YOMEDIA

Bộ 3 đề thi giữa HK2 môn Ngữ văn 10 CTST năm 2023-2024 có đáp án trường THPT Lê Đại Hành

Tải về
 
NONE

HỌC247 xin giới thiệu đến các em Bộ 3 đề thi giữa HK2 môn Ngữ văn 10 CTST năm 2023-2024 có đáp án trường THPT Lê Đại Hành. Tài liệu được biên soạn nhằm giới thiệu đến các em dạng bài tập về phần Đọc-hiểu và Làm văn trong chương trình Ngữ văn 10 CTST. Hi vọng đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình ôn thi giữa Học kì 2 của các em. Mời các em cùng tham khảo nhé!

ATNETWORK

TRƯỜNG THPT LÊ ĐẠI HÀNH

ĐỀ THI GIỮA HK2

MÔN: NGỮ VĂN 10 CTST

NĂM HỌC: 2023-2024

(Thời gian làm bài: 90 phút)

Đề số 1

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

ĐÒ LÈN

Nguyễn Duy

Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
níu váy bà đi chợ Bình Lâm
bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần

Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị
chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng

Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn

Tôi trong suốt giữa hai bờ hư - thực
giữa bà tôi và tiên phật, thánh thần
cái năm đói củ dong riềng luộc sượng
cứ nghe thơm mùi huệ trắng hương trầm

Bom Mỹ dội, nhà bà tôi bay mất
đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn

Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
dòng sông xưa vẫn bên lở bên bồi
khi tôi biết thương bà thì đã muộn
bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi!

(Đò Lèn, Nguyễn Duy - Trích tập thơ Ánh trăng – NXB Tác phẩm mới - 1/1984)

* Tác giả:

- Nguyễn Duy tên khai sinh là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1948 tại Thanh Hóa. Mẹ mất sớm, Nguyễn Duy ở với bà ngoại từ nhỏ. Trong tâm hồn của Nguyễn Duy, bà ngoại là hình ảnh thân thuộc, gần gũi nhất. Năm 1966, ông nhập ngũ và có mặt tại các chiến trường ác liệt như: Khe Sanh, Đường chín Nam Lào. Sau đó ông học khoa Ngữ văn tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1977 đến nay ông làm Đại diện thường trú của báo Văn nghệ các tỉnh phía Nam.

- Thơ của Nguyễn Duy có sự kết hợp hài hòa giữa cái duyên dáng, trữ tình với chất thế sự đậm đặc.

* Bài thơ: Bài Đò Lèn được viết năm 1983, trong một dịp nhà thơ trở về quê hương, sống với những hồi ức đan xen nhiều buồn vui thời thơ ấu. Bài thơ được in trong tập Ánh trăng.

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

A. Thể thơ 5 chữ

B. Thể thơ 6 chữ

C. Thể thơ 7 chữ

D. Thể thơ tự do

Câu 2. Hai khổ thơ đầu bài thơ Đò Lèn, Nguyễn Duy đã tái hiện lại:

A. Những kỉ niệm tuổi thơ của chú bé nhà nghèo, vô tư, ham chơi, tinh nghịch

B. Tái hiện xúc động hình ảnh người bà yêu quý

C. Cả hai đáp án trên đều đúng

D. Cả hai đáp án trên đều sai

Câu 3. Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong các câu thơ sau?

Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
bà mò cua xúc tép ở đồng Quan

bà đi gánh chè xanh Ba Trại

Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn

A. So sánh

B. Nhân hoá

C. Liệt kê

D. Ẩn dụ

Câu 4. Từ ngữ nào không thể hiện sự lam lũ, vất vả của người bà trong bài thơ?

A. Mò cua, xúc tép

B. Gánh chè xanh

C. Đi bán trứng

D. Chân đất đi đêm

Câu 5. Hình ảnh người bà qua kí ức của tác giả trong bài thơ là người như thế nào?

A. Lam lũ, tần tảo, hiền lành, đôn hậu, giàu đức hi sinh

B. Lam lũ, tần tảo, hiền lành, đôn hậu, giàu lòng thương người

C. Vui vẻ, vô tư, hiền lành, đôn hậu, giàu đức hi sinh

D. Lam lũ, tần tảo, hiền lành, đôn hậu.

Câu 6. Những địa danh trong kí ức tuổi thơ của tác giả được nhắc tới trong ba khổ thơ đầu của bài thơ?

A. Chợ Bình Lâm, đền Cây Thị, đền Sòng, chùa Trần.

B. Đền Cây Thị, cống Na, Bình Lâm, Ba Trại, Đồng Giao, Quán Cháo, chùa Trần

C. Đồng Quan, đền Cây Thị, Đồng Giao, Đồng Quan, chùa Trần, Quán Thơ

D. Đồng Quan, Chợ Bình Lâm, Đồng Giao, đền Sòng, Cây Thi, Đồng Giao

Câu 7. Giá trị nội dung của bài thơ Đò Lèn:

A. Gợi lên những kí ức đẹp đẽ về thời thơ ấu và hình ảnh người bà tảo tần

B. Bày tỏ tấm lòng yêu quý, kính trọng rất mực của người cháu đối với người bà đã mất

C. Sự ân hận của người cháu về thời thơ ấu vô tư, vô tâm, sống bằng ảo tưởng đẹp mà không thấu hiểu cuộc sống cơ cực của bà.

D. Tất cả các đáp án trên

Trả lời câu hỏi/ thực hiện các yêu cầu:

Câu 8. Anh/ chị hiểu như thế nào về hai câu thơ sau:

khi tôi biết thương bà thì đã muộn
bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi!

Câu 9. Anh/chị rút ra được thông điệp gì cho bản thân thông qua bài thơ?

Câu 10. Bài thơ Đò lèn gợi anh/chị liên tưởng đến bài thơ nào đã học ở lớp dưới? Vì sao?

II. VIẾT (4.0 điểm)

Anh/ chị hãy viết một văn bản nghị luận (khoảng 500 chữ) phân tích, đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật trong bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy.

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

 

ĐỌC HIỂU

6,0

 

1

D

0,5

 

2

A

0,5

 

3

C

0,5

 

4

D

0,5

 

5

A

0,5

 

6

B

0,5

 

7

D

0,5

 

8

Hiểu về hai câu thơ:

“khi tôi biết thương bà thì đã muộn
bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi!”?

- Thể hiện tình yêu thương của tác giả đối với người bà

- Thể hiện tâm trạng nuối tiếc, hối hận muộn màng vì sự hồn nhiên, khờ dại của mình, đã không thấu hiểu nỗi vất vả của bà, khi biết thương bà thì đã quá muộn.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 0,5 điểm

- Học sinh trả lời có nội dung phù hợp nhưng diễn đạt chưa tốt: 0,25 điểm

- Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm

* Lưu ý: Học sinh có thể trả lời khác đáp án nhưng thuyết phục, diễn đạt nhiều cách miễn hợp lí là chấp nhận được.

1,0

 

9

Thông điệp rút ra cho bản thân thông qua bài thơ.

- Phải biết yêu thương, quan tâm tử tế đối với người thân.

- Biết nâng niu, trân quý tình cảm gia đình, truyền thống, cội nguồn.

- Sống phải biết ăn năn và cảnh tỉnh sau những lỗi lầm của mình.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

- Học sinh trả lời đúng một ý: 0,5 điểm

- Học sinh trả lời có nội dung phù hợp nhưng diễn đạt chưa tốt: 0,25 điểm

- Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm

* Lưu ý: Học sinh có thể trả lời khác đáp án nhưng thuyết phục, diễn đạt nhiều cách miễn hợp lí là chấp nhận được.

1,0

 

10

Bài thơ Đò Lèn gợi liên tưởng đến bài thơ đã học ở lớp dưới là: Bài thơ Bếp lửa – Bằng Việt.

- Vì cả hai bài thơ đều gợi lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu; đồng thời thể hiện lòng kính yêu trân trọng và biết ơn của người cháu đối với bà và cũng là đối với gia đình, quê hương, đất nước.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trả lời tương đương với 2 ý đã gợi trong đáp án: 0,5 điểm

- Học sinh trả lời được 1 ý: 0,25 điểm

- Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm

* Lưu ý: Học sinh có thể trả lời khác đáp án nhưng thuyết phục, diễn đạt nhiều cách miễn hợp lí là chấp nhận được.

0,5

II

 

VIẾT

4.0

   

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề

0,25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Đặc sắc về chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ “Đò Lèn”.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,25 điểm.

- Học sinh xác định chưa đúng vấn đề cần nghị luận: 0,0 điểm.

0,25

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Dưới đây là một vài gợi ý cần hướng tới:

2.0

* Giới thiệu: tác giả Nguyễn Duy, tác phẩm Đò Lèn, nêu nội dung: đặc sắc về chủ đề và một số nét nghệ thuật.

* Chủ đề: Qua những kí ức tuổi thơ gắn liền với người bà và địa danh thân thuộc quê hương, tác giả đã bộc lộ tình yêu thương, sự biết ơn bà và tình yêu quê hương, đất nước.

- Kí ức thời thơ ấu: tinh nghịch, hiếu động, hồn nhiên, vô tư đến vô tâm, không thấy được sự lam lũ của bà.

- Hình ảnh người bà cơ cực, lam lũ tần tảo: mò cua xúc tép, gánh chè xanh những đêm lạnh, bán trứng ở Ga Lèn ngày bom Mĩ dội…

- Tình cảm của tác giả khi nghĩ về bà ngoại: Thấu hiểu nỗi cơ cực, tần tảo, tình yêu của bà; thể hiện sự tôn kính, lòng trân trọng với bà; ân hận, ngậm ngùi, xót xa khi nghĩ về bà.

* Nghệ thuật:

- Thể thơ tự do.

- Từ ngữ, hình ảnh giản dị, gần gũi với cuộc sống đời thường, chất hóm hỉnh dân gian.

- Cách gieo vần gieo vần, ngắt nhịp linh hoạt, nhịp nhàng, phù hợp với tâm trạng của chủ thể trữ tình.

- Sử dụng thủ pháp nghệ thuật liệt kê, đối lập, phép so sánh đối chiếu.

- Giọng điệu thành thực, thẳng thắn

Hướng dẫn chấm:

- Phân tích đầy đủ, sâu sắc: 2,0 điểm.

- Phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu: 1,0 điểm – 1,75 điểm.

- Phân tích chung chung, sơ sài: 0,25 điểm – 0,75 điểm.

- Không phân tích: 0,0 điểm

 

* Đánh giá chung:

- Hình ảnh người bà trong bài thơ mang nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam xưa.

- Đó cũng chính là những dòng hồi tưởng đẹp, đầy xúc động về bà, qua đó thể hiện tình yêu bà sâu sắc của tác giả.

Hướng dẫn chấm:

- Trình bày tương đương như đáp án hoặc đúng 2 ý: 0,5 điểm.

- Trình bày được 1 ý: 0,25 điểm.

0.5

d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0.5

e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0.5

I+II

   

10

Đề số 2

I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc văn bản:

SANG THU

Hữu Thỉnh

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi

(Từ chiến hào đến thành phố, NXB Văn học, 1991)

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của bài thơ?

A. Tự sự

B. Biểu cảm

C. Nghị luận

D. Thuyết minh

Câu 2: Bài thơ Sang thu được viết theo thể thơ nào?

A. Lục bát

B. Ngũ ngôn

C. Song thất lục bát

D. Thất ngôn tứ tuyệt

Câu 3: Sự biến đổi của đất trời lúc sang thu được nhà thơ cảm nhận bắt đầu bằng:

A. Một mùi hương

B. Một cơn mưa

C. Một đám mây

D. Một cánh chim

Câu 4: Hai câu thơ “Sương chùng chình qua ngõ- Hình như thu đã về” sử dụng phép tu từ nào?

A. Nhân hóa

B. Ẩn dụ

C. Hoán dụ

D. Điệp từ

Câu 5: Từ “chùng chình” được hiểu thế nào?

A. Đi rất chậm, dò từng bước một

B. Đi rất nhanh, vừa đi vừa nghiêng ngả

C. Ngập ngừng như không muốn đi

D. Ẩn giấu nhiều điều không muốn nói

Câu 6: Ý nào sau đây nêu được nét đặc sắc nhất về nghệ thuật của bài thơ trên?

A. Sử dụng câu ngắn gọn, chính xác

B. Sử dụng đa dạng, phong phú phép so sánh, ẩn dụ

C. Sáng tạo những hình ảnh quen thuộc mà vẫn mới mẻ, gợi cảm

D. Sáng tạo những hình ảnh giàu ý nghĩa, triết lý

Câu 7: Trong bài thơ trên, hình ảnh thiên nhiên vào thời điểm giao mùa hạ- thu có đặc điểm gì?

A. Sôi động, náo nhiệt

B. Bình lặng, ngưng đọng

C. Xôn xao, rộn ràng

D. Nhẹ nhàng, giao cảm

Trả lời các câu hỏi

Câu 8: Cho biết cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ?

Câu 9: Thông điệp mà nhà thơ gửi găm trong hai câu thơ:

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi

Câu 10: Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 5 - 7 dòng) cảm nhận về thời khắc sang thu ở quê hương em.

II. VIẾT (4.0 điểm)

Đọc đoạn văn sau:

....Sơn xúng xính rủ chị ra chợ chơi. Nhà Sơn ở quay lưng vào chợ, cạnh một dãy nhà lá của những người nghèo khổ mà Sơn quen biết cả vì họ vẫn vào vay mượn ở nhà Sơn. Sơn biết lũ trẻ con các gia đình ấy chắc bây giờ đương đợi mình ở cuối chợ để đánh khăng, đánh đáo.

Không phải ngày phiên, nên chợ vắng không. Mấy cái quán chơ vơ lộng gió, rác bẩn rải rác lẫn với lá rụng của cây đề. Gió thổi mạnh làm Sơn thấy lạnh và cay mắt. Nhưng chân trời trong hơn mọi hôm, những làng ở xa Sơn thấy rõ như ở gần. Mặt đất rắn lại và nứt nẻ những đường nho nhỏ, kêu vang lên lanh tanh dưới nhịp guốc của hai chị em.

Đến cuối chợ đã thấy lũ trẻ đang quây quần chơi nghịch. Chúng nó thấy chị em Sơn đến đều lộ vẻ vui mừng, nhưng chúng vẫn đứng xa, không dám vồ vập. Chúng như biết cái phận nghèo hèn của chúng vậy, tuy Sơn và chị vẫn thân mật chơi đùa với, chứ không kiêu kỳ và khinh khỉnh như các em họ của Sơn.

Thằng Cúc, con Xuân, con Tý, con Túc sán gần giương đôi mắt ngắm bộ quần áo mới của Sơn. Sơn nhận thấy chúng ăn mặc không khác ngày thường, vẫn những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ. Nhưng hôm nay, môi chúng nó tím lại và qua những chỗ áo rách, da thịt thâm đi. Mỗi cơn gió đến, chúng lại run lên, hàm răng đập vào nhau.

Thằng Xuân đến mó vào chiếc áo của Sơn, nó chưa thấy cái áo như thế bao giờ. Sơn lật vạt áo thâm, chìa áo vệ sinh và áo dạ cho cả bọn xem. Một đứa tắc lưỡi, nói:

- Cái áo này mặc thì nóng lắm. Chắc mua phải đến một đồng bạc chứ không ít, chúng mày nhỉ.

Đứa khác nói:

- Ngày trước thầy tao cũng có một cái áo như thế, về sau bán cho ông lý mất.

Con Túc ngây ngô giương đôi mắt lên hỏi Sơn:

- Cái này cậu mua tận Hà Nội phải không?

Sơn ưỡn ngực đáp:

- Ở Hà Nội, chứ ở đây làm gì có. Mẹ tôi còn hẹn mua cho tôi một cái áo len nhiều tiền hơn nữa kia.

Chị Lan bỗng giơ tay vẫy một con bé, từ nãy vẫn đứng dựa vào cột quán, gọi:

- Sao không lại đây, Hiên? Lại đây chơi với tôi.

Hiên là đứa con gái bên hàng xóm, bạn với Lan và Duyên. Sơn thấy chị gọi nó không lại, bước gần đến trông thấy con bé co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay. Chị Lan cũng đến hỏi:

- Sao áo của mày rách thế Hiên, áo lành đâu không mặc? Con bé bịu xịu nói:

- Hết áo rồi, chỉ còn cái này.

- Sao không bảo u mày may cho?

Sơn bây giờ mới chợt nhớ ra là mẹ cái Hiên rất nghèo, chỉ có nghề đi mò cua bắt ốc thì còn lấy đâu ra tiền mà sắm áo cho con nữa. Sơn thấy động lòng thương, cũng như ban sáng Sơn đã nhớ thương đến em Duyên ngày trước vẫn cùng nói với Hiên đùa nghịch ở vườn nhà. Một ý nghĩ tốt bỗng thoáng qua trong trí, Sơn lại gần chị thì thầm:

- Hay là chúng ta đem cho nó cái áo bông cũ, chị ạ.

- Ừ, phải đấy. Để chị về lấy.

Với lòng ngây thơ của tuổi trẻ, chị Lan hăm hở chạy về nhà lấy áo. Sơn đứng lặng yên đợi, trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui....

(Gió lạnh đầu mùa, Thạch Lam, Văn học 8, tập 1, trang 56, NXB Giáo dục – 2001)

Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của nhân vật Sơn trong đoạn văn trên.

---(Để xem đáp án của Đề thi số 2 vui lòng Xem Online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

Đề số 3

PHẦN 1: ĐỌC HIỂU (6 điểm)

Đọc bài thơ sau và trả lời câu hỏi:

BẢO KÍNH CẢNH GIỚI – BÀI 21

Ở bầu thì dáng ắt nên tròn.

Xấu tốt đều thì rắp khuôn.

Lân cận nhà giàu no bữa cám (1) ;

Bạn bè kẻ trộm phải đau đòn (2).

Chơi cùng bầy dại nên bầy dại;

Kết mấy người khôn học nết khôn.

Ở đấng thấp thì nên đấng thấp.

Đen gần mực đỏ gần son.

(Bảo kính cảnh giới – bài 21- Theo Nguyễn Trãi toàn tập - Đào Duy Anh dịch chú)

Chú thích: (1) và (2) : Lấy ý từ câu tục ngữ "ở gần nhà giàu đau răng ăn cốm, ở gần kẻ trộm ốm lưng chịu đòn". Chữ "đau răng ăn cốm" là đúng chữ câu tục ngữ. Nhưng kẻ ở gần nhà giàu mà được ăn cốm nhiều thì cũng lạ. Chúng tôi cho rằng chính là cám nói chệch đi cho hợp với vần trộm ở câu dưới mà thành cốm.. mà ở gần nhà giàu được no bữa cám thì nghĩa mới thông.

Câu 1. Các phương thức biểu đạt trong bài thơ trên là:

A. Biểu cảm, nghị luận

B. Biểu cảm, tự sự

C. Nghị luận, tự sự

D. Nghị luận, thuyết minh

Câu 2. Bài thơ viết theo thể thơ nào?

A. Thất ngôn

B. Thất ngôn xen lục ngôn

C. Thất ngôn bát cú Đường luật

D. Tự do

Câu 3. Phép đối xuất hiện trong những câu thơ nào?

A. Hai câu thực

B. Hai câu luận

C. Hai câu thực và hai câu luận

D. Hai câu đề và hai câu thực

Câu 4. Câu thơ thứ nhất Nguyễn Trãi vận dụng câu tục ngữ dân gian nào?

A. Ở gần nhà giàu đau răng ăn cốm

B. Ở gần kẻ trộm ốm lưng chịu đòn

C. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài

D. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.

Câu 5. Dòng nào không liên quan đến nội dung hai câu thơ:

Chơi cùng bầy dại nên bầy dại;

Kết mấy người khôn học nết khôn.

A. Chơi cùng những người dại, vì chẳng mấy lúc cũng trở thành kẻ dại

B. Kết bạn với những người giỏi giang, khôn ngoan sẽ học hỏi được nhiều điều và trở nên khôn ngoan.

C. Hai câu thơ khuyên mỗi người cần chọn bạn mà chơi.

D. Hai câu thơ khuyên mọi người cần phải biết sống hòa đồng, thích nghi cùng hoàn cảnh.

Câu 6. Dòng nào không phải là đặc sắc nghệ thuật của bài thơ:

A. Bài thơ có sự kết hợp giữa chất trữ tình và chất triết lí

B. Ngôn ngữ tiếng Việt gần gũi, dễ hiểu, vận dụng đa dạng thành ngữ dân gian

C. Phép đối của thơ Đường luật được vận dụng hiệu quả.

D. Sử dụng hệ thống hình ảnh mang tính ước lệ, tượng trưng.

Câu 7. Bài học từ bài thơ Bảo kính cảnh giới – bài 21 của Nguyễn Trãi là:

A. Cần phải biết chọn bạn mà chơi, nên chơi với người tốt, người khôn, tránh kết giao với người xấu.

B. Cần phải có sự hòa đồng trong cuộc sống, chơi với bạn tốt để học nết hay, chơi với bạn xấu để giúp họ tốt hơn.

C. Cần phải ham học hỏi mới nên thợ, nên thầy

D. Không chỉ học thầy, mà cần phải biết học tập bạn bè.

Câu 8. Liệt kê 3 câu tục ngữ được sử dụng trong bài thơ, nêu tác dụng của việc sử dụng các câu tục ngữ này.

Câu 9. Anh/chị hiểu như thế nào về nội dung hai câu thơ kết:

Ở đấng thấp thì nên đấng thấp

Đen gần mực đỏ gần son.

Câu 10. Anh/chị có đồng tình với quan điểm của tác giả thể hiện trong hai câu thơ sau không, vì sao?

Chơi cùng bầy dại nên bầy dại

Kết mấy người khôn học nết khôn.

PHẦN 2: VIẾT (4 điểm)

Hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của một tác phẩm thơ anh/chị đã học hoặc đã đọc.

---- HẾT ----

---(Để xem đáp án của Đề thi số 3 vui lòng Xem Online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi giữa HK2 môn Ngữ văn 10 CTST năm 2023-2024 có đáp án trường THPT Lê Đại Hành. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

 

NONE

ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON