Bài văn mẫu Kể lại một truyện em đã đọc bằng lời văn của em dưới đây nhằm giúp các em biết cách viết một bài văn kể chuyện có bố cục ba phần đầy đủ: Mở bài, thân bài và kết bài. Chúc các em sẽ có được những bài văn thật hay nhé!
Đề bài: Em hãy viết một bài văn ngắn kể lại một truyện em đã đọc bằng lời văn của em.
Gợi ý làm bài:
1. Bài văn mẫu số 1
Vào thời Hùng Vương thứ sáu, vợ chồng tôi sống lương thiện ở làng Gióng. Nhưng tuổi đã già mà chưa có lấy một mụn con.
Một hôm ra đồng tôi thấy có một vết chân to liền tò mò ướm thử, đâu ngờ về nhà lại mang thai. Điều này thật may mắn cho hai vợ chồng tôi. Nhưng tới mười hai tháng sau tôi mới sinh được một bé trai mặt mũi khôi ngô, tuấn tú. Chúng tôi đặt tên cho nó là Gióng. Nhưng điều đáng buồn là tới năm ba tuổi nhưng con tôi vẫn chưa biết nói cười cũng chẳng biết đi.
Bỗng một hôm sứ giả nhà vua đến làng thông báo tin giặc Ân xâm phạm bờ cõi nước ta. Vua cần người tài ra đánh giặc cứu nước, giúp dân. Vừa nghe tin ấy bỗng dưng con tôi cất tiếng nói làm tôi rất đỗi ngạc nhiên. “Mẹ ra mời sứ giả vào đây”. Tôi bán tín bán nghi nhưng cũng làm theo lời con. Khi sứ giả vừa vào tới Gióng liền nói dõng dạc “ Ông về tâu với vua sắm cho to một con ngựa sắt, một cái roi sắt bà một tấm áo giáp sắt ta sẽ phá tan lũ giặc này”. Từ hôm ấy trở đi con tôi lớn nhanh như thổi, ăn bao nhiêu cũng không no, gạo trong nhà không đủ ăn, bà con phải góp gạo để nuôi nó.
Lúc đó, giặc đã đến chân núi Trâu. Mọi người đều hoảng hốt. Vừa khi ấy sứ giả đem những thứ mà con tôi yêu cầu tới nhà. Gióng vươn vai một cái lập tức biến thành một tráng sĩ oai phong, trèo lên lưng ngựa, phi thẳng tới nơi có giặc. Dưới ngọn roi sắt của con tôi, lũ giặc chết như rạ. Khi roi sắt gãy, Gióng nhổ cụm tre ven đường quật vào quân giặc. Giặc tan vỡ, những kẻ còn sống giẫm đạp lên nhau mà chạy thoát thân.
Tin thắng giặc Ân vang khắp nước nhưng tôi đợi mãi không thấy con trở về. Sau đó tôi nghe người ta bảo rằng nó đuổi theo giặc Ân chạy tới chân núi Sóc rồi cởi bỏ áo giáp sắt, cả người và ngựa bay lên trời. Vua nhớ công ơn đánh giặc của con tôi nên phong là Phù Đổng Thiên Vương, lập đền thờ ngay tại làng. Một số dấu tích ngày nay vẫn còn tìm thấy đó là tre đằng ngà và làng cháy.
2. Bài văn mẫu số 2
Ta là Thủy Tinh, chúa tể vùng nước thẳm. Lâu lắm rồi, cách đây ước khoảng hai nghìn năm, vua Hùng Vương thứ 18 đang trị vì nước Văn Lang có cô con gái đẹp tuyệt trần tên là Mị Nương. Năm ấy Mị Nương vừa đến tuổi gả chồng, tin nhà vua kén rể được truyền khắp vùng quê kẻ chợ.
Ta nghe tin, vội vàng lên đường đến Phong Châu, tin chắc chắn, với tài năng phi thường của ta, ngôi vị phò mã nước Văn Lang không thể về tay ai khác.
Hôm ấy, ta vừa bước vào cổng thành Phong Châu thì một kẻ khác cũng liền bước tới. Xem bộ dạng, ta cũng biết ngay hắn đến đây vì mục đích như ta. Trước mặt vua Hùng, hắn tự xưng là Sơn Tinh, ở vùng núi Tản Viên. Tài còn ngạo nghễ khoe rằng hắn có tài vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cồn bãi; vẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên từng dãy núi đồi. Hắn còn khoe có thể dời non lấp bể một cách dễ dàng.
Quả thực, tài năng ấy thật phi thường, trên đời này thật hiếm có người như thế. Thế nhưng, tài năng của ta cũng đâu kém. Ta là Thủy Tinh, người thống trị miền biển sâu. Ta có thể gọi gió, gió đến; hô mưa, mưa về, tạo sấm, tạo sét, dâng nước sông lên khiến đồng ruộng, nhà cửa ngập chìm trong nước.
Vua Hùng xem chừng khó nghĩ lắm. Vì so sánh ta với Sơn Tinh, một người là chúa miền nước thẳm, một người là chúa vùng non cao, cả hai xứng đáng làm rể. Nhà vua bèn cho vời các Lạc hầu, Lạc tướng vào điện bàn bạc. Rồi vua khiêm nhường phán:
– Hai người đều xứng đáng làm rể quý của ta. Nhưng ta chỉ có một đứa con gái, biết gả cho ngài nào? Thôi thì, sáng mai, ai đem sính lễ đến trước, người ấy sẽ là rể ta.
Ta hỏi sính lễ thế nào thì vua phán: “Một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng; voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi”.
Sính lễ như thế, đối với ta, rất khó, nhưng trong đêm ta cũng cho người lo liệu đủ. Hôm sau, mặt trời mới vừa ló dạng, ta đã có mặt trước thành Phong Châu. Nhưng, hỡi ơi! Ở phía tây kinh thành, quân tướng , của Sơn Tinh đang hô”i hả rước Mị Nương về núi. Thì ra Sơn Tinh đã đến sớm hơn ta, từ lúc mới mở sáng.
Ta vô cùng tức giận, hét to một tiếng rồi tức tém cho quân đuổi theo. Ta hô mưa, gọi gió, làm dông bão rung trời chuyển đất, dâng nước sông lên quyết đánh Sơn Tinh. Thật chưa bao giờ cơn giận dữ của ta lại lên đều như vậy. Nước ngập hết đồng ruộng làng mạc, dâng lên đên lưng sườn đồi núi. Thành Phong Châu trông như lềnh bềnh trên mặt biển.
Sơn Tinh liền hóa phép chống lại. Hắn ném đất, dời núi, dựng thành đế ngăn dòng nước lũ. Nước ta dâng lên đên đâu, hắn lại cho núi đồi cao lên đến đó. Ta liên tiếp đánh hắn mấy tháng ròng, hắn thì vẫn vững vàng mà sức ta thì mỗi ngày một kiệt. Cuối cùng ta đành rút quân về.
Từ đó, mỗi năm, cứ đến dịp này, nhớ lại việc Sơn Tinh đã cướp mất nàng Mị Nương xinh đẹp của ta, lòng lại căm giận như sôi, ta lại làm mưa gió, dông bão, dâng nước đánh hắn. Ta biết ta không thể chiến thắng được hắn, nhưng mấy ngàn năm đã qua, nỗi căm tức của ta đối với Sơn Tinh vẫn không hề vơi cạn.
3. Bài văn mẫu số 3
Ở trước nhà em có trồng rất nhiều cây tre. Mỗi khi rảnh rỗi, em thường ngồi đếm các đốt của cây tre. Có lần em hỏi ông: “Ông ơi, có cây tre nào có một trăm đốt không ạ?”. Nghe vậy ông bật cười: “Muốn có cây tre trăm đốt thì phải có thần chú cơ.” Nghe vậy em liền quấn lấy ông đòi biết được câu thần chú. Vậy là ông bảo em ngồi xuống rồi kể cho em nghe câu chuyện cổ tích Cây tre trăm đốt.
Chuyện kể về một anh chàng thanh niên tuy nghèo khó nhưng rất khỏe mạnh, chịu khó làm lụng. Anh làm đầy tớ cho một ông lão, và được ông ta hứa là nếu chịu khó làm lụng cho nhà lão mà không lấy tiền thì lão sẽ gả cô con gái xinh đẹp của mình cho. Nghe vậy, anh vui lắm, nên ra sức làm lụng mà không lấy dù chỉ một đồng điền công.
Tuy nhiên, khi đến lúc cô con gái xinh đẹp trưởng thành thì ông ta đổi ý. Muốn gả cô cho tên phú hộ trong làng. Vì vậy, hắn nói với chàng trai rằng, hãy tìm cho được một cây tre trăm đốt về làm đũa cưới thì mới gả con gái cho. Thế là chàng trai hì hục thi tìm cây tre trăm đốt. thế nhưng chàng tìm mãi, tìm mãi vẫn không tìm được cây tre trăm đốt nào cả. Quá mệt mỏi và tuyệt vọng, chàng ngồi xuống bật khóc tức tưởi. Đúng lúc đó bụt hiện lên, bảo anh hãy chặt một trăm đốt tre và dạy cho anh hai câu thần chú. Câu thần chú “Khắc nhập, khắc nhập” để một trăm đốt tre tự gắn lại với nhau tạo thành cây tre trăm đốt. Câu thần chú “Khắc xuất, khắc xuất” để các đốt tre tự rời nhau ra để tiện di chuyển.
Thế là chàng trai mừng rỡ mang tre về nhà. Về đến nơi, chàng thấy trên sân là đám cỗ linh đình thì nhận ra là mình bị lừa. Thế là, chàng vội chạy lại, gọi ông lão lại xem cây tre trăm đốt. Khi lão ta vừa lại gần, chàng đọc ngay “Khắc nhập, khắc nhập” khiến lão bị dính luôn vào cây tre, trở thành đốt tre một trăm linh một. Cả nhà hỗn loạn, đầy tờ tìm mọi cách vẫn không gỡ lão ra được. mãi sau, lão đồng ý gả con gái cho chàng đúng như đã hứa. Chàng không tin ngay, mà bắt lão thề thốt nhiều lần mới thả cho lão xuống.
Từ đó, mọi người ai cũng nể phục chàng lắm. Còn chàng thì cưới được cô vợ xinh đẹp, chung sống bên nhau hạnh phúc.
4. Bài văn mẫu số 4
Đã thành lệ, đêm nào, trước khi đi ngủ, bà nội cũng kể chuyện cổ tích cho chúng em nghe. Đêm qua, bà kể chuyện “Cây tre trăm đốt”. Câu chuyện thật hay. Chúng em bị cuốn hút theo từng lời kể hấp dẫn của bà...
Ngày xưa có một anh chàng cày hiền lành, khoẻ mạnh, đi ở cho một lão nhà giàu. Anh rất chăm chỉ lại thạo việc đồng áng nên lão nhà giàu muốn anh làm lợi thật nhiều cho lão. Một hôm, lão gọi anh đến và ngon ngọt dỗ dành:
- Con chịu khó thức khuya dậy sớm làm lụng giúp ta, chớ quản nhọc nhằn. Ba năm nữa, ta sẽ gả con gái cho.
Anh trai cày tưởng lão nói thật, cứ thể quần quật I làm giàu cho lão. Ba năm sau, nhờ công sức anh, lão chủ có thêm nhà ngói, sân gạch, tậu thêm được ruộng, được vườn. Tuy nhiên, lão nhà giàu chẳng giữ lời hứa năm xưa. Lão đã ngấm ngầm nhận lời gả con gái cho con trai một nhà giàu khác trong vùng. Một hôm, lão làm ra vẻ thân mật bảo anh trai cày:
- Con thật có công với gia đình ta. Con đã chịu khó ba năm, trồng cây sắp đến ngày ăn quả. Cơ ngơi nhà ta chỉ còn thiếu cây tre trăm đốt, con gắng lên rừng tìm cho được đem về, ta sẽ gả con gái cho.
Anh trai cày mừng rỡ xách dao lên rừng. Anh không biết ở nhà hai lão nhà giàu đã sắp sẵn cỗ bàn để làm lễ cưới con trai, con gái chúng. Hai lão hí hửng bảo nhau: “Cái thằng ngốc ấy có đi quanh năm suốt tháng cũng đố mà kiếm được cây tre đủ trăm đốt! Thế nào rồi cũng bị rắn cắn, hổ vồ!”
Về phần anh trai cày, anh hì hụi trèo đèo lội suối, luồn hết bụi này bờ khác tìm kiếm mà chỉ thấy những cây tre thấp bé bình thường, cây cao nhất cũng chưa được năm chục đốt. Anh buồn quá, ngồi bưng mặt khóc. Nghe tiếng khóc, Bụt hiện lên hỏi:
- Làm sao con khóc?
Anh trai cày thưa rõ đầu đuôi câu chuyện. Bụt cười và bảo:
- Khó gì việc ấy! Con hãy chặt đủ một trăm đốt tre, đem xếp nối với nhau rồi hô: “Khắc nhập, khắc nhập” thì sẽ có ngay cây tre trăm đốt.
Nói xong, Bụt biến mất. Anh trai cày làm đúng lời Bụt bảo, quả nhiên cả trăm đốt tre dính liền nối nhau thành một cây tre rủ trăm đốt. Anh sung sướng nâng lên vai vác về. Song, tre dài quá, vướng bờ vướng bụi, không sao đưa ra khỏi rừng được. Anh lại ngồi xuống khóc, Bụt lại hiện lên hỏi:
- Cây tre trăm đốt có rồi, sao con còn khóc?
Anh nói tre dài quá không vác về nhà được, Bụt liền bảo:
- Con hãy hô: “Khắc xuất, khắc xuất”, những đốt tre ấy sẽ rời ra!
Anh làm theo lời Bụt, quả nhiên cây tre rời ra trăm đốt, anh kiếm dây rừng buộc làm hai bó, mừng rỡ gánh về.
Lúc anh về tới nơi, thấy hai họ ăn uống linh đình và sửa soạn đón dâu, anh mới biết rõ là lão nhà giàu đã lừa anh và đã lén lút đem con gái gả cho người khác. Anh giận lắm nhưng không nói năng gì, lẳng lặng gấp trăm đốt tre nối nhau và hô: “Khắc nhập, khắc nhập”. Một cây tre đúng trăm đốt tươi xanh óng ả hiện ra trước mắt mọi người. Lão chủ thấy lạ, chạy lại gần xem. Anh đọc luôn: “Khắc nhập, khắc nhập”. Lão tà dính liền ngay vào cây tre, không tài nào dứt ra được. Lão thông gia thấy vậy chạy lại định gỡ cho nhà chủ. Anh đợi cho hắn tới gần, rồi lại đọc: “Khắc nhập, khắc nhập”. Thế là lão ta cũng dính chặt luôn vào cây tre. Hai lão nhà giàu kêu khóc thảm thiết, van lạy anh trai cày xin anh gỡ ra cho và hứa trước hai họ sẽ gả con gái cho anh ngày hôm đó. Lúc bấy giờ, anh mới khoan thai đọc: “Khắc xuất, khắc xuất”. Tức thì cả hai lão kia rời khỏi cây tre và cây tre cũng chia thành trăm đốt. Anh trai cày làm lễ cưới cô gái và hai vợ chồng sống với nhau hạnh phúc suốt đời.
Khi nghe xong chuyện “Cây tre trăm đốt”, các bạn nhỏ ngồi quanh bà đều là lên: “Đáng đời cho bọn gian tham, quỷ quyệt!”. Mấy lời đó đã làm em ngẫm nghĩ: Tụi nó nhỏ mà cũng biết suy xét phải trái. Ở đời, những kẻ tham lam thường chuốc hại cho mình, còn những người hiền lành, chăm chỉ như anh trai cày sẽ được mọi người yêu quý và đạt được kết quả tốt đẹp.
------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------