Bài văn mẫu Kể về ngày hội Lim mà em biết dưới đây nhằm giúp các em rèn luyện và nâng cao kĩ năng viết bài văn kể chuyện hay và sáng tạo nhất. Hy vọng rằng bài văn mẫu này sẽ giúp các em viết văn ngày càng hay hơn. Mời các em cùng tham khảo nhé!
Đề bài: Bằng một bài văn ngắn em hãy kể về ngày hội Lim mà em biết.
Gợi ý làm bài:
1. Bài văn mẫu số 1
Em đã được theo bà và mẹ đi hội Lim ở Bắc Ninh. Lễ hội được tổ chức ở sân đình. Mọi người đến dự hội rất đông, người nọ chen chúc người kia. Các cụ già mặc áo dài màu đen, áo dài màu nâu. Các cô, các chú xúng xính, điệu đà trong bộ quần áo mới.
Nhiều người mang theo hương và đồ lễ. Vui nhất là trẻ con, đứa nào cũng ăn mặc đẹp, chạy nhảy, nô đùa quanh sân đình làm cho cảnh hội thêm phần náo nhiệt. Giờ khai hội đến, chiêng trống nổi lên, khói hương nghi ngút cả đình. Các bô lão trong bộ lễ phục, áo thụng xanh, đầu đội khăn đóng, kính cẩn dâng hương, dâng rượu lên các bàn thờ.
Vui nhất trong ngày hội Lim là các trò chơi dân gian. Các ông cụ thì chơi cờ tướng. Các anh thanh niên khỏe mạnh nhất làng thì đấu vật. Các liền anh, liền chị thì du dương giọng hát quan họ. Cô nào cũng môi hồng, má hồng xinh đẹp, duyên dáng với chiếc áo dài tứ thân bằng lụa màu buộc chéo hờ từ phía trước, vừa hát vừa múa lượn. Em nhẩm theo câu hát:
Hát từ chợ Phủ hát lên, Hát suốt tỉnh Bắc qua miền tỉnh Đông... Vui nhộn nhất là các trò chơi như đánh cờ người, đánh đu, kéo co... Tiếng cười nói, tiếng reo hò vang dậy cả một vùng quê. Trời hơi lành lạnh. Bầu trời phơn phớt hồng. Người kéo về dự hội mỗi lúc một đông thêm. Có đến hàng vạn người, áo quần đủ màu sắc, xanh, đỏ, nâu, vàng rực rỡ. Nhiều bà cụ lưng còng chống gậy, vai khoác túi vài, miệng bỏm bém nhai trầu. Xe máy, xe đạp nối đuôi nhau rộn ràng để về dự hội.
Gần chiều đã phải trở về. Bà bảo: “Đường còn xa, bà cháu phải về sớm. Cháu cố học giỏi lên, sang năm bà chở đi chơi hội chùa Dâu, đẹp lắm, vui lắm!...”. Hội Lim đã trở thành kí ức của tâm hồn em.
2. Bài văn mẫu số 2
Quê em ở Bắc Ninh, nơi có di sản văn hóa phi vật thể được công nhận đó chính là làn điệu dân ca quan họ.
Hàng năm, vào ngày 13 tháng Giêng hội Lim được tổ chức tại Tiên Du, Bắc Ninh. Lễ hội được diễn ra có rất nhiều hoạt động. Cũng như các lễ hội khác, hội Lim được chia thành phần lễ và phần hội. Phần lễ tổ chức các nghi thức truyền thống như cúng, tế. Đến phần hội mới là phần du khách mong chờ. Trên hồ, sẽ có các liền anh, liền chị ở trên thuyền rồng hát quan họ. Những làn điệu trao duyên mượt mà, trong trẻo nghe sao mà da diết thế. Rất nhiều người đứng trên bờ cổ vũ và chụp hình. Trong khi phần hội diễn ra cũng có rất nhiều các trò chơi như chọi gà, đấu vật,… Du khách đến đây cũng có thể mua hoặc thuê trang phục của các liền anh chị để chụp hình hoặc mua rất nhiều đồ lưu niệm xinh xắn.
Hội Lim không chỉ mang giá trị nhân văn mà còn mang giá trị kinh tế to lớn cho tỉnh Bắc Ninh.
3. Bài văn mẫu số 3
"Làng quan họ quê tôi
Tháng giêng mùa hát hội
Những đêm trăng hát gọi, con sông cầu làng bao xanh
Làng, những làng quan họ xanh xanh..."
Mỗi khi giai điệu đó cất lên, lòng em lại nhớ về quê hương Bắc Ninh của mình.
Quê hương em không chỉ nổi tiếng với những làn điệu quan họ, với hình ảnh các liền anh, liền chị duyên dáng, mà còn được biết đến với lễ hội văn hóa dân gian vô cùng đặc sắc. Lễ hội này được tổ chức từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng hằng năm, ở huyện Tiên Du. Lễ hội gồm có hai phần: phần lễ và phần hội. Lễ rước thu hút đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục cầu kì, rực rỡ sắc màu và vô cùng đẹp mắt. Phần hội vô cùng sôi động bởi nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như: đấu võ, đấu vật, đấu cờ, thi dệt, nấu cơm. Nhưng đặc biệt nhất phải kể đến là phần hát hội. Hội thi hát được diễn ra lúc gần trưa và được tổ chức theo hình thức du thuyền hát quan họ. Trên một hồ nước nhỏ, chiếc thuyền rồng rời bến trong những câu hát quan họ đậm đà nghĩa tình, từ hát "Mời trâu" đến "Gọi đò", rồi "Con sáo sang sông", "Con nhện giăng mùng"... Một bên thuyền là các liền chị, duyên dáng trong những tà áo tứ thân, còn ở hai phía đầu và cuối thuyền là các liền anh.
Vào tối ngày 12 sẽ là đêm hội thi hát giữa các làng quan họ. Đây là phần hay nhất trong cả lễ hội Hội Lim. Những làn điệu quan họ được truyền giữ từ bao đời, qua bao kì hội luôn làm say lòng người bởi sự ngọt ngào từ lời ca, giai điệu và càng đằm thắm hơn qua chất giọng đặc trưng của liền anh, liền chị quê em. Và đến lúc "giã bạn", cuộc chia tay thật khó dứt, vì lời ca bao giờ cũng như níu chân khách lại: "Người ơi, người ở đừng về..."
Hội Lim với những hoạt động phong phú, mang ý nghĩa tôn vinh giá trị văn hóa của dân tộc sẽ mãi là niềm tự hào của em cũng như những người dân ở quê hương quan họ này.
4. Bài văn mẫu số 4
Hội Lim là một hội lớn ở tỉnh Bắc Ninh.
Hàng năm, cứ như vậy hội Lim lại được mở vào ngày mồng 10 tháng riêng. Mọi người đi xem hội rất đông, có tất cả các lứa tuổi: già, trẻ và đặc biệt là có khách nước ngoài. Mọi người ăn mặc rất đẹp, nét mặt ai cũng vui tươi. Khi hội bắt đầu, mọi người tản ra từng nhóm để chơi những trò họ yêu thích. Hội Lim có rất nhiều trò vui như: đấu vật, đấu cờ, thi kéo co, thi chọi gà,… Trên bến sông, dòng người không ngớt đổ về xem hát quan họ. Trên những chiếc thuyền được trang trí lộng lẫy, các liền anh, liền chị đang say sưa trong các làn điệu dân ca quan họ. Những làn điệu mời nước mời trầu, khách đến chơi nhà… được cất lên làm ấm lòng du khách gần xa.
Em rất yêu thích hội Lim. Em tự hào vì mình là người con Bắc Ninh, nơi có làn điệu dân ca quan họ, một di sản văn hóa thế giới.
------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------