Bài học Thực hành Tiếng Việt (Trang 47) dưới đây nhằm giúp các em học sinh lớp 6 hiểu hơn về biện pháp tu từ ẩn dụ, đại từ và dấu câu một cách cụ thể nhất. Hy vọng rằng với bài học này sẽ giúp các em đỡ bỡ ngỡ hơn khi tiếp cận bộ sách mới Kết nối tri thức. Mời các em cùng tham khảo nhé!
Tóm tắt bài
1.1. Biện pháp tu từ
a. Khái niệm:
- Ẩn dụ là biện pháp tu từ gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
b. Phân loại:
- Có bốn kiểu ẩn dụ thường gặp:
+ Ẩn dụ hình thức - tương đồng về hình thức
+ Ẩn dụ cách thức - tương đồng về cách thức
+ Ẩn dụ phẩm chất - tương đồng về phẩm chất
+ Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác - chuyển từ cảm giác này sang cảm giác khác, cảm nhận bằng giác quan khác.
c. Nhận biết ẩn dụ:
- Đọc những dòng thơ sau và chú ý các từ được in đậm:
Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng.
(Nguyễn Khoa Điềm, Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ)
Cha lại dắt con đi trên cát mịn
Ánh nắng chảy đầy vai.
(Hoàng Trung Thông, Những cánh buồm)
- Giải thích:
- Từ "mặt trời" trong dòng "Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng" được dùng để chỉ em bé đã nói lên tình yêu con tha thiết của người mẹ. Con cũng giống như mặt trời tỏa sáng trong cuộc đời mẹ.
- Từ "chảy" trong dòng thơ "Ánh nắng chảy đầy vai" vốn chỉ sự vận động của chất lỏng, được Hoàng Trung Thông dùng với ánh nắng, giúp người đọc cảm nhận được ánh nắng vàng rực tràn trề trên vai hai cha con và lan tỏa khắp không gian.
1.2. Dấu câu
- Dấu câu được dùng để đánh dấu những lời nói trực tiếp là dấu ngoặc kép.
- Ví dụ: "Bạn đưa dùm tớ cây bút xanh nhé!"
1.3. Đại từ
a. Khái niệm:
- Đại từ là các từ ngữ được dùng để xưng hô hay dùng để thay thế các danh từ, động từ, tính từ hoặc cụm danh từ, cụm động từ, cụm tính từ trong câu, với mục đích tránh lặp lại các từ ngữ nhiều lần.
b. Phân loại:
- Đại từ để trỏ: trỏ người, trỏ sự vật (đại từ xưng hô), trỏ số lượng, trỏ hoạt động, tính chất, sự việc.
- Đại từ để hỏi: hỏi về người, sự vật, hỏi về số lượng, hỏi hoạt động, tính chất, sự việc.
Bài tập minh họa
Bài tập 1: Tìm đại từ trong đoạn văn sau:
Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời, có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: Đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”
(Chí Phèo, Nam Cao)
a. Hướng dẫn giải:
Xem lại khái niệm đại từ và đọc kĩ đoạn văn đã cho để giải bài tập này.
b. Lời giải chi tiết:
- Các đại từ là: hắn, ai, nó, mình.
Bài tập 2: Em hãy tìm khoảng 2 câu có dùng dấu ngoặc kép để đánh dấu những lời nói trực tiếp trong bài Mây và sóng.
a. Hướng dẫn giải:
- Đọc kĩ lại văn bản Mây và sóng để giải bài tập này.
- Chọn những câu văn có dấu ngoặc kép đánh dấu những lời nói trực tiếp mà em thấy rõ nhất.
b. Lời giải chi tiết:
- Con hỏi: "Nhưng làm thế nào mình lên đó được?"
- Họ đáp: "Hãy đến nơi tận cùng trái đất, đưa tay lên trời, cậu sẽ được nhấc bổng lên tận tầng mây".
Bài tập 3: Em hãy tìm hình ảnh ẩn dụ trong bài ca dao sau:
"Thuyền về có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền"
(Ca dao)
a. Hướng dẫn giải:
- Xem lại lý thuyết phần nhận biết ẩn dụ để giải bài tập này.
b. Lời giải chi tiết:
- Hình ảnh ẩn dụ:
+ Thuyền ẩn dụ cho người con trai.
+ Bến ẩn dụ cho người con gái.
Lời kết
- Học xong bài này, các em cần nắm:
+ Nắm được khái niệm biện pháp tu từ ẩn dụ.
+ Biết cách dùng dấu câu phù hợp.
+ Nhận diện được đại từ trong một văn bản cụ thể.
Soạn bài Thực hành Tiếng Việt (Trang 47)
Bài học Thực hành Tiếng Việt (Trang 47) sẽ giúp các em nắm được những kiến thức quan trọng về Tiếng Việt như: Biện pháp tu từ, dấu câu, đại từ. Các em có thể tham khảo bài soạn chi tiết hoặc tóm tắt dưới đây:
Hỏi đáp bài Thực hành Tiếng Việt (Trang 47) Ngữ văn 6
Khi có vấn đề khó hiểu trong bài học này cần giải đáp, các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 6 HỌC247