Qua bài học giúp các em bổ sung kiến thức về tác giả và tác phẩm văn học hiện đại. Hiểu và cản nhận được sự phong phú và độc đáo của thiên nhiên sông nước Cà Mau, qua đó thấy được tình cảm gắn bó của Đoàn Giỏi đối với vùng đất Cà Mau này. Thấy được hình thức nghệ thuật độc đáo được sử dụng trong đoạn trích.
Tóm tắt bài
1.1. Tìm hiểu chung
a. Tác giả
- Đoàn Giỏi (1925-1989) là tên khai sinh, ngoài ra nhà văn còn có các bút danh: Nguyễn Hoài, Nguyễn Phú Lễ, Huyền Tư.
- Quê quán: Châu Thành, Tiền Giang.
- Trong những năm chống thực dân Pháp, Đoàn Giỏi công tác trong ngành an ninh rồi làm công tác thông tin, văn nghệ.
- Tập kết ra Bắc, từ năm 1955 ông chuyển sang làm công tác sáng tác và biên tập sách báo.
- Đoàn Giỏi là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khoá I, II, III.
- Đề tài: Thường viết về cuộc sống, thiên nhiên và con người ở Nam Bộ.
- Tác phẩm đã xuất bản: "Người Nam thà chết không hàng" (kịch thơ, 1947), "Khí hùng đất nước" (kí, 1948), "Những dòng chữ máu Nam Kì" 1940 (kí, 1948), "Đường về gia hương" (truyện, 1948), "Chiến sĩ Tháp Mười" (kịch thơ, 1949), "Giữ vững niềm tin" (thơ, 1954), "Trần Văn Ơn" (truyện kí, 1955), "Cá bống mú" (truyện, 1956), "Ngọn tầm vông" (truyện kí, 1956), "Đất rừng phương Nam" (truyện, 1957), "Hoa hướng dương" (truyện ngắn, 1960), "Cuộc truy tìm kho vũ khí" (truyện, 1962), "Những chuyện lạ về cá" (biên khảo, 1981), "Tê giác giữa ngàn xanh" (biên khảo, 1982).
b. Tác phẩm
- Xuất xứ
- "Sông nước Cà Mau" là một đoạn trích trong chương XVIII truyện "Đất rừng phương Nam" (1957) là tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Đoàn Giỏi.
- Tóm tắt
- Bài văn miêu tả cảnh quan thiên nhiên, sông nước vùng Cà Mau, mảnh đất tận cùng phía nam của Tổ quốc. Cảnh thiên nhiên ở đây thật rộng lớn, hoang dã và hùng vĩ, đặt biệt là những dòng sông và rừng đước. Cảnh chợ Năm Căn là hình ảnh trù phú, độc đáo, tấp nập về sinh hoạt của con người ở vùng đất ấy.
- Bố cục: Gồm ba đoạn
- Đoạn 1 (Từ đầu đến "lặng lẽ một màu xanh đơn điệu"): Cảm tưởng chung thiên nhiên Cà Mau.
- Đoạn 2 (Tiếp theo đến "khói sóng ban mai"): Đặc tả kênh, rạch Cà Mau và con sông Năm Căn rộng lớn.
- Đoạn 3 (Còn lại): Đặc tả cảnh chợ Năm Căn.
1.2. Đọc - hiểu văn bản
a. Ấn tượng ban đầu về thiên nhiên vùng Cà Mau
- Không gian rộng lớn.
- Tác giả miêu tả qua các cảm nhận bằng:
- Thị giác (nhìn) : màu xanh bao trùm.
- Thính giác (nghe) : tiếng gió, tiếng sóng, hơi gió muối
- Sử dụng biện pháp nghệ thuật : Kể, liệt kê, điệp từ và một số từ chỉ màu sắc và trạng thái cảm giác .
→ Vùng thiên nhiên nguyên sơ, rộng lớn, hấp dẫn.
b. Sông ngòi kênh rạch Cà Mau
- Tên gọi các con sông, địa danh: Chà Là, Cái Keo, Bảy Tháp...Không mỹ lệ mà dựa theo đặc điểm riêng của từng vùng sông nước Cà Mau
→ Được giải thích cặn kẽ, tỉ mĩ
⇒ Con người ở đây rất gần gũi với thiên nhiên.
⇒ Vùng sóng nước Cà Mau tự nhiên, hoang dã, phong phú gần thiên nhiên và giản dị chất phát .
- Hình ảnh sông Năm Căn
- Dòng sông: Rộng hơn ngàn thước
- Nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác.
- Cá nước bơi hàng đàn.
- Rừng đước: Cao ngất như hai dãy Trường Sơn vô tận.
- Cây đước: Màu xanh lá mạ, màu xanh rêu, màu xanh chai lọ...Từ non đến già kế tiếp nhau.
- Dòng sông: Rộng hơn ngàn thước
→ Khung cảnh rộng lớn, hùng vĩ, màu xanh trãi dài vô tận.
c. Cảnh chợ Năm Căn
- Nội dung
- Sự trù phú
- Khung cảnh rộng lớn, tấp nập
- Hàng hóa phát triển
- Độc đáo: Chợ họp nagy trê sông nước.
- Sự đa dạng về màu sắc, trang phục và giọng nói.
- Sự trù phú
→ Cuộc sống, con người ở đây đông vui, tấp nập, trù phú, độc đáo.
- Nghệ thuật: So sánh, liệt kê miêu tả, quan sát tinh tế khắc họa rõ nét chợ Năm Căn.
-
Tổng kết
-
Nội dung
- Cảnh sông nước Cà Mau có vẻ đẹp rộng lớn, hùng vĩ, đầy sức sống hoang dã. Chợ Năm Căn là hình ảnh cuộc sống tấp nập, trù phú, độc đáo ở vùng đất tận cùng phía nam Tổ quốc.
- Tình yêu đất nước sâu sắc và vốn hiểu biết phong phú đã giúp tác gải miêu tả, giới thiệu sông nước Cà Mau tường tận và hấp dẫn đến vậy.
-
Ý nghĩa văn bản
- Sông nước cà mau là một đoạn trích độc đáo và hấp dẫn thể hiện sự am hiểu, tấm lòng gắn bó của nhà văn với thiên nhiên và con người vùng đất Cà Mau.
-
Nghệ thuật
- Ngôi kể thứu nhất (tôi), trực tiếp quan sát, miêu tả cảnh từ trên thuyền.
- Sử dụng nhiều phương thức và thủ pháp miêu tả (quan sát, so sánh, tưởng tượng), nhất là việc huy động nhiều giác quan để cảm nhận và tô đậm ấn tượng.
- Miêu tả bao quát đến cụ thể một cách hấp dẫn.
- Sử dụng ngôn ngữ địa phương.
- Kết hợp miêu tả và thuyết minh.
-
Bài tập minh họa
Ví dụ
Đề bài: Viết bài văn cảm nhận về đọn trích "Sông nước Cà Mau" của nhà văn Đoàn Giỏi.
Gợi ý làm bài
1. Mở bài
- “Đất rừng phương Nam" là truyện dài nổi tiếng nhất của Đoàn Giỏi, được in năm 1957.
- Qua câu chuyện kể về cuộc đời lưu lạc của An, tác giả đưa người đọc đến với cảnh thiên nhiên hoang dã mà phong phú, độc đáo và cuộc sống của con người ở vùng cực nam của Tổ quốc. “Đất rừng phương Nam” đem đến cho bạn đọc những hiểu biết phong phú và lòng yêu mến đối với thiên nhiên, con người ở vùng đất ấy.
- Bài văn “Sông nước Cà Mau” được trích từ chương XVIII truyện Đất rừng phương Nam của tác giả.
- Bài văn đã cho em những cảm nhận vừa sâu sắc vừa lí thú về thiên nhiên và con người sống trên vùng đất Cà Mau.
2. Thân bài
a. Cảm nhận về nội dung bài văn
* Một bức tranh thiên nhiên với đặc trưng riêng của vùng sông nước
- Tác giả miêu tả một cách khái quát về cảnh vật, thiên nhiên của vùng quê sông nước. Đó là một vùng không gian rộng lớn mênh mông với sông ngòi, kênh rạch bủa giăng chi chít như mạng nhện. Người vẽ nên bức tranh ấy bằng từ ngừ là nghệ sĩ Đoàn Giỏi tài hoa. Phải có óc quan sát tinh tế, tác giả mới vừa tả được nét đẹp chung lại vừa tả được nét đẹp rất riêng của từng cảnh nhỏ.
- Mở đầu, tác giả chưa miêu tả một hình ảnh cụ thể nào mà tả bao quát về một vùng không gian rộng lớn. Ở đó, màu xanh là màu chủ đạo mà tác giả đã tập trung miêu tả: “Trên thì trời xanh, dưới thì nước xanh, chung quanh mình củng chỉ toàn mội sắc xanh cây lá,... những khu rừng xanh bốn mùa..”. Một màu xanh lặng lẽ và đơn điệu. Rồi âm thanh trong cảnh sông nước rộng lớn ấy cũng đơn điệu, triền miên... Có “tiêng sóng rì rào từ biển Đông và vịnh Thái Lan ngày đêm không ngớt vọng về...".
- Sau bức tranh bao quát là cảnh những con kênh rạch mà mỗi cái tên đều gắn liền với đặc điểm riêng của nó. Gọi là rạch Mái Giầm, vì hai bên bờ rạch mọc toàn những cây mái giầm. Gọi là kênh Họ Mắt vì ở đó tụ tập rất nhiều con bọ mắt. Gọi là kênh Ba Khía vì ở đó hai bên bờ tập trung toàn những con ba khía... Cách đặt tên của người dân vùng đất mũi thật thú vị. Nó mộc mạc, chân chất như tấm lòng của người dân nơi đây.
- Dòng sông Cửa Lớn nước mênh mông, nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác. lất phất bên bờ, rừng đước, dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận "Cây đước mọc dài theo bãi, theo từng lứa trái rụng, ngọn bằng tăm táp, lớp này chồng lên lớp kia ôm lấy dòng sông, từng bậc màu xanh lá mạ, màu xanh rêu, màu xanh chai lọ,... lòa nhòa ẩn hiện trong sương mù và khói sóng ban mai”. Bằng một loạt từ chi màu xanh khác nhau, tác giả đã đưa người đọc về thăm rừng đước với những tầng tầng lớp lớp cao thấp liên tiếp nhau nổi tiếng ở Năm Căn.
* Bài văn miêu tả cảnh họp chợ Nam Căn thật sinh động
- Chợ không khang trang hiện đại như các chợ ở thành phố mà chỉ là những túp lều thô sơ kiểu cổ xưa.
- Chợ luôn ồn ào, đông vui và tấp nập. Những thuyền chài, thuyền lưới, thuyền buôn dập dềnh trên sóng. Những ngôi nhà bè ban đêm ánh đèn măng sông chiếu rực trên mặt nước...
- Hàng hóa nơi đây rất phong phú, đa dạng, đủ loại, đủ kiểu...
- Những người mua bán hàng từ nhiều nơi về đây tạo nên nét riêng biệt độc đáo của chợ Năm Căn mà không nơi nào có được. “Những người con gái bán hàng xởi lởi, những người Chà Châu Chang bán vải, những bà cụ già người Miên bán rượu, với đủ các giọng nói bu lô, đủ kiểu ăn rận sặc sỡ, đã điểm tô cho Năm Căn một màu sắc độc đáo, hơn bất cứ các xóm chợ vùng Cà Mau”.
b. Cảm nhận về nghệ thuật bài văn
- Chỉ một đoạn trích thôi nhưng tác giả đã sử dụng rất thành công các biện pháp nghệ thuật. Có thể nói đây là một bài văn miêu tả khá hoàn chỉnh và tiêu biểu về cảnh thiên nhiên, cảnh sinh hoạt của con người ở vùng quê sông nước Cà Mau.
- Tác giả đã chọn lọc được những hình ảnh, những chi tiết quan trọng tiêu biểu làm nổi bật nét riêng của trời mây, sông nước, cây cối Cà Mau. Riêng màu xanh cũng đã có nhiều độ đậm nhạt khác nhau: màu xanh lá mạ, màu xanh rêu, màu xanh chai lọ... Đó là màu xanh của trời, màu xanh của nước, màu xanh của cây lá ...
- Biện pháp điệp từ cũng được tác giả tận dụng tối đa hiệu quả của nó. Từ “những” được lặp đi lặp lại rất nhiều lần có tác dụng nhân mạnh sự dày đặc, sự đông dúc, sự quy tụ của thiên nhiên và con người nơi đây: '‘Những bến vận hà nhộn nhịp dọc dài theo sóng; những lò than hẩm gỗ đước sản xuất loại than củi nổi tiếng nhất của miền Nam; những ngôi nhà bè.".
- Những động từ, tính từ được sử dụng đúng lúc, đúng chổ nên hiệu quả biểu đạt của nó thật bất ngờ. Chí đơn cử việc sử dụng động từ thôi, ta cũng đã thấy tác giả tài hoa như thế nào: “Hai bên bờ, rừng đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận. Cây đước mọc dài theo bởi, theo từng lớp trái rụng, ngọn bằng túm tấp, lớp này chồng lên lớp kia ôm lấy dòng sông, đắp từng bậc màu xanh lá mạ, màu xanh rêu, màu xanh chai lọ,... lòa nhòa ẩn hiện trong sương mù và khói sóng ban mai”. “Thuyền chúng tôi chèo qua kênh Bọ Mắt, đổ ra con sông Cửa Lớn, xuôi về Năm Căn. Dòng sông Năm Căn nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm…”
- Liệt kê cũng là một trong những biện pháp nghệ thuật được tác giả sử dụng thành công: “Những đống gỗ cao như núi, những cột dây thuyền chài, thuyền lưới, thuyền buôn dập dềnh trên sông...”
- Bên cạnh các biện pháp nghệ thuật trên, tác giả đã khéo léo kết hợp miêu tả với việc thuyết minh và giải thích. Tác giả đã thuyết minh và giải thích về một số địa danh của vùng đất mũi Cà Mau. Cách giải thích thật mộc mạc giản dị đã khắc họa được tính cách ngay thẳng, thật thà, chất phác của con người nơi đây.
3. Kết bài
-
Phải là người sống và gắn bó thân thiết với mảnh đất Cà Mau, nhà văn mới cảm nhận và viết được những đoạn văn miêu tả tinh tế, đặc sắc như thế.
-
Bằng ngòi bút miêu tả sắc nét, vừa bao quát, vừa cụ thể, sinh động, qua đoạn văn Sông nước Cà Mau, nhà văn Đoàn Giỏi đã giúp cho người đọc tưởng tượng ra trước mắt cảnh thiên nhiên kì thú của sông nước Cà Mau và càng thêm yêu mến con người ở mảnh đất tận cùng của Tổ quốc.
3. Soạn bài Sông nước Cà Mau
Bài văn “Sông nước Cà Mau” được trích từ chương XVIII truyện Đất rừng phương Nam của tác giả. Để nắm được nội dung kiến thức cần đạt về văn bản này,các em có thể tham khảo thêm bài soạn tại đây: Sông nước Cà Mau.
4. Một số bài văn mẫu về văn bản Sông nước Cà Mau
Mod Ngữ văn Học 247 sẽ cập nhật một số bài văn mẫu trong thời gian sớm nhất!
-- Mod Ngữ văn 6 HỌC247