YOMEDIA
NONE

GDKT & PL 10 Cánh Diều Bài 14: Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam


Cùng HOC247 tham khảo nội dung Bài 14: Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc bộ sách Cánh Diều dưới đây. Bài giảng với nội dung khái quát lý thuyết cần nhớ về khái niệm, đặc điểm, vị trí của Hiến pháp, đồng thời hướng dẫn giải chi tiết cho từng câu hỏi có trong Sách giáo khoa. Chúc các em học tập vui vẻ!

ATNETWORK
YOMEDIA
 

Tóm tắt lý thuyết

   Trong quá trình tồn tại và phát triển, các quốc gia đều ban hành Hiến pháp nhằm điều chỉnh mọi hoạt động của Nhà nước, xã hội và công dân.

Câu hỏi: Em hãy cho biết từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đến nay, nước ta đã ban hành mấy bản Hiến pháp? Hãy chia sẻ những hiểu biết của em về Hiến pháp.

Trả lời:

Từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đến nay, nước ta đã ban hành 5 bản Hiến pháp:

1. Hiến pháp năm 1946: thông qua vào ngày 9 tháng 11 năm 1946 

Được thông qua đã đánh dấu sự cáo chung của nền thống trị ngoại bang, tuyên bố nước Việt Nam độc lập từ Bắc đến Nam, theo chế độ dân chủ nhân dân, quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo; các quyền tự do dân chủ được đảm bảo…

2. Hiến pháp năm 1959: thông qua ngày 31/12/1959.

Là bản hiến pháp đầu tiên mang nhiều dấu ấn của việc tổ chức nhà nước theo mô hình XHCN (mô hình Xô-viết). Mặc dù tên gọi chính thể không thay đổi so với của Hiến pháp 1946 (Dân chủ Cộng hòa), nhưng nội dung tổ chức bên trong của bộ máy nhà nước có những quy định rất khác so với Hiến pháp 1946. Cơ chế tập trung được Hiến pháp này thể hiện bằng nhiều quy định (các tổ chức chính quyền địa phương được tổ chức như nhau ở tất cả các cấp chính quyền địa phương, Viện kiểm sát nhân dân với chức năng kiểm sát chung được thành lập, các cấp tòa án được tổ chức ra theo các đơn vị hành chính…) Nếu như ở Hiến pháp 1946, bộ máy nhà nước được quy định theo nguyên tắc phân quyền, thì bộ máy nhà nước của Hiến pháp 1959 được tổ chức theo nguyên tắc tập quyền, quyền lực tập trung vào Quốc hội

3. Hiến pháp năm 1980: thông qua ngày 18/12/1980

Nếu Hiến pháp năm 1959 mới chỉ xác định một tính chất cơ bản nhất của Quốc hội là tính chất quyền lực nhà nước cao nhất, thì đến Hiến pháp năm 1980 tính chất đại biểu cho nhân dân đã được khẳng định. Sự khẳng định hai tính chất của Quốc hội (dẫu rằng hai tính chất này quan hệ gắn bó với nhau) càng thể hiện rõ bản chất của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Tính chất đại biểu của nhân dân của Quốc hội thể hiện sự gắn bó thống nhất giữa Quốc hội và nhân dân, xem Quốc hội là sự phản ánh tập trung ý chí, nguyện vọng, lợi ích của nhân dân. Tính chất quyền lực nhà nước cao nhất, bảo đảm cho Quốc hội vị trí tối cao trong cấu trúc bộ máy nhà nước theo hướng toàn bộ quyền lực nhà nước tập trung vào Quốc hội.

4. Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001): thông qua ngày 15/4/1992.

Sau một thời gian phát huy hiệu lực, nhiều quy định của Hiến pháp năm 1980 tỏ ra không còn phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước. Tình hình thực tiễn đòi hỏi phải có một bản hiến pháp mới, phù hợp hơn để thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Tiếp thu tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986), tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết sửa đổi Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1980. Ngày 30/6/1989, tại kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa VIII lại ra Nghị quyết sửa đổi 7 điều (57, 116, 118, 122, 123, 125) của Hiến pháp năm 1980. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến đóng góp của Nhân dân và ý kiến của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng, dự thảo Hiến pháp lần thứ tư đã hoàn thành và được trình lên Quốc hội khóa VIII tại kỳ họp thứ 11 để xem xét. Sau nhiều ngày thảo luận sôi nổi với những bổ sung, chỉnh lý nhất định, ngày 15/4/1992, Quốc hội đã nhất trí thông qua Hiến pháp.

5. Hiến pháp năm 2013: thông qua ngày 28/11/2013.

Đây là bản Hiến pháp vừa kế thừa được các giá trị to lớn của các bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và năm 1992, vừa thể chế hóa các quan điểm, phương hướng, nội dung phát triển đã được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Với bố cục 11 chương, 120 điều, giảm 01 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, thể hiện sâu sắc, toàn diện sự đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

 => Các bản Hiến pháp này đều ra đời trong những bối cảnh và ở những thời điểm lịch sử nhất định nhằm thể chế hóa đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam cho mỗi giai đoạn phát triển của đất nước. Do đó, chế định về Quốc hội trong các bản Hiến pháp có những thay đổi khác nhau.

1.1. Khái niệm và vị trí của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Câu hỏi: Em hãy đọc hội thoại, thông tin trang 88, 89 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Cánh Diều và trả lời câu hỏi

Từ thông tin đoạn hội thoại trên, theo em Hiến pháp có vị trí như thế nào trong hệ thống pháp luật?

Trả lời:

Hiến pháp có vị trí trong hệ thống pháp luật là:

 - Là văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành, quy định những vấn đề cơ bản và quan trọng nhất của quốc gia.

 - Là luật cơ bản của nhà nước, có hiệu lực pháp lí cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

 - Mọi văn bản quy phạm pháp luật khác đều được xây dựng, ban hành trên cơ sở Hiến pháp, phù hợp với Hiến pháp.

   Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành, quy định những vấn đề cơ bản và quan trọng nhất của quốc gia. Hiến pháp là luật cơ bản của nhà nước, có hiệu lực pháp lí cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Mọi văn bản quy phạm pháp luật khác đều được xây dựng, ban hành trên cơ sở Hiến pháp, phù hợp với Hiến pháp.

1.2. Đặc điểm của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Câu hỏi: Em hãy đọc thông tin trang 89 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Cánh Diều và trả lời câu hỏi

a) Em hiểu như thế nào về quy định của điều 16 Hiến pháp năm 2013?

b) Em hãy chỉ ra sự khác nhau giữa Điều 16 Hiến pháp năm 2013 với Khoản 8, Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016 và Khoản 1, 2, Điều 8 Bộ luật Lao động năm 2019.

c) Hãy chia sẻ hiểu biết của em về đặc điểm của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trả lời:

Yêu cầu a) Mọi người đều được bình đẳng trước pháp luật, không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội dù cho có ở độ tuổi nào, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nghề nghiệp hay trình độ văn hóa như thế nào.

Yêu cầu b)

- Điều 16 Hiến pháp năm 2013 chỉ ra những quy định chung về việc bình đẳng giữa người với người trước pháp luật.

- Khoản 8, điều 6 Luật trẻ em năm 2016 và Khoản 1, 2, điều 8 Bộ Luật lao động năm 2016 thì chỉ ra đối tượng cụ thể trong việc được đối xử bình đẳng đó là trẻ em là người lao động.

Yêu cầu c)

- Hiến pháp quy định:

+ Những vấn đề cơ bản nhất về chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường.

+ Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

+ Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.

- Hiến pháp không quy định chi tiết từng lĩnh vực, từng vấn đề riêng biệt của đời sống xã hội.

   Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định những vấn đề cơ bản nhất về chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Hiến pháp không quy định chi tiết từng lĩnh vực, từng vấn đề riêng biệt của đời sống xã hội.

   Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, là cơ sở để xây dựng và ban hành tất cả các văn bản quy phạm pháp luật khác trong hệ thống pháp luật quốc gia. Nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật khác không được trái với Hiến pháp.

1.3. Công dân thực hiện nghĩa vụ tuân thủ Hiến pháp

Câu hỏi: Em hãy đọc hội thoại, thông tin trang 90 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Cánh Diều và trả lời câu hỏi

a) Em có nhận xét gì về việc làm của học sinh Trường trung học phổ thông A, gia đình ông T, bà H và P trong các trường hợp trên?

b) Theo em, mỗi công dân cần làm gì để thực hiện nghĩa vụ tuân thủ Hiến pháp?

Trả lời:

Yêu cầu a)

- Việc tích cực tham gia vào các hoạt động ở khu dân cư vào cuối tuần của học sinh trường THPT A rất đáng khen và tuyên dương.

- Hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra sông của gia đình ông T là đáng lên án và ngăn chặn kịp thời để tránh ô nhiễm nguồn nước.

- Việc bà T đóng thuế đầy đủ và kinh doanh tuân thủ theo quy định của pháp luật là rất đúng đắn.

Yêu cầu b)

- Để thực hiện nghĩa vụ tuân thủ Hiến pháp, mỗi công dân cần:

+ Tích cực tìm hiểu nội dung các quy định của Hiến pháp.

+ Nghiêm chỉnh, tự giác thực hiện các quy định của Hiến pháp trong cuộc sống hàng ngày.

+ Tích cực tuyên truyền, phê phán, đấu tranh chống các hành vi vi phạm Hiến pháp nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, xã hội và công dân.

   Để thực hiện nghĩa vụ tuân thủ Hiến pháp, mỗi công dân cần tích cực tìm hiểu nội dung các quy định của Hiến pháp, nghiêm chỉnh, tự giác thực hiện các quy định của Hiến pháp trong cuộc sống hằng ngày. Cùng với việc tuân thủ Hiến pháp, tích cực tuyên truyền, phê phán, đấu tranh chống các hành vi vi phạm Hiến pháp nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, xã hội và công dân.

Bài tập minh họa

Bài tập: Em hãy viết một bài luận về vai trò của Hiến pháp đối với cuộc sống con người.

Hướng dẫn giải:

- Tìm hiểu về vai trò của Hiến pháp đối với cuộc sống con người

- Lên ý tưởng và viết bài luận

- Có thể tham khảo những nội dung chính sau:

+ Hiến pháp đóng vai trò là đạo luật gốc

+ Hiến pháp đóng vai trò là văn bản ghi nhận quyền con người, quyền công dân

+ Hiến pháp đóng vai trò là công cụ hạn chế quyền lực nhà nước để bảo đảm quyền con người, quyền công dân

Lời giải chi tiết:

Hiến pháp là văn bản có vị trí cao nhất trong thang bậc hiệu lực pháp lý, đóng vai trò là đạo luật gốc, làm cơ sở cho các văn bản khác trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của mỗi quốc gia. Những nội dung không thể thiếu trong hầu hết các bản hiến pháp, đó là những quy định về cách thức tổ chức quyền lực nhà nước và ghi nhận quyền con người, quyền công dân đã làm cho hiến pháp đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nhân quyền.

Hiến pháp đóng vai trò là văn bản ghi nhận quyền con người, quyền công dân. Muốn đảm bảo quyền con người, quyền công dân thì trước hết nhà nước phải ghi nhận những quyền đó, nếu không có sự ghi nhận thì sẽ không có sự bảo vệ và thúc đẩy việc hiện thực hóa những quyền này. Việc ghi nhận quyền con người trong hiến pháp cũng là cách để một quốc gia tuyên bố với thế giới về tình trạng nhân quyền của nước mình.

Hiến pháp đóng vai trò là công cụ hạn chế quyền lực nhà nước để bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Với nội dung cơ bản và không thể thiếu trong bất cứ bản hiến pháp nào, đó là quy định về cách thức tổ chức quyền lực nhà nước theo cơ chế phân quyền, hiến pháp đã trở thành công cụ pháp lý giới hạn quyền lực nhà nước, ngăn chặn sự vượt quá giới hạn về quyền lực của các cơ quan, cán bộ nhà nước, bắt buộc họ chỉ được phép sử dụng quyền lực được giao trong phạm vi cho phép. Nhờ đó mà có sự đảm bảo cần thiết cho quyền con người, quyền công dân không bị xâm phạm.

3. Luyện tập và củng cố

Qua bài học Bài 14: Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các em cần:

- Nêu được khái niệm, đặc điểm, vị trí của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Thực hiện nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp bằng những hành vi cụ thể, phù hợp với lứa tuổi.

- Phê phán hành vi vi phạm Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3.1. Trắc nghiệm Bài 14: Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Giáo dục KT và PL

Các em có thể hệ thống lại nội dung kiến thức đã học được thông qua bài kiểm tra Trắc nghiệm Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Bài 14 cực hay với 10 câu hỏi có đáp án và lời giải chi tiết.

Câu 4-10: Mời các em đăng nhập xem tiếp nội dung và thi thử Online để củng cố kiến thức về bài học này nhé!

3.2. Bài tập SGK

Các em có thể xem thêm phần hướng dẫn Giải bài tập Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Bài 14 để giúp các em nắm vững bài học và các phương pháp giải bài tập.

Luyện tập 1 trang 91 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Cánh Diều

Luyện tập 2 trang 91 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Cánh Diều

Luyện tập 3 trang 91 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Cánh Diều

Luyện tập 4 trang 91 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Cánh Diều

Luyện tập 5 trang 91 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Cánh Diều

Vận dụng 1 trang 91 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Cánh Diều

Vận dụng 2 trang 91 SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Cánh Diều

4. Hỏi đáp Bài 14: Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Giáo dục KT và PL

Trong quá trình học bài và thực hành bài tập, có điểm nào còn thắc mắc các em có thể đặt câu hỏi trong mục Hỏi đáp để được sự hỗ trợ từ cộng đồng HỌC247.

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON