YOMEDIA
NONE

Làm một bài thơ lục bát - Ngữ văn 6 Tập 1 Chân trời sáng tạo


Lục bát là thể thơ phổ biến trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, từ ca dao, tục ngữ đến lời các bài hát dân ca, truyện thơ dân gian. Nhằm giúp các em biết làm một bài thơ lục bát hay và đúng quy cách, Học247 xin gửi đến các em bài học Làm một bài thơ lục bát dưới đây. Mời các em cùng tham khảo nhé!

ADSENSE
YOMEDIA
 

Tóm tắt bài

1.1. Yêu cầu về làm thơ lục bát

* Sáng tác thơ: "Thơ ra đời khi cảm xúc đã tìm thấy suy nghĩ của mình và suy nghĩ thì đã tìm ra lời để diễn đạt chúng" (Robert Frost, nhà thơ Mỹ). Một bài thơ hay là bài thơ:

* Yêu cầu:

- Về nội dung: Thể hiện được một cách nhìn, cách cảm nhận mới lạ, sâu sắc, thú vị,... về cuộc sống.

- Về nghệ thuật: 

+ Ngôn ngữ: hàm súc, gợi hình, gợi cảm. 

+ Sử dụng các biện pháp tu từ như nhân hoá, So sánh, điệp từ, điệp ngữ,... để tạo những liên tưởng độc đáo, thú vị. 

+ Sử dụng vần, nhịp một cách hợp lí để làm tăng giá trị biểu đạt của ngôn từ. Lục bát là thể thơ yêu cầu người viết tuân thủ quy định về số chữ, vần, nhịp, thanh điệu,... khá chặt chẽ. 

1.2. Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản

Hướng dẫn phân tích bài thơ "Chăn trâu đốt lửa":

Chăn trâu đốt lửa

Chăn trâu đốt lửa trên đồng

Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều

Mải mê đuổi một con diều

Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.

* Nội dung: Bài thơ thể hiện cảm xúc bâng khuâng về một buổi chăn trâu, đốt lửa trên cánh đồng chiều gió đông. Cảm xúc này được thể hiện gián tiếp qua việc kể về buổi chiều chăn trâu, cắt cỏ, thả diều, nướng khoai, qua cách đếm cái vốn dĩ khó có thể đếm được như “gió đông", qua khoảnh khắc hoàng hôn đang đến,... Tất cả hoà quyện vào nhau để cùng diễn tả thế giới cảm xúc của nhà thơ. 

* Nghệ thuật:

- Về vần, nhịp, thanh điệu: Bài thơ có bốn dòng, hai dòng lục (sáu tiếng) và hai dòng bát (tám tiếng). Tiếng thứ sáu của dòng lục thứ nhất hiện vần với tiếng thứ sáu của dòng bát thứ nhất: “đồng - đông"; tiếng thứ tám của dòng bát thứ nhất hiện vần với tiếng thứ sáu của dòng lục thứ hai và tiếng thứ sáu của dòng bát thứ hai: "nhiều - diều - chiều". Có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành bằng thanh trắc trong bài thơ.

- Ngôn ngữ:

+ Sử dụng từ ngữ giản dị nhưng giàu sức gợi như "gió đông", "con diều", "mải mê" để vừa khắc hoạ bức tranh đồng quê thanh bình vừa thể hiện sự cảm nhận tinh tế của tác giả.

+ Từ ngữ hàm súc: chỉ dùng một từ “mải mê" mà lột tả được trạng thái của người thả diều, từ "tro" lột tả được màu sắc của buổi hoàng hôn.

- Sử dụng phép đối giữa "ít" và "nhiều", giữa cái hữu hình trụ rơm) và vô hình (gió đông), liên tưởng bất ngờ, độc đáo từ củ khoai nướng bị cháy đến cảnh hoàng hôn bao trùm không gian.

1.3. Hướng dẫn quy trình viết

- Bước 1: Xác định đề tài:

+ Đề tài có thể là cảm xúc, suy tư về những cái ta nhìn thấy, cảm nhận, tưởng tượng. Ví dụ:

  • Một giọt sương đọng trên cành hoa có thể gợi cho ta cảm xúc về cái đẹp mong manh.
  • Những cánh diều chao liệng có thể gợi cho ta những suy ngẫm về ước mơ.

- Bước 2: Tìm ý tưởng cho bài thơ:

+ Nhớ lại những sự việc, con người, cảnh sắc thiên nhiên đã để lại cho em cảm xúc sâu sắc.

+ Suy nghĩ về cảm xúc em muốn chia sẻ, muốn viết ra.

+ Liệt kê tất cả từ ngữ, hình ảnh, ý tưởng nào nảy sinh trong đầu em.

- Bước 3: Làm thơ lục bát:

+ Từ những hình ảnh, ý tưởng em hãy thể hiện từng dòng thơ.

+ Lần lượt đến các tiếng của dòng thơ, đảm bảo đúng quy tắc gieo vần, thanh điệu hài hòa.

+ Dùng những biện pháp tu từ như nhân hóa, so sánh, điệp,... để tăng hiệu quả thể hiện của bài thơ.

+ Đọc diễn cảm bài thơ, xem đã đúng với cảm xúc em muốn thể hiện chưa?

+ Sử dụng lại quy trình trên để viết các câu tiếp theo.

- Bước 4: Chỉnh sửa và chia sẻ:

+ Đọc diễn cảm bài thơ bằng giọng điệu phù hợp.

+ Điều chỉnh bài thơ phù hợp.

+ Chia sẻ với người thân về bài thơ của em.

Bài tập minh họa

Bài tập 1: Em hãy sưu tầm một số bài thơ lục bát của học sinh tự làm.

a. Hướng dẫn giải:

- Tổng hợp những bài thơ lục bát của các bạn hoặc bài thơ lục bát khác mà em biết.

- Chọn ra những bài thơ em ấn tượng nhất.

b. Lời giải chi tiết:

- Bài 1:

Mẹ hiền đẹp tựa vì sao

Ru con khôn lớn biết bao tháng ngày

Mai này con lớn khôn thay

Vẫn luôn nhớ những đắng cay ngọt bùi.

(Sưu tầm)

- Bài 2:

Thiếu nhi là tuổi học hành

Chúng em phấn đấu tiến nhanh mỗi ngày.

Chăm chỉ rèn luyện hăng say

Cùng nhau tiến bước mai này bay cao.

(Sưu tầm)

- Bài 3:

Vườn kia cây quý đủ loài

Cam, chanh, bưởi, quýt, mận, xoài, ổi, na.

Hương thơm bay khắp gần xa

Quả thơm mát ngọt phần bà của em.

(Sưu tầm)

Bài tập 2: Em hãy làm một bài thơ lục bát thể hiện cảm xúc của em về một vấn đề nào đó.

a. Hướng dẫn giải:

Bài thơ lục bát cần đảm bảo theo nội dung và nghệ thuật như sau:

- Về nội dung: Thể hiện được một cách nhìn, cách cảm nhận mới lạ, sâu sắc, thú vị,... về cuộc sống.

- Về nghệ thuật: 

+ Ngôn ngữ: hàm súc, gợi hình, gợi cảm. 

+ Sử dụng các biện pháp tu từ như nhân hoá, So sánh, điệp từ, điệp ngữ,... để tạo những liên tưởng độc đáo, thú vị. 

+ Sử dụng vần, nhịp một cách hợp lí để làm tăng giá trị biểu đạt của ngôn từ. Lục bát là thể thơ yêu cầu người viết tuân thủ quy định về số chữ, vần, nhịp, thanh điệu,... khá chặt chẽ. 

b. Lời giải chi tiết:

Ve kêu đã tự khi nào

Mà ta cứ nghĩ mới vào đầu thu

Trường mới giờ đã thành xưa

Ngày nào mới đến giờ xa mất rồi

Bốn năm cứ nghĩ là dài

Cứ nghĩ học mãi học hoài chả xong

Bây giờ lại nhớ lại mong

Mái trường xưa cũ phượng hồng mùa thi.

Lời kết

- Học xong bài này, các em cần nắm:

+ Nắm được yêu cầu khi làm một bài thơ lục bát.

+ Biết cách viết một bài thơ lục bát hay và đúng quy cách.

+ Trau dồi thêm vốn từ ngữ cho bản thân.

Soạn bài Làm một bài thơ lục bát

Bài học Làm một bài thơ lục bát dưới đây nhằm giúp các em bước đầu biết cách làm một bài thơ lục bát thể hiện cảm xúc về một vấn đề nào đó của bản thân mình. Để nắm rõ được quy trình làm một bài thơ lục bát, các em có thể tham khảo bài soạn chi tiết hoặc tóm tắt dưới đây:

Hỏi đáp bài Làm một bài thơ lục bát Ngữ văn 6

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

-- Mod Ngữ văn 6 HỌC247

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF