Bài học Thực hành Tiếng Việt (Bài 5) nhằm giúp các em học sinh lớp 6 bước đầu nhận biết và phân tích được biện pháp ẩn dụ và hoán dụ trong một văn bản cụ thể. Hy vọng bài học này sẽ giúp các em có thêm tài liệu hữu ích để chuẩn bị bài trước khi đến lớp. Cùng Học247 tham khảo nhé!
Tóm tắt bài
1.1. Ẩn dụ
* Khái niệm:
- Ẩn dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
* Các loại ẩn dụ:
- Ẩn dụ hình thức: Với phép ẩn dụ này hai sự vật, sự việc, hiện tượng trong phép ẩn dụ có nét tương đồng về hình thức. Ví dụ minh họa:
"Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang"
-> "Khuôn trăng" là chỉ mặt trăng, mặt trăng tròn trịa đầy đặn, ở đây tác giả lấy đặc điểm đó của mặt trăng để ẩn dụ cho khuôn mặt tròn trịa, đầy đặn của Thúy Vân.
- Ẩn dụ cách thức: là phép ẩn dụ các sự vật, hiện tượng có tương đồng về cách thức. Ví dụ minh họa:
"Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng"
-> Quả, cây, khoai là thành quả của lao động, còn hành động trồng cây là hành động lao động, các sự vật hiện tượng này có tương đồng về cách thức đều thuộc về hành động lao động.
- Ẩn dụ phẩm chất: Các sự vật, hiện tượng có nét tương đồng về phẩm chất. Ví dụ minh hoạ:
"Người cha mái tóc bạc,
Đốt lửa cho anh nằm"
-> Hình ảnh ẩn dụ "Người cha" trong câu thơ chính là chỉ Bác Hồ, ý nói Bác Hồ chăm sóc cho các chiến sĩ tận tình, chu đáo như đang chăm lo cho chính con cái của mình.
- Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: Hình thức ẩn dụ này là việc cảm nhận bằng một giác quan khác, chuyển đổi từ cảm giác này sang cảm giác khác. Ví dụ minh họa: "Tiếng hát của cô ấy thật ngọt ngào".
-> Từ việc nghe bằng tai nhưng lại thể hiện cảm giác bằng miệng "ngọt ngào", chuyển từ thính giác sang vị giác.
1.2. Hoán dụ
* Khái niệm:
- Hoán dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
* Các loại hoán dụ:
- Phép hoán dụ lấy cái bộ phận chỉ cái toàn thể. Ví dụ minh họa:
"Áo nâu cùng với áo xanh,
Nông thôn cùng với thị thành đứng lên"
-> Hình ảnh "áo nâu, áo xanh" chỉ người nông dân và người công nhân, đây là bộ phận nhỏ của nông thôn và thành thị.
- Phép hoán dụ lấy vật chứa đựng chỉ vật bị chứa đựng. Ví dụ minh hoạ:
"Bóng hồng nhác thấy nẻo xa
Xuân lan, thu cúc mặn mà cả hai"
-> "Bóng hồng" là chỉ về vẻ đẹp của mỗi người con gái, đây được coi là vật chứa đựng. Xuân lan, thu cúc là chỉ về vẻ đẹp riêng của từng người con gái, đây là cái bị chứa đựng
- Phép hoán dụ lấy dấu hiệu của sự vật để chỉ sự vật. Ví dụ minh họa:
"Áo chàm đưa buổi phân li,
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay"
-> "Áo chàm" là hình ảnh những đồng bào miền Bắc, ở đây chính là dấu hiệu ám chỉ những cuộc chia li trong chiến tranh, sự chia cắt Bắc - Nam.
- Phép hoán dụ lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng. Ví dụ minh họa:
"Vì lợi ích mười năm trồng cây,
Vì lợi ích trăm năm trồng người"
-> Cái cụ thể là 10 năm, trồng cây hoán dụ cho cái trừu tượng đó là trăm năm trồng người.
Bài tập minh họa
Bài tập: Em hãy so sánh giữa ẩn dụ và hoán dụ.
a. Hướng dẫn giải:
- Xem lại lý thuyết về ẩn dụ và hoán dụ để giải bài tập này.
- Khi so sánh cần chỉ ra điểm giống và khác nhau giữa ẩn dụ và hoán dụ.
b. Lời giải chi tiết:
* Giống nhau:
- Sự chuyển đổi có cùng bản chất: Đều gọi sự vật, sự việc, hiện tượng này với tên gọi của sự vật hiện tượng khác.
- Đều sử dụng sự liên tưởng.
- Tác dụng: Giúp cho tăng sức gợi tả, gợi cảm cho câu văn, câu thơ tạo cảm xúc cho người đọc.
* Khác nhau: Hai phép tu từ này có cơ sở liên tưởng không giống nhau:
- Phép ẩn dụ dựa trên cơ sở của sự tương đồng, dù hai sự vật, hiện tượng không có liên quan gì với nhau nhưng giữa hai sự vật, hiện tượng đó có điểm giống nhau, vì vậy mà người ta đã có sự chuyển đổi giữa những sự vật, hiện tượng đó.
- Phép hoán dụ dựa trên cơ sở của sự liên tưởng gắn bó, gần gũi giữa các sự vật hiện tượng có liên quan trực tiếp đến nhau, gần kề nhau.
Lời kết
- Học xong bài này, các em cần nắm:
+ Nắm được khái niệm, các loại ẩn dụ và hoán dụ.
+ Phân biệt được ẩn dụ và hoán dụ.
Soạn bài Thực hành Tiếng Việt (Bài 5)
Bài học Thực hành Tiếng Việt (Bài 5) nhằm cung cấp cho các em kiến thức về hai phép tu từ thường gặp trong học tập và trong cuộc sống đó là ẩn dụ và hoán dụ. Để hiểu hơn về bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn chi tiết hoặc tóm tắt dưới đây:
Hỏi đáp bài Thực hành Tiếng Việt (Bài 5) Ngữ văn 6
Các em học sinh thân mến khi gặp những vấn đề khó khăn trong việc tìm hiểu bài học này, các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 6 HỌC247