YOMEDIA
NONE

Sự phát triển của văn học Việt Nam 1930-1945

Tìm hiểu sự phát triển của văn học Việt Nam 1930 -1945.

PLEASE

HELP ME?!!!

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (1)

  • Bạn tham khảo nha !

    I. CUỘC SỐNG TRÊN ĐẤT NƯỚC THỰC DÂN NỬA PHONG KIẾN ĐẦU THẾ KỶ XX 1. Chế độ thực dân nửa phong kiến Bước vào đầu thế kỷ XX, sau hơn 20 năm dốc sức vào việc đánh dẹp các phong trào yêu nước, tổ chức bộ máy cai trị, thực dân Pháp cơ bản đã làm xong công việc bình định. Đã đến lúc chúng có thể yên tâm chuyển sang khai thác thuộc địa, xây dựng trật tự mới. Với cái chết của Phan Đình Phùng (1896), phong trào chống Pháp dưới lá cờ Cần vương rầm rộ hàng chục năm ở hầu khắp các tỉnh cuối cùng đã chấm dứt. Ở vùng Nhã Nam, Yên Thế, tiếng gầm thét của “con hùm” Hoàng Hoa Thám đã vang xa, nhưng phong trào yêu nước chống Pháp đã mang nội dung khác và cuộc nổi dậy có thanh thế lớn cũng chỉ có tính chất cục bộ, địa phương. Khắp nước, trên các vị trí chiến lược, trên các đường giao thông thành lũy, đồn đài của quân thuộc địa, lính khố đỏ, khố xanh, pháo thủ, mật thám vẫn bủa ra. Những cuộc hành quân vẫn còn tiếp tục. Tuy vậy, năm 1902, Pôn Đu - me đã có thể báo cáo về nước: “Từ năm 1897 đến nay không hề có một tên lính nào chết vì trận mạc ở Đông Dương”. Trước cảnh thôn xóm bị triệt hạ, nhân dân xiêu tán, các văn thần khởi nghĩa người thì bị giết, người thì bị tù đày, người thì trốn tránh không dám về, người thì “bốc bản đạo chạy sang Chiêm sang Lào”, trước cảnh hoang vắng điêu tàn của đất nước ta, quân xâm lược đã có thể khấp khởi nhìn ra cảnh “thái bình” mà chúng mong ước. Từ năm 1887, Đồng Khánh đã ban đạo dụ liệt những người chống Pháp vào tội phản quốc. Bọn phản nước Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải, Lê Hoan được ban thưỏng những tước vị cao nhất, dưới danh nghĩa Khâm sai, dẫn đường cho Pháp đánh nghĩa quân. Cả bộ máy vua, quan, hào lý từ triều đình, tỉnh, huyện đến làng, xã biến thành tay sai cho bọn xâm lược. Chính quyền bản xứ đã nằm gọn trong tay thực dân Pháp. Khi phong trào Cần Vương đã thất bại, văn thần chống Pháp kẻ thì chết, kẻ thì trốn tránh, kẻ thì ra đầu thú, sống nơm nớp cái cảnh “nguyệt điểm” hàng tháng đến trình diện ở nhà tổng lý hay ở phủ huyện. Những người không làm gì được nhưng còn chút liêm sỉ lui về sống cảnh ẩn dật, bất đắc chí. Trong cảnh sống nghèo túng, bị o ép, giữ được khí tiết cứng cỏi, tấm lòng trong sạch đâu có dễ dàng. Tâm lý thất bại thừa nhận “việc lớn đã đi đứt” làm cho một số sống an phận, bất lực, cam chịu mà cũng làm cho một số khác vin vào đó làm cớ ra phục vụ cho ông chủ mới, vứt bỏ nốt những cái màu mè “nho phong”, “sĩ khí” mà giành lấy “chiếc lương tây” giúp họ sống giàu có sung sướng hơn. Không ít người trong số những bậc “cao khoa hiển hoạn”. “trâm anh thế phiệt” trước đây nịnh nọt, bợ đỡ cho quân cuớp nước, không từ chối cả những việc bỉ ổi. Danh giáo, cái cột sống của chế độ phong kiến trước đây đã sụp xuống. Bộ máy cai trị gồm Toàn quyền, Khâm sứ, Công sứ, có các cơ quan chuyên môn giúp việc, đặt đại lý (quan đồn) ở các địa phương, cưỡi trên đầu chính quyền Nam triều để “bảo hộ” nó. Biến vua quan thành những kẻ thừa hành hèn hạ, vua quan mà phần lớn là những bậc sĩ phu nhanh chóng biết tìm cách ngoan ngoãn đua nhau tỏ lòng tận tụy trung thành để cầu xin ân huệ. Họ bị tước hết mọi quyền hành thực tế. Chỉ cần học mấy tiếng Tây “vâng dạ”, “xin lỗi”, “cám ơn” là đủ làm được việc. Nhưng “hai chính phủ, được tổ chức lại theo lối hiện đại, chặt chẽ hơn, có quyền lực hơn, chi phối sâu và toàn diện mọi hoạt động, phá dần cái thế tự trị của làng xã ngày trước. Để tuyên truyền cho hòa bình chiến thắng, cho văn minh của nước Pháp, ngay từ năm 1886 Pôn Be đã bày tấn tuồng Hội đồng tư vấn, lắp cho nước bị xâm lược một mặt nạ dân chủ, lập viện hàn lâm Bắc kỳ, quét cho nó một nước sơn hòa bình bảo vệ và phát triển văn hóa. Đến đầu thế kỷ XX, cuộc bình định đã thành công, chúng tổ chức Hội chợ thuộc địa, xây dựng một số công trình lớn trang sức cho cảnh thái bình: nhà hát lớn, trường đại học, cầu Long Biên, cầu Tràng Tiền… Ngoài ý nghĩa thực tế là ý nghĩa lường gạt, uy hiếp về chính trị: cái vẻ đồ sộ, bề thế sừng sững của cái công trình đó vừa tuyên truyền cho sự tài tình của kỹ thuật Pháp, vừa phô trương sự cường thịnh của nước Pháp, đe dọa tinh thần người dân bản xứ đã mất nước mà không chịu khuất phục. Nhưng cái mà thực dân để tâm nhất, nóng ruột thực hiện nhất là khai thác xứ Đông Dương giàu có để bóc lột vơ vét về kinh tế. Trước khi Pháp xâm lược, kinh tế nước ta căn bản có tính chất tự nhiên với một nền nông nghiệp tự cấp, tự túc. Thủ công nghiệp tuy có nhiều ngành, đông thợ, phân bố khắp nơi và kỹ thuật khá tinh xảo nhưng do kinh tế hàng hóa chưa phát triển cao nên chỉ phát triển hạn chế ở mức phường bạn chứ chưa hình thành thủ công xưởng và chỉ đóng khung trong từng địa phương nhỏ hẹp. Thương nghiệp chỉ là buôn bán nhỏ, làm nhiệm vụ trao đổi hàng hóa trong từng vùng, từng mùa. Nghề buôn mành giữa các tỉnh, vì sức tiêu thụ, vì chính sách thuế khóa và nạn hối lộ, vì giặc giã nên kém phát triển. Việc buôn bán với nước ngoài bị chính sách bế quan tỏa cảng của triều đình ngăn chặn. Nên kinh tế nông nghiệp tự nhiên tự cấp tự túc của các hộ tiểu nông, trong phạm vi các làng xã kìm hãm mọi mặt phát triển. Thực dân Pháp chiếm được nước ta, giành lấy và xây dựng quyền thống trị về chính trị, dùng nó vào mục đích phát triển kinh tế theo lợi ích của chúng nhằm giành lợi nhuận cao nhất, bù vào chỗ thua thiệt vì chậm chạp, vì sa lầy vào chiến tranh trước đây. Chính sách kinh tế thực dân của chúng có thể tóm tắt là bán hàng hóa, khai thác nguyên liệu và cho vay lãi. Công nghiệp chỉ được phát triển “trong giới hạn không hại đến công nghiệp chính quốc” (Pôn Đume - Báo cáo ngày 23/3/1897), “đóng khung trong phạm vi cung cấp cho chính quốc những nguyên liệu hay những sản vật mà chúng ta thiếu” (Lời bộ trưởng Mê - linh, 1900, Giai cấp tư sản Việt Nam, trang 153). Chính sách đó có thể cụ thể hóa thành: - Độc chiếm thị trường, mua rẻ nông phẩm (chủ yếu là gạo, tơ tằm) và bán đắt công nghiệp phẩm chi nhân dân, độc quyền ngoại thương. - Độc quyền các ngành kinh doanh quan trọng từ khai mỏ, giao thông đến làm muối, nấu rượu. Độc quyền ngân hàng, đầu tư vào các ngành lợi cho việc vơ vét xuất khẩu. - Lợi dụng quyền thống trị về chính trị duy trì bộ máy quan liêu, cường hào và những luật lệ, chính sách sưu thuế phong kiến để ra sức chiếm đoạt ruộng đất tạo ra các vùng sản xuất hàng xuất khẩu (cao su, cà phê, gạo…), tăng cường bóc lột tô thuế sưu dịch, phá sản nông dân và thợ thủ công, tạo ra nguồn nhân công rẻ mạt phục vụ cho các công trình xây dựng khai thác của chúng. Kết quả của chính sách đó là nền kinh tế tự nhiên cổ xưa bị phân giải, sự lưu thông hàng hóa phát triển, tỷ trọng kinh tế tư bản chủ nghĩa tăng nhanh, nước ta bị xéo vào quỹ đạo chủ nghĩa tư bản những không được công nghiệp hóa mà lại biến thành một thị trường tiêu thụ và cung cấp nguyên liệu, hàng xuất khẩu cho thương nghiệp Pháp. Lợi nhuận vào túi tư bản Pháp còn nhân dân ta thì bị bần cùng hóa, phá sản trở thành nguồn nhân côn đông đảo và rẻ mạt cho các hãng buôn, các chủ thầu, chủ đồn điền của Pháp. Trong điều kiện ruộng đất bị chiếm đoạt tập trung trong tay thực dân Pháp và quan lại tay sai, nhân công thừa, rẻ mạt mà công nghiệp ở thành thị khồn đủ phát triển để thu nạp hết, kinh doanh theo lối phong kiến vừa tốn ít vốn, vừa thu lại được nhiều lợi, vừa nhàn rỗi, vừa chắc chắn. Phụ thuộc vào một nưóc tư bản, nước ta không được giải thoát khỏi sự trì trệ của nền kinh tế phong kiến. Tuy nước Pháp là một cường quốc tư bản chủ nghĩa nhưng chủ nghĩa thực dân Pháp không phá hoại kinh tế phong kiến mà ngược lại cho duy trì, thậm chí là củng cố nền sản xuất đó trên cơ sở phân phối ruộng đất mới, phân bổ sản xuất mới. Chế độ thực dân nửa phong kiến hình thành, tiếp tục kìm hãm sự phát triển của đất nước ta. Tuy vậy đối với tình hình trì trệ lâu đời của một xã hội phương Đông, không phải nó không gây ra những biến đổi lớn. Việc mở mang giao thông buôn bán, phát triển kinh tế hàng hóa tạo ra một thị trường thống nhất từ Bắc chí Nam, khách quan tạo thêm cơ sở để củng cố sự thống nhất của dân tộc đã hình thành từ lâu nhưng chưa thật vững chắc. Đi ngược xu hướng đó, thực dân Pháp lại ra sức thực hành chính sách chia rẽ: đặt ra chế độ chính trị, ban hành luật pháp khác nhau giữa ba kỳ. Nó phá chính sách bế quan tỏa cảng của triều đình nhà Nguyễn, làm cho Việt Nam tiếp xúc với thế giới, trước hết là Đông Á và châu Âu, đưa nước ta hòa vào cuộc sống chung hiện đại của thế giới. Ngược lại, xu hướng đó, thực dân Pháp chăng một hàng rào quan thuế làm cho Việt Nam thành cái đuôi của tư bản Pháp, chỉ có thể có quan hệ là quan hệ phụ thuộc với Pháp. Sự phát triển buôn bán và giao thông như thế làm mọc lên nhiều thành thị tư bản chủ nghĩa. Các hải cảng như Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng được xây dựng, các thành phố công nghiệp mới như Nam Định, Vinh mọc ra. Những đô thị cũ phát triển thêm. Các tỉnh lỵ, phủ, huyện lỵ, các chợ lớn cũng dần dần thu hút nhiều người từ nông thôn ra mà thành những thành thị, những thị trấn lớn nhỏ. Chính sách kìm hãm công nghiệp, duy trì kinh tế phong kiến làm cho thành thị chỉ thành những trung tâm thương nghiệp và tiêu thụ, không có tác dụng tích cực đẩy mạnh kinh tế nước ta theo hướng tư sản hóa. Sự xuất hiện thị trường thống nhất, sự xuất hiện các thành thị đông đúc đóng vai trò trung tâm kinh tế, sự tiếp xúc với phương Tây là những nhân tố rất mới. Tuy bị chính sách phản động của thực dân kìm hãm, nhưng nhân tố đó khách quan ngoài ý muốn của thực dân vẫn gây tác dụng tích cực đến sự phát triển của nước ta. 2. Sự biến động trong kết cấu xã hội Những điều kiện kinh tế chính trị trên đây gây ra một sự biến động trong kết cấu xã hội ta. Xã hội ta, trước khi Pháp sang là một xã hội phong kiến phương Đông. Trong xã hội đó, con người sống gắn bó với họ hàng làng xóm. Họ hàng nội ngoại không những gắn bó với nhau bằng tình máu mủ mà bằng cả một tổ chức có thứ bậc chặt chẽ, bằng cả một đạo lý có tính chất tôn giáo. Tình máu mủ được củng cố bằng những cơ sở vật chất, những nghi lễ, tập tục tạo thành những quan hệ ràng buộc, những trách nhiệm tinh thần, cố kết bà con họ hàng thành một đơn vị che chở đùm bọc lấy nhau theo tinh thần “chết cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”, “một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Họ hàng hầu như thành đơn vị của làng xã. Làng xã có ruộng đất riêng, thành hoàng riêng, phong tục luật lệ riêng. Trong xóm trong làng đi lại với nhau “tắt củi tối lửa có nhau”, ma chay, cưới hỏi dựa vào nhau tạo thành một thứ tình làng xóm cố kết nhau lại. Làng xã có tính chất tự trị là đơn vị về kinh tế và hành chính của chính quyền trung ương. Chính quyền trung ương tập trung chuyên chế, dựa vào bộ máy quan liêu và quân sự để duy trì sự thống trị, bắt thần dân theo đơn vị làng xã nộp thuế và đi phu. Chính quyền thuộc về một dòng họ. Triều đình, quan lại là thân thuộc, tôi tớ của dòng họ cầm quyền. Vua quan và họ hàng của họ - quốc thích và vương thần – trở thành một tầng lớp quý tộc có đặc quyền, chia nhau hưởng số tô thuế và các quyền lợi chính trị, tinh thần khác được phân phối theo thứ bậc thân, sơ, trên, dưới. Cả hệ thống đó - về mặt nhà nước là chính quyền, về mặt xã hội là đẳng cấp, về mặt máu mủ là họ hàng – thống trị “tứ dân”, bốn tầng lớp nhân dân: sĩ, nông, công, thương. Nông, công, thương mà quan trọng nhất về số lượng cũng như về vai trò kinh tế là nông dân, cách này hay cách khác đều bị khinh rẻ, đều bị áp bức, đều bị bóc lột. Đó là những tầng lớp bị trị. Tứ dân do sĩ đứng đầu. Sĩ - nhà Nho - có thể coi như một đẳng cấp đặc biệt. Họ tự nhận và được xã hội thừa nhận, là kẻ “cầm chính đạo”, truyền bá “giáo hóa” của triều đình cho nhân dân; trong một nước tôn giáo không có giáo hội, không có nhà thờ, không có tầng lớp giáo sĩ có đặc quyền - Phật giáo và Đạo giáo chỉ có các chùa quán có tính chất địa phương, có ảnh hưởng từng vùng và không gắn một cách hợp pháp với chính quyền – nhà Nho trong đời sống tinh thần của nhân dân, có trách nhiệm “chăn dắt” như người giáo sĩ. Nhà Nho đỗ đạt ra làm quan và nếu không làm quan thì cũng thành thân hào, được hưởng những đặc quyền kinh tế và tinh thần, trở thành thân hào. Thân hào là một thứ quý tộc ở nông thôn, một thứ quý tộc không phải do dòng máu, không phải theo tài sản, có uy quyền tinh thần và bóc lột siêu kinh tế. Sĩ là tầng lớp không có nhiều đặc quyền nhưng không thuộc nhân dân lao động. Nó là một đẳng cấp xã hội đặc biệt trong tứ dân. Địa chủ và phú nông là những tầng lớp bóc lột và trong điều kiện ruộng đất ít, chúng bóc lột