YOMEDIA

Đề kiểm tra HK2 môn Ngữ văn lớp 9 năm 2018-2019, Sở GD&ĐT Nam Định

Tải về
 
NONE

Đề kiểm tra HK2 môn Ngữ văn lớp 9 năm 2018-2019, Sở GD&ĐT Nam Định có lời giải chi tiết được Học247 sưu tầm nhằm giúp các em có thêm tư liệu bổ ích để tham khảo trước kì thi sắp đến. Với cấu trúc gồm hai phần: đề thi và đáp án, các em có thể rút ra những phương pháp làm bài thi đạt kết quả cao. Chúc các em có một kì thi tốt!

ATNETWORK
YOMEDIA

SỞ GD & ĐT NAM ĐỊNH                                                               ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ 2

                                                                                                            Năm học 2018-2019

       ĐỀ CHÍNH THỨC                                                                        Môn: Ngữ văn – Lớp 9

Thời gian: 120 phút, không kể thời gian giao đề.

Phần 1: Tiếng Việt (2,0 điểm)

Hãy viết chữ cái đứng trước phương án đúng vào bài làm.

Câu 1: Câu văn: “Ngẫm ra thì tôi chỉ nói lấy sướng miệng tôi.” (Tô Hoài) có chứa thành phần biệt lập nào?

A.  Gọi- đáp.                                      C. Cảm thán.

B.   Tình thái.                                     D. Phụ chú.

Câu 2: Phần được gạch chân trong câu: “Đối với chúng mình thì thế là sung sướng.” (Nam Cao) là thành phần:

A. khởi ngữ.                                      C. vị ngữ.                              

B. chủ ngữ.                                        D. trạng ngữ.

Câu 3: Hai câu văn: “Họa sĩ nào cũng đến Sa Pa! Ở đấy tha hồ vẽ.” (Nguyễn Thành Long) được liên kết với nhau bằng:

A. phép đồng nghĩa, trái nghĩa.                 C. phép thế.

B. phép lặp từ ngữ.                                      D. phép nối.

Câu 4: Trong các câu thơ:

“Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.”

(Hữu Thỉnh)

có sử dụng những biện pháp tu từ:

A.  so sánh và nhân hóa.                             C. ẩn dụ và so sánh.

B.   hoán dụ và ẩn dụ.                                  D. nhân hóa và ẩn dụ.

Câu 5: Câu văn: “Thì má cứ kêu đi.” (Nguyễn Quang Sáng) là:

A. câu nghi vấn.                               C. câu cầu khiến.

B. câu trần thuật.                             D. câu cảm thán.

Câu 6: Xét về cấu tạo ngữ pháp, câu: “Sau một hồi trống thúc vang dội cả lòng tôi, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên rồi đi vào lớp.” (Thanh Tịnh) thuộc kiểu câu:

A. câu đơn.                                        C. câu đặc biệt.

B. câu ghép.                                       D. câu rút gọn.

Câu 7: Từ ngữ được điền vào chỗ dấu ba chấm của câu “… là phần thông báo tuy không được diễn đạt trực tiếp bằng từ ngữ trong câu nhưng có thể suy ra từ những từ ngữ ấy.” là:

A. nghĩa tường minh.                        C. thuật ngữ.

B. hàm ý.                                           D. trường từ vựng.

Câu 8: Điểm giống nhau giữa khởi ngữ và trạng ngữ

A. đều là thành phần chính của câu.         C. đều là thành phần biệt lập.

B. đều là thành phần phụ của câu.            D. không phải là thành phần câu.

Phần 2: Đọc - hiểu văn bản (2.0 điểm)

Em hãy đọc đoạn văn bản sau và thực hiện các yêu cầu ở bên dưới:

Trong một “thế giới mạng”, ở đó hàng triệu người trong phạm vi toàn cầu gắn kết với nhau trong một mạng In-tơ-net thì tính cộng đồng là một đòi hỏi không thể thiếu được. Nhân dân ta có truyền thống lâu đời đùm bọc, đoàn kết với nhau theo phương châm “nhiễu điều phủ lấy giá gương”. Bản sắc này thể hiện mạnh mẽ nhất trong cảnh đất nước lâm nguy, ngoại bang đe dọa. Nhưng tiếc rằng phẩm chất cao quý ấy thường lại không đậm nét trong việc làm ăn, có thể do ảnh hưởng của phương thức sản xuất nhỏ, tính đố kị vốn có của lối sống theo thứ bậc không phải theo năng lực và lối nghĩ “trâu buộc ghét trâu ăn” đối với người hơn mình ở làng quê thời phong kiến. Ta có thể quan sát thấy điều đó ngay trong cả những việc nhỏ nhặt: Ví dụ vào thăm bảo tàng thì người Nhật túm tụm vào với nhau chăm chú nghe thuyết minh, còn người Việt Nam ta lại lập tức tản ra xem những thứ mình thích; người Hoa ở nước ngoài thường cưu mang nhau song người Việt lại thường đố kị nhau…

Vũ Khoan, Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới,

SGK Ngữ văn 9 - Tập 2, NXB Giáo dục, 2008 tr.28)

1. Nêu phương thức biểu đạt chủ yếu của đoạn văn bản. (0,5 điểm)

2. Tác giả đã chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu nào của người Việt Nam? Nguyên nhân điểm yếu ấy là gì? (1,0 điểm)

3. Để khắc phục điểm yếu mà tác giả đã nêu ra, chúng ta cần phải làm gì? (0,5 điểm)

Phần 3: Làm văn (6,0 điểm)

Câu 1: Viết một đoạn văn chia sẻ suy nghĩ của em về mặt tích cực và ảnh hưởng tiêu cực của In- tơ-net hiện nay. (1,5 điểm)

Câu 2: Cảm nhận của em về đoạn thơ sau: (4,5 điểm)

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim!

Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.”

(Viễn Phương, Viếng lăng Bác,

Ngữ văn 9, Tập 2, NXB Giáo dục, 2008, tr58-59)

-------HẾT-------

Học sinh không được sử dụng tài liệu; Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm./.

HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐÁP ÁN:

Phần 1: Tiếng Việt (2,0 điểm). Mỗi câu trả lời đúng được 0.25 điểm.

Câu 1 2 3 4 5 6 7 8
Đáp án B A C D C A B B

Phần 2: Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chủ yếu: Nghị luận (0,5 điểm)

Câu 2:

  • Tác giả đã chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu của người Việt Nam.
    • Điểm mạnh: Truyền thống lâu đời đùm bọc, đoàn kết, yêu thương nhau trong đấu tranh chống ngoại xâm. (0,25 điểm)
    • Điểm yếu: Tính đố kị, ghen ghét trong làm ăn kinh doanh, trong cuộc sống.  (0,25 điểm)
  • Nguyên nhân của điểm yếu ấy là do: (0,5 điểm)
    • Ảnh hưởng của phương thức sản xuất nhỏ.
    • Tính đố kị vốn có của lối sống theo thứ bậc không phải theo năng lực.
    • Lối nghĩ “trâu buộc ghét trâu ăn” đối với người hơn mình ở làng quê thời phong kiến.
  • Nếu học sinh trả lời được 1 ý cho 0,25 điểm, trả lời được 2 trong 3 ý cho tối đa 0,5 điểm.

Câu 3: (0,5 điểm)

  • Học sinh có thể trả lời theo nhiều cách khác nhau. Dưới đây là một số định hướng sau:
  • Để khắc phục điểm yếu chúng ta cần:
    • Phát huy truyền thống đùm bọc, đoàn kết, yêu thương nhau trong làm ăn kinh doanh cũng như trong cuộc sống.
    • Đẩy mạnh việc làm ăn, sản xuất theo quy mô lớn.
    • Mỗi người cần một phát huy hết năng lực của bản thân để cống hiến thật nhiều cho đất nước…
  • Học sinh trả lời được 1 ý cho 0,25 điểm, trả lời được 2 trong 3 ý cho tối đa 0,5 điểm.

Phần 3: Làm văn

Câu 1: (1,5 điểm)

  • Yêu cầu về kỹ năng: Viết đoạn văn nghị luận, cách lập luận chặt chẽ để làm sáng tỏ vấn đề.
    • Học sinh viết đúng mô hình đoạn văn 0,25 điểm
  • Yêu cầu về kiến thức:
    • Học sinh có thể có những suy nghĩ khác nhau song phải hiểu được vấn đề nghị luận. Sau đây là một số ý mang tính định hướng:
      • Giải thích: In-tơ-net là một mạng lưới thông tin toàn cầu được kết nối bằng các thiết bị khoa học công nghệ cao như điện thoại di động, máy vi tính… (0,25 điểm)
        • Mặt tích cực của In-tơ-net: (0,5 điểm)
          • Mang lại rất nhiều tiện ích cho người sử dụng như gửi thư điện tử, trò chuyện trực tuyến, truy tìm dữ liệu, các dịch vụ thương mại, kinh doanh, các dịch vụ y tế, giáo dục, học tập, nghiên cứu…
          • Đưa con người tiếp cận với vốn tri thức rộng lớn ở tất cả các lĩnh vực đời sống một cách nhanh nhất.
          • Giúp con người giao lưu, kết bạn, chia sẻ tình cảm, trao đổi, thảo luận… với bạn bè toàn thế giới.
          • Với hàng loạt các ứng dụng như facebook, Zalo, Game online… mọi người tìm đến In-tơ-net để nghe nhạc, xem phim… thư giãn, giải trí.
        • Ảnh hưởng tiêu cực của In-tơ-net. (0,25 điểm)
          • Có nhiều thông tin, nội dung xấu gây hại cho con người.
          • + Một số người lợi dụng In-tơ-net để trục lợi đánh cắp bí mật quốc gia, tài khoản ngân hàng, gửi các vi- rut độc hại, truyền đi những thông tin xấu…
          • Người dùng In-tơ-net quá nhiều sẽ lãng phí thời gian, gây hại cho sức khỏe, mắc bệnh nghiện In-tơ-net, sống trong thế giới ảo, vô cảm, ỷ lại, dựa dẫm…
          • Văn hóa đọc bị lấn át...
        • Để In-tơ-net phát huy tác dụng tốt nhất người dùng In-tơ-net cần: (0,25 điểm)
          • Cần lựa chọn những thông tin trên In-tơ-net một cách thông minh, có ý thức trách nhiệm với những thông tin mình đưa lên.
          • Dành thời gian sử dụng hợp lí, dùng có mục đích, có kế hoạch…
          • Các cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt chẽ thông tin đưa lên mạng, quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ In-tơ-net công cộng, giáo dục mọi người kiến thức tin học cần thiết, văn hóa sử dụng In-tơ-net..
          • Liên hệ với bản thân.
  • Cách cho điểm:
    • Từ 1-1,5 điểm: Đảm bảo được 3-4 ý, triển khai ý một cách thuyết phục và diễn đạt trôi chảy.
    • Từ 0,25-0,75: Đảm bảo được 1-2 ý triển khai còn sơ lược, còn mắc ý diễn đạt.
    • Điểm 0: Không làm hoặc có làm nhưng lạc nội dung.

Câu 2: (4,5 điểm)

  • Yêu cầu chung:
    • Về kiến thức: Học sinh cần có năng lực cảm thụ văn chương, cảm nhận được giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của đoạn thơ, đặt trong mạch cảm xúc của toàn bài.
    • Về kỹ năng: Học sinh biết vận dụng kết hợp các thao tác lập luận và kỹ năng làm bài nghị luận văn học. Học sinh biết cảm nhận, phân tích được một đoạn thơ trữ tình, đảm bảo hình thức của kiểu bài nghị luận văn học, bố cục đầy đủ ba phần.
  • Yêu cầu cụ thể: Học sinh có thể làm theo nhiều cách khác. Dưới đây là một số gợi ý, định hướng như sau:
    • Giới thiệu tác giả Viễn Phương, bài thơ Viếng lăng Bác và đoạn thơ (0,5 điểm)
      • Tác giả: Viễn Phương
      • Tác phẩm: Bài thơ Viếng lăng Bác được sáng tác vào năm 1976 khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, lăng Bác được khánh thành. Nhà thơ từ miền Nam ra thăm miền Bắc vào lăng viếng Bác. Bài thơ là tiếng lòng của người miền Nam đối với Bác.
      • Đoạn thơ là 2 khổ thơ cuối trong bài thơ Viếng lăng Bác (khổ 3 và khổ 4) diễn tả niềm xúc động của nhà thơ khi vào lăng viếng Bác và mong ước thiết tha được ở mãi bên Bác.
    • Cảm nhận hai khổ thơ:
      • Khổ 3: Cảm xúc của nhà thơ khi vào  lăng viếng Bác. (1,75 điểm)
        • Hai câu thơ đầu: Bên trong lăng, nơi Bác yên nghỉ là một thế giới huyền diệu, trong sáng và yên tĩnh. Bác đã đi xa nhưng trong cảm nhận của nhà thơ Bác đang trong giấc ngủ bình yên, nghỉ ngơi sau cả cuộc đời cống hiến hy sinh, giấc ngủ “giữa vầng trăng sáng dịu hiền” trong tình thương yêu, sự nâng niu của con người và tạo vật. Hình ảnh “vầng trăng” là sự liên tưởng độc đáo bất ngờ vừa gợi tả được ánh sáng dịu nhẹ trong trẻo trong lăng Bác, vừa gợi đến một tâm hồn cao đẹp, trong sáng giàu tình thương và những vần thơ tràn đầy ánh trăng của Người.
        • Hai câu sau: Có sự đối lập giữa lý trí với tình cảm. Lý trí khẳng định Bác còn sống mãi với non sông đất nước (học sinh cần phân tích hình ảnh ẩn dụ “trời xanh là mãi mãi”). Dù tin là như thế nhưng nhà thơ lại nhói đau trước sự ra đi của Bác (Học sinh cần phân tích, cặp quan hệ từ “vẫn biết … mà sao”, câu hỏi tu từ, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “nghe nhói”). Từ đó hình ảnh Bác hiện lên vừa vĩ đại, thiêng liêng nhưng cũng rất đỗi gần gũi, thân thiết với mỗi người.
      • Khổ 4: Cảm xúc lưu luyến và ước nguyện được mãi bên Người của nhà thơ khi nghĩ đến giây phút chia tay. (1,75 điểm)
        • Câu thơ đầu là nỗi nhớ thương xúc động mãnh liệt không kìm nén nổi được diễn tả một cách mộc mạc, chân thành đậm chất Nam Bộ.
        • Ba câu thơ sau: Ước nguyện chân thành của nhà thơ muốn hóa thân vào những cảnh vật bên lăng Bác để được ở mãi bên Bác. Đặc biệt được muốn làm cây tre trung hiếu thủy chung với con đường Bác đã lựa chọn. Chú ý khai thác điệp ngữ “muốn làm” kết hợp với điệp cấu trúc câu, hình ảnh thiên nhiên giàu ý nghĩa con chim, đóa hoa, cây tre. Đặc biệt hình ảnh hàng tre ở khổ thơ đầu lặp lại ở cuối bài đã tạo kết cấu đầu cuối tương ứng tô đậm hình ảnh gây ấn tượng sâu sắc và dòng cảm xúc được trọn vẹn.
    • Đánh giá:(0,5 điểm)
      • Đặc sắc nghệ thuật: Giọng thơ vừa trang nghiêm, vừa sâu lắng, vừa thiết tha, hình ảnh ẩn dụ đẹp và trang nhã, ngôn ngữ bình dị, hàm súc…
      • Đặc sắc nội dung: Đoạn thơ thể hiện lòng thành kính biết ơn, niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và mọi người khi vào lăng viếng Bác. Đó là tình cảm của cả dân tộc ta với Bác.
      • Đoạn thơ đã góp phần làm nên thành công chung của bài thơ. Viếng lăng Bác như một nén hương thơm mà Viễn Phương thành kính dâng nên Bác kính yêu. Bài thơ đã góp thêm một tiếng thơ xúc cảm và sâu lắng trong bản tình ca viết về Bác.
  • Cách cho điểm:
    • Từ 4,0 điểm - 4,5 điểm: Hiểu đoạn thơ, có kỹ năng nghị luận, đảm bảo các ý cơ bản. Cách triển khai ý rõ ràng, có sức thuyết phục, diễn đạt trôi chảy.
    • Từ 3,0 điểm - 3,75 điểm: Hiểu đoạn thơ có kỹ năng nghị luận nhưng đôi chỗ còn lúng túng. Hệ thống ý chưa thật đầy đủ hoặc còn có ý triển khai chưa rõ ràng thuyết, chưa thuyết phục.
    • Từ 2,0 điểm - 2,75 điểm: Hiểu đoạn thơ nhưng kỹ năng nghị luận còn hạn chế, có khi sa vào diễn xuôi, ý sơ sài.
    • Dưới 2,0 điểm: Chưa hiểu thấu đáo đoạn thơ, cảm nhận sơ sài, mắc nhiều lỗi diễn đạt.
  • Lưu ý chung: Sau khi chấm điểm từng câu, giám khảo cân nhắc để cho điểm toàn bài một cách hợp lý, đảm bảo đánh giá đúng năng lực của học sinh. Điểm toàn bài lẻ 0,25 điểm, không làm tròn.
    • Phần thang điểm trên đây ghi điểm tối đa cho mỗi ý, nếu học sinh chưa đáp ứng được yêu cầu về kiến thức về kỹ năng làm bài thì không thể đạt tối đa số điểm này.

 

NONE

ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON