YOMEDIA
NONE

Về bài ca dao Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng - Ngữ văn 6 Tập 1 Chân trời sáng tạo


Bài học Về bài ca dao Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng sẽ cung cấp cho các em những kiến thức trọng tâm của bài học. Từ đó, các em có thêm tư liệu tham khảo trước khi tiến hành tìm hiểu bài học này. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

ATNETWORK
YOMEDIA
 

Tóm tắt bài

1.1. Chuẩn bị đọc

a. Tác giả:

- Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Mạnh Nhị sinh năm 1955 tại Nam Định.

- Ông là giảng viên của trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời là nhà nghiên cứu văn học Việt Nam.

- Tác phẩm chính

+ Bùi Mạnh Nhị (1980), Sen Tháp Mười (Ca dao miền Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh), Nxb TP.HCM, 100 tr.

+ Bùi Mạnh Nhị (1980), Phương ngôn Việt Nam, Luận văn Cao học, bảo vệ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

+ Bùi Mạnh Nhị (1982),Một số đặc điểm nghệ thuật của ca dao - dân ca Nam Bộ, in trong Kỷ yếu “Văn hóa văn nghệ truyền thống đồng bằng sông Cửu Long”, Bộ Văn hóa.

b. Tìm hiểu từ khó:

- Ni: Tiếng địa phương miền Trung có nghĩa là này.

- Ngó: Nhìn.

- Tê: Tiếng địa phương miền Trung có nghĩa là kia.

- Chẽn: Nhánh của bông lúa.

c. Đại ý:

Cảm nhận của tác giả Bùi Mạnh Nhị về bài bài ca dao Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng.

d. Bố cục: Có thể chia thành 3 phần:

- Phần 1: Từ đầu đến "nắng hồng ban mai" -> Giới thiệu về bài ca dao.

- Phần 2: Tiếp theo cho đến "kín đáo, tế nhị" -> Phân tích vẻ đẹp của bài ca dao.

- Phần 3: Còn lại -> Đánh giá về bài ca dao.

1.2. Trải nghiệm cùng văn bản

a. Giới thiệu về bài ca dao:

- Khái quát chung về ca dao: Ca dao, dân ca Việt Nam có những bài diễn tả tình yêu quê hương đất nước, con người.

- Giới thiệu và trích dẫn bài ca dao:

"Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát,

Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng, cũng bát ngát mênh mông.

Thân em như chẽn lúa đòng đòng,

Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai"

=> Cách giới thiệu trực tiếp.

b. Phân tích vẻ đẹp của bài ca dao:

- Hai dòng thơ đầu: Vẻ đẹp của thiên nhiên:

"Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát,

Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng, cũng bát ngát mênh mông"

+ Kéo dài tới mười hai tiếng; sử dụng nhiều biện pháp tu từ như đối xứng, điệp ngữ, điệp từ; các từ ngữ chỉ vị trí, địa điểm gợi ra vẻ đẹp cánh đồng mênh mông, vô tận.

+ Hình ảnh so sánh độc đáo: cô gái như "chẽn lúa đòng đòng" gợi sự trẻ trung, duyên dáng.

-> Nghệ thuật đảo từ ngữ "mênh mông bát ngát" rồi lại "bát ngát mênh mông" thể hiện một bút pháp điêu luyện trong việc miêu tả cánh đồng làng quê rộng bao la bát ngát một màu xanh, xa trông hút tầm mắt chẳng thấy đâu là bến bờ. Có yêu quê hương tha thiết, mới có cái nhìn đẹp, cách nói say mê đậm đà.

- Hai dòng thơ cuối: Vẻ đẹp của con người:

"Thân em như chẽn lúa đòng đòng,

Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai"

+ Hình ảnh cánh đồng và cô gái hợp thành một bức tranh đồng quê.

+ Câu ca dao "Thân em như chẽn lúa đòng đòng" gợi tả một vẻ đẹp xinh tươi duyên dáng, một sức lực căng tràn. Đây là một hình ảnh khỏe khoắn, trẻ trung và hồn nhiên yêu đời của cô thôn nữ được nói đến trong tiếng hát lời ca sau bờ dâu ruộng lúa.

-> Trên cái nền xanh của cánh đồng, trong hương thơm ngào ngạt của lúa đòng đòng, dưới ánh hồng bình minh rực rỡ, trong làn gió mát rượi, ta thấy hiện lên bức chân dung cô thôn nữ thật đáng yêu vô cùng.

=> Bài ca dao là lời của cô gái nhân buổi sáng thăm đồng lòng phơi phới ngắm nhìn cảnh đồng quê, nhưng cũng có thể là lời của chàng trai mở lời ngợi ca cánh đồng hay cũng có thể là ngợi ca cô gái mà anh thầm yêu.

c. Đánh giá về bài ca dao:

- Khái quát về nội dung: Chỉ với bốn dòng ngắn ngủi nhưng mở ra không gian bao la rộng lớn của đồng quê và cảm xúc của người dân quê vừa thiết tha vừa sâu lắng.

- Khái quát về nghệ thuật: Lời ăn tiếng nói dân dã, mộc mạc của mỗi miền quê khi đã thành lời ca, điệu hát thì sẽ trở nên tha thiết, ngọt ngào.

1.3. Tổng kết

- Về nội dung: Tác giả Bùi Mạnh Nhị đã nêu lên cảm xúc của mình trước bài ca dao về cả nghệ thuật và nội dung. Đồng thời ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Việt Nam.

- Về nghệ thuật: 

+ Văn bản nghị luận lí lẽ sắc bén.

+ Dẫn chứng cụ thể, rõ ràng.

Bài tập minh họa

Bài tập: Em hãy viết một bài văn ngắn nêu cảm nhận của em về bài ca dao mà tác giả Bùi Mạnh Nhị đã phân tích:

"Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát,

Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng, cũng bát ngát mênh mông.

Thân em như chẽn lúa đòng đòng,

Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai"

a. Hướng dẫn giải:

- Đọc kĩ lại bài phân tích của tác giả Bùi Mạnh Nhị về bài ca dao Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng.

- Cảm nhận của em có thể là: Vui, buồn, thán phục, yêu thích,...

b. Lời giải chi tiết:

"Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát,

Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng, cũng bát ngát mênh mông"

Cả hai câu thơ mở đầu đều không có chủ ngữ, khiến cho người nghe, người đọc rất dễ đồng cảm với cô gái, tưởng chừng như đang cùng cô gái đi thăm đồng, đang cùng cô "Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng…" và ngược lại. Nhờ vậy mà cái cảm giác về sự mênh mông, bát ngát của cánh đồng cũng lan truyền sang ta một cách tự nhiên và ta cảm thấy như chính mình đã trực tiếp cảm nhận, rút ra và nói lên điều đó.

Hai tiếng "bên ni" và "bên tê" vốn là tiếng nói của bà con Thanh, Nghệ dùng để chỉ vị trí "bên này", "bên kia", được đưa vào bài ca thể hiện đức tính mộc mạc, chất phác của cô thôn nữ, của một miền quê. Nghệ thuật đảo từ ngữ: "mênh mông bát ngát - bát ngát mênh mông" góp phần đặc tả cánh đồng lúa rộng bao la, tưởng như không nhìn thấy bến bờ "lúa hai mùa cuộn sóng, đến chân trời"… Có yêu quê hương tha thiết mới có cái nhìn đẹp, cách nói hay như thế!

"Thân em như chẽn lúa đòng đòng,

Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai"

"Phất phơ" nghĩa là nhẹ nhàng đung đưa, uốn lượn… Chẽn lúa đòng đòng "phất phơ" bay nhẹ trước làn gió trên đồng nội vào một buổi sớm mai hồng thơ mộng. Thiếu nữ hân hoan sung sướng thấy hồn mình phơi phới hướng về một ngày mai hạnh phúc như "chẽn lúa đòng đòng" đang "phất phơ" dưới ánh bình minh. Tại sao nhà thơ đồng quê lại dùng hình ảnh "ngọn nắng"? Có thể dùng hình ảnh làn nắng, tia nắng thì ý câu cao dao vẫn đúng. Nhưng "ngọn nắng" hay hơn, sát nghĩa hơn. Vì đó là tia nắng, làn nắng đầu tiên của một ngày đẹp trời, ánh hồng ban mai đang tụ hội và rập rờn trên ngọn lúa xanh.

Đọc ca dao dân ca, sao mà ta thấy thích thú lạ về câu hát nói về cánh đồng lúa quê hương và hình ảnh cô thôn nữ đứng giữa đồng quê một sớm mai hồng rạng rỡ. Bài ca dao quả là một bức tranh tuyệt đẹp và giàu ý nghĩa.

(Sưu tầm)

Lời kết

- Học xong bài này, các em cần nắm:

+ Cảm nhận được ý nghĩa của bài ca dao Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng.

+ Biết cách phân tích một bài ca dao tương tự.

Soạn bài ca dao Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng

Bài học Về bài ca dao Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng nhằm giúp các em cảm thụ được kĩ năng phân tích một bài ca dao cụ thể. Để hiểu hơn về cách phân tích của tác giả Bùi Mạnh Nhị, các em có thể tham khảo bài soạn chi tiết hoặc tóm tắt dưới đây:

Hỏi đáp bài ca dao Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng Ngữ văn 6

Trong quá trình tìm hiểu bài học này, nếu có bất cứ khó khăn gì các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

Một số bài văn mẫu về văn bản Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng

Bài phân tích và cảm nhận của tác giả Bùi Mạnh Nhị đầy sâu sắc và ý nghĩa, nói lên được vẻ đẹp của bài ca dao Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng. Để cảm nhận được những nét đẹp độc đáo trong bài ca dao này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu về bài Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng dưới đây:

-- Mod Ngữ văn 6 HỌC247

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON