Đề cương ôn tập Học kì 1 môn Vật lí 8 năm 2022-2023 do HOC247 tổng hợp và biên soạn bao gồm các kiến thức trọng tâm được tóm tắt ngắn gọn và các bài tập vận dụng ở các mức độ khác nhau sẽ giúp các em có thể ôn tập môn Vật lí 8 một cách dễ dàng để chuẩn bị thật tốt cho kì thi Học kì 1 sắp tới.
1. Kiến thức cơ bản
1.1. Vận tốc
- Vận tốc được xác định bằng độ dài quãng đường đi được trong một đơn vị thời gian. Độ lớn của tốc độ cho biết mức độ nhanh chậm của chuyển động
- Công thức tính vận tốc: \(v = \frac{s}{t}\) (m/s); (km/h)
Với:
s : độ dài quãng đường đi được (m); (km)
t : thời gian để đi hết quãng đường đó (s); (h)
v : vận tốc của vật (m/s); (km/h)
Đơn vị vận tốc là : m/s hoặc km/h.
- Chú ý: 1m/s = 3,6 km/h
1.2. Lực cân bằng
- Hai lực cân bằng là hai lực cùng đặt lên một vật, có cường độ bằng nhau, cùng phương, nhưng ngược chiều nhau.
- Dưới tác dụng của các lực cân bằng , một vật đang đứng yên sẽ tiếp tục đứng yên; Vật đang chuyển động thẳng đều sẽ tiếp tục chuyển động thẳng đều.
- Tính chất giữ nguyên vận tốc của vật gọi là quán tính. Vì có quán tính nên khi có lực tác dụng, mọi vật không thể thay đổi vận tốc đột ngột được.
1.3. Áp suất chất rắn
- Áp lực là lực ép có phương vuông góc với mặt bị ép.
- Áp suất là độ lớn của áp lực trên một đơn vị diện tích bị ép.
Công thức: \(P = \frac{F}{S}\)
Với:
S: diện tích bị ép ( m2)
F: áp lực (N)
P: áp suất (N/m2) hoặc (Pa)
- Đơn vị của áp suất là Paxcan (Pa) : 1Pa = 1N/m2
- Các cách để tăng áp suất:
+ Chỉ tăng áp lực.
+ Chỉ giảm diện tích bị ép.
+ Đồng thời tăng áp lực và giảm diện tích bị ép.
- Các cách để giảm áp suất:
+ Chỉ giảm áp lực.
+ Chỉ tăng diện tích bị ép.
+ Đồng thời giảm áp lực và tăng diện tích bị ép.
1.4. Áp suất chất lỏng
- Chất lỏng gây áp suất theo mọi hướng lên đáy bình, thành bình và các vật ở trong lòng nó.
- Công thức tính áp suất chất lỏng tại 1điểm bất kì trong lòng chất lỏng đứng yên.
P = d. h
Với:
d: trọng lượng riêng của chất lỏng ( N/m3 )
P: áp suất ( N/m2 )
h: độ sâu tính từ điểm tính áp suất tới mặt thoáng chất lỏng (m)
1.5. Bình thông nhau - Máy nén thủy lực
- Trong bình thông nhau chứa cùng một chất lỏng đứng yên, mực mặt thoáng ở các nhánh khác nhau đều ở cùng một độ cao.
- Cấu tạo: gồm 2 xilanh, một to, một nhỏ được nối thông với nhau, trong có chứa chất lỏng (thường là dầu). Hai xilanh được đậy kín bằng hai pittông.
- Công thức của máy dùng thủy lực: \(\frac{F}{f} = \frac{S}{s}\)
Trong đó:
f là lực tác dụng ở pittông nhỏ.
F là lực tác dụng ở pittông lớn.
s là diện tích pittông nhỏ.
S là diện tích pittông lớn.
1.6. Áp suất khí quyển
- Trái đất và mọi vật trên trái đất đều chịu tác dụng của áp suất khí quyển theo mọi phương. Càng lên cao áp suất khí quyển càng giảm.
1.7. Lực đẩy Ác-si-mét
- Một vật nhúng vào chất lỏng bị chất lỏng đẩy thẳng đứng từ dưới lên với lực có độ lớn bằng trọng lượng của phần chất lỏng mà vật chiếm chỗ
FA = d . V
Với:
V : thể tích phần chất lỏng bị vật chiếm chỗ ( m3 )
d : trọng lượng riêng của chất lỏng ( N/m3 )
FA: Lực đẩy Acsimet (N)
- Nhúng một vật vào chất lỏng ta có:
+ Vật chìm xuống khi lực đẩy Ác-si-mét nhỏ hơn trọng lượng của vật (FA< P)
+ Vật nổi lên khi lực đẩy Ác-si-mét lớn hơn trọng lượng của vật (FA> P)
+ Vật lơ lửng khi lực đẩy Ác-si-mét bằng trọng lượng của vật (FA= P)
2. Bài tập vận dụng
2.1. Bài tập trắc nghiệm
Câu 1: Một chiếc xe máy chở hai người chuyển động trên đường . Trong các câu mô tả sau câu nào đúng.
A. Người cầm lái chuyển động so với chiếc xe.
B. Người ngồi sau chuyển động so với người cầm lái.
C. Hai người chuyển động so với mặt đường.
D. Hai người đứng yên so với bánh xe.
Đáp án C
Câu 2: Trong các ví dụ về vật đứng yên so với vật mốc sau đây ví dụ nào là sai.
A. Trong chiếc đồng hồ đang chạy đầu kim đứng yên so với cái bàn.
B. Trong chiếc ô tô đang chuyển động người lái xe đứng yên so với ô tô.
C. Trên chiếc thuyền đang trôi theo dòng nước người lái thuyền đứng yên so với chiếc thuyền.
D. Cái cặp để trên mặt bàn đứng yên so với mặt bàn.
Đáp án A
Câu 3: Trong các chuyển động sau, quỹ đạo của chuyển động nào là đường thẳng.
A. Một chiếc lá rơi từ trên cây xuống.
B. Bánh xe khi xe đang chuyển động.
C. Một viên phấn rơi từ trên cao xuống.
D. Một viên đá được ném theo phưong nằm ngang.
Đáp án C
Câu 4: Một chiếc ô tô đang chạy, người soát vé đang đi lại. Câu nhận xét nào sau đây là sai?
A. Hành khách đứng yên so với người lái xe.
B. Người soát vé đứng yên so với hành khách.
C. Người lái xe chuyển động so với cây bên đường.
D. Hành khách chuyển động so với nhà cửa bên đường.
Câu 5: Hãy chọn câu trả lời đúng.Một người ngồi trên đoàn tàu đang chạy thấy nhà cửa bên đường chuyển động. Khi ấy người đó đã chọn vật mốc là:
A. Toa tầu. B. Bầu trời. C. Cây bên đường. D. Đường ray.
Đáp án C
Câu 6: Khi trời lặng gió, em đi xe đạp phóng nhanh thì cảm thấy có gió từ phía trước thổi vào mặt.
Hãy chọn câu trả lời đúng.
A. Do không khí chuyển động khi chọn vật mốc là cây bên đường.
B. Do mặt người chuyển động khi chọn vật mốc là cây bên đường.
C. Do không khí chuyển động khi chọn mặt người làm vật mốc.
D. Do không khí đứng yên và mặt người chuyển động.
Đáp án C
Câu 7: Trong các câu nói về vận tốc dưới đây câu nào Sai?
A. Vận tốc cho bíêt mức độ nhanh hay chậm của chuyển động.
B. Độ lớn của vận tốc được tính bằng quãng đường đi được trong một đơn vị thời gian.
C. Công thức tính vận tốc là : v = S.t.
D. Đơn vị của vận tốc là km/h.
Đáp án C
Câu 8: Một xe đạp đi với vận tốc 12 km/h. Con số đó cho ta biết điều gì? Hãy chọn câu trả lời đúng.
A. Thời gian đi của xe đạp.
B. Quãng đường đi của xe đạp.
C. Xe đạp đi 1 giờ được 12km.
D. Mỗi giờ xe đạp đi được 12km.
Đáp án D
Câu 9: Trong các công thức biểu diễn mối quan hệ giữa S, v, t sau đây công thức nào đúng.
A. S = v/t. B. t = v/S. C. t = S/v. D. S = t /v
Đáp án C
Câu 10: Vận tốc của ô tô là 40 km/ h, của xe máy là 11,6 m/s, của tàu hỏa là 600m/ phút.Cách sắp xếp theo thứ tự vận tốc giảm dần nào sau đây là đúng.
A. Tàu hỏa – ô tô – xe máy.
B. Ô tô- tàu hỏa – xe máy.
C. Tàu hỏa – xe máy – ô tô.
D. Xe máy – ô tô – tàu hỏa.
Đáp án D
Câu 11: Một người đi xe máy trong 6 phút được quãng đường 4 km. Trong các kết quả vận tốc sau kết quả nào sai?
A. v = 40 km/h. B. v = 400 m / ph. C. v = 4km/ ph. D. v = 11,1 m/s.
Đáp án A
Câu 12: Một người đi quãng đường dài 1,5 km với vận tốc 10m/s. thời gian để người đó đi hết quãng đường là:
A. t = 0,15 giờ. B. t = 15 giây.
C. t = 2,5 phút. D. t = 14,4phút.
Đáp án C
Câu 13: Một người đi xe máy với vận tốc 12m/s trong thời gian 20 phút. Quãng đường người đó đi được là:
A. 240m. B. 2400m. C. 14,4 km. D. 4km.
Đáp án C
Câu 14: Chuyển động của vật nào sau đây được coi là đều ?
A. Chuyển động của ôtô đang chạy trên đường.
B. Chuyển động của tàu hoả lúc vào sân ga.
C. Chuyển động của máy bay đang hạ cánh xuống sân bay.
D. Chuyển động của chi đội đang bước đều trong buổi duyệt nghi thức đội.
Đáp án D
Câu 15: Một người đi được quãng đường S1 hết thời gian t1 giây, đi quãng đường S2 hết thời gian t2 giây. Vận tốc trung bình của người này trên cả 2 quãng đường S1 và S2 là:
A. \({v_{tb}} = \frac{{{v_1} + {v_2}}}{2}\)
B. \({v_{tb}} = \frac{{{S_1}}}{{{t_1}}} + \frac{{{S_2}}}{{{t_2}}}\)
C. \({v_{tb}} = \frac{{{S_1} + {S_2}}}{{{t_1} + {t_2}}}\)
D. \({v_{tb}} = \frac{{{t_1} + {t_2}}}{{{S_1} + {S_2}}}\)
Đáp án C
Câu 16: Một người đi bộ đi đều trên đoạn đường đầu dài 2 km với vận tốc 2 m/s, đoạn đường sau dài 2,2 km người đó đi hết 0,5 giờ. Vận tốc trung bình của người đó trên cả đoạn đường là:
A. 2,1 m/s. B. 1 m/s. C. 3,2 m/s. D. 1,5 m/s.
Đáp án D
Câu 17: Một người đi xe máy từ A đến B. Trên đoạn đường đầu người đó đi hết 15 phút. Đoạn đường còn lại người đó đi trong thời gian 30 phút với vận tốc 12m/s. Hỏi đoạn đường dầu dài bao nhiêu? Biết vận tốc trung bình của người đó trên cả quãng đường AB là 36km/h.
Hãy chọn câu trả lời đúng.
A. 3 km. B. 5,4 km. C. 10,8 km. D. 21,6 km.
Đáp án B
Câu 18: Một viên bi chuyển động trên một máng nghiêng dài 40cm mất 2s rồi tiếp tục chuyển động trên đoạn đường nằm ngang dài 30cm mất 5s. Vận tốc trung bình của viên bi trên cả 2 đoạn đường là:
A. 13cm/s;
B. 10cm/s;
C. 6cm/s;
D. 20cm/s.
Đáp án B
Câu 19: Một vật chuyển động trong nửa thời gian đầu đi với vận tốc 40 km/h; nửa thời gian sau đi với vận tốc 30 km/h. Vận tốc trung bình của vật trong suốt quá trình chuyển động là:
A. 30km/h;
B. 40km/h;
C. 70km/h;
D. 35km/h.
Đáp án D
Câu 20: Muốn biểu diễn một véc tơ lực chúng ta cần phải biết các yếu tố:
A. Phương , chiều.
B. Điểm đặt, phương, chiều.
C. Điểm đặt, phương, độ lớn.
D. Điểm đặt, phương, chiều và độ lớn.
Đáp án D
2.2. Bài tập tự luận
Câu 1: Tại sao đi giày gót nhọn dễ bị lún hơn gót bằng?
Hướng dẫn giải:
Giày gót nhọn có diện tích tiếp xúc nhỏ hơn giày gót bằng nên dưới tác dụng của cùng một lực thì áp lực của giày gót nhọn lớn hơn nên dễ bị lún hơn.
Câu 2: Tại sao khi lặn xuống nước, người thợ lặn phải mặc áo lặn chịu được áp lực cao?
Hướng dẫn giải:
Khi lặn xuống biển, người thợ lặn phải mặc bộ áo lặn nặng nề, chịu được áp suất lên đến hàng nghìn N/m2 vì lặn sâu dưới lòng biển, áp suất do nước biển gây nên lên đến hàng nghìn N/m2, người thợ lặn nếu không mặc áo lặn thì không thể chịu được áp suất này.
Câu 3: Vì sao container lại có nhiều bánh xe hơn ô tô? Vì sao xe tăng, xe máy kéophải chạy bằng xích?
Hướng dẫn giải:
Xe container có tải trọng lớn nên phải có nhiều bánh xe để tăng diện tích tiếp xúc lên măt đường. Xe tăng, xe máy kéo phải chạy bằng xích vì tăng diện tích tiếp xúc bề mặt để không bị lật đổ vì các loại xe này hoạt động trong địa hình không bằng phẳng.
Câu 4: Bình đựng nước tinh khiết có gắn vòi ở đáy bình, nhưng phía trên còn có một lỗ nhỏ mở thông với không khí ngoài khí quyển. Hãy cho biết vai trò của lỗ nhỏ đó khi lấy nước từ vòi?
Hướng dẫn giải:
- Lỗ nhỏ trên bình đựng nước tinh khiết có tác dụng mở thông với không khí ngoài khí quyển.
- Nếu dùng tay bít lỗ nhỏ này lại thì vẫn rót được nước nhưng sau một lúc thì nước không chảy nữa vì áp suất trong và ngoài bình chênh lệch lớn, mở nút ra thì rót nước dễ dàng do không có sự chênh lệch áp suất.
Câu 5: Đổ một lượng nước vào trong cốc sao cho độ cao của nước trong cốc là 12cm. tính áp suất của nước lên đáy cốc và lên điểm A cách đáy cốc 4cm. biết trọng lượng riêng của nước là 10000N/m3.
Hướng dẫn giải:
Áp suất tác dụng lên đáy cốc:
Áp suất tác dụng lên điểm A cách đáy cốc 4cm:
\({h_A} = 0,12 - 0,04 = 0,08m \Rightarrow {p_A} = d.{h_A} = 10000.0,08 = 800(N/{m^2})\)
Câu 6: Một vật có khối lượng 598,5g làm bằng chất có khối lượng riêng D=10,5g/cm3 được nhúng hoàn toàn vào trong nước. Tính độ lớn lực đẩy Ác-si-mét tác dụng lên vật, cho trọng lượng riêng của nước d=10000N/m3.
Hướng dẫn giải:
Thế tích của vật đó là:
\(D = \frac{m}{V} \Rightarrow V = \frac{m}{D} = \frac{{598,5}}{{10,5}} = 57c{m^3} = 0,000057{m^3}\)
Độ lớn lực đẩy Ác-si-mét tác dụng lên vật: \({F_A} = d.V = 10000.0,000057 = 0,57N\)
Câu 7: Một hòn đá có khối lượng 4,8kg, biết trọng lượng riêng của nước là 10.000N/m3, của đá bằng 24.000N/m3. Tính lực đẩy Ác-si-mét của nước tác dụng lên hòn đá khi ở trong nước?
Hướng dẫn giải:
Trọng lượng P của hòn đá bằng P=10.m=10.4,8=48N
Thể tích của hòn đá ta có:
\(d = \frac{P}{V} \Rightarrow V = \frac{P}{d} = \frac{{48}}{{2,{{4.10}^4}}} = {2.10^{ - 3}}{m^3}\)
Lực đẩy Ác-si-mét tác dụng lên hòn đá: \({F_A} = d.V = {10000.2.10^{ - 3}} = 20N\)
Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Đề cương ôn tập Học kì 1 môn Vật lí 8 năm 2022-2023. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Mời các em tham khảo tài liệu có liên quan:
- Đề cương ôn tập HK1 môn Tiếng Anh 8 năm 2022-2023
- Đề cương ôn tập HK1 môn Hóa học 8 năm học 2022-2023
Ngoài ra, các em có thể thực hiện làm đề thi trắc nghiệm online tại đây:
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.