YOMEDIA

Phân tích bài Tiếng mẹ đẻ nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức

Tải về
 
NONE

Xin mời các em học sinh cùng tham khảo tài liệu Phân tích bài Tiếng mẹ đẻ nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức dưới đây đã được Học247 biên soạn và tổng hợp nhằm giúp các em rèn luyện và nâng cao kĩ năng viết bài văn nghị luận về một tác phẩm văn học đã học hay và sáng tạo nhất. Chúc các em sẽ có được những bài văn thật hay nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Tiếng mẹ đẻ nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức.

ADSENSE

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

- Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm và ý nghĩa của tác phẩm.

b. Thân bài:

* Tác giả: Nguyễn An Ninh (1899 -1943).

- Là nhà báo, nhà văn, nhà yêu nước đầu thế kỉ XX.

- Từ một trí thức Tây học, ông đến với chủ nghĩa Mác và những người cộng sản.

- 1908 bị bắt đày đi Côn Đảo.

- Sự nghiệp và tên tuổi của ông gắn liền với những buổi diễn thuyết.

- Phê phán đạo Khổng – đề cao tinh thần học hỏi văn hoá châu Âu.

- Văn phong khúc chiết, trong sáng, có độ sâu về tư duy văn hoá, tràn đầy nhiệt huyết yêu nước gần gũi với đời sống và con người lao động.

* Phê phán những kiểu học đòi “Tây hoá”

- Bập bẹ xem vài ba tiếng Tây trong lời nói: làm tổn thương tiếng mẹ đẻ và tự bộc lộ là người kém văn hoá.

- Lối sống lai căng từ kiến trúc đến lời ăn tiếng nói. Đó là biểu hiện từ bỏ văn hoá dấu hiệu mất gốc => mất nước

* Giá trị và vai trò của tiếng nói trong sự nghiệp giải phóng dân tộc

- Tiếng nói rất quan trọng với vận mệnh dân tộc

  • “Tiếng nói ……thống trị”
  • “Tiếng nói là tinh thần của dân tộc… từ chối quyền tự do”

=> Tiếng nói được bảo tồn và phát triển thì nó là nhịp cầu tri thức giúp tiếp xúc nền văn minh, khoa học thế giới, mở mang dân trí.

- Dẫn chứng để chứng tỏ tiếng nước mình không nghèo nàn

+ Ngôn ngữ của Nguyễn Du giàu hay nghèo

+ Tại sao dịch những tác phẩm Trung Quốc mà không viết tác phẩm tương tự.

=> Ngôn ngữ nghèo hay người dùng bất tài.

- Quan niệm của tác giả về mối quan hệ giữa ngôn ngữ nước mình với ngôn ngữ nước ngoài: Bên cạnh việc tôn vinh tiếng mẹ đẻ, tác giả còn thấy được vai trò của ngoại ngữ. Người học phải biết một ngoại ngữ để cho đồng bào tiếp cận tri thức nhân loại, đồng thời góp phần bồi đắp làm giàu cho tiếng mẹ đẻ.

* Ý nghĩa văn bản:

- Từ mối tương quan giữa tiếng mẹ đẻ và nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức, bài viết đã thể hiện lập trường dân tộc và yêu nước của Nguyễn An Ninh. Ngày nay, tư tưởng ấy vẫn còn nguyên giá trị.

c. Kết bài:

- Khẳng định tiếng Việt ta rất giàu có, cần được bồi đắp cho phong phú.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Em hãy viết bài văn phân tích bài Tiếng mẹ đẻ nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức.

Gợi ý làm bài:

3.1. Bài văn mẫu số 1

Là một nhà văn, nhà báo, nhà yêu nước nổi tiếng trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nguyễn An Ninh đã để lại cho bạn đọc thế hệ sau nhiều bài báo, bài diễn thuyết, những bài chính luận đặc sắc với lối viết khúc chiết, trong sáng, không những có độ sâu về tư duy mà còn tràn đầy nhiệt huyết, tấm lòng yêu nước. Tác phẩm "Tiếng mẹ đẻ - nguồn giải phóng dân tộc bị áp bức" đăng trên báo Tiếng chuông rè năm 1925 là một trong số những bài chính luận xuất sắc của ông.

Trong đoạn văn mở đầu bài viết của mình, tác giả Nguyễn An Ninh đã lên tiếng phê phán lối học đòi "Tây hóa", "thích bập bẹ năm ba tiếng Tây hơn là diễn tả ý tưởng cho mạch lạc bằng tiếng nước mình" của nhiều người dân An Nam. Với tác giả, dường như, những người có thói học đòi nói tiếng Tây, cóp nhặt "những cái tầm thường của phong hóa châu u" ấy đang lầm tưởng rằng họ có thể trở thành giai cấp quý tộc, trở thành những người được đào tạo theo kiểu của phương Tây. Nguyễn An Ninh đã nhìn thẳng vào vấn đề và lên tiếng phê phán điều đó. Ông xem việc đó chính là biểu hiện cho "thái độ mù tịt về văn hóa châu u" mà thôi.

Không chỉ phê phán thói học nói tiếng Tây, Nguyễn An Ninh còn phê phán lối sống lai căng trong cách ăn uống và xây dựng, kiến trúc nhà "Những kiểu kiến trúc và trang trí lại căng của những ngôi nhà thuộc về những người An Nam được hun đúc theo cái mà những người ở Đông Dương gọi là văn minh Pháp, chứng tỏ rằng những người An Nam bị Tây hóa chẳng có được một thứ văn minh nào". Và để rồi, trên cơ sở những điều đã phê phán, kết thúc đoạn văn mở đầu tác phẩm, tác giả đã nêu lên hậu quả nghiêm trọng của việc từ bỏ văn hóa cha ông và tiếng mẹ đẻ đó chính là "làm cho mọi người An Nam tha thiết với giống nói lo lắng" điều đó có nghĩa là nó có ảnh hưởng nghiêm trọng đến "giống nòi" của người dân An Nam.

Ngôn ngữ nổi bật trong Truyện Kiều một kiệt tác văn chương được đánh giá đã thể hiện một cách sâu sắc và phong phú nhiều mặt của đời sống con người. Tác giả tiếp tục đưa ra câu hỏi mang tính khẳng định: “Vì sao người An Nam có thể dịch những tác phẩm Trung Quốc sang nước mình, mà lại không thể viết những tác phẩm tương tự”. Một sự suy luận logic và hoàn toàn có lí. “Ở An Nam cũng như mọi người khác đều có thể ứng dụng nguyên tắc này: Điều gì người ta suy nghĩ kĩ sẽ diễn đạt rõ ràng, và dễ dàng tìm thấy những từ để nói ra”

Tuy nhiên, trong bài luận của mình, có lúc Nguyễn An Ninh đề cao quá mức vai trò của tiếng mẹ đẻ, đôi lúc thể hiện sự tuyệt đối hóa: “Tiếng nói là người bảo vệ quý báu nhất nền độc lập của dân tộc, là yếu tố quan trọng nhất giải phóng các dân tộc bị thống trị”. Hai chữ nhất trong đoạn văn rõ ràng quá nhấn mạnh vai trò của tiếng mẹ đẻ trong câu khái quát chung.

Nguyễn An Ninh không phủ nhận ngôn ngữ nước ngoài, thậm chí còn khuyến khích việc “để cho đồng bào họ cũng phải được thông phần nữa”. Việc biết thêm ngôn ngữ nước ngoài phải làm giàu cho ngôn ngữ nước mình. Trong hoàn cảnh nước nhà đang bị thực dân thống trị thì câu nói “Nếu người An Nam hãnh diện... vấn đề thời gian” có lí, nhưng không hoàn toàn đúng. Chúng ta muốn giải phóng thì cần cuộc cách mạng vũ trang chứ không đơn thuần chỉ làm cho ngôn ngữ phong phú

Khi cụ thể hóa vấn đề vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta, ông lại viết: “Nếu người An Nam hãnh diện giữ gìn tiếng nói của mình và ra sức làm cho tiếng nói ấy phong phú hơn để có khả năng phổ biến tại An Nam các học thuyết đạo đức và khoa học châu Âu, việc giải phóng dân tộc An Nam chỉ còn là vấn đề thời gian”. Nói như vậy là tự đặt tiếng nói dân tộc lên vị trí quá cao, tách rời và xem nhẹ các yếu tố khác trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Đó chính là hạn chế của bài chính luận này.

Tuy nhiên, xét trong hoàn cảnh cu thể thì bài viết này đã đánh thức được lòng tự hào dân tộc, phát huy sức mạnh tinh thần của dân tộc. Đó chính là dụng ý của tác giả khi viết bài chính luận này.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Nguyễn An Ninh (1899 – 1943) sinh ra ở quê mẹ – xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay là tỉnh Long An), lớn lên ở quê cha – xã Mĩ Hoà, Hóc Môn, Gia Định, nay là ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh. Thân phụ ông là nhà thơ yêu nước Nguyễn An Khương. Nguyễn An Ninh là một trí thức yêu nước có học vấn. Ông từng học đại học trong nước rồi sang Pháp học, đỗ Cử nhân Luật năm 1920. Ông từng tìm hiểu nhiều nước châu Âu và có quan hệ khá mật thiết với các nhà yêu nước nổi tiếng như Hồ Chí Minh, Phan Văn Trường.

Từ một trí thức Tây học, ông đến với chủ nghĩa Mác và những người cộng sản. Ông hoạt động cách mạng rất năng nổ, từng nhiều lần bị bắt giam, bị hành hạ và tù đày, cuối cùng ông mất tại Côn Đảo. Sự nghiệp và tên tuổi của Nguyễn An Ninh gắn với những buổi diễn thuyết sôi động và những bài báo nổi tiếng một thời cuốn hút thanh niên và dư luận trong cả nước. Là một trí thức tân tiến, ông phê phán mạnh mẽ đạo Khổng và đề cao tinh thần học hỏi văn hoá châu Âu để xây dựng một nền văn hoá đặc sắc riêng của nước nhà. Văn phong của Nguyễn An Ninh khúc chiết, trong sáng, vừa có độ sâu về tư duy văn hoá vừa tràn đầy nhiệt huyết của con người yêu nước gần gũi với đời sống và con người lao động.

Tiếng mẹ đẻ – nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức là tác phẩm tiêu biểu cho thể văn chính luận, một thể văn coi trọng lí luận, trình bày những vấn đề có ý nghĩa xã hội rộng lớn. Ngay ở nhan đề, bài báo đã chỉ ra vai trò quan trọng và thiêng liêng của tiếng Việt, đó là : nguồn giải phóng của dân tộc. Bài báo có bố cục chặt chẽ, khoa học thể hiện khả năng tư duy logic của một nhà báo hoạt động chính trị; vì vậy, nó vừa có sự hấp dẫn của báo chí, vừa có tính thuyết phục, tư tưởng của một bài diễn thuyết chính trị.

Mở đầu bài viết, tác giả phê phán một số người do thiếu hiểu biết, thích khoe khoang nên đã vô tình "từ bỏ văn hoá cha ông và tiếng mẹ đẻ". Phần tiếp theo, tác giả thuyết minh cho tư tưởng nòng cốt của bài viết : Tiếng mẹ đẻ là nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức. Với lối viết ngắn gọn, súc tích, tác giả đã chỉ ra một cách cụ thể ý nghĩa của tiếng mẹ đẻ, đồng thời khẳng định và chứng minh rằng: Tiếng Việt rất giàu có…

Phần kết thúc, tác giả trình bày vai trò hướng đạo của giới trí thức trong việc phát triển ngôn ngữ dân tộc, quan niệm của mình về mối quan hệ giữa tiếng mẹ đẻ và tiếng nước ngoài. Cốt lõi của quan điểm đó là: học tiếng nước ngoài trên tinh thần tiếp thu lựa chọn tinh hoa để làm giàu có hơn cho ngôn ngữ nước mình.

Tiếng mẹ đẻ – nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức là tác phẩm tiêu biểu cho thể văn chính luận. Cũng có thể coi bài diễn thuyết này của tác giả Nguyễn An Ninh là một tác phẩm xuất sắc của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Là một trí thức Tây học, với lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm, nhà báo Nguyễn An Ninh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một người Việt Nam vốn dòng Lạc hồng. Ông đã xác định rõ và thực hiện tốt nhiệm vụ "hướng đạo" của một trí thức chân chính.

Trong những năm đầu thế kỉ XX, phần lớn đội ngũ trí thức Việt Nam xuất thân từ nhà trường Tây học. Họ được học ở trường Tây nên dù ít hay nhiều, họ đều chịu ảnh hưởng của tư tưởng nô dịch, sùng bái phương Tây. Những kẻ học không đến nơi đến chốn, tư tưởng không đủ sâu hoặc thiếu tình cảm với dân tộc đã mang một tư tưởng rất đáng phê phán: coi trọng Tây phương và coi thường dân tộc mình. Trong hoàn cảnh ấy, nhà báo Nguyễn An Ninh đã viết bài báo này để đánh thức những kẻ đang có những hiểu biết rất nông cạn về văn hoá, chỉ ra cho họ thấy sai lầm của mình. Từ đó, giúp họ ý thức rõ hơn trách nhiệm đối với dân tộc, cụ thể là trách nhiệm đối với việc bảo vệ, gìn giữ và phát triển ngôn ngữ dân tộc. Bởi tiếng nói là linh hồn, là tinh hoa của nền văn hoá dân tộc.

Phê phán những kẻ học đòi Tây học nhưng Nguyễn An Ninh không phủ nhận ngôn ngữ nước ngoài. Theo tác giả: "Chúng ta không thể né tránh châu Âu, vai trò hướng đạo của giới trí thức chúng ta buộc họ phải biết ít nhất là một ngôn ngữ châu Âu để hiểu được châu Âu". Như thế, theo tác giả, rõ ràng muốn nước mình độc lập, thì phải hiểu nước ngoài mà muốn hiểu được họ thì trước hết phải nắm được ngôn ngữ của họ. Không phủ nhận, thậm chí, tác giả còn khuyến khích việc để cho "Đồng bào của họ cũng phải được thông phần nữa". Sự hoà hợp của thế giới là một sự tất yếu. "Tuy nhiên, sự cần thiết phải biết một ngôn ngữ châu Âu hoàn toàn không kéo theo chuyện từ bỏ tiếng mẹ đẻ. Ngược lại, thứ tiếng nước ngoài mà mình học được phải làm giàu cho ngôn ngữ nước mình".

Trong bài viết, Nguyễn An Ninh khẳng định: "Nếu người An Nam hãnh diện giữ gìn tiếng nói của mình và ra sức làm cho tiếng nói ấy phong phú hơn để có khả năng phổ biến tại An Nam các học thuyết đạo đức và khoa học của châu Âu, việc giải phóng dân tộc An Nam chỉ còn là vấn đề thời gian”. Trong hoàn cảnh nước nhà đang bị thực dân thống trị, câu nói trên của tác giả là có lí nhưng không hoàn toàn đúng. Muốn giải phóng dân tộc, chúng ta phải làm một cuộc cách mạng vũ trang với một đường lối đúng đắn, chứ không thể chỉ làm cho ngôn ngữ phong phú được.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF