YOMEDIA

Phân tích bức chân dung chú bé Lượm

Tải về
 
NONE

Học247 mời các em cùng tham khảo bài văn mẫu Phân tích bức chân dung chú bé Lượm dưới đây. Bài văn mẫu này đã được Học247 tổng hợp và biên soạn bao gồm: Sơ đồ tóm tắt gợi ý, dàn bài chi tiết cùng với bài văn mẫu sẽ giúp các em nắm vững cách viết một bài văn phân tích về bức chân dung nhân vật Lượm. Chúc các em sẽ có được một bài văn thật hay nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài văn mẫu Tả hình ảnh chú bé Lượm trong bài thơ Lượm.

ADSENSE

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Dẫn dắt phân tích chú bé Lượm

b. Thân bài:

- Ngoại hình chú bé Lượm:

+ Chú bé Lượm xuất hiện trong bài thơ với dáng người nhỏ bé.

+ Cùng với đó là chiếc mũ ca lô luôn đội lệch trên đầu. Bé nhỏ nhưng thật nhanh nhẹn và hoạt bát.

+ Các từ láy “loắt choắt”, “xinh xinh” “thoăn thoắt”, “nghênh nghênh” cộng với điệp từ “cái” đã tạo nên bức chân dung nhỏ nhắn mà nhanh nhẹn, hoạt bát rất đáng yêu của người liên lạc nhỏ.

- Công việc của chú bé Lượm: Công việc liên lạc nguy hiểm.

- Phẩm chất, tính cách của ché bé Lượm:

+ Lượm tuy làm một công việc nguy hiểm và trọng yếu như thế nhưng cậu vẫn luôn tràn đầy lòng tự tin, nhiệt huyết ấy bừng sáng trên đôi má “đỏ bồ quân”, trong đôi mắt hồn nhiên với nụ cười “híp mí”, thật khiến người ta tự hào và vui mừng theo. Hình ảnh Lượm đi xa dần mang lại một niềm yêu thương, nỗi lòng dõi theo của Tố Hữu, cũng là niềm hy vọng về một Việt Nam độc lập ngày không xa.

+ Lượm đang tập trung vào nhiệm vụ nguy hiểm nhưng trông cậu như trở lại vẻ hồn nhiên ngày nào.

c. Kết bài:

- Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

- Cảm nhận về nhân vật Lượm.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Bằng một bài văn ngắn, em hãy phân tích bức chân dung chú bé Lượm trong bài thơ Lượm của Tố Hữu.

Gợi ý làm bài:

3.1. Bài văn mẫu số 1

Thơ hay vì trong thơ có họa, có nhạc, Lượm của Tố Hữu là một bài thơ như thế. Trong đó phần đầu bài thơ có lẽ đặc sắc hơn cả vì đã tạo nên bức chân dung chân thật, sinh động của một em bé liên lạc thời đánh Pháp với dáng người bé nhỏ, nhưng nhanh nhẹn, tinh nghịch mà yêu đời, tuổi nhỏ mà chí cao, rất đáng yêu đáng mến.

Khổ thơ đầu nhắc lại một kỉ niệm khó quên lần gặp gỡ cuối cùng của nhà thơ với chú đội viên liên lạc, giữa hai chú, cháu trên thành phố Huế thân thương. Đó là những ngày Huế đổ máu, năm 1946, giặc đánh chiếm cố đô Huế, quê mẹ nhà thơ:

"Ngày Huế đổ máu

Chú Hà Nội về,

Tình cờ chú cháu

Gặp nhau Hàng Bè"

Đoạn thơ nhắc lại, gợi lại một con người, nơi phố cũ thành xưa, thời gian đã qua nay đã trở thành kỉ niệm, hoài niệm. Sau câu chữ, vần thơ là cảm xúc, là nỗi nhớ thương lắng đọng, rung động nơi sâu kín nhất cõi tâm hồn.

Ở khổ thơ tiếp sự tươi tắn, hồn nhiên ấy lại tiếp tục được thể hiện bằng tiếng “huýt sáo” vang vọng cả con đường làng. Cái chân vốn nhanh nhẹn tung tăng nhảy chân sáo trên con đường làng thân thuộc, hình ảnh dễ thương ấy khiến Tố Hữu liên tưởng đến hình ảnh của một “con chim chích” tuy nhỏ bé nhưng lại rất đáng yêu và nhanh nhẹn. Từ những chi tiết về ngoại hình có thể thấy Lượm là một cậu bé rất vô tư, trong sáng, mộc mạc như những đứa trẻ đồng trang lứa.

Nhưng ai có thể nghĩ rằng trong thân hình bé bỏng, những tưởng vô lo vô nghĩ ấy lại là một tâm hồn ẩn chứa tình yêu quê hương, đất nước tha thiết. Lượm chưa lớn, cậu vẫn chưa thể cầm súng giết giặc vậy thì cậu làm liên lạc, một công việc tưởng đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng và cần sự thông minh nhạy bén mà không phải ai cũng đủ dũng cảm để làm. Lượm nói với Tố Hữu “Cháu làm liên lạc/Vui lắm chú à/Thích hơn ở nhà”, chứng minh cho tinh thần xung kích, lòng dũng cảm, không muốn làm một đứa trẻ chỉ quanh quẩn nơi xó nhà. Cậu tuy tuổi nhỏ nhưng lại mang trong mình một tâm hồn lớn, một trái tim lớn, nhận thức sâu sắc về sự nghiệp cách mạng của dân tộc mà tiền đề ấy là lòng yêu quê hương đất nước sâu sắc. Lượm tuy làm một công việc nguy hiểm và trọng yếu như thế nhưng cậu vẫn luôn tràn đầy lòng tự tin, nhiệt huyết ấy bừng sáng trên đôi má “đỏ bồ quân”, trong đôi mắt hồn nhiên với nụ cười “híp mí”, thật khiến người ta tự hào và vui mừng theo. Hình ảnh Lượm đi xa dần mang lại một niềm yêu thương, nỗi lòng dõi theo của Tố Hữu, cũng là niềm hy vọng về một Việt Nam độc lập ngày không xa.

Lượm là một trong những nhân vật anh hùng mà em rất yêu mến và ngưỡng mộ, bởi tinh thần dũng cảm và lòng yêu quê hương đất nước sâu sắc, ý thức giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Đây xứng đáng là tấm gương sáng để lớp lớp các thế hệ trẻ em Việt Nam học tập và noi theo, xứng với niềm mong mỏi của gia đình và xã hội.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Chúng ta tự hào vì đất nước có những vị anh hùng tuy trẻ tuổi nhưng lại dũng cảm gan dạ và có một tấm lòng yêu nước sâu sắc như: Trần Quốc Toản, Kim Đồng, Lê Văn Tám… Trong đó, hình ảnh chú bé Lượm trong bài thơ cùng tên của tác giả Tố Hữu đã để lại trong em một ấn tượng sâu sắc về một chú bé đi liên lạc nhỏ tuổi hồn nhiên, lạc quan nhưng cũng không kém phần dũng cảm yêu nước.

Ngày chiến tranh chống giặc Pháp bắt đầu, Lượm vào Huế và tình cờ gặp được người chú của mình. Tuy chỉ mới mười. mười một tuổi nhưng cậu đã xin được theo các chú bộ đội đi làm nhiệm vụ liên lạc và đã được các chú đồng ý. Lượm có vóc người nhỏ nhắn gầy gò nhưng lại dẻo dai, linh hoạt. Nhiệm vụ đi liên lạc là một nhiệm vụ nguy hiểm nhưng Lượm lúc nào cũng giữ được vẻ hồn nhiên yêu đời. Lượm mặc bộ đồ đội viên đã sờn cũ, bám bẩn bao nhiêu là khói bom, bụi đường. Chiếc túi xắc Lượm đeo trên vai lúc nào cũng phồng lên vì đựng nhiều giấy tờ thư từ quan trọng. Chiếc mũ ca-lô được Lượm đội lệch sang một bên trông rất đáng yêu nhưng đồng thời cũng tôn thêm vẻ chững chạc cho cậu. Làn da của Lượm ngăm đen bởi những ngày chạy giữa trời nắng, vượt qua bao nhiêu mặt trận khói đạn mịt mù để giao những bức thư quan trọng cho đồng chí ta. Bởi thế, mái tóc đen của Lượm giờ đây cũng cháy vàng đi.

Cậu có đôi mắt to, đen láy với ánh nhìn hồn nhiên, trong sáng nhưng cũng không kém phần thẳng thắn, chững chạc. Mỗi khi cười, đôi mắt ấy híp lại làm vẻ lạc quan, yêu đời càng hiện thêm rõ. Lượm có đôi má gầy gò, lại đỏ lên như trái bồ quân mỗi khi cậu cười. Nụ cười rất tươi khoe ra hàm răng đã bị súng, bị sâu vài chỗ. Và hình như lúc nào nụ cười đó cũng hiện diện trên môi. Khi khoe với chú mình về cuộc sống, công việc của mình ở Đồn Mang Cá, niềm vui thể hiện rõ qua giọng nói khỏe khoắn, hăng hái và đầy sức sống. Cậu bé liên lạc nhỏ tuổi hạnh phúc khi được góp phần vào cuộc kháng chiến giành lại Tổ quốc. Thỉnh thoảng, những lúc rảnh rỗi, cậu thường nhảy chân sáo trên cánh đồng vàng quen thuộc gần đồn và huýt vang bài hát mà mẹ cậu đã hát ru cậu ngày nào. Lượm muốn được sống ở Đồn Mang Cá hơn là sống ở nhà dù công việc có nguy hiểm. Cậu nhanh tay sắp xếp thư từ, giấy tờ vào chiếc túi xắc của mình sao cho thật ngăn nắp, gọn gàng rồi lại tất bật lên đường đi giao liên. Không sợ bom đạn của kẻ thù, Lượm chạy qua mặt trận dưới làn mưa đạn.

Đoạn thơ cuối lặp lại như muốn bất tử hóa hình ảnh chú bé liên lạc:“Chú bé loắt choắt… Nhảy trên đường vàng”. Dù cho Lượm đã ra đi, nhưng vẫn còn nhiều cậu bé tiếp nối con đường đó.

Như vậy, Tố Hữu đã khắc họa chân dung Lượm hiện lên vô cùng chân thực. Đó là một cậu bé liên lạc tuổi đời còn rất nhỏ nhưng tinh thần kiên cường, dũng cảm của em lại không thua kém một người lính cách mạng nào.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF