Bài văn mẫu Tả cảnh phiên chợ quê em dưới đây nhằm giúp các em học sinh lớp 5 dễ dàng hơn khi viết bài văn tả cảnh. Bên cạnh đó, bài văn mẫu này còn giúp các em trau dồi thêm kĩ năng viết văn của mình. Cùng Học247 theo dõi nhé!
Đề bài: Bằng một bài văn ngắn em hãy tả về cảnh phiên chợ quê mà em quan sát được.
Gợi ý làm bài:
1. Bài văn mẫu số 1
Hè năm vừa rồi, em được bố mẹ cho về quê chơi với ông bà nội. Được sống và hòa nhập với bầu không khí trong lành, thoáng mát nơi đây em lại thêm yêu quý và gắn bó với con người, sinh hoạt ở quê. Mỗi buổi sáng, em đều dậy sớm tập thể dục và đi chợ cùng bà nội. Cũng không biết tự bao giờ, hình ảnh phiên chợ quê đã in dấu trong tâm trí, để khi trở về thành phố em lại không nguôi nhớ về.
Chợ quê em không to, náo nhiệt và đông người như những phiên chợ ở thành phố. Bà em kể rằng chợ quê họp theo phiên, cứ vài ngày là lại có một phiên. Bởi thế mà vào những ngày đó, mọi người đều tranh thủ dậy từ sớm đi chợ, để mua sắm những đồ thiết yếu cho gia đình.
Sáng hôm ấy em dậy từ khá sớm, khi màn sương đêm còn phủ lờ mờ khắp nơi. Mặt trời mới chỉ vừa nhú lên nhưng vẫn còn bị che lấp bởi dãy núi phía xa. Vậy mà đường làng đã nhộn nhịp tiếng các và các mẹ í ơi sắp hàng đi chợ. Người bán hoa, người bán rau, người bán thịt hay các vật dụng cho gia đình...
Sương đêm dần tan biến nhường chỗ cho những tia nắng ban mai cũng là lúc hai bà cháu em dắt tay nhau đi chợ. Trên đường, bà gặp một số người quen, họ nói chuyện rôm rả trên đường làng.
Chẳng mấy chốc, hai bà cháu em đã tới chợ. Một khung cảnh thật nhộn nhịp, đông đúc cả kẻ mua và người bán. Đứng ở trên đê, em thấy từ bên kia sông các con đò bỗng đông khách hơn mọi ngày. Các bà, các mẹ ở bên ấy cũng tranh thủ chợ phiên sang bên đây mua đồ.
Gian hàng đầu tiên của chợ là khu thực phẩm. Trên những cái phản to, người ta bày rất nhiều những tảng thịt còn tươi và ngon. Các cô bán hàng khéo léo không ngớt chào khách và bàn tay kinh nghiệm đã cắt thịt mà ít khi bị thừa thiếu cân. Các bác bán rau lại hết sức thân thiện cùng nụ cười chất phác. Từng mớ rau còn tươi nguyên, được bó cẩn thận từ đêm hôm trước.Đi qua đó là đến gian hàng quà bánh. Một mùi vị của những món đặc sặc quyện vào trong gió khiến ai cũng mong muốn được một lần thưởng thức. Những chiếc bánh rán nóng hổi mà vàng ruộm, cái thì tẩm đường, cái thì rắc vừng. Chao ôi, mới hấp dẫn làm sao! Rồi làn khói nghi ngút lại bốc lên từ chõ xôi gạo mới, mùi vị thơm nhẹ của những chiếc bánh chưng... Mấy đứa trẻ qua đây đều nũng nịu đòi người lớn mua cho một thứ gì đó, bởi lẽ nó là thức quà quê chẳng thể thiếu. Cuối cùng là gian hàng quần áo. Những bộ quần áo cho đủ mọi lứa tuổi, sặc sỡ sắc màu được treo lên rồi hạ xuống. Mọi người đi lại tấp nập nơi đây để lựa chọn cho mình bộ đồ ưng ý nhất.
Khi đã trở về nhịp sống ồn ã nơi phố thị thì em vẫn luôn yêu và nhớ về phiên chợ quê mình bởi nó đã gắn bó với tuổi thơ em.
2. Bài văn mẫu số 2
Quê hương là chùm khế ngọt, phải chăng cách định nghĩa như vậy của nhà thơ Đỗ Trung Quân là bởi quê hương luôn là những gì rất gần gũi đơn sơ mà thân thuộc trong tâm tưởng của chúng ta. Đi về trong những gì mộc mạc êm đềm ấy của dáng quê, cảnh quê, hồn quê có lẽ có cả những phiên chợ quê thân thương, đẹp đẽ nữa.
Quê hương là nơi ta chôn rau cắt rốn, nơi ửng hồng gò má ta, là nơi ta cất tiếng khóc oa oa đầu tiên. Nơi đây, luôn gắn với những gì thân thuộc, hồn nhiên của ấu thơ. Trong số những kỉ niệm về miền quê thân thương hẳn không thể thiếu hình ảnh chúng ta lon ton chạy theo mẹ những ngày thơ bé khi đi chợ quê. Phiên chợ quê là dịp mọi người từ khắp nơi đổ về giao lưu, buôn bán gặp gỡ nhau. Những mặt hàng đa dạng, phong phú được bày bán trên từng gian hàng rất gọn gàng, theo một hệ thống sắp đặt chứ không hề lộn xộn. Nào rau, nào hoa, nào quả rồi các loại thực phẩm như thịt, cá, tôm, cua, tép hay những lồng ngan, gà, vịt cũng được hội tụ đầy đủ nơi đây. Mọi người nói chuyện, cười đùa rôm rả, tiếng mời bán, gọi mua, tiếng giao hàng, tiếng mặc cả tạo nên nhịp sôi động, huyên náo. Một thứ âm thanh rộn ràng của sự sống chứ không hề là vẻ êm đềm, yên ả như mọi khi. Những sạp hàng bán bánh rán, bánh cuốn, hay các gói xôi, cốc chè, bánh kẹo có lẽ luôn được mọi người kéo đến nhiều. Nhìn mọi người ngồi ăn trông mới vui vẻ, hạnh phúc. Tiếng cười nói, trò chuyện vui vẻ, dường như có sự quen thân trên những gương mặt tưởng như chưa từng gặp gỡ. Mọi người đều chung nhau ở tấm lòng quê chân thật, gần gũi, mộc mạc chứ không chút toan tính, xô bồ.
Những người bán hàng ra sức quảng cáo, mời gọi người mua. Người tiêu dùng, có lẽ đông đảo nhất là các bà, các mẹ, các chị, bởi họ là những người lo cho bữa ăn cả gia đình thì xúng xính vui vẻ cầm trên tay những chiếc làn nhỏ để đựng đồ. Các mặt hàng rất sặc sỡ, phong phú và bắt mắt, hấp dẫn người mua, trên mỗi gương mặt đều ánh lên nét tươi vui, thân mật. Tôi lại nhớ lại hình ảnh mình đâu đó, có một thời đã từng léo nhéo, nhí nhố chạy quanh chân mẹ đòi mua bánh rán, đòi mua những thức quà ngon lạ. Nó nhắc tôi một thuở từng hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng thật tuyệt vời. Quê hương gắn với phiên chợ quê luôn là một nét văn hóa truyền thống rất đẹp, một lối đẹp xưa cũ, êm đềm, một nét đẹp rất riêng của những gì chân quê, mộc mạc mà đằm thắm.
Phiên chợ quê thân thương, đông vui, tấp nập chính là một nét đẹp trong những sinh hoạt văn hóa truyền thống của làng quê. Nơi có những con người bình dị, mộc mạc, có sự tươi vui của cuộc sống mới đầy náo nức, rộn ràng.
3. Bài văn mẫu số 3
Quê em là một làng nhỏ ven sông Cầu, khung cảnh yên ả, thanh bình. Náo nhiệt nhất có lẽ là vào những ngày phiên chợ, làng em ồn ào, sôi động hẳn lên.
Chợ làng em là chợ chung cho cả xã, một tháng có sáu phiên vào các ngày mùng bốn, mùng chín, mười bốn, mười chín, hăm bốn, hăm chín Âm lịch.
Tờ mờ sáng, chợ đã khá đông. Từng tốp, từng tốp người quang gánh nặng, từ trên đê xuống, từ bên kia sông đi đò sang, từ làng dưới lên, tíu tít đổ về chợ, tiếng trò chuyện râm ran. Con đường làng em tấp nập người qua lại, đông vui như hội.
Chợ họp trên bãi đất rộng cuối làng. Tuy không quy định nhưng những người bán cũng tự động ngồi thành từng dãy tuỳ theo mặt hàng. Chính giữa chợ là hàng chục sạp tạp hoá. Nào kim chỉ, gương lược, giấy vở, bút chì, phấn bảng, cho đến cả bóng đèn, ấm chén, phích nước... thứ gì cũng có. Quần áo may sẵn bày la liệt cho người mua dễ nhìn, dễ chọn.
Phía cuối chợ là khu bán lúa gạo, ngô, đậu, lạc, sắn, khoai... Mấy bà buôn chuyến mua gom rồi chở ra thị xã. Góc chợ là nơi bán gia súc. Những chú lợn con bị nhốt trong rọ, nghếch mõm ngó người mua. Đàn gà nhép liếp chiếp trong lồng, nhớn nhác nhìn cảnh lạ. Lũ vịt bị trói chân thành từng cặp, lâu lâu lại đập cánh phành phạch rồi kêu cạc cạc ầm ĩ.
Xế sang góc bên này là hàng rau quả. Thôi thì đủ loại cây nhà lá vườn. Những củ su hào xanh non còn nguyên phấn trắng, cải bẹ mỡ màng. Cà chua đỏ ối từng rổ lớn xếp cạnh những bó hành dọc xanh củ trắng nõn nà. Cam, quýt, hồng xiêm, ổi... tươi rói, thơm lừng.
Bây giờ chưa phải là tháng Chạp nhưng chợ quê em đã có nhiều hàng bán tranh Tết. Làng Đông Hồ nổi tiếng cách làng em không xa. Người ta mua tranh gà, tranh lợn, tranh cá chép trông trăng về treo trong dịp Tết cho nhà cửa thêm đẹp đẽ và cầu mong một năm mới thịnh vượng, ấm no. Có lẽ đây là sở thích riêng của người dân vùng Kinh Bắc quê em từ xa xưa truyền lại.
Suốt buổi sáng, cảnh mua bán tấp nập diễn ra. Tiếng mời mọc, tiếng mặc cả, khen chê ồn ã, náo nhiệt, thật là vui! Mặt trời đứng bóng, chợ đã vãn, dòng người gồng gánh nối theo nhau toả về các ngả. Làng em trở lại yên tĩnh như khung cảnh thường ngày của nó.
4. Bài văn mẫu số 4
Với những đứa trẻ nông thôn, niềm vui chỉ giản đơn là được cho đi chơi, được chơi đùa cùng bè bạn, và cả được bố mẹ dẫn đi những phiên chợ quê nữa. Chợ quê- đó là nơi yêu thích của tôi.
Chỗ tôi ở phía xa so với thị trấn nên các hoạt động buôn bán và sinh hoạt cũng không diễn ra thường xuyên, tấp nập. Bên cạnh những khu chợ tạm lập ra để bán những đồ ăn hằng ngày, chúng tôi có tổ chức mỗi tháng một phiên chợ quê. Chứ ngày 14 âm lịch hằng tháng, là mọi người lại nô nức họp chợ. Kẻ đến mua, người đi bán.
Không khi buổi sáng ngày chợ đã thật đông vui và nhộn nhịp. Tiếng cười nói của các bà, các mẹ từ xa vang cả một vùng. Mỗi người, mặc quần áo rất đẹp, trên tay xách theo một chiếc làn để tiện đựng đồ đi chợ. Bên trong chợ cũng nhộn nhịp không kém. Tiếng của các bà chào nhau, của những người đang dọn hàng, những người nhanh nhảu mời chào, giới thiệu ngay từ lúc đầu. Phiên chợ bắt đầu mà vui như mở hội vậy.
Phiên chợ bán rất nhiều thứ. Nào là những hoa hồng, hoa cúc, … các loài hoa thơm ngát để cắm, dùng vào ngày rằm hôm sau. Nào là những sạp quần áo, giày dép đông đúc các chị em, cô bác vào xem, ngắm nghĩa, thử đồ. Nào là những gian đồ chơi với những chú khỉ Tôn Ngộ Không làm bằng tò he, những chiếc ô tô cảnh sát, cần cẩu, ... làm trẻ con chúng tôi mê mẩn. Gần ngay đó là những món ăn vặt: món kem ốc quế bảy sắc cầu vồng, kẹo bông ngon tuyệt, những món xoài dầm, … thật là hấp dẫn. Đó chính là thiên đường của lũ trẻ chúng tôi. Ở bên kia, những chú gà, chú vịt, cả chó, mèo đang kêu om sòm trong lồng. Là chúng đang chào nhau hay là muốn qua đây chơi với chúng tôi nhỉ? Rồi các sạp hoa quả đông đúc, đầy sắc màu với dưa hấu, cam, xoài, vải, … đầy thơm ngon và bổ dưỡng. Khắp phiên chợ, đâu đâu cũng là người đông đúc, rồi tiếng trả giá, mặc cả của các mẹ, các chị, tiếng rèn sắt của bác thợ rèn, tiếng trẻ con nô đùa. Thật như là một lễ hội vậy.
Đến chiều tối, phiên chợ vãn dần. Các bà, các mẹ đi về với những chiếc giỏ đã đầy. Họ tíu tít để nhau nghe về các món đồ, về giá của nó, cách họ trả giá. Phía trong chợ, một số hàng bán xong sớm đã về trước. Một số hàng đang chuẩn bị xu dọn để về. Có người vui vẻ vì bán khá, có người hơi ủ dột vì chẳng kiếm được mấy đồng. Người vãn dần, chỉ còn những túi bóng, vỏ trái cây, những đồ ăn vứt đầy cả lối đi, con đường. Khi ấy, lại có những bác lao công lặng lẽ đi quét dọn, nhặt rác để đem lại cảnh quan luôn xanh, sạch, đẹp.
Phiên chợ nào cũng đông vui và náo nhiệt như thế. Nhưng mọi người cũng cần có ý thức để cho nơi sống của chúng ta luôn thật đẹp đẽ.
------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------