Đăm Săn vượt đường dài để chinh phục nữ thần Mặt Trời nhưng bị từ chối bởi nếu nàng ra đi thì muôn vật cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Vì động vào sự tôn kính của đấng thần linh cuối cùng người hùng phải chịu trừng phạt. Mời các em cùng tham khảo bài soạn Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời tóm tắt thuộc sách Kết Nối Tri Thức dưới đây để có thêm nhiều kiến thức bổ ích về văn bản, từ đó hiểu hơn về quan niệm về sự tôn nghiêm, tối cao về thần linh trong cái nhìn của người xưa. Chúc các em học tập vui vẻ!
1. Tóm tắt nội dung bài học
1.1. Nội dung
Đoạn trích thể hiện tinh thần dũng cảm, can đảm lạc quan và có chút liều lĩnh của Đăm Săn. Đồng thời cũng cho thấy tinh thần chinh phục và quyết tâm đạt được ước mơ của con người thể hiện ở người anh hùng Đăm Săn. Khắc họa thành công văn hóa của người Ê-đê thể hiện trong nếp sống, sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó còn thể hiện được văn hóa tâm linh của dân tộc Ê-đê qua hình ảnh mặt trời.
1.2. Nghệ thuật
- Đoạn trích thể hiện được những đặc trưng của thể loại sử thi trong ngôn từ, giọng điệu
- Giọng kẻ xen lẫn giữa văn xuôi với văn vần
- Sử dụng nhiều thành ngữ, điền cố
- Ngôn từ rõ ràng, súc tích, sử dụng hình thức nghệ thuật ngôn từ dân gian
2. Soạn bài Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời Ngữ văn 10 tập 1 Kết Nối Tri Thức
2.1. Chuẩn bị đọc
Câu 1: Tìm hiểu và chia sẻ với các bạn thông tin về một số đặc điểm văn hóa của người Ê-đê (ví dụ: trang phục, ẩm thực, nhà ở, lễ hội,…).
Trả lời:
Người Ê-đê có những nét văn hóa rất đặc sắc trong đời sống cũng như sinh hoạt cộng đồng, được thể hiện ở một số điểm sau:
- Nhà ở: người Ê-đê thường dựng nhà dài, vừa là nơi ở vừa là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa
- Trang phục: màu xám hoặc màu chám, có hoa văn sặc sỡ. Nữ thường quấn váy, nam thì mặc áo và đóng khố; thường dùng trang phục bằng bạc, đồng, hạt cườm
- Ẩm thực: người dân Ê-đê ưa dùng thảo dược, gia vị và thực phẩm tươi sống
- Lễ hội: người dân Ê-đê có cây nêu ngày Tết, ghế Kpan, cồng chiêng, lễ khôn lớn, lễ hội mùa xuân, lễ hội cúng bến,...
- Ngoài ra, người Ê-đê còn có văn hóa mẫu hệ và rất coi trọng đời sống tâm linh
Câu 2: Tìm hiểu ý nghĩa của biểu tượng mặt trời trong một số nền văn hóa.
Trả lời:
Ở nhiều nơi quan niệm mặt trời là sự sống, ánh sáng và niềm may mắn đối với mỗi cá nhân, đất nước.
2.2. Trải nghiệm cùng văn bản
Câu 1: Chú ý các chi tiết mô tả Đăm Săn khi đến nhà Đăm Par Kvây.
Trả lời:
Những chi tiết miêu tả Đăm Săn khi đến nhà Đăm Par Kvây là:
- Chàng giậm chân trên sàn sân, hai lần sàn sân làm như vỗ cánh, bảy hàng cột nhà chao qua chao lại từ đông sang tây
- Chàng giắt chà gạc lên, rồi ngồi xuống, trông nghênh nghênh như con rắn trong hang, ngang ngang như con cọp trong đầm, như con tê giác trong thung
- Chàng nói nói cười cười, tiếng oang oang như sấm gầm sét dậy
Câu 2: Hình dung cảnh tiếp đón Đăm Săn trong nhà Đăm Par Kvây. Chú ý các chi tiết về đời sống văn hóa và phong tục của người Ê-đê.
Trả lời:
Đăm Săn được tiếp đón như một khách quý trong nhà Đăm Par Kvây, họ trải chiếu, mang thuốc sợi, thuốc lá, trầu cho Đăm Săn hút, ăn. Họ giết gà, giã gạo, nấu cơm mời Đăm Săn. Không những thế còn mang rất nhiều thứ rượu quý mời chàng uống.
Câu 3: Dự báo về hành trình tới nhà Nữ Thần Mặt Trời.
Trả lời:
Khi ở nhà Đăm Par Kvây, lúc biết ý định đến nhà Nữ Thần Mặt Trời của Đăm Săn, mọi người đều khuyên chàng không nên đi, “rừng này nhiều cọp, đường này nhiều rắn, không ai vào bắt Nữ Thần Mặt Trời được đâu! Đường đi hái cà người ta trồng chông lớn, đường đi hái ớt người ta trồng chông nhỏ, người lớn đi chết đằng người lớn, nhà giàu đi chết đằng nhà giàu, dũng tướng đi chết đằng dũng tướng”.
Từ đó có thể dự đoán hành trình tới nhà Nữ Thần Mặt Trời là con đường không hề dễ dàng.
Câu 4: Lời khuyên của Đăm Par Kvây với Đăm Săn.
Trả lời:
Đăm Par Kvây đã khuyên Đăm Săn: “Tôi cột diêng bằng thừng, tôi trói diêng bằng dây, tôi không cho diêng đi vào đấy đâu. Tôi xin cúng cầu phúc cho diêng một lợn, tôi xin tiễn chân diêng một trâu, tôi không cho diêng đi vào rừng thiêng của Nhà Trời đâu. Ở đây, chông lớn nhiều như lông nhím, chông nhỏ nhiều như lông chó, con sóc nhảy vào thân nó cũng khó mà vẹn toàn nữa là!”
Câu 5: Thái độ của Đăm Săn khi nghe lời khuyên của Đăm Par Kvây.
Trả lời:
Khi được Đăm Par Kvây khuyên, Đăm Săn vẫn quyết tâm giữ vững ý định đi bắt Nữ Thần Mặt Trời về làm vợ của mình, chàng cương quyết, không run sợ trước những lời cảnh báo đó mà ngược lại còn quyết tâm đi hơn “Gặp cọp, tôi sẽ giết cọp. Gặp tê giác, tôi sẽ giết tê giác”. Chàng tự tin không ai dám chống lại người tù trưởng giàu mạnh đầu đội khăn nhiễu, vai mang vải hoa là mình.
Câu 6: Đối chiếu từ ngữ miêu tả ngôi nhà Nữ Thần Mặt Trời với phần chú thích văn bản.
Trả lời:
Ngôi nhà của Nữ Thần Mặt Trời trong văn bản với phần chú thích được miêu tả đồng nhất, đều là nơi quạnh vắng, đìu hiu và heo hắt. Mãi tới khi đến tận cửa nhà mới có tiếng người, tiếng cười nói và quang cảnh tấp nập của cuộc sống sinh hoạt ngày thường.
Câu 7: Hình dung về cảnh tượng ngôi nhà Nữ Thần Mặt Trời.
Trả lời:
Ngôi nhà của Nữ Thần Mặt Trời được miêu tả trong văn bản hiện lên xinh đẹp và lấp lánh với mọi thứ bằng vàng, cho thấy sự sang trọng và giàu có. Mặt trăng, mặt trời, sấm chớp và các hiện tượng thiên nhiên bao quanh ngôi nhà tạo nên khung cảnh tấp nập, ồn ào, náo nhiệt.
Câu 8: Tưởng tượng về hình ảnh Nữ Thần Mặt Trời.
Trả lời:
Qua lời thoại và sự tôn kính của người hầu dành cho Nữ Thần Mặt Trời, gợi cho em suy nghĩ đây là một người phụ nữ xinh đẹp và quyền năng, quý phái, được tất cả mọi người ngưỡng mộ và tôn trọng.
Câu 9: Vì sao Nữ Thần Mặt Trời từ chối Đăm Săn?
Trả lời:
Nữ Thần Mặt Trời từ chối Đăm Săn vì nàng còn phải lo cho sinh mệnh, sự sống của rất nhiều loài vật trên trái đất này. Nếu nàng đi, rất nhiều sự vật không thể tiếp tục tồn tại và sống được nữa, hơn thế, nàng còn là con của Trời nên nàng không thể đi cùng Đăm Săn.
Câu 10: Lưu ý phản ứng của Đăm Săn khi bị Nữ Thần Mặt Trời từ chối.
Trả lời:
Khi bị Nữ Thần Mặt Trời từ chối, Đăm Săn ban đầu vẫn giữ thái độ kiên quyết, “tôi không về”, “có lấy được nàng tôi mới về”,… Nhưng sau đó, khi Nữ Thần Mặt Trời vẫn không thay đổi quyết định, chàng đành từ bỏ, “tôi đành quay về làng hoang nhà cũ của tôi vậy”
Câu 11: Tưởng tượng cảnh Đăm Săn trong Rừng Đen?
Trả lời:
Đăm Săn khi ra về rất có thể sẽ phải chịu sự trừng phạt của thần Trời vì đã mạo phạm đến con gái ngài, có thể là bị sét đánh, ngã ngựa, bị thiêu chết hoặc bị dìm chết.
2.3. Suy ngẫm và phản hồi
Câu 1: Tóm tắt những sự kiện chính trong đoạn trích. Những sự kiện đó thể hiện phẩm chất gì của người anh hùng Đăm Săn?
Trả lời:
Những sự kiện chính trong đoạn trích:
- Đăm Săn đi gặp “ơ diêng” - người bạn, bằng hữu thân thiết của mình là Đăm Par Kvây để nói về ý định đi bắt Nữ thần Mặt Trời của mình
- Đăm Săn lên đường ra đi, đến nhà của Nữ Thần Mặt Trời, vượt biết bao là rừng rậm núi xanh
- Đăm Săn nói chuyện với Nữ Thần Mặt Trời về việc muốn nàng làm người vợ lẽ của mình với thái độ rất kiên quyết và bị từ chối
- Đăm Săn ra về, nhưng ngựa của chàng bị lún dần xuống mặt đất và cuối cùng của người và ngựa đều chết chìm
Những sự kiện trên cho thấy Đăm Săn là người anh hùng tiêu biểu của sử thi với những phẩm chất như dũng cảm, kiên cường, ý chí và nghị lực phi thường, có tài trí hơn người; có lý tưởng cao cả, khát vọng lớn lao. Đây đều là những phẩm chất tiêu biểu của người anh hùng trong sử thi.
Câu 2: Lời kể, lời miêu tả, lời đối thoại có vai trò gì trong việc khắc họa nhân vật? Hãy làm rõ những đặc trưng của lời văn sử thi trong đoạn trích này.
Trả lời:
Trong văn bản, các nhân vật chính thường đi kèm với các lời dẫn, lời miêu tả, lời thoại tiêu biểu như:
- Lời kể: “họ đi suốt tháng suốt năm, lúc nghe sông nước rì rào, lúc nghe biển cả gào thét, người cưỡi ngựa đực, người cưỡi ngựa cái, ngựa thở hổn ha hổn hển”, “bọn đàn ông con trai trong làng chạy ra tận giếng làng để xem, còn bọn đàn bà con gái thì đứng nhìn từ các sàn sân”,…
- Lời miêu tả: “Đăm Săn… đầu đội khăn nhiễu, vai mang nải hoa… tiếng oang oang như sấm gầm sét dậy”, “người đi ra đi vào nhà trong nhà ngoài đưa mắt nhìn chàng, thấy chàng oai như một vị thần”,…
- Lời thoại:
+ “Mặc, diêng cứ để tôi làm bàn trang tôi san đường tôi đi. Gặp cọp, tôi sẽ giết cọp. Gặp tê giác, tôi sẽ giết tê giác”
+ “… thử hỏi có ai dám chống lại Đăm Săn này…”
+ “… có lấy được nàng tôi mới về”
Những lời thoại, lời kể và miêu tả trên đã góp phần thể hiện tính cách, đặc điểm của nhân vật một cách chi tiết và rõ nét hơn cả về ngoại hình lẫn tính cách. Hình ảnh của Đăm Săn xuất hiện trong mắt dân làng cho thấy sự khác biệt và phi thường của chàng, những lời nói, hành động của Đăm Săn thể hiện sự kiên cường, dũng cảm và có khát vọng lớn lao của chàng.
Những đặc trưng của lời văn sử thi cũng được thể hiện rất rõ trong đoạn trích này như:
- Giọng kể văn xuôi xen lẫn văn vần: “Chàng đi hết rừng rậm đến núi xanh… là đẹp thật!”; “Đăm Săn xuống ngựa, tháo yên,… một ngôi nhà như vậy cả”
- Sử dụng yếu tố thành ngữ, tục ngữ, những từ ngữ cổ
- Hình thức nghệ thuật ngôn từ dân gian
Câu 3: Người kể chuyện trong đoạn trích này là ai? Hãy tìm hiểu một số thông tin về hình thức kể chuyện sử thi của người Ê-đê.
Trả lời:
* Người kể chuyện trong đoạn trích này là ngôi kể thứ ba.
* Hình thức kể chuyện sử thi của người Ê-đê:
- Được kể theo lối hát nói, đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa đặc biệt của người Ê-đê, trong đó người hát kể có một vị trí quan trọng trong việc gìn giữ, sáng tạo và diễn xướng, nhất là trong điều kiện chưa có chữ viết, các tác phẩm chỉ lưu truyền bằng phương thức truyền miệng.
- Người Ê đê gọi người hát kể sử thi là pô khan. Pô nghĩa là thầy, là chủ, là người thạo việc; khan là chuyện xưa. Người hát kể sử thi phải có bề dày tri thức dân gian để có thể diễn giải một cách tinh tế những nội dung và sắc thái của sử thi đó. Họ là những người có giọng hát vang, khoẻ, biết nhiều làn điệu của thể loại hát nói để vận dụng cho phù hợp với các hoàn cảnh, các nhân vật trong tác phẩm, biết cách “diễn” bằng động tác, bằng nét mặt như diễn viên trên sân khấu.
Câu 4: Theo bạn, hình tượng Nữ thần Mặt Trời trong sử thi Đăm Săn mang những ý nghĩa gì?
Trả lời:
Nữ Thần Mặt Trời được miêu tả trong đoạn trích với những chi tiết “nàng mặc một cái váy loáng như sét, ánh như chớp… không thấy có một ai như nàng cả… thân hình như cái nụ tai, cổ như cổ công..” cho thấy nhân vật này xuất hiện với nhiều ý nghĩa:
- Nàng là con của Thần Đất và Thần Trời, là biểu tượng cho cái đẹp của hai sự vật thiêng liêng này
- Đăm Săn muốn bắt nàng về làm vợ lẽ nhưng không được, điều đó cho thấy sự xuất hiện của nàng còn mang ý nghĩa là lời cảnh báo trước cho những kẻ muốn theo đuổi mục tiêu đi quá giới hạn của con người
Câu 5: Bạn có suy nghĩ gì về cái chết của Đăm Săn trong Rừng Sáp Đen? Phải chăng đó là kết quả tất yếu của việc theo đuổi một mục tiêu vượt quá giới hạn con người?
Trả lời:
Cái chết của Đăm Săn trong Rừng Sáp Đen đã để lại nhiều suy nghĩ trong lòng em, cả người và ngựa của Đăm Săn bị lún dần, lún dần cho đến khi không thể bước đi được nữa. Mặt trời càng lên cao, ngựa của chàng lại càng lún sâu hơn cho đến khi không thể bước đi được nữa và gục ngã.
Theo em, đây là kết quả tất yếu của việc theo đuổi một mục tiêu vượt quá giới hạn con người, vì Đăm Săn là người trần thế, nhưng lại dám ngang nhiên đi bắt Nữ Thần Mặt Trời về làm vợ lẽ cho mình, việc làm này đã động đến Thần Trời, Thần Đất nên bị trừng trị là lẽ đương nhiên. Mặt Trời càng lên cao, thì ngựa của chàng lại càng dính, và mặt đất cứ thế lôi cả người lẫn ngựa chìm xuống. Điều đó cho thấy Đăm Săn đã phạm tội với cả hai đấng tối cao này và việc trừng trị chàng cũng là sự kết hợp của hai yếu tố ấy.
Câu 6: Qua đoạn trích Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời, bạn nhận ra những đặc trưng nào trong phong tục, tập quán, tín ngưỡng của người Ê-đê xưa?
Trả lời:
- Phong tục đón khách: khi có người đến thăm nhà, người hầu sẽ chạy ra đón tiếp “kẻ giữ ngựa tháo yên, người đưa lời thăm hỏi,…”, trải chiếu, giết gà, mang rượu ra để đãi khách, chủ nhà sẽ ăn mặc chỉnh tề, chỉn chu để tiếp khách
- Tôn thờ trời, đất và những đấng thiêng liêng
- Đề cao người anh hùng
Câu 7: Qua hai đoạn trích Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác và Đăm Săn đi bắt Nữ thần Mặt Trời, hãy nêu những điểm tương đồng và khác biệt trong quan niệm của người Hy Lạp cổ đại và người Ê-đê về người anh hùng?
Trả lời:
* Tương đồng:
- Đề cao, coi trọng vị trí của người anh hùng trong xã hội
- Sử dụng những từ ngữ cổ, những yếu tố thành ngữ, tục ngữ
- Sử dụng chất liệu ngôn từ văn học dân gian
* Khác biệt:
- Sử thi anh hùng Hy Lạp cổ đại:
+ Đặt người anh hùng trong hoàn cảnh giữa lợi ích của cộng đồng và cá nhân, phải đưa ra sự lựa chọn, để từ đó khẳng định phẩm chất, vẻ đẹp của người anh hùng
+ Các yếu tố ngoại cảnh như gia đình, dân tộc được xây dựng và nhắc đến khá nhiều
+ Thường kể về những sự việc có ý nghĩa thay đổi lớn lao, quy mô lớn
+ Hình tượng nhân vật hoành tráng, hào hùng
+ Biến cố được nhắc tới trong tác phẩm thường là những biến cố lớn, ảnh hưởng tới cả dân tộc, đất nước
- Sử thi anh hùng Ê-đê:
+ Người anh hùng mang trong mình hoài bão, khát vọng lớn lao, muốn tự mình chinh phục
+ Không nói nhiều đến những yếu tố ngoại cảnh như mâu thuẫn, gia đình, xã hội mà tập trung thể hiện nhân vật chính
+ Nhân vật anh hùng thường thuộc ba loại chính: chiến đấu chống quái vật, người anh hùng đi hỏi vợ, sự trả thù của dòng họ.
Để củng cố kiến thức bài một cách tốt hơn, các em có thể tham khảo thêm:
---------------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp----------------
Tài liệu liên quan
Tư liệu nổi bật tuần
- Xem thêm