Để chuẩn bị cho kì thi giữa HK1 sắp tới HOC247 giới thiệu đến các em tài liệu Đề cương ôn tập giữa HK1 môn Lịch sử 11 KNTT năm học 2023-2024 do HOC247 tổng hợp và biên soạn giúp các em không những hoàn thiện kiến thức Lịch sử 11 KNTT mà còn củng cố kĩ năng làm bài trắc nghiệm Lịch sử 11 cũng như trình bày các câu hỏi tự luận. Hi vọng tài liệu này sẽ giúp các em khái quát được toàn bộ kiến thức quan trọng. Chúc các em học tốt nhé!
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Một số vấn đề chung về cách mạng tư sản
1.1.1. Tiền đề của cách mạng tư sản
- Cách mạng tư sản là cuộc cách mạng do giai cấp tư sản lãnh đạo nhằm chống lại chế độ phong kiến, thiết lập nhà nước tư sản, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.
- Cách mạng tư sản có thể bùng nổ và giành được thắng lợi dựa trên các tiền đề về kinh tế, chính trị, xã hội và tư tưởng.
a) Kinh tế
- Kinh tế tư bản chủ nghĩa ra đời và phát triển trong lòng chế độ phong kiến hoặc chế độ thuộc địa.
- Tuy nhiên, sự phát triển đó gặp phải nhiều rào cản của nhà nước phong kiến hay chính sách cai trị hà khắc của chính quốc ở thuộc địa.
⇒ Để mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển, cần phải xóa bỏ những rào cản đó.
b) Chính trị
- Chính sách cai trị của nhà nước phong kiến gây ra sự bất mãn ngày càng lớn cho giai cấp tư sản và các tầng lớp khác trong xã hội. Mâu thuẫn chính trị gay gắt dẫn tới sự bùng nổ các cuộc cách mạng tư sản. Ví dụ:
+ Ở Anh, nhà vua nắm mọi quyền lực, cai trị độc đoán và tiến hành đàn áp các tín đồ Thanh giáo, lập ra các toà án để buộc tội những người chống đối.
+ Chính sách của chính quốc (Anh) đối với các thuộc địa ở Bắc Mỹ đã tác động tiêu cực đến quyền lợi của các tầng lớp nhân dân.
c) Xã hội
- Những biến đổi về kinh tế làm cho mâu thuẫn xã hội ở Tây Âu và Bắc Mỹ ngày càng gay gắt.
- Giai cấp tư sản và đồng minh của họ (quý tộc mới ở Anh, chủ nổ ở Bắc Mỹ,...) tuy giàu có về kinh tế nhưng không có quyền lực về chính trị tương xứng. Vì vậy, họ đã tìm cách tập hợp quần chúng nhân dân để làm cách mạng.
d) Tư tưởng
- Để tập hợp quần chúng nhân dân, giai cấp tư sản cần có hệ tư tưởng để chống lại hệ tư tưởng phong kiến bảo thủ.
- Với các cuộc cách mạng nổ ra sớm (Nê-đéc-lan, Anh), khi chưa có hệ tư tưởng của riêng mình, tư sản và đồng minh đã mượn ngọn cờ tôn giáo cải cách để tập hợp quần chúng (đạo Tin Lành ở Hà Lan, Thanh giáo ở Anh).
- Ở Pháp, nền tảng của hệ tư tưởng dân chủ tư sản chính là Triết học Ánh sáng với đại diện tiêu biểu là Mông-te-xki-ơ, Vôn-te, Rút-xô.
1.1.2. Mục tiêu, nhiệm vụ, giai cấp lãnh đạo, động lực của cách mạng tư sản
a) Mục tiêu và nhiệm vụ
- Mục tiêu: xoá sự những rào cản kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển. Ví dụ:
+ Ở Anh: tầng lớp quý tộc mới và giai cấp tư sản đấu tranh chống chế độ phong kiến chuyên chế.
+ Tại 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ: nhân dân 13 thuộc địa hướng tới mục tiêu giải phóng dân tộc, lập nên quốc gia mới.
+ Ở Pháp: nhân dân Pháp mong muốn lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế.
- Nhiệm vụ:
+ Nhiệm vụ dân tộc: nhằm xóa bỏ tình trạng cát cứ phong kiến, hình thành thị trường dân tộc thống nhất (hoặc giải phóng dân tộc).
+ Nhiệm vụ dân chủ: nhằm xóa bỏ chế độ phong kiến chuyên chế, xác lập nền dân chủ tư sản.
b) Giai cấp lãnh đạo và động lực cách mạng
- Giai cấp lãnh đạo: giai cấp tư sản và đồng minh của họ (chủ nô, quý tộc phong kiến tư sản hóa,…). Ví dụ:
+ Cách mạng tư sản Anh: diễn ra dưới sự lãnh đạo của liên minh tư sản và quý tộc mới, song vai trò quan trọng lại thuộc về quý tộc mới.
+ Cuộc Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ diễn ra dưới sự lãnh đạo của liên minh tư sản và chủ nô.
+ Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII, giai cấp tư sản giành độc quyền lãnh đạo cách mạng.
- Động lực của cách mạng:
+ Giai cấp lãnh đạo và quần chúng nhân dân giữ vai trò quan trọng và là động lực của cách mạng.
+ Khi quần chúng nhân dân tham gia đông đảo, liên tục thì thắng lợi của cách mạng càng triệt để, tiêu biểu như Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII.
1.1.3. Kết quả và ý nghĩa của các cuộc cách mạng tư sản
- Thắng lợi của các cuộc cách mạng tư sản đã lật đổ nền quân chủ chuyên chế hoặc giành độc lập dân tộc, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.
- Đầu thập kỉ 70 của thế kỉ XIX, chủ nghĩa tư bản được xác lập trên phạm vi thế giới.
1.2. Sự xác lập và phát triển của chủ nghĩa tư bản
1.2.1. Sự xác lập chủ nghĩa tư bản ở châu Âu và Bắc Mỹ
- Ở châu Âu, sau Cách mạng tư sản Anh và đặc biệt là Cách mạng tư sản Pháp, chủ nghĩa tư bản từng bước được xác lập.
- Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ cuối thế kỉ XVIII đánh dấu sự mở rộng của chủ nghĩa tư bản ở ngoài châu Âu.
- Từ thập kỉ 60 của thế kỉ XVIII, cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu ở Anh, sau đó lan ra các nước Pháp, Đức,… đã tạo ra những chuyển biến to lớn về kinh tế - xã hội, làm thay đổi bộ mặt của các nước này và khẳng định sự thắng lợi của chủ nghĩa tư bản.
- Trong thập kỉ 60 - 70 của thế kỉ XX, các cuộc cách mạng tư sản tiếp diễn dưới những hình thức khác nhau và giành được thắng lợi, dẫn đến sự xác lập chủ nghĩa tư bản ở châu Âu và Bắc Mỹ.
1.2.2. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản
a) Chủ nghĩa đế quốc và quá trình xâm lược thuộc địa
- Sự phát triển nhanh chóng của chủ nghĩa tư bản kéo theo nhu cầu ngày càng cao về nguyên liệu và nhân công, dẫn tới việc tăng cường chính sách xâm lược, mở rộng thuộc địa. Cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, các nước tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa.
- Chủ nghĩa đế quốc là hệ quả trực tiếp của quá trình xâm lược thuộc địa nhằm tìm kiếm thị trường, thu lợi nhuận và đầu tư tư bản ở nước ngoài:
+ Trong quá trình xâm lược thuộc địa, các nước đế quốc đã thiết lập hệ thống thuộc địa ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh.
+ Trong số các nước đế quốc, nước Anh có hệ thống thuộc địa rộng lớn nhất (khoảng 33 triệu km2 với 400 triệu người, chiếm 1/4 diện tích và 1/4 dân số thế giới, gấp 12 lần thuộc địa của Đức và 3 lần thuộc địa của Pháp) được mệnh danh là “đế quốc mà Mặt Trời không bao giờ lặn”.
b) Sự mở rộng và phát triển của chủ nghĩa tư bản
- Trong thế kỉ XIX, sau các cuộc cách mạng tư sản ở châu Âu và Bắc Mỹ, chủ nghĩa tư bản tiếp tục quá trình phát triển và mở rộng ở các khu vực khác nhau trên thế giới.
+ Nửa đầu thế kỉ XIX, tại hàng loạt các thuộc địa của thực dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ở khu vực Mỹ Latinh đã bùng nổ phong trào đấu tranh giành độc lập, đưa đến sự thành lập các quốc gia tư sản mới.
+ Ở châu Á, cuộc Duy tân Minh Trị bắt đầu từ năm 1868, đưa Nhật Bản từ một nước phong kiến trở thành nước tư bản chủ nghĩa. Ở Trung Quốc, Cách mạng Tân Hợi (1911) đã lật đổ triều đại Mãn Thanh, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại lâu đời ở Trung Quốc, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển ở quốc gia lớn nhất, đông dân nhất châu Á.
- Trong những năm cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, cùng với việc các nước đế quốc đẩy mạnh xâm lược thuộc địa, chủ nghĩa tư bản đã mở rộng phạm vi ảnh hưởng trên toàn thế giới.
c) Chủ nghĩa tư bản từ tự do cạnh tranh sang độc quyền
- Thời kì xác lập chủ nghĩa tư bản là thời kì tự do cạnh tranh của chủ nghĩa tư bản.
- Đến cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, ở nhiều nước tư bản, quá trình tích tụ và tập trung tư bản diễn ra mạnh mẽ, dẫn đến sự hình thành của các tổ chức độc quyền dưới nhiều hình thức khác nhau, như: cácten, xanhđica ở Đức và Pháp, tơrớt ở Mỹ.
- Sự phát triển của các tổ chức độc quyền tạo ra cơ sở vật chất cho bước chuyển của chủ nghĩa tư bản từ tự do cạnh tranh sang độc quyền. Trong giai đoạn này, các tổ chức tư bản độc quyền đã chi phối sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế.
1.2.3. Chủ nghĩa tư bản hiện đại
a) Khái niệm chủ nghĩa tư bản hiện đại
- Chủ nghĩa tư bản hiện đại là thuật ngữ dùng để chỉ một giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay với những biểu hiện mới, tiêu biểu là:
+ Sự kết hợp giữa sức mạnh kinh tế của các tổ chức độc quyền tư nhân với sức mạnh chính trị của nhà nước tư sản.
+ Chủ nghĩa tư bản hiện đại có sức sản xuất phát triển cao trên cơ sở những thành tựu của cách mạng khoa học - công nghệ, có lực lượng lao động đáp ứng sự phát triển nhảy vọt của nền sản xuất, đồng thời không ngừng điều chỉnh để tồn tại và phát triển trong bối cảnh mới.
b) Tiềm năng và thách thức của chủ nghĩa tư bản hiện đại
- Tiềm năng
+ Tiềm năng của chủ nghĩa tư bản hiện đại được biểu hiện trên các lĩnh vực như: kinh tế, khoa học - công nghệ, kinh nghiệm quản lí, khả năng tự điều chỉnh để tồn tại, phát triển,....
+ Chủ nghĩa tư bản đã có ưu thế trong việc sử dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển kinh tế, xã hội. Các nước tư bản phát triển trở thành các trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học - công nghệ của thế giới, có quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới.
- Thách thức: Chủ nghĩa tư bản hiện đại đang phải đối mặt với nhiều thách thức:
+ Thứ nhất, chủ nghĩa tư bản đang phải đối mặt và khó có thể giải quyết được những cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính mang tính toàn cầu.
+ Thứ hai, chủ nghĩa tư bản đã và đang phải đối mặt và không thể giải quyết được những vấn đề chính trị, xã hội nan giải. Ví dụ như: tình trạng khủng bố, phân biệt chủng tộc,…
+ Thứ ba, chủ nghĩa tư bản không có khả năng giải quyết triệt để những mâu thuẫn xã hội ngày càng gia tăng. Sự chênh lệch giàu nghèo làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng trong xã hội.
1.3. Sự hình thành Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết
1.3.1. Quá trình hình thành Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết
- Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền cách mạng là đập tan bộ máy nhà nước cũ, xây dựng nhà nước mới của những người lao động. Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ hai, khai mạc đêm 25/10/1917 (ngày 7/11/1917 theo lịch mới) tại Điện Xmô-nưi, ra tuyên bố thành lập Chính quyền Xô viết do Lênin đứng đầu.
- Trong cuộc chiến đấu chống thù trong, giặc ngoài, các nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa trên đất nước Xô viết đã đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau để giữ vững chính quyền Xô viết. Chiến tranh kết thúc, nhiệm vụ khôi phục kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ đất nước đòi hỏi sự liên minh chặt chẽ hơn nữa, nhất là sự thống nhất trên cơ sở nhà nước của các nước Cộng hoà Xô viết.
- Tư tưởng chỉ đạo của Lênin trong việc thành lập Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết là sự bình đẳng về mọi mặt, quyền dân tộc tự quyết và xây dựng một cộng đồng anh em giữa các dân tộc.
- Ngày 30/12/1922, tại Mátxcơva, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Lê-nin, Đại hội lần thứ nhất các Xô viết toàn Liên bang đã thông qua bản Tuyên ngôn thành lập Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết (gọi tắt là Liên Xô) và bản Hiệp ước Liên bang.
- Tháng 1/1924, bản Hiến pháp đầu tiên của Liên Xô được thông qua, hoàn thành quá trình thành lập Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.
1.3.2. Ý nghĩa của sự ra đời Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết
- Ý nghĩa trong nước:
+ Quá trình thành lập Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết phù hợp với lợi ích chung của các dân tộc trên đất nước Xô viết.
+ Sức mạnh của tình đoàn kết và sự hợp tác, giúp đỡ giữa các dân tộc tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, xã hội của tất cả các nước Cộng hoà, đồng thời tăng cường vị thế của Liên Xô trên trường quốc tế.
+ Việc thành lập Liên Xô dưới sự chỉ đạo của V. I. Lênin đã mở ra con đường giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc trên đất nước Xô viết trên cơ sở bình đẳng và sự giúp đỡ lẫn nhau.
- Ý nghĩa quốc tế:
+ Liên Xô trở thành biểu tượng và là chỗ dựa về tinh thần, vật chất to lớn cho phong trào cách mạng thế giới.
+ Những thành tựu của Liên Xô đã cổ vũ, lôi cuốn mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc ở những nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh, đồng thời tạo tiền đề cho sự ra đời của hệ thống xã hội chủ nghĩa.
2. Trắc nghiệm tự luyện
Câu 1. Tiểu thuyết nổi tiếng “Những người khốn khổ” là tác phẩm của
A. Vích-to Huy-gô.
B. Lép Tôn-xtôi.
C. Mác-tuên.
D. Ban-dắc.
Câu 2. Đầu thế kỉ XX, ở châu Âu đã hình thành hai khối quân sự đối đầu nhau, đó là
A. phe Liên minh và phe Trục.
B. phe Liên minh và phe Hiệp ước.
C. phe Hiệp ước và phe Đồng minh.
D. phe Đồng minh và phe Trục.
Câu 3. Mục đích của Thiên hoàng Minh Trị khi tiến hành hàng loạt cải cách trên trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự là gì?
A. Đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia phát triển giàu mạnh.
B. Biến Nhật Bản trở thành một cường quốc ở Châu Á.
C. Giúp Nhật Bản thoát khỏi bị lệ thuộc vào phương Tây.
D. Đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng một nước phong kiến lạc hậu.
Câu 4. Mục đích chính của Mĩ khi thực hiện các chính sách bành trướng, tăng cường ảnh hưởng của mình ở khu vực Mĩ Latinh vào cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX là gì?
A. Lôi kéo các nước Mĩ Latinh trở thành đồng minh của Mĩ.
B. Hỗ trợ các nước Mĩ Latinh xây dựng và phát triển đất nước.
C. Tạo ra một liên minh kinh tế - chính trị, hợp tác cùng phát triển ở châu Mĩ.
D. Biến Mĩ Latinh thành “sân sau”, thuộc địa kiểu mới của Mĩ.
Câu 5. Cho các dữ kiện sau :
1. Cuộc tổng bãi công của công nhân Bom-bay.
2. Thực dân Anh ban hành đạo luật chia đôi xứ Ben-gan.
3. Thực dân Anh thu hồi đạo luật chia đôi xứ Ben-gan.
4. Hơn 10 vạn người Ấn Độ kéo đến bờ sông Hằng làm lễ tuyên thệ và hát vang bài "Kính chào Người - Mẹ hiền Tổ quốc”.
Hãy sắp xếp theo tiến trình cao trào cách mạng 1905 - 1908 của nhân dân Ấn Độ?
A. 2, 4, 1, 3.
B. 1, 2, 4, 3.
C. 2, 1, 4, 3.
D. 2, 4, 3, 1.
Câu 6. Ý nào không phản ánh đúng nguyên nhân thất bại của phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân Lào và Campuchia ở cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX?
A. Các cuộc khởi nghĩa nổ ra lẻ tẻ, thiếu sự liên kết.
B. Thiếu đường lối lãnh đạo đúng đắn, khoa học.
C. Các cuộc khởi nghĩa không nhận được sự ủng hộ của nhân dân.
D. Thực dân Pháp có quân đội mạnh, vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại.
Câu 7.Từ nửa sau thế kỉ XIX, các nước Đông Dương trở thành thuộc địa của
A. thực dân Anh.
B. thực dân Pháp.
C. thực dân Hà Lan.
D. thực dân Tây Ban Nha.
Câu 8. Nguyên nhân chủ yếu nào dẫn đến việc các nước thực dân Phương Tây xâm lược Đông Nam Á?
A. Chế độ phong kiến ở Đông Nam Á đang khủng hoảng, suy yếu.
B. Đông Nam Á có điều kiện tự nhiên và vị trí địa lí thuận lợi.
C. Đông Nam Á có thị trường tiêu thụ rộng lớn, nhân công dồi dào.
D. Đông Nam Á có nền kinh tế yếu kém, lạc hậu.
Câu 9. Các nước tư bản Phương Tây đua nhau xâu xé Châu Phi khi
A. kênh đào Xuyê hoàn thành.
B. kênh đào Panama hoàn thành.
C. nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân bùng nổ.
D. chính quyền nhiều quốc gia suy yếu.
Câu 10. Hai nước ở Châu Phi vẫn giữ được nền độc lập trước sự xâm lược của thực dân Phương Tây cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX là
A. Êtiôpia và Ai Cập.
B. Angiêri và Tuynidi.
C. XuĐăng và Ănggôla.
D. Êtiôpia và Libêria.
Đáp án:
1. A |
2. B |
3. D |
4. D |
5. A |
6. C |
7. B |
8. A |
9. A |
10. D |
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Đề cương ôn tập giữa HK1 môn Lịch sử 11 KNTT năm học 2023-2024. Để xem toàn bộ nội dung các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Mời các em tham khảo tài liệu có liên quan:
- Đề cương ôn tập giữa HK1 môn Toán 11 KNTT năm học 2023 - 2024
- Đề cương ôn tập giữa HK1 môn Công nghệ Chăn nuôi 11 KNTT năm 2023-2024
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.