YOMEDIA
NONE

Nghị luận bàn về thái độ thiếu khiêm tốn, giấu dốt trên cơ sở truyện cười Tam đại con gà?

Nghị luận bàn về thái độ thiếu khiêm tốn, giấu dốt trên cơ sở truyện cười Tam đại con gà?

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (1)

  • Kho tàng truyện cười Việt Nam được chia làm hai loại là truyện khôi hài và truyện trào phúng. Truyện khôi hài nhằm mục đích giải trí là chính, tuy vậy nó vẫn có ý nghĩa giáo dục nhẹ nhàng. Truyện trào phúng có mục đích đả kích, phê phán những thói hư tật xấu của người đời, của các nhân vật thuộc tầng lớp trên trong xã hội phong kiến xưa kia như thói tham lam, tự cao tự đại, hay khoe khoang, thiếu khiêm tốn, giấu dốt… Truyện Tam đại con gà là một ví dụ tiêu biểu.

    Thế nào là tính thiếu khiêm tốn? Thiếu khiêm tốn là không có ý thức và thái độ đúng mức trong việc tự đánh giá bản thân; luôn tự mãn, kiêu căng, cho mình là thông minh, tài giỏi hơn người. Tính thiếu khiêm tốn thể hiện như thế nào?

    Tuổi trẻ có sức khoẻ, có năng lực học tập và lao động nhưng thường chủ quan, tự hào về mình quá mức thành ra kiêu căng, tự mãn. Sự kiêu căng nhiều khi khi bộc lộ qua lời nói, qua những hành động cảm tính, nông nổi: Tuổi mới lớn hăng hái nhưng bồng bột, tự tin nhưng hiếu thắng, cho rằng mình lúc nào cũng hay, cũng đúng, cái gì mình cũng có thể làm được mà không cần đến kiến thức và kinh nghiệm.

    Niềm tin, sự khẳng định, lòng tự hào của tuổi trẻ là những điều cần thiết trên con đường mưu sinh và tạo dựng sự nghiệp của mỗi cá nhân, bởi chính những yếu tố đó tạo nên ý chí, nghị lực và sức mạnh. Như những cánh chim bằng, tuổi trẻ muốn được thử sức với trời cao, biển rộng. Với suy nghĩ của tuổi trẻ thì đỉnh cao nào cũng có thể chinh phục được và mọi khó khăn đều không đáng ngại. Tuy nhiên, sự tự tin, tự hào phải được xây dựng trên cơ sở là đức và tài thì nó mới vững chắc và mang tính khách quan. Ngược lại, nếu tự đánh giá về mình một cách chủ quan thì sẽ dẫn đến ảo tưởng, mà ảo tưởng là mảnh đất tốt cho thói kiêu căng, tự mãn nảy nở và phát triển.

    Người xưa nói: Khôn đâu đến trẻ, có nghĩa là tuổi trẻ mới bước vào đời chưa va vấp nhiều nên thiếu kinh nghiệm sống. Tuổi tác sẽ đem lại cho con người nhiều bài học bổ ích và nhận thức của con người chỉ có thể chín chắn dần cùng với vốn hiểu biết ngày càng sâu rộng, hay nói cách khác là sự từng trải.

    Ở tuổi ba mươi (tam thập nhi lập), con người đã trưởng thành rất nhiều về mọi mặt. Sự bồng bột, hiếu thắng của tuổi thanh niên dần lắng xuống, dịu đi. Cách nhìn đời, nhìn người cũng đổi khác, thận trọng hơn, khách quan hơn. Những gì là cảm tính ban đầu được thay thế bằng lí trí, bằng kinh nghiệm học hỏi, tiếp thu được trên đường đời.

    Ở tuổi năm mươi, sáu mươi, mọi việc của đời người mới rõ ràng. Nhờ sự trung thực, lý trí sáng suốt và lòng dũng cảm, con người mới có thể cảm nhận đầy đủ về bản thân và có những đúc kết đúng đắn về cuộc đời mình. Lúc ấy, đức khiêm tốn mới chiến thắng sự kiêu căng, tự phụ.

    Như vậy, tính khiêm tốn cũng thay đổi theo quy luật của sự tự nhận thức. Con người cần phải có thời gian để suy nghĩ, tự đánh giá mình và mọi người. Sự trải nghiệm càng lâu dài thì nhận thức về con người và thế giới xung quanh càng đúng đắn và sâu sắc. Tuy nhiên khi tuổi đã cao, lực bất tòng tâm, quỹ thời gian của cuộc đời đã gần hết thì có khiêm tốn cũng chẳng còn tác dụng là mấy. Vì vậy, nếu tuổi trẻ mà có đức khiêm tốn thì chúng ta sẽ học và làm được nhiều việc tốt, khả năng thành công trong sự nghiệp là rất lớn.

    Tính khiêm tốn đi đôi với sự nhẫn nại mà dân gian thường gọi là chữ nhẫn. Đây là yếu tố đầu tiên để dẫn đến thành công cho mọi người trong thời đại đất nước mở cửa hiện nay. Chẳng hạn: Học sinh khi làm bài bị điểm kém thì phải hỏi thầy cô, bạn bè để tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục. Người nông dân trồng lúa năng suất thấp phải xem lại các thành phần “nước, phân, cần, giống” đã đúng chưa? Gia đình còn nghèo thì phải phân tích nguyên nhân vì đâu và tìm cách thoát nghèo. Nghĩa là phải khiêm tốn học tập và làm việc hết mình, không nên cho rằng mình cái gì cũng giỏi, cái gì cũng biết.

    Chúng ta hãy bàn đến cái dốt vì cái dốt liên quan chặt chẽ đến thói thiếu khiêm tốn, lười học hỏi. Dốt là từ dùng để nói về con người kém thông minh, chậm hiểu, chậm tiếp thu. Dốt đặc là hoàn toàn không biết một tí gì. Ví dụ: Học sinh Tiểu học không đọc thông viết thạo là dốt. Học sinh Trung học phổ thông mà không hiểu gì về điện, về nước, về căn bậc hai… là dốt. Một người đã trưởng thành mà không biết cách làm ăn để nuôi sống bản thân là dốt. Thường thường, dốt đi đôi với lười. Người khiêm tốn thì không giấu dốt và luôn có tinh thần học hỏi. Người thiếu khiêm tốn thường hay giấu dốt nên hạn chế rất nhiều trong học tập và làm việc.

    Để minh hoạ cho việc thiếu khiêm tốn và giấu dốt thì không truyện trào phúng nào hay bằng truyện Tam đại con gà, nội dung kể về sự dốt nát của anh chàng “thầy đồ” giả danh và phê phán thói giấu dốt, liều lĩnh, biết sai mà không chịu sửa của anh ta.

    Nhân vật chính trong truyện Tam đại con gà là anh học trò dốt đặc cán mai (nghĩa là không biết một tí gì) mà lại dám làm thầy đồ. Các nhân vật khác chỉ làm nền cho nhân vật chính hoạt động. Điểm độc đáo của truyện chính là những tình huống đặc biệt để nhân vật thầy đồ tự bộc lộ sự dốt nát của mình.

    Thông thường, cái dốt do thất học được mọi người dễ dàng thông cảm; còn cái dốt của học trò thì chỉ đáng chê trách chứ không đáng cười. Người xưa nói: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”, nhưng anh chàng dốt nát trong truyện lại đi đâu cũng lên mặt văn hay chữ tốt. Liều lĩnh hơn, anh ta dám làm nghề “gõ đầu trẻ”, mà nghề này muốn dạy một thì phải biết mười.

    Truyện Tam đại con gà không hướng tiếng cười vào hành động “ngược đời” và liều lĩnh ấy, mặc dù nó là nguyên nhân gây ra tiếng cười. Cái bị phanh phui, phê phán chính là thói “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”.

    Các tình huống khó xử khác nhau trong truyện dẫn dắt người đọc đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác và tiếng cười vang lên liên tục và thật giòn giã khi tình huống cuối cùng khép lại.

    Tình huống thứ nhất nói về trình độ của thầy đồ. Trong bài học, chữ kê là gà nhưng thầy không nhận ra vì nó có nhiều nét rắc rối, gần giống với chữ tước là chim sẻ. Thầy đang lúng túng, học trò lại hỏi gấp, thầy cuống lên đành nói liều: Dủ dỉ là con dù dì.

    Các tác giả dân gian cố tình để thầy đồ dỏm bẽ mặt với chữ kê. Tuy có nhiều nét nhưng chữ này không khó. Sách Tam tự kinh dùng cho trẻ học vỡ lòng chữ Hán, phần giải nghĩa rõ ràng, lại có vần vè rất dễ thuộc, vậy mà thầy mù tịt. Học trò hồn nhiên hỏi gấp, vô tình dồn thầy vào chỗ bí. Thầy sẽ chẳng còn giữ được cái oai của mình nếu không trả lời được. Đọc chữ kê thành dủ dỉ rồi giảng bậy dủ dỉ là con dù dì quả là thầy đã đi đến chỗ tận cùng liều lĩnh và tận cùng của sự dốt nát thảm hại. Dủ dỉ đâu phải chữ Hán? Và trên đời làm gì có con vật nào tên là dủ dỉ, dù dì? Như vậy là thầy vừa dốt kiến thức sách vở, lại vừa dốt kiến thức thực tế. Người nghe đến đây phải bật cười ngạc nhiên trước “trình độ” của “ông thầy” kì quặc này.

    Tình huống thứ hai là thầy cũng khôn, sợ nhỡ sai, người nào biết thì xấu hổ, mới bảo học trò đọc khẽ. Thầy liều lĩnh khi dạy trẻ nhưng lại thận trọng trong việc giấu dốt, dùng cái láu cá vặt để gỡ bí và giấu nhẹm cái dốt của mình. Tạm thời, sự láu cá ấy cứu được thầy nhưng thực ra nó càng đẩy nhanh thầy vào ngõ cụt.

    Tình huống thứ ba là thầy khấn hỏi Thổ Công của gia chủ để xem chữ ấy có phải thật là “dù dì” không. Lẽ ra, không biết thì thầy phải tìm sách mà học, tìm người mà hỏi. Nhưng biết hỏi ai và tìm đâu ra sách để mà hỏi mà xem lúc này. Thầy muốn trấn an đám học trò và bản thân mình nên đã cầu cứu đến Thổ Công. Tình huống này làm cho mâu thuẫn phát triển lên tới điểm đĩnh.

    Nhân vật Thổ Công xuất hiện khiến cho ý nghĩa phê phán và nghệ thuật trào phúng của truyện càng trở nên sinh động, sâu sắc. Như một mũi tên bắn trúng hai đích, truyện “khoèo” cả Thổ Công vào cùng với thầy mà chế giễu. Hóa ra thần thánh tưởng là thiêng liêng mà cũng dốt. Cái dốt ấy thể hiện ở chi tiết thầy đồ xin ba đài âm dương, Thổ Công cho được cả ba. Như vậy là Thổ Công đồng ý với thầy đồ chữ ấy đúng là dù dì (!?). Thế là thầy đồ vững bụng, không sợ nữa mà đắc chí lắm… bệ vệ ngồi trên giường, bảo trẻ đọc to. Trò vâng lời thầy, gân cổ lên gào: Dủ dỉ là con dù dì… Dủ dỉ là con dù dì… Với chi tiết ấy, cái dốt của thầy đã được khuếch đại lên gấp nhiều lần.

    Tình huống thứ tư nằm ở phần kết thúc truyện. Khi thầy đồ bộc lộ đến tận cùng sự bảo thủ của thói giấu dốt thì cũng là lúc tiếng cười vang lên. Sự tin tưởng mù quáng vào thần thánh đã đưa thầy đến cuộc chạm trán bất ngờ với chủ nhà. Cái dốt nát của thầy đã bị lật tẩy. Lúc này, thầy đã tự nhận thức được sự dốt nát của mình và thầm trách Thổ Công: Mình đã dốt, Thổ Công nhà nó cũng dốt nữa.

    Vốn “vụng chèo khéo chống”, thầy vẫn cố tình giấu dốt bằng cách giải nghĩa gượng gạo, quanh quẩn rất buồn cười. Không ngờ chữ dủ dỉ vô nghĩa mà lại được thầy tìm ra lắm nghĩa đến thế (!). Cách chống chế của thầy nhằm mục đích giấu dốt và thầy vẫn ra vẻ ta đây hay chữ, trái ngược với sự tự thú lúc trước. Chính sự trái ngược này đã tạo ra tiếng cười trào phúng hả hê. Truyện khai thác cả vần điệu, cả yếu tố thứ bậc trong tam đại con gà mà chế giễu, chọc cười: Dủ dỉ là con dù dì, dù dì là chị con công, con công là ông con gà. Yếu tố bất ngờ nhất của truyện khép lại thì cũng là lúc tiếng cười phê phán vang lên không dứt.

    Câu chuyện ngắn gọn chỉ xoay quanh một chữ kê nhưng đã vẽ ra được chân dung thảm hại của nhân vật thầy đồ có tính cách hẳn hoi. Đó là một con người “dốt lòi chuôi” nhưng lại hay “lên mặt văn hay chữ tốt” và luôn cố tìm cách giấu dốt bằng thói ba hoa.

    Đặc điểm của truyện này là mâu thuẫn trái tự nhiên trong nhân vật chính được nói ra ngay từ đầu câu chuyện. Bản chất “dốt nát” của thầy đồ đã được mổ xẻ. Toàn bộ câu chuyện chứng minh cho định đề này.

    Tuy nhiên, khi thể hiện bản chất của nhân vật thầy đồ, vấn đề có khác đi một chút. Thầy đồ dốt đến mức những chữ tối thiểu trong sách dùng để dạy cho trẻ con mà cũng không phân biệt nổi. Dốt nhưng lại tự cho là mình giỏi (sau khi khấn Thổ Công). Khi bị người khác chỉ ra cái dốt thì ngầm tự nhận là mình dốt nhưng vẫn tìm cách chống chế bằng được.

    Như vậy, điều trái tự nhiên ở đây là mâu thuẫn giữa cái dốt và sự giấu dốt. Thầy càng ra sức che đậy thì bản chất dốt nát càng phơi bày và thầy tự biến mình thành trò cười cho thiên hạ.

    Trong truyện, cái dốt của thầy đồ bị lộ dần ra khi lâm vào các tình huống khó xử nhưng thầy đã cố che giấu một cách phi lý. Cuối cùng, thầy đành tìm một lối thoát phi lí hơn. Nhưng thầy càng “lấp liếm” thì càng trở nên thảm hại vì ai cũng biết rằng đó chỉ là “lý sự cùn” chứ không phải là một cách chống chế thông minh có thể chấp nhận được. Ở đây, ta thấy có sự tăng tiến về mức độ phi lý trong hành động và lời nói của thầy đồ. Đó cũng là một thủ pháp nghệ thuật được sử dụng phổ biến trong truyện cười dân gian.

    Tam đại con gà phê phán thói giấu dốt – một tật xấu có thật và khá phổ biến trong nội bộ nhân dân. Ý nghĩa phê phán của truyện toát lên từ hành động tức cười của một anh thầy đồ “dốt đặc cán mai” mà lại cố tình giấu dốt, nhưng càng cố tình che giấu thì sự dốt nát lại càng lộ ra. Anh học trò dốt nát đến thế mà lại cả gan đi làm thầy dạy trẻ thì tác hại quả là khôn lường.

    Xưa nay, nghề giáo là nghề được nhân dân quý trọng và tôn vinh. Nhưng để làm được nghề này thì phải giỏi, mà muốn giỏi thì phải học hành nghiêm túc, học suốt đời. Phương châm là biết mười mà chỉ dạy một. Còn nhân vật thầy đồ kia thì trong bụng chỉ lèo tèo dăm ba chữ, đã thế lại còn nhầm lẫn chữ tác thành chữ tộ, vậy mà dám làm thầy để lòe thiên hạ, Thực tế cho thấy trong đời chẳng thiếu gì những ông thầy “dốt lòi chuôi” như một số truyện cười đã chế giễu, nhưng dốt đến mức thảm hại như thầy đồ Tam đại con gà thì quả là cực hiếm.

    Nhưng truyện không dừng ở đấy mà điều nó muốn đề cập tới chính là thói giấu dốt phổ biến trong xã hội. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm ở bất cứ thời đại nào vì nó gây ra những hậu quả nghiêm trọng kéo dài, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của một đất nước, một dân tộc. Đã giấu dốt mà lại còn ngụy biện để cố tỏ ra ta đây là hay, là giỏi thì lại càng đáng phê phán, đáng cười. Nhưng như người xưa đã nói là không cái gì giấu được dưới ánh mặt trời, hay cái kim để trong bọc lâu ngày cũng tự lòi ra, muốn mọi người không chê cười mình dốt thì phải cố gắng học hỏi, không ngừng phấn đấu vươn lên để đạt được thành công trong cuộc sống.

    Tiếng cười nhẹ nhàng mà thâm thúy trong truyện Tam đại con gà là lời khuyên nhủ, là bài học thiết thực, hữu ích. Nó nhắc nhở mọi người hãy khiêm tốn học hỏi và xác định đúng đắn mục đích của việc học tập, không nên giấu dốt. Hiện nay, nạn học giả bằng giả, học giả bằng thật, tiến sĩ giấy, tiến sĩ một đêm… khá nhiều. Có tình trạng tiêu cực như vậy là do nhận thức sai lệch về việc học hành, về trình độ học vấn thật sự của mỗi con người. Có một câu cách ngôn cổ của nước ngoài rất hay: Học vấn làm đẹp con người. Chúng ta nên hiểu rằng vẻ đẹp ở đây chính là vẻ đẹp của trí tuệ, của đạo đức và nhân cách được tạo nên từ quá trình học tập, rèn luyện lâu dài, có khi là trong suốt cuộc đời.

    Truyện cười này cùng nhiều truyện cười khác đã lật tẩy thực chất của không ít hạng “thầy đồ dốt” trong xã hội phong kiến ngày xưa. Truyện không chỉ mua vui và phê phán thói giấu dốt của các thầy đồ mà nó còn nhắc nhở, cảnh tỉnh những ai không nhiều thì ít đang mắc phải căn bệnh ấy.

    Tam đại con gà là truyện trào phúng khá tiêu biểu cho truyện cười dân gian Việt Nam. Những bài học nhân sinh thâm thúy và bổ ích thông qua nghệ thuật gây cười bằng cử chỉ, lời nói, tình huống đáng cười và yếu tố bất ngờ được sử dụng rất đắc địa. Nội dung truyện cười này là biểu hiện sinh động cho trí thông minh, thái độ lạc quan và tinh thần đấu tranh của nhân dân lao động đối với những thói xấu trong xã hội, để làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

      bởi thủy tiên 24/12/2019
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON