Bài học Lao xao ngày hè nhằm giúp các em có thêm vốn kiến thức hữu ích về các loài chim như hình dáng, tập tính của chúng. Qua đó, các em thêm yêu mến thiên nhiên quanh mình hơn. Cùng Học247 tham khảo nhé!
Tóm tắt bài
1.1. Chuẩn bị đọc
a. Khái quát về thể loại hồi kí:
- Hồi kí chủ yếu kể lại những sự việc mà người viết đã từng tham dự hoặc chứng kiến trong quá khứ. Các sự việc trong hồi kí thường được kể theo trình tự thời gian, gắn với một hoặc nhiều giai đoạn trong cuộc đời của tác giả.
- Người kể chuyện ngôi thứ nhất trong hồi kí (thường xưng tôi, chúng tôi) mang hình bóng của tác giả, nhưng không hoàn toàn đồng nhất với tác giả. Bởi vì giữa tác giả và người kể chuyện ngôi thứ nhất trong hồi kí luôn có những khoảng cách về tuổi tác, thời gian hay những khác biệt trong nhận thức, quan niệm…
- Hình thức ghi chép và cách kể sự việc trong hồi kí: ghi chép hiểu theo cách thông thường, là việc chuẩn bị nguồn tư liệu về những điều có thật, đã xảy ra để viết nên tác phẩm. Tư liệu ghi chép để viết hồi kí phải đảm bảo độ xác thực, tin cậy. Nhưng “ghi chép”, hiểu cách khác cũng chính là viết, kể, sáng tác. Theo nghĩa này, người viết hồi kí không bê nguyên cái có thật, từng xảy ra ngoài đời vào văn bản mà phải ghi sao cho thành chuyện và kể sao cho hấp dẫn, sâu sắc.
b. Đôi nét về tác giả, tác phẩm:
- Tác giả: Duy Khán (1934 - 1993) tên khai sinh là Nguyễn Duy Khán, là nhà văn, nhà báo. Ông sinh tại thôn Sơn Trung, xã Nam Sơn, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Năm 15 tuổi, ông bỏ dở việc học trốn ra vùng Việt Minh kiểm soát để nhập ngũ, làm phóng viên chiến trường trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
- Tác phẩm: Bài "Lao xao ngày hè" được trích từ tác phẩm "Tuổi thơ im lặng" của Duy Khán, tác phẩm được viết trong nhiều năm từ 1977 đến 1984, xuất bản lần đầu năm 1986.
c. Tìm hiểu từ khó:
- Giời: Trời.
- Móng rồng: Cây leo, lá dài, hoa màu vàng và thơm, cánh hoa uốn lại như móng con rồng.
- Bồ các: Chim cỡ vừa, đuôi dài, lông đen, trên bụng và vai có lông trắng, kiếm ăn trên đồng ruộng.
- Mùa tu hú chín: Mùa vải chín.
- Chèo bẻo: Một loài chim có lông màu đen óng ả, có mỏ dài, đuôi dài.
- Chửa: Chưa.
- Tứ linh: Tứ tung, khắp bốn phía, khắp nơi.
- Ngấp ngoải: Trạng thái hấp hối, chỉ còn chờ chết.
- Giăng: Trăng.
- Húng dũi: Một loại rau thơm.
d. Đại ý:
Cảnh chớm hè ở làng quê và thế giới các loài chim.
e. Bố cục: Có thể chia thành hai phần như sau:
- Phần 1: Từ đầu đến "lặng lẽ bay đi" -> Phong cảnh làng quê vào lúc chớm hè.
- Phần 2: Còn lại -> Thế giới các loài chim và khung cảnh sinh hoạt của con người.
1.2. Trải nghiệm cùng văn bản
a. Phong cảnh làng quê vào lúc chớm hè:
- "Hoa lan nở trắng xóa".
- "Hoa giẻ từng chum".
- "Hoa móng rồng thơm như mùi mít chín".
- "Ong bướm đánh đuổi nhau vì hoa, vì phấn, vì mật".
- "Bướm bỏ chỗ lao xao".
-> Không gian tưng bừng, náo nhiệt.
- Từ láy tượng thanh "lao xao".
=> Vẻ đẹp đầy sức sống dào dạt. Cuộc tranh giành mưu sinh và tồn tại của thiên nhiên tạo vật rất hồn nhiên.
b. Thế giới các loài chim và khung cảnh sinh hoạt của con người:
* Các loài chim hiền:
- Con bồ các: kêu váng lên.
- Con sáo sậu, sáo đen: hót, đậu cả lên lưng trâu mà hót mừng được mùa.
- Con tu hú: kêu khi mùa tu hú chín.
- Chim ngói: kéo nhau về phía mặt trời lặn.
- Chim nhạn: vùng vẫy tít mây xanh "chéc chéc".
- Bìm bịp: kêu là thổng buổi. Giời khoác cho bộ cánh nâu, suốt đêm ngày rúc bụi cây. Khi nó kêu thì chim ác, chim xấu ra mặt.
* Các loài chim ác:
- Con diều hâu: bay cao tít, mũi khoăm, đánh hơi tinh. khi tiếng nó rú lên tất cả gà con chui vào cánh mẹ, kêu "chéc, chéc". Điệp từ "Đâu có...", so sánh "lao như mũi tên xuống".
- Bìm bịp: hoá thân của sư hổ mang, chui rúc bụi rậm.
- Quạ: cùng họ với diều hâu, có quạ đen, quạ khoang. Lia lia láu láu, hay nhòm chuồng lợn. So sánh "lia lia láu láu như quạ dòm chuồng lợn", điệp từ "không...", liệt kê "quạ đen, quạ khoang".
- Chim cắt: cánh nhọn, chỉ xỉa bằng cánh, vụt đến, vụt biến. So sánh "cánh nhọn như dao bầu chọc tiết lợn".
* Loài chim trị ác:
- Chèo bẻo với diều hâu
+ Thời điểm: Ngay sau khi diều hâu cướp được gà con.
+ Diễn biến: Những con chèo bẻo lao vào đánh diều hâu túi bụi.
+ Kết thúc: Lông diều hâu bay tứ linh, miệng lêu la, con mồi rơi xuống như một quả rụng. Diều hâu biến mất, hú vía.
- Chèo bẻo với quạ:
+ Thời điểm: Quạ vào chuồng lợn, vừa bay lên.
+ Diễn biến: Quạ bị chèo bẻo vây tứ phía, đánh.
+ Kết thúc: Có con quạ chết đễn rũ xương.
- Chèo bẻo với chim cắt:
+ Mục đích: trị tội.
+ Thời điểm: 2 con chèo bẻo đang bay, một con chim cắt vụt lao ra.
+ Diễn biến: Cắt xỉa cánh hụt. Lập tức một đàn chèo bẻo hàng chục con xông vào thi nhau mổ.
+ Kết thúc: Cắt kiệt sức, quay tròn xuống đồng Xóc như cái diều đứt dây.
* Khung cảnh sinh hoạt của con người:
- Cảnh trẻ con tụ hội ở góc sân quan sát cuộc chiến của các loài chim:
+ Địa điểm: Dưới gốc cây vối.
+ Quan sát chăm chú từng hoạt động "Tôi mải ngắm nên không cứu được gà.".
+ Bày tỏ cảm xúc, đánh giá trước các loài vật.
+ Xúm lại xem kết quả trận chiến: "Chúng tôi ùa chạy ra... Mỗi chúng tôi bồi tiếp cho nó hòn đất.".
- Cảnh trẻ con tắm suối:
+ Địa điểm: Sau nhà, qua mấy vườn sắn xanh biếc.
+ Tả lại suối: nước chảy ào ào, từ núi Tiên giội như thác, trắng xóa (so sánh), qua suối Cộc xóm Đông tràn sang suối xóm Tây rồi về suối xóm Trại. → Am hiểu nguồn gốc của những con suối.
+ Cảnh vui chơi bên suối:
- Vui vẻ: La ó, té nhau, reo hò; tắm thỏa thuê.
- Tiếc nuối: khi suối cạn, ngẩn ngơ; khi về tiếng ào ào vọng mãi.
- Cảnh mâm cơm đầm ấm:
+ Thời gian: Tối.
+ Địa điểm: Giữa sân.
+ Hoạt động: Cả nhà ngồi ăn cơm trong hương lúa đầu mùa từ đồng Chõ thoảng về; trong tiếng sáo diều cao vút của chú Cháng; trong dàn nhạc ve; trong tiếng chó thủng thẳng sủa văng. Sau khi no nê rủ nhau ngủ hiên cho mát.
+ Cảm xúc nhân vật: Khao khát thầm ước "Mùa hè nào cũng được như mùa hè này!".
=> Khung cảnh sinh hoạt vô tư, yên bình, hòa mình với thiên nhiên. Tình cảm yêu thiên nhiên, quê hương sâu sắc.
1.3. Tổng kết
- Về nội dung:
+ Đặc điểm một số loài chim ở làng quê và mối quan tâm của con người với loài vật.
+ Tình cảm yêu quí các loài vật và tình yêu làng quê đất nước.
- Về nghệ thuật:
+ Miêu tả tự nhiên, sinh động, hấp dẫn, nhiều yếu tố dân gian.
+ Lời văn giàu hình ảnh.
+ Sử dụng nhiều phép tu từ.
Bài tập minh họa
Bài tập 1: Em có cảm nhận gì về thiên nhiên trong văn bản Lao xao?
a. Hướng dẫn giải:
- Đọc kĩ lại những hình ảnh thiên nhiên được tác giả miêu tả trong văn bản.
- Cảm nhận theo hướng: Tình yêu thiên nhiên, yêu loài vật,...
b. Lời giải chi tiết:
Lao xao là tác phẩm đã để lại nhiều suy ngẫm cho bạn đọc. Sau khi đọc xong bài thơ, em cảm nhận được khung cảnh thanh bình mà cũng rất vui tươi của làng quê. Thời gian chớm hè đã tới, vạn vật như đổi cho mình chiếc áo mới. Hoa lan, hoa giẻ, hoa móng rồng, ong bướm như quyện vào nhau, tạo nên cảnh đất trời thật trong trẻo, êm dịu. Thế giới các loài chim ác, chim hiền, chim trị ác hiện lên thật sinh động, giàu sức sống. Tác giả Duy Khán không chỉ giúp người đọc hình dung được bức tranh thiên nhiên làng quê mà còn về về thế giới loài chim. Nếu không có sự quan sát tinh tế và tình yêu thiên nhiên nồng nàn thì có lẽ thi sĩ đã không thể viết được bài thơ hay như vậy. Do đó, bài thơ còn là bài học về tình yêu thiên nhiên. Đây còn là bức tranh thiên nhiên tươi đẹp thể hiện vốn sống, vốn hiểu biết khá phong phú của tác giả. Thiên nhiên được miêu tả qua cái nhìn trong sáng và trí tưởng tượng phong phú của tuổi thơ. Từng loài chim được miêu tả trong mối quan hệ với con người, theo cách đánh giá của dân gian và ít nhiều mang tính biểu tượng cho từng loại người trong xã hội.
Bài tập 2: Sắp xếp tên các loài chim theo thứ tự xuất hiện trong văn bản:
- Chim ngói, nhạn, bìm bịp.
- Diều hâu, chèo bẻo, quạ đen, quạ khoang, cắt.
- Bồ các, chim ri, sáo sậu, sáo đen, tu hú.
a. Hướng dẫn giải:
Nhớ lại các thứ tự loài chim xuất hiện trong văn bản và sắp xếp cho hợp lí.
b. Lời giải chi tiết:
- Bồ các, chim ri, sáo sậu, sáo đen, tu hú.
- Chim ngói, nhạn, bìm bịp.
- Diều hâu, chèo bẻo, quạ đen, quạ khoang, cắt.
Lời kết
- Học xong bài này, các em cần nắm:
+ Cảm nhận được bức tranh thiên nhiên mùa hè sinh động, chân thực và gần gũi.
+ Nắm được đặc điểm, tập tính thú vị của các loài chim.
Soạn bài Lao xao ngày hè
Bài học Lao xao ngày hè thể hiện tình yêu thiên nhiên, quê hương tha thiết của tác giả. Nhằm giúp các em cảm nhận rõ hơn về bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn chi tiết hoặc tóm tắt dưới đây:
Hỏi đáp bài Lao xao ngày hè Ngữ văn 6
Trong quá trình tìm hiểu bài học này, nếu có bất cứ khó khăn gì các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
Một số bài văn mẫu về văn bản Lao xao ngày hè
Lao xao ngày hè đã khắc họa thành công hình dáng, đặc điểm, tập tính của các loài chim. Để hiểu hơn về những loài chim xuất hiện trong bài học này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu về văn bản Lao xao ngày hè dưới đây:
-- Mod Ngữ văn 6 HỌC247