Cảm nhận về khổ thơ thứ hai trong bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử là một trong những dạng đề tập làm văn mà các em thường gặp sau khi học xong bài thơ này. Sau đây là một bài hướng dẫn cho các em biết cách lập dàn ý và viết một bài văn hoàn chỉnh. Ngoài ra, để củng cố lại toàn bộ bài học, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Đây thôn Vĩ Dạ.
A. SƠ ĐỒ TÓM TẮT GỢI Ý
B. DÀN BÀI CHI TIẾT
1. Mở bài
- Giới thiệu vài nét về tác giả Hàn Mặc Tử: Hàn Mặc Tử (1912 – 1940), là một nhà thơ lớn trong Phong trào Thơ mới. Bên cạnh những bài thơ mang hơi hướng điên loạn, ông cũng có nhiều tác phẩm đậm chất nên thơ của cảnh và người.
- Xuất xứ: đây là đoạn thơ thứ hai năm trong bài Đây thôn Vĩ Dạ của nhà thơ Hàn Mặc Tử.
2. Thân bài
- Về mặt nội dung
- Cảnh sắc thiên nhiên
- Khung cảnh hư hư ảo ảo, phân ly của gió, mây, dòng nước, hoa bắp, thuyền và trăng -> toát lên một vẻ đẹp huyền bí, u buồn nhưng cũng hết sức thơ mộng.
- Sự vận động của thiên nhiên theo xu hướng tương phản nhau.
- Tâm trạng của nhân vật trữ tình
- Sự đan xen của nhiều trạng thái: buồn bã, lo âu, có lúc bồi hồi, lo lắng, khắc khoải nhưng rồi đến cuối cùng lại nổi bật lên sự mong manh, vô vọng.
- Dù nghịch cảnh, vô vọng trong nhận thức nhưng vẫn mở rộng lòng để đón nhận sự thi vị của thiên nhiên, vẫn thiết tha giao cảm với đời, khát khao được sống với người.
- Cảnh sắc thiên nhiên
- Về mặt nghệ thuật
- Hình ảnh thơ bình dị (gió, mây, dòng nước, hoa bắp, thuyền, trăng, bến sông) nhưng đầy thi vị, độc đáo và huyền ảo (sông trăng, thuyển chở trăng).
- Nhịp thơ 4/3 của hai câu đầu: tạo nên sự đứt gãy, ngược hướng của sự vật.
- Hai câu thơ sau: sự dồn nhịp được tạo ra bởi nghịch cảnh giữa lòng người và thiên nhiên, giữa cái trường tồn (trăng, sông) với sự mong manh, hối thúc của thời gian (kịp) biểu lộ cảm xúc u hoài, tha thiết.
- Sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật:
- Nhân hóa (gió, mây, thuyền, dòng nước buồn thiu)
- Ẩn dụ (trăng, sông trăng)
- Đại từ phiến chỉ (ai)
- Câu hỏi tu từ (Có chở trăng về kịp tối nay?)
- Phép đối (gió theo lối gió/ mây đường mây)
- Ngôn ngữ thơ tài hoa, giàu hình ảnh, bộc lộ được nhiều trạng thái cảm xúc tinh tế.
3. Kết bài
- Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của khổ thơ thứ hai.
- Gợi dẫn, mở rộng phạm vi đề bài.
C. BÀI VĂN MẪU
Đề bài: Cảm nhận về khổ thơ thứ hai trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử
Gợi ý làm bài
Huế đẹp và thơ. Núi sông diễm lệ. Con gái Huế xinh tươi và đa tình. Nếp sống thanh lịch của miền núi Ngự sông Hương đã trở thành ấn tượng và cảm mến sâu sắc đối với bao người gần xa:
Đã đôi lần đến với Huế mộng mơ
Tôi ôm ấp một tình yêu dịu ngọt…
Thơ ca viết về Huế vó nhiều bài hay. Tiêu biểu là bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử (1912 – 1940), nhà thơ lỗi lạc trong Phong trào Thơ mới. Bài thơ có ba khổ thơ thất ngôn nói về cảnh sắc và cô gái Vĩ Dạ trong hoài niệm với bao cảm xúc bâng khuâng, man mác, thẫn thờ. Vĩ Dạ, một làng cổ xinh đẹp nằm bên bờ Hương Giang thuộc cố đô Huế, qua hồn thơ Hàn Mặc Tử mà trở nên gần gũi yêu thương đối với nhiều người trong bảy mươi năm qua. Đây là khổ thơ thứ hai của bài “Đây thôn Vĩ Dạ”:
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Khổ thơ thứ nhất nói về cảnh vật thôn Vĩ khi “nắng mai lên”…Ở khổ thơ thứ hai, Hàn Mặc Tử nhớ đến một miền sông nước mênh mông, bao la, một không gian nghệ thuật nhiều thương nhớ và lưu luyến. Có gió nhưng “gió theo lối gió”, cũng có mây nhưng “mây theo đường mây”, mây gió đôi đường đôi ngả:
Gió theo lối gió/ mây đường mây
Cách ngắt nhịp 4/3, với hai vế tiểu đối, gợi tả một không gian gió, mây chia xa như một nghịch cảnh đầy ám ảnh. Chữ “gió” và “mây” được lặp lại hai lần trong mỗi vế tiểu đối đã gợi lên một bầu trời thoáng đãng, mênh mông. Thi nhân đã và đang sống trong cảnh ngộ chia li và xa cách nên mới cảm thấy gió mây đôi ngả đôi đường như tình và lòng người bấy nay. Ngoài cảnh gió mây chính là tâm cảnh Hàn Mặc Tử. Không có một bóng người xuất hiện trước cảnh gió mây ấy. Mà chỉ có “Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”. Cảnh vật mang theo bao nỗi niềm sông Hương lững lờ trôi xuôi êm đềm, trong tâm tưởng thi nhân đã hóa thành “dòng nước buồn thiu”, càng thêm mơ hồ xa vắng. “Buồn thiu” là buồn héo hon cả ruột gan, một nỗi buồn day dứt triền miên, cứ thấm sâu mãi vào hồn người. Hai tiếng “buồn thiu” là cách nói của bà con xứ Huế. Bãi bờ đôi bên bờ sông cũng vắng vẻ, chỉ nhìn thấy “hoa bắp lay”. Chữ “lay” gợi tả hoa bắp đung đưa trong làn gió. Hoa bắp, hoa bình dị của đồng nội cũng mang tình người và hồn người. Hai câu thơ thất ngôn với bốn thi liệu (gió, mây, dòng nước, hoa bắp) đã hội tụ hồn vía cảnh sắc thôn Vĩ. Hình như đó là cảnh chiều hôm? Hàn Mặc Tử tả ít mà gợi nhiều, tượng trưng mà ấn tượng. Ngoại cảnh thì chia lìa, buồn lặng lẽ biểu hiện một tâm cảnh: thấm thía nỗi buồn xa vắng, cô đơn. Hai câu thơ tiếp theo gợi nhớ một cảnh sắc thơ mộng cảnh đêm trăng trên sông Hương ngày nào. “Dòng nước buồn thiu” đã biến hóa kì diệu thành “sông trăng” thơ mộng:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
---Để tham khảo nội dung đầy đủ của tài liệu, các em vui lòng tải về máy hoặc xem trực tuyến---
Khổ thơ trên đây, mỗi câu, mỗi chữ, mỗi vần thơ đều thấm đẫm tình thương nhớ và một nỗi “buồn thiu” lẻ loi, vần thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Thơ Hàn Mặc Tử, đúng là thơ trữ tình hướng nội “tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này”…
Trên đây là toàn bộ những sơ đồ tóm tắt, cách lập dàn ý và bài văn mẫu cho đề văn Phân tích khổ 2 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của nhà thơ Hàn Mặc Tử - một trong những khổ thơ được đánh giá là có rất nhiều điều thú vị cần được phân tích. Và khổ thơ này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào đề thi khối D năm 2008. Ngoài ra, để hiểu rõ hơn về toàn bộ bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, các em có thể tham khảo thêm bài tổng hợp về bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ tại HỌC247
- Cảm nhận về khổ thơ đầu trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử.
- Cảm nhận về khổ thơ thứ 3 trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử.
- Thế giới nghệ thuật trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử
Mod Ngữ Văn biên tập và tổng hợp