bằng nhiều cách rất nặng, nhưng nếu không phải là có học, thuộc gia đình dòng dõi có quyền thế của thân hào mà chỉ là “trọc phú” thì không những không có đặc quyền gì mà nhiều khi còn trở thành đối tượng bóp nặn, làm tiền của thân hào và quan lại. Sự đối lập chủ yếu trong xã hội là: sự đối lập quyền thế địa vị giữa vua quan và dân. Ruộng đất về danh nghĩa là của vua về thực tế một số khá lớn là ruộng công. Quyền thế và địa vị là điều kiện để được phân phối ruộng hưởng thụ rộng rãi quyền lợi ruộng đất. Đó là công cụ chủ yếu để áp bức bóc lột. Trong xã hội đó có sự đối lập giữa nông thôn và đô thị, không phải là sự đối lập giống như trong xã hội tư sản. Khắp nước là nông thôn, là những làng bản ẩn nấp trong lũy tre xanh có cổng làng đóng kín, là vô số những đám ruộng đất manh mún, là những đình chùa đền miếu, thần hộ vệ dân làng. Người nông dân không mấy ai đủ ruộng đất cày cấy phải lĩnh canh, phải làm thuế, phải làm nghề phụ, hết mùa cày cấy phải bỏ làng đi kiếm ăn xa nhưng dầu có đi đến đâu thì ngày giỗ, ngày tết họ cũng phải tìm về, không dứt được sự gắn bó với họ hàng làng nước. Đô thị là nơi thủ phủ về chính trị, văn hóa, nơi tập trung kho lẫm, quân đội. Ở đô thị có cung thất, dinh thự, phủ đệ của quý tộc. Đô thị cũng là nơi tập trung những thợ thủ công khéo tay, những con buôn, sống thành phố phường. Nhưng đây chỉ là những chợ lớn trao đổi hàng hóa có tính chất địa phương, công thương nghiệp phố phường chủ yếu cũng chỉ nhằm cung cấp nhu cầu xa xỉ cho bộ máy quý tộc quan liêu và gia đình họ. Nó phụ thuộc vào cung đình chứ không có ý nghĩa trung tâm kinh tế đầy đủ. Sinh hoạt đô thị có khác nông thôn nhưng nhân vật trung tâm trong cuộc sống đó vẫn là các nhà quyền quý, các công tử tiểu thư cành vàng lá ngọc, xe kiệu, võng lọng, cao đạo oai nghiêm, cậy quyền cậy thế, đi lại có kẻ hầu người hạ rậm rịch chứ không phải là người tư sản, hợm hĩnh cậy của. Thực dân Pháp sang nước ta thì điều đầu tiên là phải có những người bản xứ làm môi giới kiếm giúp chúng thức ăn vật dùng, giúp chúng giao thiệp buôn bán, giúp việc cho các hãng buôn, làm công chức cho bộ máy cai trị. Những con buôn chạy việc cung cấp thức ăn vật dùng cho trại lính, chạy việc mua hàng, bán hàng, những thông ngôn, ký lục giúp việc giao thiệp, giấy tờ là những nhân vật đầu tiên, sau đó đến những me tây, những ông thầu khoán, những người học trò các trường thông ngôn, hậu bổ. Những người “Tham đồng bạc trắng con cò Bỏ cha ***** đi phò lang sa” ấy tập hợp đông dần quanh quân xâm lược nước ngoài, là lớp thị dân đầu tiên của các thành phố nhượng địa. Kinh tế hàng hóa kích thích sự phát triển của công thương nghiệp, làm cho thành thị phát triên, làm xuất hiện nhiều nhu cầu mới, nhiều nghề mới. Thành thị thu hút ngày càng nhiều những người dân chạy loạn, những người nông dân phá sản và cả những người khác bỏ nông thôn ra thành thị mong kiếm ăn dễ dàng hơn. Lớp thị dân trong các thành phố nhượng địa – ngoài quyền hạn của triều đình – là những lớp dân mới ngoài “tứ dân”, có quan hệ với chính quyền khác trước và quan hệ với nhau cũng khác trước. Họ đã thành những cá nhân trước pháp luật bảo hộ, ít nhiều có quyền tự do của đời sống thành thị tư sản. Đối với lớp dân mới đó, họ hàng, làng xã, đẳng cấp không còn nhiều ý nghĩa nữa. Nhưng trong thành phố nhượng địa thương nghiệp và thuộc địa cũng không hề có người chủ xưởng, người cướp biển phiêu lưu, nhà khoa học, kỹ thuật, nhà nghệ sĩ tự do, người trí thức dân chủ… của các thành thị châu Âu dưới thời phong kiến trước đây. Chính sách kinh tế của thực dân tuy có kích thích nhưng chủ yếu là kìm hãm công nghiệp phát triển. Giai cấp tư sản từ các từng lớp thị dân như thế phát triển dần lên không thành những nhà công thương dân tộc. Muốn vững chân họ vừa phải bám vào thực dân, vừa phải bám vào ruộng đất ở nông thôn. Đáng lẽ họ phải đối lập với chế độ phong kiến để phát triền thì ngược lại họ tìm cách kiếm chút phẩm hàm, tìm cách dựa dẫm quyền thế, tậu vườn tậu ruộng để có chỗ đứng vững chắc ở nông thôn. Sự xác xơ của làng xóm, sự phá sản của nông nghiệp, sự xuất hiện các thành thị đòi chiều hướng lưu tán của người nông dân, xô đẩy họ ùn ra thành thị. Nhưng ở thành thị đông đúc, người khôn của khó, có nhiều nghề cũng không dễ kiếm ăn. Những người nông dân, thợ thủ công phá sản đáng lẽ làm đội quân hậu bị cho công nghiệp thì ngoài một số nhỏ trở thành công nhân nhà máy, hầm mỏ hoặc đi phu làm đường, làm đồn điền; phần lớn còn lại biến thành những anh bồi, anh xe, những vú em, con sen, những người buôn thúng bán mẹt và không ít trở thành gái điếm, lưu manh. Một tầng lớp tiểu tư sản dân nghèo đông đảo, phình to mãi ra, sống một cách bấp bênh ở thành thị, cùng nguồn gốc và không dứt được dây mơ rễ má với lớp dân nghèo ở nông thôn sống bữa đực bữa cái, không ngớt từng mùa đi tha phương kiếm việc làm ăn. Đó là nét biến động cơ bản của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX. Hai kiểu kết cấu xã hội đó cùng tồn tại, cùng được cả thực dân và phong kiến chấp nhận, được thực dân bảo vệ tương ứng với vị trí của nó trong thể chế xã hội mà quyền lợi của chúng đòi hỏi duy trì. Nhưng những giai cấp, đẳng cấp trong đó không ngừng xâm nhập lẫn nhau, chuyển hóa lẫn nhau, biến động tùy thuộc vào những chính sách cụ thể của thực dân và theo phương hướng tư sản hóa của cả đất nước nói chung. Thực dân muốn lợi dụng tình hình lạc hậu về kinh tế và những phương thức bóc lột trung cổ, những tổ chức có sẵn để ổn định việc cai trị, thu được nhiều lợi nhuận nhưng bản thân cả chế độ phong kiến và những con người của chế độ đó lại cản trở cho việc phát triển kinh tế hàng hóa mà nó cần đến. Muốn nắm chặt thuộc địa, nó cần nắm chắc chính quyền các cấp và kiểm soát chặt chẽ nhân dân. Nó cần có một bộ máy cai trị trung thành và đắc lực. Nó cần tạo được một cơ sở xã hội thích hợp với chế độ của chúng, gắn bó với quyền lợi của chúng. Tuyệt đại đa số nông dân ở nông thôn xưa nay vẫn chịu ảnh hưởng tinh thần của thân sĩ Nho sĩ, đã từng là lực lượng chống đối lại sự xâm lược của chúng một cách ngoan cường trong nhiều năm. Không những thực dân đã đàn áp, chém giết, khủng bố để khuất phục, chiếm đoạt, tăng cường bóc lột để giảm nhẹ chi phí cho chính quốc, tăng thu nhập cho ngân sách thuộc địa, đã bần cùng hóa phá sản nông dân mà còn cần phải ly khai nông dân khỏi ảnh hưởng của thân sĩ Nho sĩ. Đối với tầng lớp thân sĩ, Nho sĩ là tầng lớp có cội rễ và có uy tín ở nông thôn, có uy quyền cả với bọn hương lý – về danh nghĩa là chính quyền địa phương, là lực lượng hậu bị của bộ máy quan lại gắn bó với Nam triều, thực dân Pháp vừa mua chuộc, vừa hạ uy thế vừa uy hiếp, khuất phục. Phần lớn vì thế đã mang tâm lý thất bại chủ nghĩa, thất vọng đầu hàng và mất uy tín. Để thay thế họ trong bộ máy nhà nước, thực dân mở các trường hậu bổ, trường Pháp Việt, trường cao đẳng đào tạo những người tây học, cải cách thể lệ thi hương, thi hội, tạo điều kiện cho bọn tay sai, cho những người có tây học chiếm lấy các danh vị ông nghè ông cử. Những ông thông, ông phán, những người đậu đạt tây học, những ông nghè ông cử “mới” được triều đình phong tặng hưởng những ưu đãi về vật chất và tinh thần mà các danh vị ấy cho phép, thay thế dần vị trí các văn thần xuất thân từ Nho học. Chính sách của thực dân tác động đến lớp quý tộc thân hào. Muốn giữ chặt quyền lợi, địa vị, bọn chúng ra làm việc cho Pháp, cho con học trường Pháp, gửi con du học tận bên Pháp, bỏ tiền mua cổ phần, mở cửa hiệu buôn bán và dần dần cũng có cả hai chân ở nông thôn và thành thị. Thượng lưu nhân vật trong xã hội tức là những cụ Thượng, quan Bố, ông nghè, ông tham “hèo hoa gươm bạc, tán tía lọng xanh” đầy thế lực chuyển sang là những quan Thông, những cô Tư Hồng, những ông ký Bưởi, rồi đến ông chủ bút, nhà học “giả kính trắng” Phạm Quỳnh và ở nông thôn thầy chánh, thầy lý, ít lâu trước đó còn là người chạy việc, khúm núm, vâng dạ nghe theo các thân sĩ, nay bỗng trở thành người có quyền hành thực sự, được quan sứ, quan đồn bênh vực, giúp đỡ, cho tậu ruộng, chiếm vườn, xây dựng dinh cơ, chẳng bao lâu nữa cũng thành ông Nghị cầm ba – toong, đội mũ dạ, mặc âu phục và … đi ô tô hòm. Trong xã hội đó không phải không có những ông “trưởng giả học làm sang”, những vị “hầu tước dơ dáng đại hình”, nhưng trong vòng tay của ông chủ thực dân, nhà tư sản và nhà quý tộc sống với nhau êm ả, không xung khắc. Người tư sản biết quý mảnh sắc phần hoàng của triều đình và cả cái thủ lợn ở chốn đình trung mà nhà quý tộc cũng biết kính trọng cái túi căng phồng mà tìm cách ve vãn. Vả nông thôn và thành thị đi đến nhất thể hóa, mà nhất thể hóa theo hướng tư sản. Xã hội Việt Nam chuyển mình một cách đau đớn nhục nhã sang hướng tư sản, một xu hướng tư sản kém lành mạnh nhất, què quặt nhất, để lại những hậu quả tai hại nhất, nhưng điều đó cũng lôi kéo các mặt khác phát triển: thay đổi bộ mặt thành thị, thay đổi kết cấu xã hội, làm mất thế lực nhiều lực lượng bảo thủ trì trệ, tạo điều kiện cho cái mới - sau khi đã thay da đổi thịt, biến hóa - có điều kiện từ thành thị tỏa về nông thôn chi phối sự phát triển theo kiểu các xã hội hiện đại. 3. Cuộc sống, tâm trạng đổi thay. Những vấn đề của xã hội Những sự đổi thay như thế về chính trị, kinh tế, xã hội càng nhày càng củng có vị trí của thực dân, khẳng định, bình thường hóa những cái xấu xa, những cái trái mắt của quân cướp nước, của phương Tây, của xã hội tư sản mà thực dân mang vào cuộc sống của ta. Người ta phải sống với nó, bắt buộc phải thích ứng với nó và không phải không quen dần. Lúc đầu Tú Xương chế giễu: Khăn là bác nọ to tày rế Váy lĩnh cô kia quét sạch hè Công đức tu hành, sư có lọng Xu hào rủng rỉnh mán ngồi xe. Cái lố lăng, hợm của, trái tôn ti trật tự ấy trông chướng tai gai mắt, gây ra bất bình phản ứng không phải cho riêng ai mà cho cả xã hội vốn tôn trọng tục lệ, tôn trọng lễ giáo, phân vị trên dưới. Nhưng về sau, khi quyền của “kẻ có của” được thừa nhận, sự hưởng thụ thú vui vật chất được coi là quyền lợi tự nhiên - lễ giáo tục lệ lùi bước - thì cái ngon, cái đẹp, cái tiện lợi, cái hào nhoáng trở thành có sức hấp dẫn. Người ta không chê việc “… làm ông Phán Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò” nữa Những người luống tuổi đua nhau đi học, các bậc cha mẹ thúc dục con cái đi học, kiếm lấy ít vốn liếng chữ Tây và hãnh diện về cái chức thông phán. Cả những cái còn xa lạ hơn sâm banh, sữa bò, kiếm được bằng những cách nhục nhã hơn, tội lỗi hơn đã lại gây ra thèm muốn ước ao. Cái quan trọng không phải chỉ là chỗ thay đổi sự thích thú, ở chỗ bình thường hóa việc ăn bơ sữa, mặc ngắn gọn, bắt tay để chào hỏi nhau, mà cái quan trọng là đồng thời với sự thay đổi trong cuộc ống bình thường đó, là sự thay đổi của cả cuộc sống tinh thần, cả tâm lý, cách suy nghĩ. Trong xã hội xuất hiện những vấn đề mới và cách nhìn, cách giải quyết các vấn đề đó theo cách khác. Thành phố mới đã thành nơi Nhà ngói bát úp đường bàn cờ Đèn điện sao sa, nước máy dội Những con cò, con vạc không còn những lùm cây um tùm để đêm về đỗ bên hồ Hoàn Kiếm, và cũng không còn mấy người như Nguyễn Khuyến để chú ý đến nó, than thở cho nó. Người ta bận rộn về những cái khác. Trong cuộc sống Người đủ hạng người, trò đủ trò Đua nhau thanh lịch cũng lắm lối Những của ngon vật lạ hàng ngày tràn về, những nhà hát lộng lẫy, những quán trà lịch sự lôi cuốn, báo chí không ngớt đăng giá cả, tin tức kinh doanh. Người ta cần hưởng thụ, cần tiền, cần tính toán chạy vạy. Cuộc sống sôi động, chen chúc, phức tạp đòi hỏi người ta phải nhanh chóng gọn ghẽ, luôn luôn động. Để chạy theo tốc độ của chiếc xe ô tô của Pháp, chiếc xe tay gọng đồng sáng loáng thay cho chiếc cáng cồng kềnh, chậm chạp, cổ lỗ. Những cô gái đã không quý môi trầu cắn chỉ, chiếc nón quai thao, đã để răng trắng, rẽ tóc lệch, ăn diện, làm dáng theo lối mới. Người đàn ông nhanh chóng sắm “áo hàng Tàu, khăn nhiễu tím, ô lục soạn xanh”, rồi lại bỏ nó để sắm âu phục. Hàng hóa châu Âu từ thành thị tràn về nông thôn. Chiếc đèn Hoa Kỳ rồi chiếc đèn Măng - sông chói sáng bên cạnh cọc đèn dầu lạc leo lét. Bàn tiện, tủ chè, không chạm tùng hạc mai lộc, bát tiên tứ quý nữa mà chạm cành nho con sóc thay thế dần những phản gụ sập lim. Bộ sa - lông, cái đồng hồ quả lắc chiếm chỗ trong gian giữa nhà trên, được gọi thành phòng khách của ông bá hộ ở nông thôn. Những bộ đồ mới lạ ấy dồn chỗ cho những hương án, bàn thờ, câu đối, hoành phi, được xếp bên cạnh, có khi là đuổi thẳng cái án thư, bộ tràng kỷ xuống nhà xép, nhà ngang. Cái mới tập trung ở thành thị nhưng không chỉ đóng khung ở thành thị, nó đổi thay cả cuộc sống ở nông thôn, căn cứ địa của nhà Nho và người nông dân, những người vốn trung thành với cái cổ truyền nhất. Không phải người ta chấp nhận dễ dàng sự thay thế đó. Thực dân Pháp chỉ muốn giành cho kẻ thua trận một con đường: đầu hàng khuất phục, chỉ chấp nhận ở họ một thái độ: cam chịu. Nhưng nhà Nho và người nông dân, dẫu càng ngày càng thất thế, càng bi quan, vẫn không ngừng phản kháng. Họ có nhiều cách chống lại, tích cực có, tiêu cực có. Ở nhiều nơi, những người Cần Vương sống sót vẫn ẩn nấp trong nhân dân, đi về bí mật như những kẻ du hiệp, mong thổi lại đốm lửa trong đống tro tàn. Ở Yên Thế, Hoàng Hoa Thám vẫn xây dựng đồn lũy. Ở Quảng Nam, Nguyễn Hàm vẫn giữ một cái trại ngầm thu nạp hào kiệt. Người thi đỗ cố từ không chịu ra làm quan. Người làm quan từ chức bỏ về. Dầu vua Hàm Nghi đã bị đày, Đồng Khánh rồi Thành Thái đã lên ngôi từ lâu, không ít người vẫn dùng niên hiệu Hàm Nghi để tính năm tháng. Người ta bài bác bộ âu phục “cộc lốc”, đôi giày “lộp cộp” lấc láo, chữ Tây khó nghe, không có nghĩa lý, không trang nhã, không quý không đẹp như chữ nghĩa thánh hiền, người đi học phải “liếm đít bát cho mỏng lưỡi đi mới đọc được”, những nhà gia giáo cấm con cháu mặc đồ tây, nói tiếng tây trước mặt cha anh. Nhưng cái mới, cái đẹp, cái tiện lợi vẫn có sức mạnh của nó. Ưu thế của cái dân tộc, của tình cảm thiêng liêng với cha ông, của đạo nghĩa thánh hiền cũng không lấn át được. Dần dần cái mới chinh phục được cả những người khó tính, nệ cổ. Khi tìm ra trong những của mới lạ ấy phương tiện để trang sức thêm cho sự oai nghiêm của cuộc sống phong kiến cổ lỗ nặng nề, những người quyền quý giàu có mua gấm vóc để may mặc, xe cộ để đi lại, mua đồ sứ, đồ pha lê trang hoàng nhà cửa, trân thiết nhà thờ. Những họa tiết trang trí, cả nghệ thuật chạm trổ, xây dựng làm cho quy mô xây dựng nhà cửa, phủ đệ, nhà thờ, sinh phần to lớn lộng lẫy hơn. Những nhà Nho cũng thấy đèn Hoa Kỳ nhẹ hơn, tiện hơn, sáng hơn đèn dầu lạc. Vải cát bá nhẹ hơn, mát hơn vải thô dệt tay. Một ông đồ chít khăn lượt, đi guốc cao, để móng tay dài khó mà giữ được cái dung mạo trang nghiêm cung kính khi ngả lưng vào chiếc “phô - tơi” hiện đại, nhưng khi đã đội khăn đóng, mặc áo sa, đi giày da thì họ thấy ngay sự thoải mái mà những bàn ghế, xe cộ hiện đại đưa lại là thú vị. Không ai có thể đuổi nó hay tính đến chuyện đuổi nó ra khỏi cuộc sống mà ngược lại chỉ tính chuyện sửa đổi mình cho thích hợp trong cuộc sống với những cái mới đó. Không phải chỉ người nông dân phá sản chạy ra thành phố mà các nhà Nho cũng di ra thành phố, Dần dần họ thành người thành thị hóa, tiểu tư sản hóa. Cái ranh giới của địa vị, gia thế bị xóa bớt. Một ông nghè có thể ra đứng chủ trì một hội buôn. Một ông quan có thể ra ngồi bốc thuốc ở hiệu, một cậu ấm có thể ra viết tuồng, đạo diễn tuồng mà không cảm thấy mất thể diện. Dần dần chính họ lại tập hãnh diện với những mánh khóe trong nghề buôn bán làm ăn. Họ quan niệm nghề buôn, việc làm giàu theo triết lý cạnh tranh sinh tồn chứ không phải với thái độ khinh bỉ nghề “trục mạt” như lời thánh hiền ngày trước. Lớp nhà Nho trẻ mới lên, sống cuộc sống mới đó, có phương tiện “vừa ra Bắc đó lại vào Nam”dần dần mở rộng tầm mắt thấy ra nhiều cái mới lạ không phải chỉ của những nước khác mà cả của đất nước mình, họ thấy được cái chật hẹp, những chỗ yếu của chính mình. Trong số đó xuất hiện những người xông xáo - có chí “hồ hải” - trái với bản tính Nho gia, như loại Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân… Trước khi người tư sản dân tộc có ý thức giành lấy quyền làm chủ cuộc sống đáng lẽ thuộc về họ, thì những nhà Nho này, nhờ uy tín xã hội, nhờ khả năng về văn hóa đã đóng hộ họ vai trò nhà tư tưởng của giai cấp mới. Theo quan niệm của mình và với phương tiện mình có, họ nhìn và giải quyết những vấn đề mới của thời đại. Thực tế lớn nhất của cuộc sống là đất nước đã mất vào tay quân giặc, làm nghẹn thở cả dân tộc. Một thực tế nữa cũng lớn nhất là nếu ở thành thị thì càng thấy rõ là đất nước đang đi vào con đường tư sản hóa. Cho nên thực tế đặt ra vấn đề chống Pháp cứu nước giành độc lập mà cũng đặt ra vấn đề duy tân, đi theo Âu Mỹ, theo kịp các nước văn minh. Vấn đề cứu nước, vấn đề duy tân đều được đặt ra từ thế kỷ trước nhưng đến nay phải nhìn lại trong hoàn cảnh mới. Không những kinh nghiệm thất bại vừa qua cho phép rút ra nhiều bài học mà những điều tai nghe mắt thấy ở thời này cũng cung cấp cho người ta nhiều điều kiện để thấy vấn đề thiết thân hơn. Phải có dân đứng lên mới cứu nước được, phải giàu mạnh mới đánh Pháp được. Phải duy tân mới độc lập được. Nhưng với vốn tri thức và cách suy nghĩ của nhà Nho, lúc đó chưa ai có điều kiện để hiểu cái mới - mà mỗi người nhìn một cách - thật sâu xa. Theo cái mới là theo con đường của kẻ thù. Thực dân Pháp chẳng đã khoe khoang những việc làm của chúng nhằm mục đích khai hóa, truyền bá văn minh, ban ơn cho thuộc địa đó sao? Quá nửa những việc chúng làm là xấu xa tàn ác, và hầu hết là trái với phong tục tập quán của dân tộc. Không phải duy tân và yêu nước đã kết hợp với nhau. Không dễ dứt bỏ cái của cha ông, của dân tộc, của thánh hiền để theo cái mới. Có người ghét Pháp, cự tuyệt mọi cái mới. Có người cho duy tân là tất cả, lầm lẫn những việc Pháp làm cũng là duy tân. Duy tân là cả một cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa cái dân tộc và phản dân tộc. Ở giữa hai thái độ cực đoan đó là những quan niệm mơ hồ yêu nước và duy tân ở những phạm vi khác nhau, ở mức độ khác nhau. Kết hợp yêu nước và duy tân trong thực tế không phải là chuyện dễ dàng và xác định cái mới nào là cái mới cần cho dân tộc cũng không phải một lúc đã làm ngay được. Nhưng cái mới vẫn cứ thâm nhập bất chấp mọi sự chọn lựa. Nó chi phối sự suy nghĩ, tác động đến tâm lý xã hội. Trong cuộc đổi thay như vậy - một cuộc đổi thay mà bất cứ một cuộc “bể dâu” nào trước đây cũng không thể so sánh - có nhiều con người khác trước, nhiều quan hệ khác trước, nhiều chuyện khác trước. Cuộc sống tràn ra ngoài khuôn khổ luân thường và nhân tình thế thái, mà trở thành một cuộc sống xã hội cụ thể, đa dạng và sôi động. Sự êm ấm của lòng từ hiếu, cung thuận trong gia đình không giữ được người con dưới gối cha mẹ; tình làng xóm quê hương với cái rộn ràng của hội hè đình đám không fiữ chân được chàng trai sau lũy tre xanh. Bước ra khỏi khuôn khổ chật hẹp yên lặng đó, người ta phải tỉnh táo, tính toán, vật lộn trong tình thế “khôn sống, vống chết” của một quan hệ lạnh lùng “tiền trao cháo múc”. Người ta phải tự ý thức, phải sống, suy nghĩ, mơ ước cho riêng mình trong những điều kiện của một xã hội phức tạp rộng lớn. Chính sự đổi thay, sự đấu tranh ấy tạo ra những con người khác trước, đặt ra những vấn đề thành đề tài văn học khác trước, những nhân vật văn học, những suy nghĩ cảm xúc mà ta sẽ gặp trong văn học thời kỳ này. Những bài thơ ngâm chậm rãi từng câu bên chiếu rượu, những câu hò hát khoan thai của những buổi dêm trăng khó gây hào hứng quyến rũ. Văn học phải là văn học của những con người cụ thể và của một xã hội động. II. TÌNH HÌNH CHUNG CỦA SỰ PHÁT TRIỂN VĂN HỌC Sự đổi thay trong thực tế xã hội phản ánh vào văn học, kéo theo sự đổi thay trong văn học. Xã hội thực dân nửa phong kiến hình thành qua một quá trình đấu tranh giữa ta và địch, tranh chấp giữa cái mới và cái cũ. Song song với nó hay đúng hơn là tương ứng - vì là nó phản ánh - với quá trình đó là một cuộc cạnh tranh Âu Á về văn học. Thực dân Pháp đã du nhập văn hóa Pháp để đẩy lùi, chiếm chỗ, thay thế văn hóa cổ truyền của ta, mà ta phản kháng lại sự xâm nhập, nô dịch đó để bảo vệ văn hóa của dân tộc, đồng thời cũng bắt chước, chọn lọc, tiếp thu cái mới, chịu ảnh hưởng của cái thống trị, dần dần hưởng theo nền văn hóa mới một cách không cưỡng lại được. Kết thúc giai đoạn đấu tranh quân sự và chính trị, một bên chỉ còn một vũ khí là văn học và một bên phải chuyển sang dùng vũ khí văn học để tiếp tục chinh phục. Hai bên đều sử dụng văn học và đều muốn giành giật lấy vũ khí đó. Những nhân tố đối lập nhau cùng tác động ảnh hưởng đến cảm xúc, suy nghĩ của mọi người trong cuộc sống, ảnh hưởng đến người sáng tác, quá trình sáng tác. Bên cạnh những nhà Nho vẫn tiếp tục làm thơ làm phú, người nông dân vẫn tiếp tục ca, vè, hò, hát, nền văn học cũ vẫn tồn tại khắp nước; một lớp nhà văn kiểu mới, một nền văn học có tính chất khác trước xuất hiện tạo thành một cảnh tượng giao thời giữa hai nền văn học. Cả giai đoạn 1900 - 1930 có nhiều sự kiện văn học, nhiều tác giả tác phẩm đánh dấu từng bước của quá trình đấu tranh, phát triển, tranh chấp giữa hai thứ văn học cũ và mới trong giai đoạn có tính chất giao thời đó.
      bởi Huỳnh Phương Ngân 28/01/2019
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON