèo, không có đủ đồ ăn nên ốm nhom ốm nhách. Trải qua một thời khó nhọc, con người luôn có khuynh hướng hài lòng với hiện tại, dù cho hiện tại ấy chỉ hơn thời khó khăn ngày xưa một chút xíu. Chính thế, thầy sống giản dị, tiết kiệm vô cùng. Từ lúc học thêm chỗ thầy, nghe thầy nói về những điều thầy đã trải qua, bất giác tôi cũng sống tiết kiệm đi nhiều lần. Không còn phung phí tiền bạc và đồ dùng như trước đây nữa.
    Người ta bị ảnh hưởng bởi những người mà được coi là quan trọng. Tôi nghĩ, tôi cũng vậy.
    Đôi khi tôi nghĩ, có phải thầy đã ảnh hưởng đến tôi theo một cách đặc biệt nào đó? Nghĩ nhiều lần, rồi mới phát hiện ra, thầy chính là một hình tượng mà tôi luôn khát khao muốn vươn tới, một tượng đài vĩ đại, một người mà tôi luôn mong mỏi đạt được thành công như vậy. Không chỉ là một người thầy, thầy còn là người cha, người anh, người bạn luôn lắng nghe, luôn cho những lời khuyên bổ ích nhất khi tôi cần. Thầy không chỉ dạy tôi môn Toán, thầy còn dạy tôi cách làm người, cách sống và phấn đấu để càng ngày càng tốt đẹp hơn.
    Máy quay dường như đang chậm lại, từng cảnh từng nét hiện lên rõ ràng. Tôi thấy thầy đang lụi hụi trồng rau, chăm sóc con chó lông trắng đen già khụ, thấy cả chúng tôi ngày đó, trong những ngày vất vả nhưng yên bình. Tôi nghĩ, có lẽ đó là những ngày hạnh phúc và vui vẻ nhất tôi từng có. Sau này, khi bước đi trên đường đời chông gai, có thể sẽ chẳng còn ai chỉ bảo, dạy dỗ tôi tận tình như thầy đã từng, có thể sẽ chẳng có ai lo tôi liệu có ngủ đủ giấc, liệu có stress khi nhồi nhét quá nhiều. Nhưng, cố nhân từng nói, cuộc đời chỉ cần một người khiến ta ngưỡng mộ, để cả đời noi gương, cả đời thương mến. Vậy là quá đủ rồi.
    Khi viết những dòng này, tôi đã là học sinh cấp III. Không chỉ hôm nay, mà còn cả ngày mai, ngày kia, nhiều ngày sau nữa, nhất định tôi sẽ tiếp tục cố gắng. Để mỗi khi gặp ai, trò chuyện cùng ai, có thể tự hào nói, tôi, là học sinh của thầy Nguyễn Văn Tâm. Có những lúc nhớ thầy, phóng vụt xe đi, tìm về ngôi nhà nhỏ cuối phố cũ với cây trứng cá xum xuê, ngồi nghe thầy nói về những điều thầy tâm đắc, về những điều thầy mong mỏi và răn dạy tôi cho đến mãi sau này. Tìm về nơi duy nhất khiến tâm hồn thanh thản, khiến cho mọi thứ phức tạp của cuộc đời trở nên dễ dàng và trong sáng hơn.
    Vẫn là những ngày mùa hạ đã cũ, tôi cảm giác như mình đang xốc ba lô lên vai, đạp cái xe đạp của mình, lao đi trong nắng vàng.
    Đến nơi tràn đầy kiến thức mà tôi hằng yêu kính".

      bởi Huất Lộc 26/11/2019
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON