Mời các em học sinh cùng tham khảo bài học Viết bài văn tả cảnh sinh hoạt dưới đây nhằm giúp các em nắm được các bước viết được bài văn tả về một quang cảnh sinh hoạt em đã chứng kiến hoặc tham gia. Hy vọng rằng bài học này sẽ hữu ích với các em. Mời các em cùng tham khảo nhé!
Tóm tắt bài
1.1. Khái niệm và yêu cầu
* Khái niệm:
- Tả cảnh sinh hoạt là dùng khả năng quan sát và lời văn gợi tả, làm sống lại bức tranh sinh hoạt, giúp người đọc hình dung được rõ nét về không khí, đặc điểm nổi bật của cảnh đó.
* Yêu cầu đối với kiểu bài:
- Giới thiệu được cảnh sinh hoạt, thời gian và địa điểm diễn ra cảnh sinh hoạt.
- Tả lại cảnh sinh hoạt theo một trật tự hợp lí (từ xa đến gần, từ bao quát đến cụ thể...).
- Thể hiện được hoạt động của con người trong thời gian, không gian cụ thể.
- Gợi tả được quang cảnh, không khí chung, những hình ảnh tiêu biểu, nổi bật của bức tranh sinh hoạt.
- Sử dụng phù hợp các từ ngữ chỉ đặc điểm, tính chất, hoạt động,...
- Nêu được suy nghĩ, cảm nhận của người viết về cảnh được miêu tả.
- Cấu trúc bài văn gồm ba phần:
+ Mở bài: Giới thiệu cảnh sinh hoạt.
+ Thân bài: Miêu tả cảnh sinh hoạt theo một trình tự hợp lí.
+ Kết bài: Phát biểu suy nghĩ hoặc nêu ấn tượng chung về cảnh sinh hoạt.
1.2. Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản
Phân tích văn bản: Tả một phiên chợ nổi ở miền Tây Nam Bộ theo 3 phần như sau:
a. Mở bài:
- Giới thiệu cảnh sinh hoạt chợ nổi Cái Răng.
b. Thân bài:
- Tả quang cảnh, không khí chung của phiên chợ nổi.
- Tả cảnh mua bán nơi chợ nổi theo trình tự nhất định.
- Miêu tả chi tiết, tạo một số điểm nhấn: Các mặt hàng, những cách rao hàng để thu hút khách,...
- Kết hợp thể hiện cảm nhận của bản thân trong khi quan sát, miêu tả.
c. Kết bài:
- Phát biểu ấn tượng, cảm xúc sau khi thăm phiên chợ nổi.
1.3. Hướng dẫn quy trình viết
a. Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết:
* Xác định đề tài, ví dụ:
- Cảnh sum họp của gia đình em trong ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày lễ, tết.
- Cảnh thu hoạch ngày mùa.
- Cảnh mua bán trong một siêu thị.
- Cảnh sân trường trong giờ ra chơi.
* Thu thập tư liệu: Tư liệu liên quan đến cảnh sinh hoạt mà em miêu tả có thể thu thập từ những nguồn khác nhau, bao gồm tài liệu thực tế và tài liệu lưu trữ.
b. Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý:
* Tìm ý:
- Xác định một số định hướng chung như: quan sát đối tượng miêu tả từ khoảng cách gần hay xa; nên miêu tả theo trình tự nào, cần tập trung khắc họa các hình ảnh nào,...
- Ghi lại bất cứ ý tưởng nào nảy sinh trong quá trình thu thập tài liệu và tìm ý cho bài viết.
- Quan sát lại không gian nơi diễn ra cảnh sinh hoạt mà em sẽ miêu tả, nếu có điều kiện.
- Đọc lại Lao xao ngày hè, Thương nhớ bầy ong,... và bài văn ở mục Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản để tham khảo cách quan sát, tả cảnh thiên nhiên, cảnh sinh hoạt.
* Lập dàn ý:
- Mở bài: Giới thiệu cảnh sinh hoạt được tả.
- Thân bài:
+ Tả cảnh sinh hoạt chung bằng một cái nhìn bao quát.
+ Tả một số hình ảnh cụ thể, nổi bật ở cự li gần.
+ Tả sự thay đổi của sự vật của bức tranh sinh hoạt trong thời gian, không gian.
- Kết bài: Phát biểu cảm nghĩ hoặc nêu ấn tượng chung về cảnh sinh hoạt.
c. Bước 3: Viết bài:
- Lần lượt viết mở bài, thân bài, kết bài. Riêng thân bài nên viết hai đến ba đoạn. Giữa các đoạn nên dùng các từ chuyển tiếp phù hợp để thể hiện được sự thay đổi của cảnh sinh hoạt theo thời gian hoặc theo vị trí, góc độ quan sát. Trong khi tả cảnh, có thể kết hợp thể hiện cảm nhận của bản thân.
d. Bước 4: Xem lại, chỉnh sửa và rút kinh nghiệm:
* Xem lại và chỉnh sửa:
- Tự kiểm tra, xem xét và điều chỉnh những chi tiết liên quan đến nội dung và cấu trúc của bài viết.
- Tiếp theo, hãy đọc chậm bài viết của mình một lần nữa, bổ sung những nội dung còn thiếu và sửa các lỗi chính tả, dùng từ ngữ, viết câu.
* Rút kinh nghiệm:
- Việc viết bài văn này giúp em có thêm kinh nghiệm gì trong cách quan sát cảm nhận cuộc sống con người và cảnh vật?
- Nếu được thực hiện lại bài viết này, em sẽ điều chỉnh thế nào để bài viết tốt hơn?
Bài tập minh họa
Bài tập: Em hãy viết một bài văn ngắn tả cảnh sinh hoạt mà em đã chứng kiến hoặc tham gia.
a. Hướng dẫn giải:
- Xem lại các bước viết bài văn tả cảnh sinh hoạt để giải bài tập này.
- Bài văn cần đảm bảo bố cục 3 phần: Mở bài, thân bài và kết bài.
b. Lời giải chi tiết:
Trung Thu là Tết của thiếu nhi. Vào dịp Tết Trung Thu, quê hương em không chỉ đẹp đẽ mà còn rất nhộn nhịp, sôi động.
Khi ông mặt trời dần khuất sau lũy tre làng. Cũng là lúc màn đêm buông xuống. Bầu trời cao thăm thẳm và lấp lánh những vì sao đêm. Một đêm mùa thu với tiết trời se lạnh. Gió thoảng thoảng khẽ vờn trong những tán cây. Khắp xóm làng nhộn nhịp tiếng cười của lũ trẻ rủ nhau đi phá cỗ Trung Thu.
Mặt trăng bắt đầu lên cao hơn, to hơn và sáng rõ hơn. Trăng giống như một chiếc đĩa khổng lồ đang lơ lửng trên không trung, làm bạn cùng với những vì sao nhỏ bé. Ánh trăng đêm nay dường như sáng kì lạ, soi xuống trước sân nhà những vệt sáng vàng. Làng xóm ngập trong ánh trăng đêm rằm.
Khoảng tám giờ, trẻ em trong làng bắt đầu với lễ hội Trung Thu của mình. Tất cả tụ họp lại khoảng sân rộng rãi ở nhà văn hóa xem tiết mục múa lân do các anh chị thanh thiếu niên biểu diễn. Em cùng các bạn trong xóm cũng rủ nhau đến tham gia. Dưới ánh trăng sáng, những con lân với màu sắc rực rỡ múa lượn từng vòng theo nhịp trống đánh dồn dập. Những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân… lấp lánh trong ánh trăng vàng. Sau đó là sự xuất hiện của chị Hằng và chú Cuội với những màn đối đáp hài hước. Cùng với đó là các tiết mục văn nghệ của các anh chị, các bạn nhỏ.
Sau các tiết mục văn nghệ là phần chia bánh kẹo. Chúng em đứa nào cũng háo hức nhận quà từ chị Hằng và chú Quậy. Phần thi trình bày mâm ngũ quả cũng rất hấp dẫn. Ba đội dự thi gồm có: xóm trên, xóm giữa và xóm dưới. Mâm ngũ quả của mỗi đội đều rất cầu kỳ và đẹp đẽ. Những loại quả hàng ngày em vẫn ăn như dưa hấu, dứa, thanh long, bưởi… đã được cắt tỉa thành những bông hoa rực rỡ màu sắc, những chú chó xinh xắn… Ban giám khảo đã phải rất khó khăn trong việc lựa chọn đội chiến thắng. Cuối cùng với phần trình bày độc đáo nhất, mâm ngũ quả của đội xóm giữa đã giành được chiến thắng. Cuối chương trình, chúng em được phá cỗ. Bạn nhỏ nào cũng háo hức khi được thưởng thức bánh trung thu, hoa quả… Mọi người vừa ăn uống vừa trò chuyện rất vui vẻ.
Tết Trung Thu là dịp để mọi người có thể gần gũi nhau hơn, đặc biệt là với chúng em. Bởi vậy, trong những dịp lễ, em thích nhất là Tết Trung Thu.
(Sưu tầm)
Lời kết
- Học xong bài này, các em cần nắm:
+ Nắm được khái niệm, yêu cầu cách viết bài văn tả cảnh sinh hoạt.
+ Viết được một bài văn tả cảnh sinh hoạt hay và sáng tạo nhất.
Soạn bài Viết bài văn tả cảnh sinh hoạt
Bài học Viết bài văn tả cảnh sinh hoạt nhằm giúp các em biết cách chia sẻ, kể và tả lại những câu chuyện em đã chứng kiến về quang cảnh sinh hoạt của một người, một tập thể nào đó. Các em có thể tham khảo thêm bài soạn chi tiết hoặc tóm tắt dưới đây:
Hỏi đáp bài Viết bài văn tả cảnh sinh hoạt Ngữ văn 6 CTST
Các em học sinh thân mến khi gặp những vấn đề khó khăn trong việc tìm hiểu bài học này, các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
Một số văn mẫu bài Viết bài văn tả cảnh sinh hoạt Ngữ văn 6 CTST
Để rèn luyện kĩ năng viết bài văn tả cảnh sinh hoạt, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:
-- Mod Ngữ văn 6 HỌC247