YOMEDIA
NONE

Soạn bài Trao đổi thảo luận về ý nghĩa của một sự kiện lịch sử - Ngữ văn 6 Tập 1 Cánh diều

Bài soạn Trao đổi thảo luận về ý nghĩa của một sự kiện lịch sử thuộc sách Cánh diều dưới đây đã được Học247 biên soạn một cách chi tiết nhằm giúp các em học sinh rèn luyện kĩ năng thực hành nói trước tập thể về một vấn đề cụ thể. Mời các em cùng tham khảo nhé! Ngoài ra, để nắm vững hơn nội dung bài học, các em có thể tham khảo thêm Soạn bài Trao đổi thảo luận về ý nghĩa của một sự kiện lịch sử tóm tắt.

 

1. Tóm tắt nội dung bài học

1.1. Định hướng

- Trao đổi, thảo luận về ý nghĩa của một sự kiện lịch sử là hoạt động giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của sự kiện đó và ảnh hưởng của nó với cuộc sống ngày nay.

- Khi trao đổi, thảo luận về ý nghĩa của một sự kiện lịch sử, cần chú ý những gì?

1.2. Thực hành

Khi trao đổi thảo luận về ý nghĩa của một sự kiện lịch sử các em cần lưu ý những bước sau:

- Chuẩn bị kĩ càng.

- Tìm ý và lập dàn ý chi tiết.

- Thực hành nói và nghe.

- Kiểm tra và chỉnh sửa.

2. Soạn bài Trao đổi thảo luận về ý nghĩa của một sự kiện lịch sử

Câu hỏi: Em hãy nêu cụ thể các bức khi tiến hành trao đổi thảo luận về ý nghĩa của một sự kiện lịch sử.

Trả lời:

a. Chuẩn bị:

- Lựa chọn sự kiện lịch sử cần trao đổi, thảo luận.

- Thu thập và lựa chọn các thông tin về sự kiện, những ý kiến đánh giá về ý nghĩa của sự kiện đó từ các nguồn khác nhau như sách báo, internet…

- Lựa chọn phương tiện hỗ trợ trao đổi, thảo luận (giấy, máy tính, tranh ảnh, sơ đồ…)

b. Tìm ý và lập dàn ý:

- Tìm ý cho bài nói bằng cách đặt ra và trả lời các câu hỏi:

  • Đó là sự kiện nào? Xảy ra khi nào? Ở đâu? Liên quan đến những ai? Diễn ra theo trình tự như thế nào? Đâu là các sự việc mở đầu, diễn biến và kết thúc của sự kiện?
  • Sự kiện đó có ý nghĩa như thế nào vào thời điểm mà nó xảy ra với cuộc sống chúng ta ngày nay?

- Lập dàn ý bằng cách dựa vào các ý đã tìm được ở trên, lựa chọn và sắp xếp lại theo ba phần của bài nói:

(1) Mở bài: Nêu tên sự kiện và ý nghĩa khái quát của sự kiện.

(2) Thân bài:

- Thuật lại ngắn gọn diễn biến của sự kiện theo trình tự thời gian.

- Nêu ý nghĩa của sự kiện vào thời điểm mà nó xảy ra và ảnh hưởng của sự kiện đối với cuộc sống ngày nay.

(3) Kết bài: Khẳng định lại ý nghĩa của sự kiện.

c. Nói và nghe:

- Người nói dựa vào dàn ý đã làm để trình bày ý nghĩa của một sự kiện lịch sử.

- Cả lớp trao đổi, thảo luận về ý nghĩa của sự kiện:

  • Người nghe theo dõi, nắm bắt được diễn biến và ý nghĩa của sự kiện.
  • Người nói và người nghe trao đổi, thảo luận về ý nghĩa của sự kiện bằng cách nêu ra các quan điểm hoặc câu hỏi của bản thân. Có thái độ phù hợp khi trao đổi.

- Kết thúc: Khẳng định lại ý nghĩa của sự kiện.

d. Kiểm tra và chỉnh sửa:

- Người nói:

  • Nội dung bài nói đã đầy đủ chưa (diễn biến và ý nghĩa của sự kiện)?
  • Cách trình bày có rõ ràng, dễ hiểu không? Ngôn ngữ, điệu bộ, thái độ và cách phương tiện hỗ trợ khác có phù hợp?

- Người nghe:

  • Hiểu đúng và tóm tắt được các thông tin (diễn biến, ý nghĩa của sự kiện) mà người nói cung cấp.
  • Tập trung chú ý theo dõi người nói, nêu câu hỏi nếu thấy chưa rõ.

Các em có thể tham khảo bài giảng Trao đổi thảo luận về ý nghĩa của một sự kiện lịch sử để củng cố hơn nội dung bài học.

3. Hướng dẫn luyện tập

Câu hỏi: Trao đổi, thảo luận về ý nghĩa của một sự kiện lịch sử nổi bật của Việt Nam hoặc thế giới mà em và mọi người cùng quan tâm.

Trả lời:

Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không: Bản anh hùng ca vĩ đại của dân tộc:

Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không như một bản anh hùng ca vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX; một trong những chiến công oanh liệt trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” mãi mãi là biểu tượng của bản lĩnh và trí tuệ con Những ngày này cách đây bốn mươi bảy năm, quân và dân Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh lân cận đã anh dũng chiến đấu đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” chấn động địa cầu buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam; tạo bước ngoặt quan trọng, quyết định để quân và dân thực hiện trọn vẹn lời di huấn của Người: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” như một bản anh hùng ca vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX; một trong những chiến công oanh liệt trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” mãi mãi là biểu tượng của bản lĩnh và trí tuệ con người Việt Nam.

Bốn mươi bảy năm đã trôi qua, chúng ta càng có thêm điều kiện để nhận định, đánh giá sâu sắc, toàn diện hơn về tầm vóc to lớn của chiến thắng. Nhiều nhà nghiên cứu, các độc giả trong nước và quốc tế đặt ra câu hỏi vì sao trong cuộc đối đầu với kẻ thù có tiềm lực vật chất, vũ khí mạnh hơn ta, hiện đại hơn ta gấp nhiều lần trong 12 ngày, đêm tháng chạp năm 1972, nhưng chúng ta đã đánh thắng?  Có rất nhiều nguyên nhân trong đó có cả nguyên nhân chủ quan, khách quan và bài học kinh nghiệm được rút ra, nhưng điều đầu tiên để minh chứng cho Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là: Sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, Bác Hồ, của Quân uỷ Trung ương; sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam trong từng trận đánh, trong từng chiến dịch chống lại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ vào Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh lân cận; do phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của quân dân, của chiến tranh nhân dân, của thế trận phòng không nhân dân cả nước, đặc biệt là Quân chủng Phòng không - Không quân; biết vận dụng linh hoạt sáng tạo trong xây dựng thế trận nhân dân và xây dựng lực lượng phòng không nhân dân. Mặt  khác, chúng ta có sự ủng hộ giúp đỡ to lớn của anh em, bạn bè, các nước xã hội chủ nghĩa và nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới, nhất là Liên Xô. Song có một nguyên nhân hết sức quan trọng góp phần làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là chúng ta đã tiến hành có hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và tinh thần dám đánh, quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ của quân và dân ta.

Để xây dựng nhân tố chính trị tinh thần cho bộ đội, trong quá trình xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, các đơn vị quân đội đã chú trọng xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, trong đó lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở để phát huy cao độ nhân tố con người, nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của cuộc đọ sức thần kỳ với giặc Mỹ trong 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972.

Công tác đảng, công tác chính trị trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng chạp năm 1972 thể hiện ở việc thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, tình hình nhiệm vụ, bản chất truyền thống, xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng; làm cho bộ đội luôn có ý thức đoàn kết, kỷ luật, cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao; kiên quyết, chủ động, sáng tạo phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc, là nguồn cội tạo nên ý chí quyết đánh, quyết thắng của quân và dân ta; là tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng, nhân tố quyết định thắng lợi Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Những lời tiên tri thiên tài của Bác là nguồn cổ vũ, động viên, củng cố quyết tâm cho toàn Đảng, toàn quân trong suốt cuộc kháng chiến đầy cam go, thử thách đối đầu với không quân hiện đại của đế quốc Mỹ. Ngay từ những năm 1962, Bác Hồ đã đặt vấn đề về việc nghiên cứu B.52 và chuẩn bị cho đánh B.52. Ngày 19 tháng 7 năm 1965, khi Bác đến thăm Trung đoàn 234 của Quân chủng Phòng không - Không quân Bác đã khẳng định: Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B.57, B.52 hay B gì đi nữa ta cũng đánh mà đã đánh là nhất định thắng.

Năm 1966, khi máy bay đánh Quảng Bình, Bác chỉ thị cho Quân chủng Phòng không - Không quân phải tìm cách đánh cho được B.52, trách nhiệm này Bác giao cho Quân chủng Phòng không - Không quân. Năm 1967, Bác căn dặn Quân chủng Phòng không - Không quân muốn bắt cọp thì phải vào hang. Thực hiện lời căn dặn của Bác, Quân chủng Phòng không - Không quân đã đưa Trung đoàn Tên lửa 238 vào Vĩnh Linh để tìm cách đánh B.52. Sau một thời gian dày công nghiên cứu nhận dạng máy bay B.52, Tiểu đoàn 84, Trung đoàn Tên lửa 238, ngày 17 tháng 9 năm 1967 đã bắn rơi một chiếc B.52. Đây là kíp chiến đấu đầu tiên của bộ đội tên lửa bắn rơi B.52 của không quân Mỹ trên chiến trường miền Bắc.

Sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ đã tạo cơ sở niềm tin và ý chí quyết chiến, quyết thắng cho quân và dân ta, là cơ sở để hoạt động công tác đảng, công tác chính trị tiến hành có hiệu quả, góp phần xây dựng nhân tố chính trị tinh thần, tạo nên sức mạnh để quân và dân ta đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất bằng không quân của đế quốc Mỹ. Để có được chiến thắng lịch sử vẻ vang trong 12 ngày đêm quân và dân ta, đặc biệt là Quân chủng Phòng không - Không quân đã phải tốn biết bao mồ hôi, xương máu qua nhiều năm chuẩn bị từng bước, từng phương án chiến đấu. Các cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và các kíp chiến đấu của các binh chủng đều phát huy trí tuệ tập thể, hiến kế đánh B.52.

Trước cũng như trong quá trình chiến dịch phòng không 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972, Quân uỷ Trung ương đã tập trung chỉ đạo sát sao các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị nhằm làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội cũng như toàn thể nhân dân miền Bắc, nhân dân Thủ đô Hà Nội nhận thức đúng đắn âm mưu thủ đoạn của địch; tính chất gay go ác liệt của cuộc đối đầu lịch sử; nêu cao tinh thần yêu nước, từ đó củng cố quyết tâm chiến đấu. Chính làm tốt công tác đảng, công tác chính trị nên dù bom đạn Mỹ có thể tàn phá trận địa, công trình cơ sở vật chất, kỹ thuật  nhưng không thể khuất phục được ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta.

Trong điều kiện hạn chế về vũ khí, trang bị kỹ thuật, quân và dân cả nước, nhất là quân và dân Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và Quân chủng Phòng không - Không quân đã vượt qua gian khổ, tìm tòi, sáng tạo vượt qua mọi thử thách quyết liệt, đoàn kết, chi viện lẫn nhau quyết tâm đánh thắng siêu pháo đài bay B.52 của đế quốc Mỹ. Đó chính là sức mạnh, là ý chí chiến đấu, tinh thần dám đánh, quyết đánh và quyết thắng của quân và dân ta trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972. Chấp hành chỉ thị của trên, Đảng uỷ Bộ Tư lệnh và các cơ quan Quân chủng đã dốc sức xây dựng quyết tâm, tìm tòi sáng tạo cách đánh, chuẩn bị thế trận và vũ khí trang bị, các mặt đảm bảo cho đón đánh máy bay chiến lược B.52 và các loại máy bay của Mỹ trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận.

Sau khi được Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh thông qua kế hoạch và phương án tác chiến chiến dịch đất đối không vào cuối tháng 9 năm 1972 thì đầu tháng 10, Đảng uỷ Quân chủng Phòng không - Không quân đã ra nghị quyết tăng cường giáo dục cán bộ, chiến sĩ quyết tâm bắn rơi nhiều máy bay Mỹ kể cả B.52. Để thực hiện các quyết tâm đó, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã tổ chức tốt các Hội nghị: Sơ kết rút kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ huy xây dựng và chiến đấu 6 tháng chống chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc; Chuyên đề bàn về cách đánh B.52; Trao đổi kinh nghiệm về chống nhiễu, cách phân biệt nhiễu thật và nhiễu giả B.52 trong tầm đánh… Trong và sau các hội nghị nói trên đã xây dựng được lòng tin và quyết tâm chiến đấu cao “giải nhiễu được tư tưởng”, đó là thành công bước đầu của Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972.

Thành công lớn nhất trong công tác đảng, công tác chính trị trong chiến dịch phòng không cuối năm 1972 là các đơn vị đã chú trọng và tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng được ý chí quyết tâm dám đánh, quyết đánh, quyết thắng không quân chiến lược của đế quốc Mỹ, phát huy dân chủ cao độ, tổng hợp được trí tuệ sáng tạo của mọi quân nhân.

Ngay trước khi bước vào cuộc chiến 12 ngày đêm, Thường vụ Đảng uỷ Quân chủng Phòng không - Không quân cho rằng vấn đề quan trọng hàng đầu vẫn là vấn đề tư tưởng, vấn đề quyết tâm. Thời điểm đó, sau các trận B.52 đánh vào Vĩnh Linh (ngày 10 tháng 4 năm 1972), Thanh Hóa (ngày 13 tháng 4 năm 1972), Hải Phòng (ngày 16 tháng 4 năm 1972), tên lửa chiến đấu hiệu suất kém đã xuất hiện tư tưởng không tin là tên lửa Sam.2 có thể đánh được B.52 rơi tại chỗ. Do đó, đi đôi với nội dung sinh hoạt chính trị đẩy lùi ảo tưởng “hòa bình trong tầm tay” cơ quan chính trị, cán bộ chính trị tập trung đi sâu nắm tình hình tư tưởng bộ đội, suy nghĩ mọi biện pháp để củng cố niềm tin là có thể đánh thắng B.52 như đã từng đánh các loại máy bay khác để giành chiến thắng. Công tác động viên chính trị tư tưởng, xây dựng quyết tâm, công tác thi đua giết giặc lập công được chú trọng và tiến hành liên tục. Điều khẳng định Mỹ sẽ sử dụng máy bay B.52 vào đánh miền Bắc và chúng sẽ đánh Hà Nội, Hải Phòng được phổ biến sâu rộng tới cán bộ, chiến sĩ, tới các tổ chức đảng và các tổ chức quần chúng. Quán triệt cho bộ đội nắm vững phương án tác chiến, động viên cán bộ, chiến sĩ các kíp chiến đấu phát huy trí tuệ sáng tạo, tìm cách đánh, quyết tâm đánh, quyết đánh rơi máy bay B.52 tại chỗ. Quân chủng đã phát động phong trào thi đua lập công được các cấp uỷ đảng, cơ quan chính trị, chính uỷ, chính trị viên các cấp đi sâu, đi sát để quán triệt nhiệm vụ, động viên cán bộ, chiến sỹ quyết tâm đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B.52 của đế quốc Mỹ.

Trong quá trình chống lại cuộc tập kích đường không trong chiến dịch 12 ngày đêm, các cấp uỷ đảng đã phát huy được vai trò, vị trí của mình đó là sự lãnh đạo tập thể đi đôi với phân công cá nhân phụ trách. Các cấp uỷ đảng đã kịp thời nhận định chính xác phương hướng, thời điểm và mục tiêu có khả năng địch sẽ đánh từ đó đưa ra cách sử dụng lực lượng và có thế trận phù hợp, bên cạnh đó phát huy quyền và trách nhiệm của người chỉ huy được linh hoạt xử lý về cách đánh. Vị trí của chính uỷ, chính trị viên cũng được phát huy, nhất là tiến hành có hiệu quả công tác chính trị, công tác tư tưởng trong chiến đấu, luôn luôn cùng người chỉ huy trao đổi kịp thời mọi tình huống diễn ra.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá, những kinh nghiệm công tác đảng, công tác chính trị trước và trong chiến dịch 12 ngày đêm đối đầu với Không quân đế quốc Mỹ góp phần làm nên chiến thắng là những kinh nghiệm được đúc kết trong thực tiễn chiến đấu của quân và dân Hà Nội nói chung, Quân chủng Phòng không - Không quân nói riêng ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục được vận dụng sáng tạo trong điều kiện hoàn cảnh mới, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Nhà nước và bảo vệ nhân dân.

(Sưu tầm)

4. Hỏi đáp về bài Trao đổi thảo luận về ý nghĩa của một sự kiện lịch sử

Nếu nội dung bài soạn có phần khó hiểu các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ giúp các em giải đáp cụ thể.

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF