Tài liệu dưới đây nhằm giúp các em biết cách viết bài văn Kể về một tấm gương vượt khó. Hy vọng rằng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh tham khảo, có thêm ý tưởng cho bài viết của mình. Đây là một chủ đề rất hay thường xuyên xuất hiện trong các bài kiểm tra môn Tiếng Việt lớp 5. Chúc các em có được những bài văn hay!
Đề bài: Em hãy viết bài văn kể lại tấm gương vượt khó mà em biết
Gợi ý làm bài:
1. Bài văn mẫu số 1
Lớp chúng em có bạn Đinh Giang, một tấm gương vượt khó trong học tập được bạn bè thương yêu quý mến.
Giang ngồi cạnh em. Người gầy và nhỏ bé. Mùa đông, bạn chỉ có một cái áo bông cũ, chân đi dép lê, chẳng có tất có mũ gì cả. Cái mũ len đỏ mà Giang đang đội là quà thầy Thân dạy thể dục mua tặng.
Mẹ Giang mất đã 6 năm. Bố Giang là thương binh cụt chân phải, hiện là bảo vệ cho Công ty xây dựng nhà ở. Giang còn một đứa em trai lên 6 tuổi đang học lớp 1. Giang cho biết: Ngày nào ba bố con cũng dậy sớm nấu cơm ăn trước khi đi học đi làm; trưa thì hai anh em ăn cơm nguội; tối về mới được ăn cơm nóng.
Chúng em đã đến chơi nhà Giang hai, ba lần. Một ngôi nhà cấp 4, cửa bằng gỗ thông. Một cái giường đôi bằng gỗ tạp. Một cái giường sắt cá nhân. Bàn học của 2 anh em Giang được ghép bằng gỗ dán làm bao bì mà bố Giang xin được. Chẳng thấy đồ đạc gì đáng tiền. Anh em Giang muốn xem tivi phải sang xem nhờ nhà bà Cải ở phía trước. Sau khi mẹ Giang ốm kéo dài, rồi mất, đến nay bố Giang vẫn chưa trả hết nợ cho bà con.
Rất lạ là không bao giờ Giang than phiền hay kêu ca một điều gì. Nhà cách trường hai cây số, Giang đi bộ, ngày nắng cũng như ngày mưa, bạn không bao giờ nghỉ học và đi muộn. Giang học khá, học đều các môn. Chữ viết đẹp và cẩn thận. Sách vở được bọc, không quăn mép. Giang hiền lành, ít nói, khiêm tốn và chu đáo trong các giờ học, môn học. Thầy cô giáo nào cũng thương và khen Giang học chăm và ngoan. Giang cười bẽn lẽn như con gái, rất nhiệt tình giúp đỡ bạn bè trong học tập, trong lao động.
Năm nào Giang cũng được phần thưởng “Học sinh vượt khó, học giỏi”. Mới đây, cô Vân hiệu phó cho Giang một bộ quần áo mới. Giang tâm sự với các bạn: “Để dành đến Tết mới mặc”.
Giang vẫn thường đến nhà em chơi. Ông em, mẹ em vẫn khen: “Thằng bé gầy gò, ngoan, dễ thương lắm...”.
2. Bài văn mẫu số 2
Hiếu học là truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc sống của chúng ta luôn có những tấm gương vượt khó học giỏi. Lớp học thân yêu của chúng em cũng có một tấm gương sáng đáng trân trọng và nể phục về tinh thần vượt khó học giỏi.
Người bạn vượt mọi khó khăn vươn lên học giỏi trong lớp em mà ai cũng biết là Nguyễn Vũ Anh Thư. Thư là học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất trong lớp. Từ nhỏ, Thư đã sống với ông bà nội vì bố mẹ bị tai nạn qua đời. Ông bà Thư đã năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi. Mọi sinh hoạt trong gia đình đều phụ thuộc vào lương hưu ít ỏi của ông Thư vì là thương binh. Thư còn phải đi học nên điều kiện trong nhà vô cùng khó khăn. Hiểu được sự vất vả của ông bà, Thư luôn ngoan ngoãn nghe lời, phụ giúp ông bà mọi việc trong nhà. Trong khi chúng em xúng xính những bộ quần áo mới mà bố mẹ mua cho thì Thư chỉ mặc đi mặc lại những bộ quần áo đã cũ, đã sờn vải, bạc màu. Chúng em vui vẻ đi chơi sau giờ học ở trường còn Thư tranh thủ về nhà ngay, nấu cơm, quét dọn, phụ bà làm bánh để bán lấy tiền.
Bà Thư làm bánh ú rất ngon, thường bán ở gần đình làng hoặc thỉnh thoảng ở trước cổng trường. Mọi người biết hoàn cảnh của Thư, càng thương ông bà già mà còn cố gắng chăm lo cho cháu nên hay mua ủng hộ rất nhiều. Có những bạn không hiểu còn buông lời châm chọc Thư khi nhìn thấy bạn ấy phụ bà gánh hàng về. Những lần như thế, Thư chỉ cúi mặt chứ không nói gì. Nhiều lần em nhìn thấy, Thư vừa trông gánh bánh ú cho bà vừa đọc sách. Khi nào có người mua, bạn ấy sẽ bỏ sách xuống bán bánh, còn khi vắng khách lại cầm sách lên đọc tiếp. Em cảm phục Thư vô cùng. Sách vở của Thư toàn bộ đều là sách cũ, chủ yếu là được cho chứ không mua bao giờ. Nhiều lần cô giáo bảo cả lớp phải mua sách, Thư đều ở lại xin cô. Bạn ấy xin không mua sách mà sẽ chờ các bạn trong lớp đọc trước rồi mượn lại xem sau. Cô giáo cũng đồng ý.
Nhà nghèo nên cô bạn không tham gia các buổi học thêm, thời gian ấy đều ở nhà chăm sóc ông bà. Nhưng Thư luôn là học sinh xuất sắc trong lớp. Kết quả học tập của bạn ấy bao giờ cũng xếp đầu lớp. Dù nắng hay mưa người ta vẫn luôn thấy cô bé nhỏ nhắn cặm cụi cắt từng bó cỏ cho trâu ăn. Hay những buổi đêm đã muộn, hàng xóm vẫn thấy ánh đèn dầu mờ mờ qua khung cửa sổ nhà Thư. Thức khuya dậy sớm, bất cứ thời gian nào có thể tranh thủ được Thư đều học bài, ôn lại bài. Lớp em thường đùa Thư giống nhiều Trạng Nguyên ngày xưa ấy. Nhưng ai cũng nể phục cô bạn. Đặc biệt là kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm ấy, Thư giành giải Nhất. Không chỉ có thành tích học tập tốt, Thư còn là người bạn tốt bụng, luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn bè trong lớp. Có bài tập nào khó, chỗ nào không hiểu chỉ cần hỏi bạn ấy sẽ giải thích tận tình. Nhiều đợt quyên góp ủng hộ người khuyết tật, em thấy Thư vẫn tham gia, dù chỉ là một vài đồng nhỏ bé. Tò mò, em mới hỏi:
- Gia đình cậu đã rất vất vả rồi. Mình nghĩ, cậu không cần góp đâu.
- Nhà tớ khó khăn thật, nhưng tớ vẫn may mắn vì có được cơ thể lành lặn hơn nhiều người khác.
Thư mỉm cười trả lời. Câu nói của Thư làm em giật mình nhận ra nhiều điều.Từ câu chuyện của Thư, em càng yêu quý và khâm phục tấm gương vượt khó học giỏi. Dù hoàn cảnh cuộc sống vất vả như thế nào, chỉ cần quyết tâm và lạc quan, chúng ta đều có thể thành công.
3. Bài văn mẫu số 3
Trong chúng ta, hẳn ai cũng đã từng một lần được nghe về câu chuyện vượt khó học giỏi của thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí. Thầy là một người có hoàn cảnh bất hạnh khi hai tay của thầy đều bị liệt, không thể cử động nhưng thầy lại có một tinh thần hiếu học mạnh mẽ. Chính nghị lực hơn người và sự nỗ lực không ngừng đã đưa thầy Nguyễn Ngọc Kí chạm đến đích của thành công.
Câu chuyện về cậu bé ham học Nguyễn Ngọc Kí: Nguyễn Ngọc Kí là một cậu bé tật nguyền liệt cả hai tay, vì vậy nên cậu không thể đi học như những bạn bè cùng trang lứa. Tuy vậy, Nguyễn Ngọc Kí lại có một tinh thần ham học mạnh mẽ, một ngày cậu đến lớp học để nghe cô giáo giảng bài.
Cô giáo thấy có một cậu bé thập thò ngoài cửa thì đã ra và hỏi chuyện, Nguyễn Ngọc Kí đã nói với cô giáo về nguyện vọng của mình, cô giáo rất cảm động vì tinh thần hiếu học của cậu bé, nhưng khi cô chạm vào hai cánh tay của Kí thì thấy hai tay buông thong. Dù rất buồn nhưng cô đành phải nói lời xin lỗi với cậu bé, vì với đôi tay như vậy thì cậu bé không thể cầm bút mà học tập như những bạn bè cùng trang lứa.
Nguyễn Ngọc Kí đã rất buồn nhưng thay vì chán nản thì cậu bé đã ngày ngày rèn luyện viết chữ bằng chính đôi chân của mình. Vì nhà nghèo không có giấy bút nên Nguyễn Ngọc Kí thường kẹp những viên gạch nhỏ và vẽ những nét ngoằn ngoèo lên nền nhà.
Trong một lần đến thăm Kí, cô giáo đã bắt gặp cảnh Kí đang tập viết nên vô cùng xúc động, cô giáo đã mua tặng Kí chiếc bút và cuốn vở. Có được cuốn vở mới, Kí hăng say tập viết, ban đầu chỉ là những nét nguệch ngoạc không rõ hình thù nhưng vì chăm chỉ tập luyện mà Nguyễn Ngọc Kí không những viết được chữ mà còn viết vô cùng đẹp.
Sự nỗ lực vươn lên không ngừng đã đưa Nguyễn Ngọc Kí từ một cậu bé tật nguyền thành một thầy giáo mẫu mực,một tấm gương vượt khó cho hàng triệu con người học tập và noi theo.
4. Bài văn mẫu số 4
Ở con hẻm nhỏ 24/106 thuộc khu phố 5, phường 3, quận Bình Thạnh, nơi gia đình em cư ngụ, ai cũng biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình bạn Đức.
Đức học cùng lớp với em. Bạn ấy theo bố mẹ từ Quảng Ngãi vào thành phố kiếm sống đã được 3 năm. Ngày ngày, bố Đức đi làm thợ xây, mẹ buôn gánh bán bưng, kiếm tiền nuôi bốn đứa con. Đức là con trai lớn nên sớm biết mình phải có trách nhiệm đỡ đần cha mẹ.
Sáu người sống trong gian phòng thuê chỉ rộng độ hơn chục mét vuông. Đồ đạc trong nhà chẳng có gì đáng giá, nhưng nhìn vào, người ngoài sẽ thấy sự ngăn nắp, sạch sẽ của chủ nhân. Việc dọn dẹp nhà cửa, Đức lo hết để ba mẹ yên tâm. Buổi sáng, Đức dậy sớm phụ mẹ nấu bữa sáng cho cả nhà. Sau đó, mẹ gánh rau ra chợ, bố đi làm và Đức đi học. Mấy lần em hỏi Đức là sao bận rộn như thế mà vẫn học giỏi thì bạn ấy chỉ cười hiền lành: “Mình thương ba mẹ lắm"!.
Ba năm liền, Đức đều đạt danh hiệu Học sinh giỏi. Điều ấy khiến cho ba mẹ bạn ấy rất tự hào với bà con lối xóm. Tối nào nhà Đức cũng đông khách”. Đó là đám trẻ con gần đấy sang nhờ anh Đức chỉ cho cách làm bài tập. Đức ân cần chỉ bảo, chẳng tiếc thời gian. Vì thế mà bạn ấy được nhiều người quý mến.
Chưa bao giờ em nghe Đức than vãn về hoàn cảnh nghèo khó của gia đình. Đến lớp, Đức vẫn hòa đồng với các bạn, không hề mặc cảm. Điều mà em thấy rõ nhất ở Đức là sự chăm chỉ, siêng năng cả trong học tập và trong sinh hoạt. Đức thích mang lại niềm vui cho mọi người qua những lời nói, việc làm bình thường hằng ngày.
Một hôm, trên đường đi học về, thấy một cụ già muốn qua đường, Đức bảo em: "Chúng mình giúp bà cụ đi!”. Sang đến bên kia, bà cụ cảm ơn, Đức lễ phép đáp: “Thưa bà, không có chi! Chúng cháu chào bà ạ!”. Sau đó, Đức khẽ nói: “Nhìn bà cụ, mình nhớ bà ngoại ở ngoài quê quá !”. Em hiểu tình cảm của bạn ấy dành cho người thân thật là sâu nặng.
Tuy cùng tuổi, cùng học với nhau mà sao em thấy Đức “lớn” hơn mình nhiều lắm! Mẹ em thường nhắc: “Con chẳng phải học ai cho xa, cứ noi gương theo bạn Đức ấy. Chăm ngoan, học giỏi như Đức là mẹ vui rồi!". Được như Đức, chắc em phải cố gắng nhiều!
------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------