Mời quý thầy cô và các em học sinh cùng tham khảo bài học Cây tre Việt Nam thuộc sách Kết nối tri thức dưới đây. Với bài học này, các em sẽ hiểu hơn về ý nghĩa của cây tre Việt Nam, đây là hình ảnh biểu tượng cho đất nước, dân tộc Việt Nam. Chúc các em sẽ có một tiết học thật thú vị nhé!
Tóm tắt bài
1.1. Trước khi đọc
Em có suy nghĩ gì về hình ảnh cây tre Việt Nam?
Gợi ý:
- Đây là một hình ảnh hết sức quen thuộc đối với mỗi làng quê Việt Nam. Không những thế bóng tre đã trở thành một hoán dụ để chỉ nền văn hoá lâu đời của dân tộc Việt Nam. Nó được xuất hiện rất nhiều trong văn chương của dân tộc.
1.2. Đọc văn bản
a. Giới thiệu chung về cây tre Việt Nam:
- Khái quát:
+ Là loài cây thân thuộc, có mặt ở khắp mọi nơi: tre Đồng Nai, tre Việt Bắc...
+ Có sức sống mãnh liệt: vào đâu tre cũng sống, ở đâu tre cũng xanh tốt.
+ Có nhiều phẩm chất đáng quý: mọc thẳng, mộc mạc, nhũn nhặn, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc, thanh cao giản dị, chí khí như người.
- Nghệ thuật: nhân hóa, so sánh, liệt kê, sử dụng nhiều tính từ.
→ Tình yêu và sự hiểu biết sâu rộng của tác giả với tre.
b. Sự gắn bó của tre với con người Việt Nam:
* Trong đời sống và lao động sản xuất:
- Trong lao động sản xuất: Tre là cánh tay của người nông dân cùng họ vượt qua năm tháng khó khăn, thử thách.
+ Nhân hóa: trùm lên âu yếm, ăn ở với người, vất vả mãi với người... → Cây tre gần gũi, thân thuộc với con người.
+ Điệp ngữ: Dưới bóng tre xanh → Gợi hình ảnh bóng tre bao trùm không gian làng quê.
+ Trạng ngữ chỉ thời gian, cách thức: Lâu đời, đời đời kiếp kiếp, đã mấy nghìn năm, từ nghìn đời nay → Nhấn mạnh sự đồng hành của cây tre với con người trong lao động sản xuất đã từ xa xưa.
+ So sánh: Tre là cánh tay của người dân.
- Trong đời sống:
+ Từ lúc lọt lòng trong chiếc nôi tre.
+ Những que chuyền đánh chắt bằng tre làm nên tuổi thơ.
+ Những mối tình quê hương nỉ non dưới bóng tre, bóng nữa...
+ Tuổi già với bát nước chè xanh, điều cày tre...
+ Khi nhắm mắt xuôi tay nằm trên chiếc giường tre.
* Trong chiến đấu:
- Tre là người chiến sĩ anh hùng, quả cảm, cùng con người xông pha trận mạc.
- Tre được tặng 2 danh hiệu cao quý: Tre, anh hùng lao động!, Tre, anh hùng chiếc đấu!
- So sánh: Như tre mọc thẳng, con người không chịu khuất; tre là đồng chí chiến đấu.
- Nhân hóa: Cùng ta làm ăn, vì ta mà cùng ta đánh giặc,... hi sinh để bảo vệ con người.
- Điệp ngữ: Giữ; Tre, anh hùng..
- Động từ mạnh: Chống lại, xung phong.
* Trong đời sống tinh thần:
- Là phương tiện giúp bộc lộ cảm xúc.
- Nhạc của trúc, nhạc của tre là khúc nhạc đồng quê.
- Diều lá tre bay lưng trời, sáo tre, sáo trúc vang khắp trời.
* Trên đường tới tương lai:
- Tre là biểu tượng cho sự tiếp nối các thế hệ con người:
+ Tre già măng mọc.
+ Măng mọc trên phù hiệu ở ngữ thiếu nhi Việt Nam.
- Tre mãi là người bạn đồng hành chung thủy:
+ Tre xanh vẫn là bóng mát.
+ Tre vẫn mang khúc nhạc tâm tình.
+ Tre sẽ càng tươi những cổng chào thắng lợi.
+ Những chiếc đu tre vẫn rướn lên bay bổng.
+ Tiếng sáo diều tre cao vút mãi.
c. Tre là tượng trưng cho tâm hồn, khí chất của người Việt Nam:
- Nhân hóa kết hợp liệt kê: Cây tre xanh, nhũn nhặn, ngay thẳng, thủy chung, can đảm.
- Điệp ngữ: Cây tre....
→ Cây tre là biểu tượng của dân tộc, con người Việt Nam.
1.3. Sau khi đọc
a. Tác giả, tác phẩm:
* Tác giả:
- Thép Mới (1925 - 1991) tên khai sinh là Hà Văn Lộc.
- Quê ở quận Tây Hồ, Hà Nội, sinh ra tại Nam Định.
- Là một nhà báo, nhà văn nổi tiếng.
- Một số tác phẩm như: Cây tre Việt Nam, Hiên ngang Cu-ba, Nguyễn Ái Quốc đến với Lê-nin, Điện Biên Phủ - một danh từ Việt Nam…
* Tác phẩm:
- Xuất xứ: Bài Cây tre Việt Nam là lời bình cho bộ phim cùng tên của các nhà điện ảnh Ba Lan. Thông qua hình ảnh cây tre, bộ phim thể hiện vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam, ca ngợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta.
- Bố cục: 3 phần:
+ Phần 1: Từ đầu đến "chí khí như người" -> Giới thiệu chung về cây tre Việt Nam.
+ Phần 2: Tiếp theo cho đến "Tiếng sáo diều tre cao vút mãi" -> Sự gắn bó của tre với con người Việt Nam.
+ Phần 3: Còn lại -> Tre là tượng trưng cho tâm hồn, khí chất của người Việt Nam.
Bài tập minh họa
Bài tập: Em hãy viết một đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của em về văn bản Cây tre Việt Nam.
a. Hướng dẫn giải:
- Đọc kĩ lại văn bản Cây tre Việt Nam và nắm được nội dung chính của văn bản để viết đoạn văn.
- Cảm nhận của em có thể là: Yêu mến, tự hào,...
b. Lời giải chi tiết:
Cây tre Việt Nam là một bài văn tràn đầy cảm xúc trữ tình. Đọc lên ta thấy trong đó như có nốt nhạc trầm bổng đang du dương, ngân nga làm rung động lòng người, phảng phất đâu đó âm điệu của những câu ca dao, tục ngữ quen thuộc từ hàng nghìn đời nay. Nhưng đẹp hơn là chất tạo hình của các câu văn cứ nối tiếp nhau uốn lượn mềm mại, bay bổng, dạt dào trữ tình như tiếng thơ, lời ca ngân nga mãi. vẻ đẹp nhần hoá trong bài cũng góp phần tạo lên sự truyền cảm sâu sắc và thấm thía người đọc. Quả thật tính trữ tình đã làm lên sự thành công của bài kí. Vốn gần gũi và thân thiết với dân tộc, cây tre đã từng là ngưồn cảm hứng vô tận trong văn học, nghệ thuật. Từ những câu chuyện cổ tích (Nàng Út trong ống tre, Cây tre trăm đốt,…) đến các ca dao, tục ngữ đều có mặt của tre. Đã có không ít tác phẩm nổi tiếng viết về tre: Cây tre Việt Nam của Thép Mới và bài thơ cùng tên của thi sĩ Nguyễn Duy,… Tre còn góp mặt trong những làn điệu dân ca, điệu múa sạp phổ biến hầu khắp cả nước. Và nó là một trong những chất liệu khá quan trọng trong việc tạo ra các nhạc khí dân tộc như: đàn tơ tưng, sáo, kèn,… Tre đi vào cuộc sống của mỗi người, đi sâu thẳm vào tâm hồn người Việt. Mỗi khi xa quê hương, lữ khách khó lòng quên được hình ảnh lũy tre làng thân thương, những nhịp cầu tre êm đềm… Hình ảnh của tre luôn gợi nhớ về một làng quê Việt Nam mộc mạc, con người Việt Nam thanh cao, giản dị mà chí khí.
Lời kết
Học xong bài này, các em cần nắm:
+ Hiểu được nội dung, ý nghĩa của văn bản Cây tre Việt Nam.
+ Cảm nhận được hình ảnh cây tre Việt Nam có ý nghĩa sâu sắc với đất nước, con người Việt Nam.
Soạn bài Cây tre Việt Nam
Bài học Cây tre Việt Nam đã cho người đọc thấy được sự gắn bó của cây tre trong cuộc sống của con người Việt Nam. Để hiểu được một cách sâu sắc bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn chi tiết hoặc tóm tắt dưới đây:
Hỏi đáp bài Cây tre Việt Nam Ngữ văn 6
Trong quá trình tìm hiểu bài học này, nếu có bất cứ khó khăn gì các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
Một số bài văn mẫu về văn bản Cây tre Việt Nam
Tác phẩm Cây tre Việt Nam có nhiều chi tiết, hình ảnh chọn lọc mang ý nghĩa biểu tượng, sử dụng rộng rãi và thành công phép nhân hóa, lời văn giàu cảm xúc và nhịp điệu. Để hiểu hơn về ý nghĩa bài học này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu về văn bản Cây tre Việt Nam dưới đây:
-- Mod Ngữ văn 6 HỌC247