Cùng với việc tham khảo văn mẫu thì đề thi thử sẽ giúp các em học sinh Lớp 10 nhớ được các kiến thức trọng tâm trong sách giáo khoa và tiếp cận với các dạng đề thi giữa HK1 sắp tới. Với mong muốn giúp các em củng cố kiến thức, HOC247 xin gửi đến nội dung tài liệu Bộ 5 đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 10 KNTT năm 2022-2023 có đáp án Trường THPT Thanh Thủy dưới đây. Mời các em cùng tham khảo.
TRƯỜNG THPT THANH THỦY |
ĐỀ THI GIỮA HỌC KÌ 1 NĂM HỌC 2022-2023 MÔN: NGỮ VĂN 10 KẾT NỐI TRI THỨC (Thời gian làm bài: 90 phút) |
1. Đề thi số 1
PHẦN ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)
Đọc văn bản sau:
NỮ THẦN MẶT TRỜI VÀ MẶT TRĂNG
Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng là hai chị em, con của Trời. Công việc của Trời giao phó hàng ngày phải thay phiên nhau đi xem xét thế gian. Bọn khiêng kiệu gồm có hai lớp già và trẻ thay phiên nhau. Gặp phải bọn khiêng kiệu già đi chậm, cô Mặt Trời phải ngồi lâu, ngày ở dưới trần hóa dài ra. Đến lượt bọn trẻ khiêng kiệu đi mau, cô Mặt Trời được chóng công việc về sớm thì ngày ngắn lại.
Cô em Mặt Trăng tính tình nóng nảy không kém gì cô chị làm cho thiên hạ ở mặt đất suốt cả ngày đã phải chịu nóng bức vì cô chị, đến đêm lại cũng phải khó chịu vì cô em. Loài người than thở đến tai nhà Trời, bà mẹ mới lấy tro trát vào mặt cô Mặt Trăng. Từ đó, cô em đổi tính ra hết sức dịu dàng, khác hẳn với cô chị, nên được người dưới trần ai cũng thích. Mỗi khi cô ngoảnh mặt nhìn xuống trần là lúc đó trăng rằm, ngoảnh lưng lại là ba mươi, ngoảnh sang phải, sang trái là trăng thượng huyền hay hạ huyền. Hôm nào trăng quầng là lúc vết tro trát mặt hiện ra.
Người ta nghe nói rằng chồng của hai nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng là một con gấu. Mỗi lần gấu đến với vợ là sinh ra nguyệt thực hay nhật thực, lúc đó người dưới trần làm ầm ĩ lên đánh trống, khua chiêng, gõ mõ, để cho gấu xa ra, vì gấu đi lại với vợ, che lấp Mặt Trời, Mặt Trăng làm hại cho mùa màng.
(Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng – Truyện thần thoại Việt Nam
– TheGioiCoTich.Vn)
Thực hiện những yêu cầu sau đây:
Câu 1. Trong văn bản, nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng được Trời giao công việc gì?
A. Chiếu sáng cho nhân gian.
B. Hàng ngày thay phiên nhau đi xem xét thế gian.
C. Cai quản công việc trên trời.
D. Khiêng kiệu
Câu 2. Câu nào dưới đây đúng khi nói về nội dung bao quát của truyện Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng?
A. Lý giải về hiện tượng ngày và đêm
B. Lý giải về hiện tượng nắng và mưa
C. Lí giải các hiện tượng tự nhiên gắn với mặt trời có ánh sáng gay gắt vào ban ngày và mặt trăng có ánh sáng dịu dàng vào ban đêm
D. Lý giải về sự hình thành của trời và đất
Câu 3. Sự kiện “Loài người than thở đến tai nhà Trời, bà mẹ mới lấy tro trát vào mặt cô Mặt Trăng” được tác giả dân gian tạo ra nhằm lý giải điều gì?
A. Hiện tượng mặt trăng hiện lên khi đêm xuống
B. Hiện tượng mặt trăng có ánh sáng dịu nhẹ
C. Hiện tượng ngày ngắn đêm dài
D. Hiện tượng ngày dài đêm ngắn
Câu 4. Theo bạn :“cô Mặt Trời phải ngồi lâu, ngày ở dưới trần hóa dài ra... cô Mặt Trời được chóng công việc về sớm thì ngày ngắn lại.” giúp bạn liên tưởng đến câu tục ngữ nào dưới đây :
A. Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa
B. Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng, ngày tháng mười chưa cười đã tối
C. Cơn đằng đông vừa trông vừa chạy, cơn đằng nam vừa làm vừa chơi
D. Mây xanh thì nắng, mây trắng thì mưa
Câu 5. Biện pháp tu từ nào được dùng chủ yếu trong văn bản trên ?
A. Nhân hóa
B. Liệt kê
C. So sánh
D. Phóng đại
Câu 6. Trong văn bản trên, ai là người kể chuyện ?
A. Ông Trời
B. Mặt Trời
C. Mặt Trăng
D. Người trực tiếp diễn xướng để kể lại cho công chúng
Câu 7. Khi nguyệt thực, nhật thực xảy ra con người làm ầm ĩ lên đánh trống, khua chiêng, gõ mõ, để Mặt Trời Mặt Trăng khỏi bị che lấp làm hại mùa màng, liên quan hoạt động nào trong đời sống cộng đồng thời cổ đại ?
A. Lễ hội
B. Liên hoan
C. Cầu nguyện thần linh
D. Thờ cúng
Câu 8. Những dấu hiệu nào giúp bạn nhận ra Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng là một truyện thần thoại?
Câu 9. Hình tượng nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng phản ánh quan niệm, nhận thức gì của người xưa về thế giới tự nhiên?
Câu 10. Thông điệp mà người xưa gửi gắm qua câu chuyện này là gì?
II. PHẦN VIẾT (4.0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá truyện Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng.
-----------------HẾT-----------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 1
I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)
Câu 1 |
Câu 2 |
Câu 3 |
Câu 4 |
Câu 5 |
Câu 6 |
Câu 7 |
B |
C |
B |
B |
A |
D |
C |
Câu 8.
Những dấu hiệu giúp nhận biết truyện Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng là một truyện thần thoại:
- Cốt truyện là chuỗi sự kiện xoay quanh quá trình sáng tạo thế giới (các hiện tượng liên quan đến mặt trời và mặt trăng).
- Nhân vật chính kể về các vị thần.
- Thời gian không xác định.
- Không gian vũ trụ, không xác định nơi chốn cụ thể.
Câu 9.
Hình tượng nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng phản ánh quan niệm, nhận thức gì của người xưa về thế giới tự nhiên là:
- Thế giới tự nhiên là một thế lực siêu nhiên chi phối thế giới và cuộc sống của con người.
- Khát vọng chinh phục thế giới tự nhiên của người xưa.
Câu 10.
- Gợi ý: Thông điệp mà người xưa gửi gắm qua câu chuyện này là:
+ Thiên nhiên và cuộc sống con người có mối quan hệ gắn bó mật thiết.
+ Thiên nhiên có ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc sống của con người.
+ Con người luôn có khát vọng chinh phục thiên nhiên.
II. VIẾT (4.0 điểm)
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề nghị luận, thân bài triển khai được vấn đề nghị luận, kết bài khái quát được vấn đề nghị luận.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Ý chính phân tích truyện Nữ Thần Mặt Trời và Mặt Trăng
Qua truyện Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng có thể thấy rằng cách nhận thức và lý giải nguồn gốc thế giới của người Việt xưa hết sức tự nhiên và vẫn lấy gốc là con người và những sự vật quen thuộc để giải thích.
Câu chuyện lí giải những hiện tượng tự nhiên sảy ra trong cuộc sống hàng ngày liên quan đến Mặt Trời và Mặt Trăng. Qua đó khẳng định rằng mỗi sự việc xuất hiện xuất hiện trên Trái Đất đều có nguồn gốc rõ ràng.
Không gian trong truyện Nữ Thần Mặt Trời và Mặt Trăng là không gian vũ trụ, đang trong quá trình tạo lập, không xác định nơi chốn cụ thể, không có chi tiết nào nhắc đến địa điểm diễn ra sự việc trên
Thời gian trong truyện diễn ra từ thời cổ sơ và cũng không thể xác định được câu chuyện diễn ra vào thời gian cụ thể nào.
Cốt truyện xoay quanh sự xuất hiện của thần Mặt Trăng và Mặt Trời, lý giải nguồn gốc về những hiện tượng tự nhiên của Trái Đất. Nhân vật trong truyện là thần Mặt Trời và thần Mặt Trăng, có sức mạnh phi thường, thực hiện công việc sáng tạo thế giới.
2. Đề thi số 2
I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)
Đọc bài thơ sau:
Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom
Oán hận trông ra khắp mọi chòm.
Mõ thảm không khua mà cũng cốc
Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om
Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ,
Sau giận vì duyên để mõm mòm.
Tài tử văn nhân ai đó tá?
Thân này đâu đã chịu già tom
(Tự tình I - Hồ Xuân Hương)
Lựa chọn đáp án đúng:
Câu 1: Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?
A. Thơ tự do |
B. Thơ thất ngôn tứ tuyệt |
C. Thơ lục bát |
D. Thơ thất ngôn bát cú Đường luật |
Câu 2: Chỉ ra biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai câu thơ in đậm.
A. Phép đối |
B. So sánh |
C. Ẩn dụ |
D. Hoán dụ |
Câu 3: Hai câu thơ “Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom/ Oán hận trông ra khắp mọi chòm” thể hiện tâm trạng gì của nhân vật trữ tình?
A. Oán hận |
B. Hạnh phúc |
C. Vui vẻ |
D. Nhớ nhung |
Câu 4: Trong câu thơ “Thân này đâu đã chịu già tom”, từ “Thân này” chỉ ai?
A. Người đọc |
B. Nguyễn Khuyến |
C. Nguyễn Du |
D. Hồ Xuân Hương |
Câu 5. Từ láy “văng vẳng” trong câu thơ “Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom” gợi cảm giác về điều gì?
A. Tiếng trống thưa thớt, xa xắm |
B. Thời gian càng trở nên khuya khoắt hơn |
C. Một không gian rộng và tĩnh mịch |
D. Nhỏ bé, ít ỏi |
Câu 6: Đọc bài thơ, anh (chị) nhận thấy khát vọng gì của Hồ Xuân Hương?
A. Khát vọng công danh, sự nghiệp |
B. Khát vọng hạnh phúc lứa đôi |
C. Khát vọng cuộc sống ấm no |
D. Khát vọng được đi ngao du sơn thủy |
Câu 7: Sự giống nhau trong tâm trạng của Hồ Xuân Hương thể hiện trong hai bài thơ “Tự tình I” và “Tự tình II” là:
A. Sự căm thù chế độ phong kiến thối nát |
B. Buồn tủi, xót xa, phẫn uất trước duyên phận |
Câu 8. Xác định ý nghĩa nhan đề “Tự tình”.
Câu 9. Câu thơ “Thân này đâu đã chịu già tom” thể hiện điều gì trong tính cách, con người của nhân vật trữ tình?
Câu 10. Từ bài thơ “Tự tình II”, anh (chị) hãy viết 5- 7 dòng nhận xét về số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến?
II. VIẾT
Viết bài văn phân tích, đánh giá bài thơ Tự tình (I)
-----------------HẾT-----------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 2
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1 |
Câu 2 |
Câu 3 |
Câu 4 |
Câu 5 |
Câu 6 |
Câu 7 |
D |
A |
A |
D |
C |
B |
B |
II. PHẦN VIẾT
*Dàn ý:
1. Mở bài
Hồ Xuân Hương được mệnh danh là bà chúa thơ nôm, là nữ thi sĩ tài ba bậc nhất của văn học Trung Đại Việt Nam. Trong nền văn học Việt Nam thời bấy giờ, bà là hiện tượng rất độc đáo khi viết về phụ nữ, trào phúng mà trữ tình, đậm chất văn học dân gian. Nổi bất trong các tác phẩm thơ của bà đều là tiếng nói thương cảm cho thân phận người phụ nữ, khẳng định đề cao cái đẹp và khát vọng hạnh phúc của họ. Một trong những bài thơ đặc sắc của bà phải kể đến Tự Tình I nằm trong chùm thơ Tự Tình của Bà.
2. Thân bài
- Mở đầu bài thơ là thời điểm canh khuya, thời gian về đêm con người thường sẽ rất cô đơn, nhìn ra được chính tình cảnh của mình, đối diện với chính mình Hồ Xuân Hương mới thấy mình thật đáng thương. Không gian hiện lên là đêm khuya tĩnh lặng với tiếng gà gáy văng vẳng từ trên bom thuyền vang khắp xóm. Tác giả đã sử dụng nghệ thuật lấy động tả tĩnh, lấy tiêng gà tả màn đêm tĩnh mịch, u buồn.
- Nỗi cô đơn u uất càng ngày càng lớn hơn khi sang câu 3,4 tác giả sử dụng hình ảnh Mõ – chuông; cốc – om. Đây là hai hình ảnh đối xứng với nhau khiến cho nỗi cô đơn buồn tủi càng kéo dài hơn. Câu hỏi tu từ trong câu thơ “Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om?” làm cho giọng thơ thảm thiết, xoáy sâu vào lòng người như một lời than “cớ sao?” , một tiếng thở dài ngao ngán. Hai câu thơ chính là tiếng thở dài ngao ngán, buồn tủi về cuộc đời của bà, về con đường tình duyên trắc trở. Bà khao khát hạnh phúc, nhưng dường như hạnh phúc không đến với bà. Bà tự biết mình đã qua tuổi xuân thì phơi phới, duyên đã quá nẫu. Một tiếng thở dài, than thân trách phận.
3. Kết bài
Với nghệ thuật gieo vần om vô cùng tài tình hiểm hóc cùng với tâm trạng oán, cái hận, giận, cái ngang bướng đã tạo nên nhạc điệu, âm điệu như thắt, như nén của một tâm hồn ca tính, bướng bỉnh nhưng cũng rất trữ tình. Bà chính là một hiện tượng cá tính, độc đáo trong thơ ca thời trung đại, dám nói lên nỗi lòng mình, dám khao khát tìm hạnh phúc.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---
3. Đề thi số 3
I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)
Đọc đoạn trích:
Năm mươi người con theo cha xuống biển
Năm mươi người con theo mẹ lên rừng
Những người con ngồi đúc trống đồng
Tiếng chim hót phổ vào giọng nói
Mẹ là tiếng đầu tiên trẻ gọi
Nghe dịu dàng âu yếm biết bao
Tiếng Việt ơi, tiếng Việt có từ đâu
Sau tiếng Mẹ là tiếng Yêu thánh thót
Tiếng Nước nghe như rơi từng giọt
Tiếng Đất nghe chắc nịch vững bền
Tiếng Cơm nghe ngạt ngào hương thơm
Người Giao Chỉ lắng nghe tiếng gió
Tiếng dòng sông rì rào sóng vỗ
Tiếng trời xanh lồng lộng mênh mang
Tiếng xôn xao của nắng thu vàng
Tiếng dế đêm trăng thanh vời vợi
Tiếng hổ gầm vang trong hốc núi
Tiếng mây bay vương vấn sắc trời
Tiếng sấm rền và tiếng mưa rơi
Tiếng nhịp đập trái tim thiếu nữ
Tiếng bập bùng nhen trong bếp lửa
Những thanh âm tha thiết bồi hồi
Bật ra thành tiếng Việt trên môi…
(Trích Tiếng Việt mến yêu, Nguyễn Phan Hách)
Lựa chọn đáp án đúng:
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích?
A. Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.
B. Phong cách ngôn ngữ chính luận.
C. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.
D. Phong cách ngôn ngữ báo chí.
Câu 2. Theo tác giả, Tiếng Đất nghe như… . Trong dấu “…” là gì?
A. Chắc nịch
B. Thánh thót
C. Ngạt ngào
D. Âu yếm
Câu 3. Xác định biện pháp tu từ trong câu thơ: Tiếng Nước nghe như rơi từng giọt.
A. Điệp từ.
B. Nhân hoá.
C. Ẩn dụ.
D. Hoán dụ.
Câu 4. Cảm xúc được gợi lên qua 2 câu thơ sau là gì?
Mẹ là tiếng đầu tiên trẻ gọi
Nghe dịu dàng âu yếm biết bao
A. Bối rối.
B. Bồi hồi.
C. Yêu thương.
D. Lo lắng.
Câu 5. Hai câu thơ đầu trong đoạn trích được gợi từ truyện dân gian nào?
A. Thánh Gióng.
B. Con Rồng cháu Tiên.
C. Bánh chưng bánh giầy.
D. Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ.
Câu 6. Nguồn gốc của tiếng Việt trong đoạn trích xuất phát từ đâu?
A. Tiếng mẹ đẻ.
B. Tiếng của thiên nhiên.
C. Âm thanh của muôn loài.
D. Tiếng những thanh âm tha thiết của cuộc sống.
Câu 7. Đoạn trích đề cập đến đề tài nào dưới đây?
A. Thiên nhiên.
B. Đất nước.
C. Con người.
D. Tiếng Việt.
Trả lời câu hỏi/ thực hiện yêu cầu:
Câu 8. Hãy nêu tác dụng của phép điệp ngữ trong đoạn thơ sau:
Người Giao Chỉ lắng nghe tiếng gió
Tiếng dòng sông rì rào sóng vỗ
Tiếng trời xanh lồng lộng mênh mang
Tiếng xôn xao của nắng thu vàng.
Câu 9. Nhận xét về giọng điệu của đoạn trích.
Câu 10. Trách nhiệm của Anh/ Chị trong việc giữ gìn tiếng Việt.
II. VIẾT (4.0 điểm)
Nghị luận xã hội về chiến tranh và hậu quả của chiến tranh.
-----------------HẾT-----------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 3
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1 |
Câu 2 |
Câu 3 |
Câu 4 |
Câu 5 |
Câu 6 |
Câu 7 |
C |
A |
C |
C |
B |
D |
D |
Câu 8. Tác dụng của phép điệp ngữ trong đoạn thơ:
- Tạo nhịp điệu, gợi sự sinh động, tăng giá trị biểu cảm cho đoạn thơ.
- Thể hiện sự đa dạng, phong phú của tiếng Việt.
Câu 9. Nhận xét về giọng điệu của đoạn trích:
Giọng điệu: ngọt ngào, tha thiết – rất phù hợp cho việc thể hiện cảm xúc: sự trân trọng, yêu quý của tác giả dành cho tiếng Việt.
Câu 10.
- Trách nhiệm trong việc giữ gìn tiếng Việt:
- Mỗi người phải tự hào, trân trọng; gìn giữ và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---
4. Đề thi số 4
I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)
Đọc văn bản sau:
“Nhà” chỉ là một từ ngắn ngủi, nhưng hàm nghĩa của nó thì có thể rất mênh mông.
“Nhà” trong nỗi buồn của bạn là căn biệt thự vắng người, và mỗi khi có người thì đầy tiếng cãi vã.
“Nhà” trong ký ức của tôi là nơi tôi chạy quanh chân ba trong cái sân nhỏ có trồng những cây cà chua khi tôi chưa đầy ba tuổi.
“Nhà” trong nỗi nhớ của cô bạn thân vừa dọn qua khu phố mới kín cổng cao tường, chính là cái xóm nhỏ ồn ào mà thân mật, những ngôi nhà cũ có hàng rào thấp và thưa, nơi người này có thể đứng ngoài đường mà lơ đãng ngó vô phòng khách nhà người khác.
“Nhà” đối với những người xa quê hương chính là cái dải đất hình chữ S nhỏ nhắn bên bờ biển Đông, và đối với những phi hành gia làm việc trên trạm không gian, nhà có thể chính là viên ngọc xanh tuyệt đẹp ngoài vũ trụ kia đang quay rất chậm.
“Nhà” cũng có thể là tình yêu của một ai đó dành cho ta, là trái tim ấm áp của một ai đó, nơi mà ta luôn ao ước được chạy đến náu mình. Để tìm lại sự bình yên.
“Nhà” chỉ là một từ ngắn ngủi, nó không đồng nghĩa với sự bình yên, nhưng chúng ta vẫn luôn khao khát rằng nó gắn với sự bình yên.
Và khi nào “nhà” trái nghĩa với bình yên thì đó là khởi đầu của sự bất hạnh. Tôi tin rằng, mái nhà nào cũng từng có lúc đồng nghĩa với niềm vui và cả sự bình yên. Nhưng bạn của tôi ơi, sự bình yên của nhà không phải là điều có sẵn. “Nhà” là phần cứng, còn sự bình yên, hạnh phúc, niềm vui là phần mềm. Gia đình là phần cứng, còn tình yêu và sự thấu hiểu là phần mềm. Vậy cho nên, sự bình yên là thứ phải được thiết lập, và vì thế, có thể tái thiết lập. Nếu ta là một phần của “nhà”, dù chỉ là một phần nhỏ, nếu ta thật mong muốn mái nhà thân yêu của ta có được sự bình yên, hay lại có nó một lần nữa, thì ta phải tham gia vào quá trình thiết lập đó. Bằng một nụ cười xoa dịu, bằng một câu nói vị tha, bằng sự yêu thương nhẫn nhịn, bằng trái tim sẵn sàng sẻ chia, bằng một cái nắm tay thấu hiểu, hay có thể bằng một giọt nước mát. Dù thế nào, cũng không phải bằng sự buông xuôi. Để kéo những trái tim về gần với nhau. Để biến “nhà” thành một nơi ta phải luyến tiếc khi rời xa và luôn mong mỏi quay về.
(Nếu biết trăm năm là hữu hạn – Phạm Lữ Ân)
Câu 1: Trong văn bản, “nhà” gắn với những điều gì?
A. Trong nỗi buồn của bạn, trong nỗi nhớ của cô bạn thân vừa dọn qua khu phố mới, đối với những người xa quê hương.
B. Trong nỗi buồn của bạn, trong ký ức của tôi, trong nỗi nhớ của cô bạn thân vừa dọn qua khu phố mới.
C. Trong nỗi buồn của bạn, trong ký ức của tôi, trong nỗi nhớ của cô bạn thân vừa dọn qua khu phố mới, đối với những người xa quê hương.
D. Trong ký ức của tôi, trong nỗi nhớ của cô bạn thân vừa dọn qua khu phố mới, đối với những người xa quê hương.
Câu 2: Từ “thiết lập” trong văn bản có nghĩa là gì?
A. Lập ra, dựng lên
B. Sáng tạo ra điều gì đó
C. Phá vỡ điều gì đó
D. Phân tích điều gì đó
Câu 3: Theo tác giả, chúng ta có thể thiết lập bình yên trong ngôi nhà bằng cách:
A. Bằng một nụ cười xoa dịu, bằng một câu nói vị tha, bằng sự yêu thương nhẫn nhịn, bằng trái tim sẵn sàng sẻ chia, bằng một cái nắm tay thấu hiểu.
B. Bằng một nụ cười xoa dịu, bằng một câu nói vị tha, bằng sự yêu thương nhẫn nhịn, bằng trái tim sẵn sàng sẻ chia, bằng một cái nắm tay thấu hiểu, hay có thể bằng một giọt nước mát.
C. Bằng một nụ cười xoa dịu, bằng một câu nói vị tha, bằng sự yêu thương nhẫn nhịn, bằng trái tim sẵn sàng sẻ chia, hay có thể bằng một giọt nước mát.
D. Bằng một câu nói vị tha, bằng sự yêu thương nhẫn nhịn, bằng trái tim sẵn sàng sẻ chia, bằng một cái nắm tay thấu hiểu, hay có thể bằng một giọt nước mát.
Câu 4: “Tôi tin rằng, mái nhà nào cũng từng có lúc đồng nghĩa với niềm vui và cả sự bình yên. Nhưng bạn của tôi ơi, sự bình yên của nhà không phải là điều có sẵn.”
Đoạn văn trên sử dụng phép liên kết nào?
A. Phép nối.
B. Phép thế.
C. Phép liên tưởng.
D. Phép đồng nghĩa.
Câu 5: Thông điệp của văn bản là gì?
A. Mỗi người phải nhớ về ngôi nhà của mình.
B. Mỗi người hãy tự thiết lập tình yêu thương để tạo nên sự bình yên trong chính ngôi nhà của mình.
C. Chúng ta nên quan tâm nhiều hơn đến gia đình.
D. Tầm quan trọng của ngôi nhà đối với mỗi người.
Câu 6: Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là gì?
A. Miêu tả
B. Biểu cảm
C. Nghị luận
D. Thuyết minh
Câu 7: Nêu tác dụng của biện pháp điệp ngữ “Nhà” trong văn bản.
Câu 8: Theo tác giả, khi “nhà” trái nghĩa với bình yên, điều gì sẽ xảy ra.
Câu 9: Tác giả viết “…sự bình yên là thứ phải được thiết lập, và vì thế, có thể tái thiết lập”. Vậy từ văn bản, hãy cho biết làm thế nào để ta có thể tham gia vào quá trình thiết lập đó?
Câu 10: Thông điệp nào trong đoạn trích trên có ý nghĩa nhất với anh/chị? Vì sao?
II. PHẦN VIẾT (4.0 điểm)
Trong văn bản ở phần đọc hiểu, tác giả viết: Nếu ta là một phần của “nhà”, dù chỉ là một phần nhỏ, nếu ta thật mong muốn mái nhà thân yêu của ta có được sự bình yên, hay lại có nó một lần nữa, thì ta phải tham gia vào quá trình thiết lập đó. Từ đó, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 từ) bàn luận về trách nhiệm của cá nhân đối với gia đình.
-----------------HẾT-----------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 4
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1 |
Câu 2 |
Câu 3 |
Câu |
Câu 5 |
Câu 6 |
C |
A |
B |
A |
B |
C |
Câu 7: Tác dụng:
+ Tạo nhịp điệu cho câu văn
+ Thể hiện tình cảm, chia sẻ cũng như những băn khoăn, trăn trở và quan điểm của tác giả về ngôi nhà.
Câu 8: Theo tác giả, khi “nhà” trái nghĩa với bình yên, điều sẽ xảy ra đó là: khởi đầu của sự bất hạnh
Câu 9: “sự bình yên có thể thiết lập hoặc tái thiết lập” có nghĩa là:
+ Nó như một câu hỏi về sự bình yên của mỗi người trong cuộc sống.
+ Sự bình yên ấy có thể được thiệt lập và tái thiết lập bởi chính bàn tay con người.
Câu 10: Gợi ý
Thông điệp có ý nghĩa nhất đối với tôi: Hãy mang lại sự bình yên cho ngôi nhà của mình bằng chính sự nỗ lực, hành động của bản thân.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---
5. Đề thi số 5
I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:
(1) Ứng xử là thái độ, hành vi, lời nói thích hợp trong quan hệ giao tiếp giữa người với người, giữa người với thiên nhiên. Thuật ngữ văn hóa đặt trước ứng xử có nghĩa là tô đậm chiều cao phẩm chất, chiều rộng quan hệ của người ứng xử. Có con người là có cách ứng xử giữa họ với nhau, giữa họ với môi trường sống. Nhưng văn hóa ứng xử được hình thành từ khi văn minh phát triển ở một cấp độ nào đó nhằm diễn đạt cách ứng xử con người đối với thiên nhiên, đối với xã hội và đối với chính mình...
(2) Ở các nền văn hóa khác nhau có hệ chuẩn không giống nhau, nhưng vẫn có giá trị chung. Đó là sống có lý tưởng, trung với nước, hiếu với cha mẹ, tình thương đối với đồng bào, trung thực với bạn bè, giữ chữ tín trong mọi quan hệ. Trong văn hóa phương Đông, Khổng tử khuyên mọi người tu tâm dưỡng tín với sáu chữ: nhất nhật tam tĩnh ngô thân. Đối với người Nhật, nhân cách văn hóa được công thức hóa: thiện, ích, đẹp. Nước ta coi trọng mục tiêu giá trị: chân, thiện, mỹ. Ở châu Âu, người ta nói tính cách, khi bàn giá trị nhân cách tiêu biểu dân tộc. Tính cách Nga được thể hiện ở lòng đôn hậu, tình thủy chung, nghĩa cử quốc tế cao cả. Khẩu hiệu tri thức là sức mạnh được nhiều nước tư bản châu Âu viện dẫn và ảnh hưởng tới hành động đã mấy trăm năm. Bí quyết hàng đầu của người Do Thái là sự trọng học, đề cao vai trò của trí tuệ, tôn sùng học vấn và tài năng. Để con gái lấy được học giả, hoặc lấy được con người là học giả làm vợ thì không tiếc tài sản. Tuy nhiên, họ cũng coi tri thức mà thiếu thực tiễn chẳng khác nào chú lừa chỉ biết thồ trên lưng sách vở.
Câu 1. Nêu nội dung chính của từng đoạn trong văn bản trên (0,5 điểm)
Câu 2. Xác định thao tác lập luận chủ yếu được sử dụng ở đoạn (1) và (2) (0,75 điểm).
Câu 3. Hãy nên ít nhất 2 tiêu chí giao tiếp thể hiện văn hóa ứng xử trong cuộc sống hàng ngày. Trả lời trong khoảng 3-5 câu (0,75 điểm).
Câu 4. Điều gì khiến anh chị tâm đắc nhất qua đoạn trích. (1,0 điểm)
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về cách ứng xử của con người với chính mình.
Câu 2 (7,0 điểm)
Từ những hiểu biết của bản thân về truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, anh/chị cảm nhận như thế nào về việc Mị Châu bị thần Rùa Vàng kết tội là giặc, lại bị vua cha chém đầu nhưng sau đó, máu nàng hóa thành ngọc trai, xác nàng hóa thành ngọc thạch?
-----------------HẾT-----------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 5
Phần I. ĐỌC HIỂU
Câu 1.
Chủ đề của hai đoạn văn:
Đoạn (1): Giải thích ý nghĩa khái niệm "văn hóa ứng xử"
Đoạn (2): Các nền văn hóa khác nhau có hệ chuẩn không không giống nhau, nhưng vẫn có giá trị chung
Câu 2.
Thao tác lập luận chủ yếu:
Đoạn (1): Thao tác lập luận giải thích/lập luận giải thích/ thao tác giải thích/ giải thích/
Đoạn (2): Thao tác lập luận so sánh/ lập luận so sánh/ thao tác so sánh/ so sánh
Câu 3.
- Khi giao tiếp với người trên tuổi phải có lời thưa gửi
- Khi đối thoại với một người nào đó phải chú ý nhường lượt lời cho họ.
Câu 4.
- Tuy mỗi nền văn hóa có những quy định cụ thể về cách giao tiếp, ứng xử nhưng vẫn có những giá trị chung mà chúng ta cần hiểu và tôn trọng
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 5 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---
Trên đây là một phần nội dung Bộ 5 đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 10 KNTT năm 2022-2023 có đáp án Trường THPT Thanh Thủy. Để xem thêm nhiều tài liệu hữu ích khác, các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Mời các em tham khảo tài liệu có liên quan:
- Bộ 5 đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 10 KNTT năm 2022-2023 có đáp án Trường THPT Phủ Lý
- Đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 10 CTST năm 2022-2023 có đáp án Trường THCS Lê Văn Hưu
Hy vọng bộ đề thi này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong kì thi sắp tới.