YOMEDIA
NONE

Bàn về vai trò, tác dụng của thơ ca đối với cuộc sống con người.

Bàn về vai trò, tác dụng của thơ ca đối với cuộc sống con người.

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (1)

  • Trong cuốn Đa-ghe-xtan của tôi, Ra-xun Gam-ra-tốp viết: Thơ ca, nếu không có người, tôi đã mồ côi. Gamzatốp muốn nói đến sự mồ côi trên phương diện tinh thần và chính điều này khiến chúng ta phải có nhận thức đúng đắn về vai trò, tác dụng của thơ ca đối với cuộc sống con người.

    Đã có rất nhiều định nghĩa về thơ nhưng chung quy lại, có thể hiểu thơ là tiếng lòng của mọi con người, thơ khởi phát từ lòng người. Thế giới vẫn đang vận động theo hướng hiện đại hoá nhưng dù loài người có đạt đến trình độ siêu hiện đại hoặc hơn nữa, con người cũng không thể cạn kiệt nguồn xúc cảm trong mình. Đó là lý do tại sao trong các sáng tác của văn học hậu hiện đại, thơ vẫn chiếm vị trí quan trọng.

    Chính vì thơ là tiếng lòng, là sự chín đỏ của cảm xúc (Xuân Diệu) nên thơ có ý nghĩa cực kì quan trọng trong cuộc sống này. Nhà thơ làm thơ để giãi bày tình cảm, để thổ lộ nỗi lòng của chính mình. Khi những xúc động mạnh mẽ, những suy nghĩ thầm kín, những tư tưởng sâu sắc và những tình cảm dâng trào, thơ và tâm hồn nghệ sĩ sẽ gặp nhau. Đó là lý do khiến nhiều người chỉ làm thơ cho chính mình, hoặc cho người hiểu mình đọc. Khi Dương Khuê mất, Nguyễn Khuyến dường như không muốn viết thơ nữa bởi Viết đưa ai, ai biết mà đưa? Không gửi được những nỗi niềm, tâm sự trong lòng vào thơ, chắc chắn con người sẽ mất đi những rung cảm tinh tế- như Xuân Quỳnh đã viết trong Nếu ngày mai em không làm thơ nữa:

    Trận mưa xuân dẫu làm ướt áo

    Nhưng lòng em còn cảm xúc chi đâu

    Mùa xuân về quên nỗi nhớ nhau

    Không niềm vui khi nắng hè đến sớm

    Thơ trước hết giúp con người giãi bày xúc cảm của mình nhưng nếu xúc cảm đó bị phong kín trên trang giấy thì một điều chắc chắn là sức sống của những vần thơ ấy sẽ không lâu bền. Trong đời sống, con người không chỉ sống và tự chiêm nghiệm về những điều diễn ra trong lòng. Làm thơ không chỉ để tự thoả mãn nhu cầu giãi bày tình cảm của mình mà còn để chia sẻ, là để tìm sự đồng vọng của những tấm lòng đồng cảm. Thơ là điệu hồn của những tâm hồn đồng điệu (Tố Hữu) là bỏi vậy. thế nên kết thúc Độc Tiểu Thanh kí, Nguyễn Du mới viết:

    Bất tri tam bách dư niên hậu

    Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

    Khi viết Bên kia sông Đuống, chắc chắn Hoàng cầm không chỉ thổ lộ nỗi niềm xúc động tột cùng khi nghe tin quân giặc giày xéo quê hương mình. Nhà thơ còn muốn tìm sự thấu hiểu, chia sẻ từ tất cả những con người đang chung nỗi đau mất nước. Với Từ ấy, niềm vui sướng khi bắt gặp lí tưởng cộng sản của Tố Hữu như được lây lan tới hết thảy mọi người. Trong thơ ca và bằng thơ ca, nỗi buồn sẽ được san vơi và niềm vui, niềm hạnh phúc chắc chắn sẽ được nhân lên gấp bội.

    Với người nghệ sĩ đích thực, làm thơ còn là để người khác cùng thưởng thức cách nói, cách thể hiện, phô diễn tình cảm, tư tưởng của mình bằng những hình thức nghệ thuật độc đáo. Xuân Diệu dường như rất hào hứng khi mang đến độc giả những câu thơ mới mẻ, tân kì như Tháng giêng ngon như một cặp môi gần hay Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi. Nếu thơ chỉ là thơ mà không chạm khắc theo một cách riêng (Sóng Hồng) thì tình cảm, xúc động của nghệ sĩ này rất dễ bị lẫn với nghệ sĩ khác và dấu ấn cảm xúc đó sẽ không thể đính ghim vào lòng độc giả.

    Nếu thơ ca là nơi người nghệ sĩ' có thể thâu tóm thế giới (hiểu theo nghĩa cả thế giới vật chất và thế giới tinh thần) vào trong đó thì nó cũng là nơi độc giả có thể tìm thấy cả thế giới trong đó. Độc giả có thể thả hồn vào thiên đường trên mặt đất khi đọc Vội vàng của Xuân Diệu, có thể giao chia sẻ với tâm sự về tình yêu của Puskin trong Tôi yêu em. Tâm hồn, trí tuệ con người sẽ giàu có, phong phú hơn khi đến với thơ ca.

    Thơ không chỉ khiến tâm hồn, trí tuệ con người giàu có, phong phú mà còn vỗ về, động viên, khích lệ người ta đứng dậy, đi tới... Người đọc có thể cảm nhận muôn vàn cung bậc tình cảm, cảm xúc, muôn vàn tiếng lòng “rất thơ” mà người nghệ sĩ đã phổ trong mỗi con chữ. Tiếp nhận những tình điệu ấy, người đọc như được thanh lọc chính tâm hồn mình. Ta sẽ thấy mình cao thượng hơn, khao khát được sống đẹp, sống có ích hơn... Đó cũng chính là những điều mà Hoàng Trung Thông và tất cả chúng ta cảm nhận được khi đọc thơ của Bác:

    Tôi đọc trăm bài, trăm ý đẹp

    Ngọn đèn tỏa rạng mái đầu xanh.

    Vần thơ của Bác, vần thơ thép

    Mà vẫn mênh mông, bát ngát tình

    Thơ ca đến với cuộc sống từ khi nào, khó có thể trả lời đích xác. Nhưng một điều chắc chắn không ai có thể phủ nhận được là không có thơ, cuộc sống sẽ nghèo nàn, tâm hồn, tình cảm con người sẽ trở nên cằn cỗi vô cùng. Thấm thía vai trò, ý nghĩa của thơ ca, nhà thơ cần có ý thức trách nhiệm hơn trong việc sáng tạo thơ ca. Sứ mệnh, của nhà thơ không chỉ là nói lên tiếng nói của bản thân mà còn phải nói lên tiếng nói của muôn triệu trái tim, muôn triệu con người. Nhà thơ phải đau nỗi đau của nhân loại, buồn nỗi buồn của nhân loại. Có như thế, sáng tác của họ mới có sức sống và sức tác động mạnh mẽ. Không ngẫu nhiên khi Đỗ Phủ, Lý Bạch cách chúng ta hàng ngàn năm mà thơ của họ vẫn trường tồn đến tận bây giờ. Không ngẫu nhiên khi Puskin - mặt trời của thi ca Nga lại có sức lay động khắp địa cầu. Với bạn đọc, trân trọng một thi phẩm nghệ thuật, thấy rõ sức mạnh của thơ ca là điều nên làm nhất. Hơn nữa, mỗi người cũng nên làm giàu tâm hồn mình bằng thơ ca và tự nâng cao khả năng cảm nhận của mình hơn khi đánh giá mỗi bài thơ: thơ hay phải thể hiện được cái riêng của mỗi tâm hồn, phải là tiếng đồng vọng của muôn vạn tấm lòng.

    Cảm nhận được vai trò, tầm quan trọng của thơ ca đối với cuộc sống con người, chúng ta sẽ hiểu tại sao Raxun Gamzatốp nói: Cuộc sống sẽ tối sầm nếu không có thơ ca.

      bởi thu phương 27/12/2019
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON