YOMEDIA

Bộ 4 đề thi HK1 môn Ngữ văn 10 có đáp án năm 2021-2022 Trường THPT Tiên Lãng

Tải về
 
NONE

Mời quý thầy cô và các em cùng tham khảo Bộ 4 đề thi HK1 môn Ngữ văn 10 có đáp án năm 2021-2022 Trường THPT Tiên Lãng. Tài liệu được biên soạn nhằm giới thiệu đến các em và quý thầy cô dạng đề thi thử phong phú và đa dạng. Hi vọng đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình học tập của các em. Mời các em cùng tham khảo nhé!

ATNETWORK

TRƯỜNG THPT TIÊN LÃNG

ĐỀ THI HỌC KÌ 1

MÔN: NGỮ VĂN 10

NĂM HỌC: 2021-2022

(Thời gian làm bài: 90 phút)

 

ĐỀ SỐ 1

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

“… Có gì đâu, có gì đâu

Mỡ màu ít chắt dồn lâu hoá nhiều

Rễ siêng không sợ đất nghèo

Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù

Vươn mình trong gió tre đu

Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành

Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh

Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm

Bão bùng thân bọc lấy thân

Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm…”

(Trích "Tre Việt Nam", Nguyễn Duy)

Câu 1 (0,5đ): Cây tre ở đoạn thơ trên mang những phẩm chất gì?

Câu 2 (1đ): Các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn thơ là gì? Nêu tác dụng.

Câu 3 (1,5đ): Viết đoạn văn ngắn trình bày cảm nhận của anh/chị về những đức tính quý báu được rút ra từ hình ảnh cây tre.

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Nghị luận về tinh thần tương thân tương ái.

Câu 2 (5đ): Đóng vai Tấm kể lại chuyện Tấm Cám.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

I. Đọc hiểu văn bản

Câu 1 (0,5đ):

Cây tre mang những phẩm chất: khiêm tốn, chịu thương chịu khó, lạc quan, đoàn kết.

Câu 2 (1đ):

- Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn thơ: nhân hóa (cây tre mang những phẩm chất tốt đẹp của con người).

- Tác dụng: tô điểm, nhấn mạnh vẻ đẹp của cây tre.

Câu 3 (1,5đ):

- Cảm nhận về những đức tính quý báu được rút ra từ hình ảnh cây tre:

+ Là hình ảnh đại diện cho những đức tính quý báu của con người Việt Nam.

+ Là tấm gương để con người học tập noi theo.

+ Thêm tự hào về bản chất mộc mạc mà cao đẹp đó.

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ):

Dàn ý Nghị luận về tinh thần tương thân tương ái

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: tinh thần tương thân tương ái. (Một trong những phẩm chất quý báu của con người Việt Nam ta chính là tinh thần tương thân tương ái).

2. Thân bài

a. Giải thích

Tương thân tương ái: tình yêu thương giữa con người với con người, sẵn sàng đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu và giúp đỡ người khác khi người ta gặp khó khăn. Rộng hơn nữa chính là tình đồng bào, tinh thần đoàn kết.

b. Phân tích

- Cuộc sống vẫn còn nhiều mảnh đời khó khăn, bất hạnh, giúp đỡ nhau làm cuộc sống của con người ngày càng tốt lên, xã hội phát triển hơn.

- Một con người có tâm thiện, luôn giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn sẽ được mọi người yêu quý, kính trọng và sẵn sàng giúp đỡ lại khi mình rơi vào hoàn cảnh tương tự.

- Nếu xã hội ai cũng có tấm lòng “tương thân tương ái” thì xã hội sẽ được lan tỏa nhiều điều tốt đẹp.

c. Chứng minh

- Học sinh tự lấy dẫn chứng minh họa cho bài làm của mình.

- Lưu ý: dẫn chứng xác thực, nổi bật, tiêu biểu, được nhiều người biết đến.

d. Phản biện

Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của người khác, chỉ biết đến bản thân mình,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn lên án, chỉ trích.

3. Kết bài

Khái quát lại ý nghĩa và tầm quan trọng của tinh thần tương thân tương ái.

---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 1 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 2

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Khi tôi lên 8 hay 9 tuổi gì đó, tôi nhớ thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn nướng bánh mì cháy khét. Một tối nọ, mẹ tôi về nhà sau một ngày làm việc dài và bà làm bữa tối cho cha con tôi. Bà dọn ra bàn vài lát bánh mì nướng cháy, không phải cháy xém bình thường mà cháy đen như than. Tôi ngồi nhìn những lát bánh mì và đợi xem có ai nhận ra điều bất thường của chúng và lên tiếng hay không. Nhưng cha tôi chỉ ăn miếng bánh của ông và hỏi tôi về bài tập cũng như những việc ở trường học như mọi hôm. Tôi không còn nhớ tôi đã nói gì với ông hôm đó, nhưng tôi nhớ đã nghe mẹ tôi xin lỗi ông vì đã làm cháy bánh mì. Và tôi không bao giờ quên được những gì cha tôi nói với mẹ tôi:

- Em à, anh thích bánh mì cháy mà.

Đêm đó, tôi đến bên chúc cha tôi ngủ ngon và hỏi có phải thực sự ông thích bánh mì cháy. Cha tôi khoác tay qua vai tôi và nói:

- Mẹ con đã làm việc rất vất vả cả ngày và mẹ rất mệt. Một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Những lời chê bai trách móc cay nghiệt đấy.

Rồi ông nói tiếp:

- Con biết đó, cuộc đời đầy dẫy những thứ không hoàn hảo và những con người không toàn vẹn. Cha cũng khá tệ trong rất nhiều việc, chẳng hạn như cha chẳng thể nhớ được sinh nhật hay ngày kỷ niệm như một số người khác. Điều mà cha học được qua nhiều năm tháng, đó là học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ. Đó là chìa khoá quan trọng nhất để tạo nên một mối quan hệ lành mạnh, trưởng thành và bền vững con ạ. Cuộc đời rất ngắn ngủi để thức dậy với những hối tiếc và khó chịu. Hãy yêu quý những người cư xử tốt với con, và hãy cảm thông với những người chưa làm được điều đó.

Câu 1 (0,5đ): Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2 (0,5đ): Đặt nhan đề cho câu chuyện.

Câu 3 (0,75đ): Những lời nói của người cha thể hiện điều gì?

Câu 4 (1,25đ): Nêu ý nghĩa của câu chuyện?

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Trình bày suy nghĩ của em về lối sống ích kỉ.

Câu 2 (5đ): Sau khi tự tử ở giếng Loa Thành, xuống thủy cung, Trọng Thủy đã tìm gặp lại Mị Châu. Hãy tưởng tượng và kể lại câu chuyện đó.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

I. Đọc hiểu văn bản

Câu 1 (0,5đ): Phương thức biểu đạt chính của văn bản: tự sự

Câu 2 (0,5đ): Nhan đề của văn bản: Miếng bánh mì cháy

Lưu ý: Học sinh có thể tự đặt nhan đề theo cách riêng của mình nhưng phải phù hợp với nội dung câu chuyện giáo viên vẫn cho điểm.

Câu 3 (0,75đ):

- Những lời người cha nói với mẹ: thể hiện sự yêu thương, trân trọng người vợ; biết ơn, cảm thông cho những việc vợ làm cho mình dù nó không hoàn hảo.

- Những lời người cha nói với con: đó là những lời dạy bảo con nhẹ nhàng mà sâu sắc, nhắc nhở con trai hãy trân trọng những việc không hoàn hảo mà người khác dành cho mình. Hãy sống thật bao dung để cuộc đời được thanh thản.

→ Có thể thấy đây là người cha dịu dàng, ấm áp, biết yêu thương, trân trọng những điều bình dị, chưa hoàn hảo trong cuộc sống mà người khác dành cho mình.

Câu 4 (1,25đ):

Câu chuyện không chỉ nói về tình yêu thương, trân trọng mà người chồng dành cho vợ, người cha dành cho con mà còn thể hiện một triết lí giá trị của cuộc sống: hãy biết yêu thương, trân trọng những điều người khác dành cho mình dù nó chưa hoàn hảo; biết chấp nhận sai sót của người khác vì cuộc đời rất ngắn ngủi để thức dậy với những hối tiếc và khó chịu; hãy yêu quý những người cư xử tốt với mình và hãy cảm thông với những người chưa làm được điều đó.

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ):

Dàn ý Trình bày suy nghĩ của em về lối sống ích kỉ

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: lối sống ích kỉ (Một trong những vấn đề nổi cộm của xã hội hiện nay chính là lối sống ích kỉ).

2. Thân bài

a. Giải thích

Ích kỉ: chỉ biết nghĩ đến bản thân mình và lợi ích của bản thân mà vô cảm, thờ ơ, lãnh đạm, không quan tâm trước nỗi đau khổ, bất hạnh của người khác.

b. Phân tích

- Xã hội ngày càng phát triển, con người bận rộn với cuộc sống, với những dự định riêng của mình nên đôi lúc vô hình chung tạo nên khoảng cách giữa người với người, ít có thời gian quan tâm đến người khác hơn và chỉ chú tâm vào lợi ích của bản thân mình.

- Đôi lúc sự ích kỉ đến từ bản chất của người đó, vì ích kỉ nên chỉ nghĩ đến bản thân mình mà không quan tâm, để ý đến những người xung quanh, chỉ muốn nhận lại mà không muốn cho đi.

- Sự ích kỉ đôi lúc là do chịu ảnh hưởng từ những người xung quanh. Nếu những người xung quanh chỉ nghĩ đến bản thân mình, không ai quan tâm, chia sẻ với ai điều gì sẽ dần hình thành cho những người khác tính cách này.

c. Chứng minh

- Học sinh tự lấy những dẫn chứng để minh họa cho bài làm văn của mình.

- Lưu ý: dẫn chứng phải xác thực, gần gũi, tiêu biểu và được nhiều người biết đến.

---(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 3

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Một mai, một cuốc, một cần câu,

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,

Người khôn, người đến chốn lao xao.

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

Rượu đến bóng cây ta hãy uống,

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

Câu 1 (0,5đ): Bài thơ được viết theo thể thơ nào? Tác giả là ai?

Câu 2 (0,5đ): Nêu những chi tiết miêu tả cuộc sống của tác giả?

Câu 3 (1đ): Nêu nét đặc sắc nghệ thuật của hai câu thơ:

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,

Người khôn, người đến chốn lao xao

Câu 4 (1đ): Qua bài thơ, anh/chị hiểu thế nào về cách sống của tác giả? Từ đó rút ra bài học gì cho bản thân?

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Cảm nhận của anh/chị về người phụ nữ xưa và nay.

Câu 2 (5đ): Cảm nhận về bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

I. Đọc hiểu văn bản

Câu 1 (0,5đ): Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú đường luật. Tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Câu 2 (0,5đ):

Những chi tiết miêu tả cuộc sống của tác giả: một mai, một cuốc, một cần câu, thơ thẩn, sống ở nơi vắng vẻ, ăn uống đạm bạc (thu ăn măng trúc, đông ăn giá), xuân tắm hồ sen hạ tắm ao, uống rượu dưới bóng cây và coi thường vinh hoa phú quý.

Câu 3 (1đ):

- Nét nghệ thuật đặc sắc: đối lập: (ta - người, dại - khôn, vắng vẻ - lao xao).

- Tác dụng: nhấn mạnh sự an nhàn, mặc kệ sự đời, mặc kệ người đời cho là dại để tác giả sống một cuộc sống của mình.

Câu 4 (1đ):

- Cách sống của tác giả: an nhàn, đạm bạc nhưng bình yên không bon chen, vướng bận sự đời.

- Điều học tập được: không nên tranh giành, đấu đá nhau, bon chen trong xã hội mà cố gắng sống một cuộc sống bình yên, thanh thản, tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của cuộc sống.

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ):

Dàn ý Cảm nhận về người phụ nữ xưa và nay

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: người phụ nữ xưa và nay.

2. Thân bài

a. Người phụ nữ xưa

- Ngoại hình: nhuộm răng đen, mặc áo bà ba, áo nâu, áo tứ thân,… kín đáo; tóc búi cao.

- Tính cách: công dung ngôn hạnh, luôn là người có đức hi sinh, một lòng vì chồng, theo chồng,…

- Quyền lợi: không có nhiều quyền lợi, không được xã hội tôn trọng, bảo vệ, không có tiếng nói, không được tham gia vào những việc hệ trọng, quanh năm chỉ gắn liền với bếp núc, chịu đựng nhiều hủ tục lạc hậu,…

→ Không được tự quyết định cuộc đời, số phận của mình dẫn đến thiệt thòi.

→ Người phụ nữ ngày xưa là những người giàu đức tính quý báu nhưng lại chịu nhiều đau thương, có những cảnh ngộ khiến người đời sau phải đau lòng.

b. Người phụ nữ ngày nay

- Ngoại hình: có quyền tự do lựa chọn phong cách cho mình mà không cần theo một chuẩn mực nhất định nào.

- Tính cách: người phụ nữ hiện nay tự do, phóng khoáng trong việc thể hiện tính tình, phong cách của bản thân mình.

- Quyền lợi: người phụ nữ có nhiều quyền lợi, bình đẳng với nam giới, không bị phụ thuộc vào ai, được xã hội tôn trọng và bảo vệ, được tự do lựa chọn cách sống cho mình, tự lập về tài chính,…

→ Người phụ nữ được tự quyết định, làm chủ cuộc đời mình và làm những gì mình muốn, họ góp phần làm đa dạng và phong phú cuộc sống sắc màu.

3. Kết bài

- Khái quát lại vấn đề nghị luận: xã hội ngày càng phát triển, người phụ nữ ngày càng được trân trọng và nâng niu xứng đáng với những gì đáng ra họ phải được nhận từ lâu.

Câu 2 (5đ):

Dàn ý cảm nhận bài thơ Cảnh ngày hè

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Nguyễn Trãi và bài thơ Cảnh ngày hè.

2. Thân bài

Rồi hóng mát thuở ngày trường

Khung cảnh nhàn rỗi, ung dung, tự tại của tác giả không hề vướng bận sự đời.

Hòe đục đùn đùn tán rợp giương

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương

- Bức tranh thiên nhiên với nhiều hình ảnh và những nét nổi bật về màu sắc mang nét đặc trưng riêng của không gian mùa hè.

- Màu xanh của lá hòe tạo thành một bóng mát khổng lồ gợi cho ta sự mát mẻ.

- Động từ "đùn đùn" có sức bao quát cảnh vật rất lớn, vừa gợi được sức sống mãnh liệt của thiên nhiên, vừa gợi cảm giác phóng khoáng.

- Màu đỏ thắm của hoa lựu cùng sắc hồng nhẹ nhàng của hoa sen ta hương thơm ngát.

→ Một bức tranh đủ sắc và hương vừa sang trọng, gần gũi, tươi tắn, rực rỡ, thiên nhiên không những đẹp mà còn mang bao cảm xúc tinh tế.

Lao xao chợ cá làng ngư phủ

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương

- Tiếng "lao xao" âm vang từ chợ cá, làng chài vọng đến đó là tín hiệu của cuộc sống nhộn nhịp đan xen vào cảm nhận của nhà thơ về thiên nhiên thanh bình → Nguyễn Trãi đang chủ động hướng cảm nhận của mình đến cuộc sống của những người dân làng chài để bản thân không tạo một khoảng cách quá xa với nhân dân.

- Tiếng ve "dắng dỏi", âm thanh mảnh, dứt khoát, nhịp nhàng được so sánh với tiếng đàn là một liên tưởng so sánh rất độc đáo của Nguyễn Trãi → tràn đầy sức sống.

→ Bức tranh thiên nhiên qua con mắt của Nguyễn Trãi là sự hòa phối hoàn hảo giữa màu sắc âm thanh, giữa thiên nhiên và cuộc sống con người.

Dẽ có Ngu Cầm đàn một tiếng

Dân giàu nước mạnh khắp đòi phương.

---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 3 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 4

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Trong cuộc đời bình yên tựa nghìn xưa

Gần gũi nhất vẫn là cây lúa

Trưa nắng khát ước về vườn quả

Lúc xa nhà nhớ một dáng mây

Một dòng sông, ngọn núi, rừng cây

Một làn khói, một mùi hương trong gió...

Có mấy ai nhớ về ngọn cỏ

Mọc vô tình trên lối ta đi

Dẫu nhỏ nhoi không đáng nhớ làm chi

Không nghĩ đến nhưng mà vẫn có.

(Trích Cỏ dại - Vĩnh Linh)

Câu 1 (0,5đ): Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2 (0,5đ): Tác giả đã kể ra những sự vật gần gũi, thân quen nào?

Câu 3 (1đ): Trong những sự vật ở quê nhà gần gũi mà tác giả kể trên, theo anh/chị tác giả gửi gắm tình cảm vào sự vật nào nhiều nhất? Vì sao?

Câu 4 (1đ): Qua đoạn thơ trên, anh/chị hãy nêu cảm nghĩ về quê hương của mình.

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Suy nghĩ của anh/chị về câu nói: “Tuổi trẻ như một cơn mưa rào, cho dù bị cảm, vẫn muốn quay lại để ướt thêm lần nữa”

Câu 2 (5đ): Cảm nhận về sự lạc quan, yêu đời của con người Việt Nam qua bài ca dao hài hước số 1.

 

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4

I. Đọc hiểu văn bản

Câu 1 (0,5đ): Đoạn thơ được viết theo thể thơ tự do.

Câu 2 (0,5đ):

Những sự vật được tác giả nhắc đến: cây lúa, vườn quả, dáng mây, dòng sông, ngọn núi, rừng cây, làn khói, mùi hương trong gió, ngọn cỏ.

Câu 3 (1đ):

Tác giả gửi gắm tình cảm nhiều nhất vào ngọn cỏ dại vì nó từ lâu đã âm thầm trở thành biểu tượng của quê nhà nhờ sức sống dẻo dai, mãnh liệt.

Câu 4 (1đ):

Nêu cảm nghĩ về quê hương:

- Quê hương là nơi chôn rau cắt rốn, là chốn dang tay đón chúng ta trở về yên bình sau bao bão táp phong ba ngoài cuộc sống…

- Mỗi chúng ta cần yêu quý, trân trọng quê hương của mình đồng thời cố gắng xây dựng quê hương giàu đẹp.

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ):

Dàn ý suy nghĩ về câu nói: “Tuổi trẻ như một cơn mưa rào, cho dù bị cảm, vẫn muốn quay lại để ướt thêm lần nữa”

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: câu nói: “Tuổi trẻ như một cơn mưa rào, cho dù bị cảm, vẫn muốn quay lại để ướt thêm lần nữa”.

Lưu ý: học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào khả năng của mình.

2. Thân bài

a. Giải thích

- “Tuổi trẻ”: khi con người vừa trưởng thành, bắt đầu làm người lớn với những bỡ ngỡ đầu đời nhưng tràn đầy sức sống, tình yêu và nhiệt huyết.

- “Cơn mưa rào”: là cơn mưa diễn ra một cách nhanh chóng, chốc lác nhưng ào ạt, xối xả.

- So sánh tuổi trẻ với cơn mưa rào để nói lên sự trôi chảy nhanh chóng của thời gian đồng thời nói về những tiếc nuối, sai lầm của tuổi trẻ. Nhưng dù có tiếc nuối, có sai lầm thì tuổi trẻ vẫn là quãng thời gian tươi đẹp nhất, đáng nhớ nhất trong cuộc đời của mỗi con người mà ai cũng muốn được quay trở lại.

b. Phân tích

- Thời gian trôi đi sẽ không quay trở lại, tuổi trẻ cũng vậy, khi nó rồi, nếu ta không sống một cách có ý nghĩa thì sẽ cảm thấy hối tiếc.

- Tuổi trẻ giống như buổi sáng trong sạch, tinh khiết, luôn tràn ngập tưởng tượng xa vời và hài hòa. Đó là lứa tuổi hồn nhiên, lạc quan, trong sáng, không phải bon chen đủ điều với những ham muốn tầm thường về danh lợi, sống thoải mái nhất với con người và cuộc đời mình.

- Tuổi trẻ là tuổi ôm ấp nhiều hoài bão nhất trong cuộc đời của mỗi người và luôn ở tư thế sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, thử thách để thực hiện ước mơ, hoài bão đó.

c. Chứng minh

- Học sinh tự lấy những dẫn chứng là tấm gương minh họa cho bài làm của mình.

- Lưu ý: dẫn chứng phải tiêu biểu, xác thực, được nhiều người biết đến.

d. Phản biện

- Hiện nay, bên cạnh những người trẻ đang sống hết mình vì lí tưởng, khát khao,… thì vẫn còn đó một bộ phận lớp trẻ vẫn đang sống hoài, sống phí, thiếu trách nhiệm với tương lai, ích kỉ, vô trách nhiệm với gia đình, xã hội và bản thân,… → đáng lên án và phê phán mặc dù là về trẻ hay về già.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận và rút ra bài học cho bản thân.

Câu 2 (5đ):

Dàn ý Cảm nhận về sự lạc quan, yêu đời của con người Việt Nam qua bài ca dao hài hước số 1

1. Mở bài

Giới thiệu về ca dao và chùm ca dao hài hước. Dẫn dắt vào bài ca số 1.

2. Thân bài

a. Lời dẫn cưới của chàng trai:

- Sử dụng biện pháp liệt kê, chàng trai đưa ra một loạt vật dẫn cưới: voi, trâu bò, chuột béo.

- Lối nói khoa trương, cường điệu, phóng đại: Chàng trai định dẫn cưới bằng những lễ vật rất có giá trị.

→ Chàng trai đang tưởng tượng về một lễ cưới linh đình, sang trọng. Đó là ước mơ của những chàng trai thôn quê về một ngày vu quy sung túc.

- Cách nói giảm dần từ voi – trâu – bò và cuối cùng dừng lại ở con chuột béo: Tái hiện lại hành trình từ tưởng tượng đến trở về với hiện thực của chàng trai.

- Thủ pháp tương phản đối lập được sử dụng tài tình, khéo léo để nói về hiện thực: Dẫn voi – quốc cấm, dẫn trâu – máu hàn, dẫn bò – co gân.

→ Lời giải thích hợp tình hợp lí, chính đáng vì lí do chấp hành pháp luật, lo cho sức khỏe họ hàng hai bên chứ không phải vì chàng trai không có.

→ Cách nói thể hiện sự hài hước, dí dỏm, đáng yêu, thông minh của chàng trai.

- Chi tiết hài hước: “Miễn là có thú bốn chân/dẫn con chuột béo mời dân mời làng”:

+ Thú bốn chân gợi ra hình ảnh những con vật to lớn, có giá trị.

+ Con chuột béo: Loài vật nhỏ bé, có hại và bị người nông dân ghét bỏ.

+ Sự bất thường của chi tiết: Xưa nay chưa từng thấy ai mang chuột đi hỏi vợ và cũng không thể có một con chuột nào to lớn để có thể mời dân mời làng.

→ Chi tiết hài hước vừa đem lại tiếng cười sảng khoái, vừa thể hiện sự vui tươi, hóm hỉnh của chàng trai, một tâm hồn lạc quan, phóng khoáng, yêu đời.

b. Lời thách cưới của cô gái

- Thái độ của cô gái:

+ Trước lời dẫn cưới của chàng trai cô gái “lấy làm sang” → Đây là cô gái dí dỏm, vui tươi không kém bạn đời.

+ Lời nói “Nỡ nào em lại phá ngang” → Ý nhị, khiêm tốn, thông cảm với hoàn cảnh của chàng trai.

+ Thủ pháp tương phản đối lập: người ta – nhà em, lợn gà – nhà khoai lang → Sự độc đáo, bất thường trong lời thách cưới bởi những lễ vật ấy bình dị đến mức tầm thường. Chính điều này đã tạo nên tiếng cười đùa vui, hóm hỉnh.

---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 4 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 4 đề thi HK1 môn Ngữ văn 10 năm 2021-2022 Trường THPT Tiên Lãng. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON