Bài soạn Bức tranh của em gái tôi thuộc sách Kết nối tri thức gửi đến người đọc thông điệp phải biết khoan dung, độ lượng và đặc biệt phải biết nhận ra lỗi lầm của bản thân, không nên ghen tị với thành công của người khác. Hy vọng bài soạn này sẽ hữu ích với các em. Chúc các em học tập thật tốt nhé! Ngoài ra, để nắm vững hơn nội dung bài học, các em có thể tham khảo thêm Soạn bài Bức tranh của em gái tôi tóm tắt.
1. Tóm tắt nội dung bài học
1.1. Nội dung
- Qua câu chuyện về người anh và cô em gái có tài hội họa, truyện Bức tranh của em gái tôi cho thấy: Tình cảm trong sáng hồn nhiên và lòng nhân hậu của người em gái đã giúp cho người anh nhận ra phần hạn chế ở chính mình.
1.2. Nghệ thuật
- Truyện miêu tả tinh tế tâm lí nhân vật qua cách kể theo ngôi thứ nhất.
- Ngôn ngữ mang tính biểu cảm cao.
2. Soạn bài Bức tranh của em gái tôi
Câu 1. Trong truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi người kể chuyện là ai? Xuất hiện ở ngôi thứ mấy?
Trả lời:
- Người kể chuyện: nhân vật anh trai.
- Ngôi kể: thứ nhất (xưng tôi)
=> Việc kể chuyện theo ngôi thứ nhất sẽ giúp cho câu chuyện trở nên chân thực, cũng như nhân vật kể chuyện có thể bộc lộ suy nghĩ về hành động của mình.
Câu 2. Em thích nhất đặc điểm gì ở nhân vật Mèo - Kiều Phương? Vì sao?
Trả lời:
- Đặc điểm ở nhân vật Mèo - Kiều Phương: Một cô bé có tình cảm trong sáng, tấm lòng nhân hậu.
- Nguyên nhân: Đó là đức tính tốt đẹp của con người, nhờ có tình yêu thương, sự nhân hậu của Kiều Phương mà người anh trai đã nhận ra khuyết điểm, sai lầm của bản thân.
Câu 3. Em có nhận xét gì về cảm xúc, thái độ, hành động của nhân vật "tôi" trước khi xem bức chân dung do em gái mình vẽ?
Trả lời:
- Cảm xúc, thái độ, hành động của nhân vật "tôi" (người anh) trước khi xem bức chân dung do em gái mình vẽ: Từ trước cho đến khi thấy em tự chế màu vẽ: Người anh tỏ ra người lớn, đặt tên em là Mèo, cho việc chế màu vẽ là chuyện trẻ con. Khi tài năng hội họa của em được phát hiện thì anh có mặc cảm thua kém và ghen tị. Việc lén xem những bức tranh của em và trút tiếng thở dài chứng tỏ người anh nhận ra tài năng của em và sự kém cỏi của mình. Khi đứng trước bức tranh được giải của em thì người anh ngỡ ngàng, rồi đến hãnh diện, sau đó là xấu hổ. Người anh biết em gái có tài năng hội họa đã không thể thân với em gái như trước kia vì những lí do sau : Anh cảm thấy mình bất tài, thua kém em. Anh cảm thấy mọi người chỉ chú ý đến em gái, còn mình thì bị đẩy ra ngoài. Anh cảm thấy ghen tị với em. Vì những lí do đó mà người anh thường "gắt um lên", "khó chịu", hay quát mắng em. Và những điều này lại làm cho người anh xa lánh em.
Câu 4. Nhân vật "tôi" đã thay đổi ra sao sau khi xem bức chân dung của mình do em gái vẽ? Vì sao có sự thay đổi ấy?
Trả lời:
- Nhân vật "tôi" đã thay đổi thái độ, hành động sau khi xem bức chân dung của mình do em gái vẽ. Khi đứng trước bức tranh "Anh trai tôi": Thoạt tiên ngỡ ngàng vì anh không ngờ anh chàng hay cáu gắt với em, ghen tị với em lại là người mà em vẫn quý mến và chọn để vẽ. Anh còn ngỡ ngàng vì người em đã vẽ anh rất đẹp, một con người hoàn hảo, mơ mộng, suy tư chứ không phải là người anh hay cáu gắt, mắng mỏ, ghen tị. Người anh tự hào, hãnh diện vì anh được thể hiện rất đẹp, được nhiều người chiêm ngưỡng. Cũng có phần hãnh diện vì đứa em gái có tài. Sau đó người anh xấu hổ: Anh xấu hổ vì đã cư xử không đúng với em gái. Xấu hổ vì con người thật của anh không xứng đáng với người ở trong tranh.
Câu 5. Từ văn bản Chuyện cổ tích về loài người, Mây và sóng, Bức tranh của em gái tôi, em nhận thấy điều quan trọng nhất có thể gắn kết các thành viên trong gia đình là gì?
Trả lời:
- Từ văn bản Chuyện cổ tích về loài người, Mây và sóng, Bức tranh của em gái tôi, em nhận thấy điều quan trọng nhất có thể gắn kết các thành viên trong gia đình là: tình yêu thương, lòng vị tha, bỏ qua những thói ích kỷ, sự thánh thiện, tấm lòng nhân hậu sẽ cảm hóa được những điều xấu xa, tầm thường trong cuộc sống, vượt khỏi mặc cảm, tự ti để con người có thể bảo vệ và quan tâm tới nhau hơn, hoàn thiện tính cách của mình.
Nhằm giúp các em hiểu hơn về bài soạn này, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Bức tranh của em gái tôi.
3. Hướng dẫn luyện tập
Câu hỏi: Em hãy viết một đoạn văn ngắn nêu suy nghĩ của em khi đọc văn bản Bức tranh của em gái tôi.
Trả lời:
Nhà văn Tạ Duy Anh đã gửi gắm đến bạn đọc một câu chuyện về tình cảm gia đình hay và sâu sắc, tình anh em là một tình cảm cũng rất thiêng liêng, cần có trong gia đình, lời văn của ông giàu cảm xúc và làm lay động lòng người bằng tính chân thực, bằng những trải nghiệm và cảm xúc thật sự của con người qua tác phẩm nổi tiếng của ông chính là Bức tranh của em gái tôi. Tác phẩm đã làm lay động người đọc bởi sự ngây thơ, hồn nhiên trong sáng của một đứa trẻ đã khơi gợi lên tình thương trong lòng của người anh trai. Câu chuyện ngắn gọn được trần thuật theo dòng thời gian, với ngôi kể thứ nhất (người anh) đã bộc lộ được những cung bậc cảm xúc khác nhau, khiến cho câu chuyện không chỉ chân thực mà còn rất cảm động. Người anh đã tự kể về những thói ích kỷ, hẹp hòi tầm thường để tự thấy xấu hổ, muốn khóc vì tấm lòng trong sáng của người em. Bởi vậy câu chuyện có sức thuyết phục hơn, xúc động và hấp dẫn hơn. Không chỉ lựa chọn ngôi kể phù hợp, Tạ Duy Anh còn sử dụng ngôn ngữ kể chuyện ngắn gọn, hàm súc, các từ ngữ miêu tả tâm trạng sắc nét. Ngôn ngữ đối thoại cũng là một điểm nhấn trong truyện, nó phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của từng nhân vật. Câu chuyện khép lại, để lại nhiều dư âm trong lòng người đọc. Bằng nghệ thuật lựa chọn ngôi kể và miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, tác phẩm đã cho thấy tình cảm trong sáng, hồn nhiên, tấm lòng nhân hậu, vị tha của người em đã làm cho người anh nhận ra phần hạn chế trong tính cách và lối ứng xử của mình.
4. Một số bài văn mẫu về văn bản Bức tranh của em gái tôi
Qua câu chuyện về người anh và cô em gái có tài hội họa, truyện Bức tranh của em gái tôi cho thấy: Tình cảm trong sáng hồn nhiên và lòng nhân hậu của người em gái đã giúp cho người anh nhận ra phần hạn chế ở chính mình. Để hiểu hơn về bài học này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:
- Cảm nghĩ về nhân vật Kiều Phương trong truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi
- Cảm nghĩ sau khi đọc truyện Bức tranh của em gái tôi
- Thuật lại diễn biến tâm trạng của người anh trong truyện Bức tranh của em gái tôi
- Kể lại truyện Bức tranh của em gái tôi bằng lời văn của em
5. Hỏi đáp về bài Bức tranh của em gái tôi Ngữ văn 6
Các em học sinh thân mến khi gặp những vấn đề khó khăn trong việc tìm hiểu bài soạn này, các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.