YOMEDIA

Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

Tải về
 
NONE

Bài văn mẫu "Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ" đã được HỌC247 biên soạn và tổng hợp nhằm giúp các em cảm nhận được tâm trạng khát khao được sống một cuộc đời tươi vui nhưng lại dằn vặt trong nỗi cô đơn và hoài nghi của nhân vật trữ tình hay chính Hàn Mặc Tử. Từ đó, giúp các em có cái nhìn mới và sâu sắc hơn về bài thơ này. Đồng thời trau dồi và nâng cao kĩ năng viết bài văn nghị luận văn học của mình. Mời các em cùng tham khảo! Ngoài ra, để làm phong phú kiến thức của bản thân các em có thể xem bài giảng "Đây thôn Vĩ Dạ" nhé!

ATNETWORK

1. SƠ ĐỒ TÓM TẮT GỢI Ý

Tâm trạng nhân vật trữ tình Đây thôn vĩ dạ

2. DÀN BÀI CHI TIẾT

a. Mở bài:

- Giới thiệu một cách ngắn gọn tác giả, tác phẩm

- Giới thiệu khái quát tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ

b. Thân bài:

- Tâm trạng khát khao được trở về với cuộc sống trần gian đầy tươi đẹp.

- Câu hỏi: "Sao anh không về chơi thôn Vĩ" vừa là lời mời( của một cô gái với tác giả), vừa là lời trách( Hàn Mặc Tử tự trách chính bản thân mình sao đã quá lâu không trở về thăm lại chốn xưa) -> Niềm khát khao được về lại một cuộc sống tươi đẹp, về lại với mọi người.

- Hàn mặc tử khát khao được trở về thôn Vĩ, vì cuộc sống quá đẹp, tràn đầy sinh khí và nhựa sống, Hàn Mặc Tử yêu say đắm vẻ đẹp đó: Phân tích bức tranh khu vườn thôn Vĩ.

- Càng khao khát nhớ nhung, Hàn mặc tử lại càng tiếc nuối cuộc sống.

- Tâm trạng cô đơn của nhân vật trữ tình.

- Nhân vật trữ tình phải chịu đựng nỗi đau đầy bất hạnh: dù đang trong quãng thời gian thanh xuân đẹp nhất cuộc đời nhưng lại phải xa lìa cuộc sống, xa lìa với tất cả những gì thân thương nhất.

+ Hình ảnh gió đi đường gió/ mây đường mây làm liên tưởng đến bi kịch cuộc đời của tác giả.

- Chính vì đau đớn, Hàn Mặc Tử chỉ còn cách tìm đến ánh trăng bầu bạn, điều này cho thấy sự cô đơn đến tuyệt vọng của tác giả.

- Nhưng ánh trăng ấy có thể không về kịp, Hàn Mặc Tử bày tỏ nỗi lo lắng, bồn chồn.

- Hàn Mặc Tử thực sự khát khao được chia sẻ và đồng điệu.

- Tâm trạng hoài nghi.

- Hàn Mặc Tử nhận thức rõ sự khác biệt giữa thế giới mình đang sống và thế giới của mọi người

- Ông hoài nghi rằng trong một thế giới như vậy, thì" ai biết tình ai có đậm đà"?

=> Tâm trạng của nhân vật trữ tình mang nhiều sắc thái, cung bậc tình cảm cảm xúc, thể hiện nhiều khía cạnh phức tạp.

c. Kết bài.

- Khẳng định lại giá trị tác phẩm.

3. BÀI VĂN MẪU

Đề bài: Phân tích tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

Gợi ý làm bài

Hàn Mặc Tử là nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam, ông có rất nhiều tác phẩm hay, nổi tiếng trong đó bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ là một trong những bài thơ như thế. Toàn bộ khung cảnh thiên nhiên, không gian thôn vĩ hiện lên khá phong phú và hấp dẫn. Nhưng không dừng lại ở đó, bài thơ còn là tâm tâm trạng của chính tác giả gửi gắm qua nhân vật trữ tình.

Bài thơ được Hàn Mặc Tử chia thành ba đoạn, mỗi đoạn là một cung bậc cảm xúc xong đều bị chi phối bởi một sắc màu phức cảm nhất định.

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Ở khổ thơ đầu, tác giả thể hiện tâm trạng khát khao được trở về với cuộc sống trần gian đầy tươi đẹp. Câu thơ mở đầu này vừa như một câu hỏi, vừa như một lời mời gọi, trong đó hàm chứa cá sự ngạc nhiên lẫn niềm nuối tiếc. Cảnh Vĩ Dạ đẹp thế, hấp dẫn là vậy sao anh không về? Cảnh thiên nhiên tươi đẹp thôn Vĩ Dạ hiện lên qua một vài nét vẽ thoáng nhẹ, nhưng lại đầy ấn tượng. Cái ấn tượng vốn đã ăn sâu đậm trong tâm hồn nhà thơ về xứ Huế. Cảnh vật ở đây dường như được sàng lọc qua tâm trí nhà thơ, chỉ giữ lại những đường nét tiêu biểu nhất. Một buổi sáng ở thôn Vĩ, ánh nắng chiếu sáng lấp loáng những hàng cau còn ướt đẫm sương đêm. Hàng cau hiện lên trong một khoảnh khắc đặc biệt, gắn liền với cái ánh nắng mới lên trong trẻo, tinh khôi, cụ thể và gợi cảm.

Tả cảnh vườn cây tươi mát, sum suê, Hàn Mặc Tử chỉ tập trung làm nổi bật cái mướt xanh của lá: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc. Cảnh vật ấy như sinh động hẳn lên khi thấp thoáng xuất hiện bóng người, một khuôn mặt kín đáo, phúc hậu, dịu dàng:

“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Thiên nhiên và con người rất hài hòa, gợi lên cái thần thái, cái hồn của Vĩ Dạ, một Vĩ Dạ vốn thơ mộng, vì có "nàng" ở đó, trong những vườn tược, nên lại càng thơ mộng hơn đâu hết.Âm điệu, giọng thơ từ những vần đầu của thi phẩm là một phần vô cùng quan trọng, bởi nó sẽ quyết định âm hưởng chủ đạo xuyên suốt toàn bộ hành trình cảm xúc của tác phẩm. Về những đoạn sau, âm hưởng, nhạc điệu của bài thơ có đa dạng, biến hóa hơn lúc đầu thế nào đi nữa thì ý thức thơ và tư duy thơ của người đọc cũng như của nhân vật trữ tình hay của tác giả vẫn bị ảnh hưởng, chi phối mạnh bởi cấu thanh ấy. Cảm xúc chính: Quá khứ sống dậy trong miền nhớ.

Tiếp đến,  tác giả thể hiện tâm trạng cô đơn của mình thông qua khung cảnh thiên nhiên đầy “mặc cảm”,“mặc cảm” ấy đã chia lìa những thứ tưởng không thể chia lìa:

“Gió theo lối gió mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?”

Câu thơ lắng lại trong một nội lực phù sa xúc cảm đầy mạnh mẽ, nỗi buồn từng phá nhuốm trên từng con chữ vần thơ, mặc cảm chia lìa, dáng dấp của một nỗi sầu chia ly tan tác quyết định cái tôi của Mặc Tử, và đổ bóng xuống cảm quan không gian, nó dựng lên bối cảnh tương quan trong Đây thôn Vĩ Dạ, thiên nhiên trong thơ bị chi phối bởi tâm trạng con người, nó là một thực tại cô đơn, phiêu tán: gió bay đi, mây trôi đi, sông cũng lặng lờ buồn thiu chảy về miền xa vắng – cái hiện thực, cảnh tượng ấy ám ảnh một cái nhìn khác đời, ngang trái và trớ trêu: gió mây, hai vật thể gắn chặt ấy làm sao có thể rách rời (gió thổi mây bay, mây không thể tự nhiên mà di chuyển được, mây và gió cũng không thể đi ngược hai luồng), nếu nhìn qua lăng kính của đôi mắt không thôi, thì Hàn Mặc Tử chắc chắn không thể viết nên những vần thơ như thế.

Dòng nước hồn nhiên, vô tư kia cũng trở nên buồn bã. Dòng nước ấy vừa như mang sẵn một mạch buồn vô hạn, vừa như bị chia phôi nỗi sầu từ gió, từ mây. Bức tranh sự chuyển động ấy cũng không làm khung cảnh ấy vui lên, sống động lên; tranh có hoa, song, cũng chỉ là hoa bắp –một thứ hoa vô sắc vô hương, buồn bã, vô tình. Động từ láy là một động từ “trung tính”, thế nhưng, đặt từ ngữ ấy vào bối cảnh bài thơ, sao mà buồn bã, thê thiết thế. Hàn Mặc Tử nhìn hoa bắp chỉ cảm nhận được được sự ly biệt, phiêu tán, rời xa: gió, mây, dòng nước đã đi hết rồi, chỉ còn hoa bắp là không thể tự mình di chuyển được, cái “lay” phảng phất những cái níu giữ vu vơ, cái níu giữ vô hình. Trong hoa bắp đã in hình cuộc đời của Hàn Mặc Tử: một cuộc đời côi cút, cô đơn, một cuộc đời “bị quăng ra ngoài xã hội”.

Gió, mây, dòng nước đều muốn ra đi, chỉ còn trăng là lội ngược dòng, xuôi về với lòng thi nhân, chỉ còn trăng mới tìm thi nhân bầu bạn:

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay”

Một câu hỏi không hồi âm, không lời đáp, cô đơn nối tiếp cô đơn, thoáng bóng những đợi chờ khắc khoải, thuyền trăng, sông trăng đã được huyền ảo hóa, trở nên lộng lẫy và lãng mạn, trăng là vị cứu tinh, vị cứu cánh duy nhất cho nỗi sầu tê tái khắc khoải của thi nhân. Nỗi buồn những vần thơ đầu đến bây giờ đã trở thành "nỗi niềm". Phức cảm chính trong đoạn thơ này sự tuyệt vọng, buồn thảm da diết khắc khởi bởi sự cô đơn không lối thoát vì bị giam cầm.

 “Mơ khách đường xa khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà”

Đến khổ thơ cuối, tác giả thể hiện tâm trạng hoài nghi của chính bản thân. Hai câu thơ đầu tốc ký về cái khoảnh khắc bâng khuâng, bồng bềnh phiêu lắng trong cõi mộng, đau đáu dõi theo bóng của một ảo ảnh trên con thuyền chở trăng với khát khao mong tìm được "chân ảnh" của kẻ thi nhân lạc loài cô đơn ham sống đang tìm về "cõi mộng mong nhập thế". Song, cảnh thiên tiên đẹp mấy cũng sẽ tàn, mộng nơi trần gian say lâu rồi cũng tỉnh, trong phút chốc, mọi cá thể hư ảo đều hóa ra thành mây khói: ánh nắng của những khổ thơ trước đã tan, sắc trăng đã tắt, nhân ảnh hư mờ, cả đoạn thơ bao phủ bởi một màu trắng gắt đến lặng cả những vần thơ. Thi nhân bị đẩy lại nơi trần thế đầy nghịch cảnh. Chữ quá như nghẹn ngào, như xót xa tiếc nuối trong nỗi đau của mặc cảm chia lìa.

Có thể nói, bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là bức tranh toàn bích về cảnh vật và con người thôn Vĩ. Ẩn sau bức tranh thiên nhiên ấy là niềm khát khao giao cảm với cuộc đời trần thế bằng tình yêu tha thiết đến đau đớn. Bài thơ đã vượt lên trên một bài thơ tình đơn thuần để chuyển tải những khát vọng về tình yêu, cuộc sống, con người. Với những giá trị như vậy, chắc chắn Đây thôn Vĩ Dạ sẽ sống mãi trong lòng những người yêu thơ Hàn Mặc Tử.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON