Trong hệ thống bài học Bài 4: Nét đẹp văn hóa và cảnh quan (văn bản thông tin) các em đã được tìm hiểu về đặc điểm của văn bản thông tin, cách trích dẫn và lập danh mục tài liệu tham khảo và cách viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội cụ thể. Nhằm giúp các em ôn tập và củng cố kiến thức đã học, HỌC247 đã biên soạn và tổng hợp nội dung bài giảng Ôn tập Bài 4 thuộc sách Chân trời sáng tạo dưới đây. Mời các em cùng tham khảo. Chúc các em có nhiều kiến thức bổ ích!
Tóm tắt bài
1.1. Ôn lại đặc trưng của văn bản thông tin
1.1.1. Khái niệm
- Văn bản thông tin được viết nhằm mục đích chủ yếu là cung cấp thông tin cho người đọc. Để truyền tải thông tin sinh động, hiệu quả, văn bản thông tin có thể sử dụng kết hợp nhiều nguồn thông tin, nhiều cách trình bày (dạng chữ, dạng hình ảnh/ sơ đồ/ bảng biểu...), nhiều phương thức biểu đạt (thuyết minh, miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận...).
- Các yếu tố hình thức trong văn bản thông tin: Văn bản thông tin có thể sử dụng một số yếu tố hình thức (bao gồm cả phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ) để biểu thị cách sắp xếp, cấu trúc thông tin trong văn bản hoặc làm cho các ý tưởng và thông tin hấp dẫn, sinh động, dễ hiểu. Chẳng hạn như: nhan đề; kí hiệu đánh dấu các phần, mục chú thích cho hình ảnh; bảng số liệu; biểu đồ, sơ đồ, lược đồ; mô hình; bản đồ.
1.1.2. Đặc điểm
- Dữ liệu trong văn bản thông tin là sự thật hiển nhiên hoặc những phát biểu/ tuyên bố được xác minh bằng những bằng chứng cụ thể, được đo lường, quan sát một cách khoa học và mọi người công nhận. Vì thế, dữ liệu mang tính khách quan và là yếu tố làm nên tính chính xác, đáng tin cậy của văn bản thông tin.
- Thái độ, ý kiến, quan điểm của người viết trong văn bản thông tin thường được trình bày dưới dạng những phát biểu thể hiện niềm tin, cảm nhận hoặc suy nghĩ của người viết về một vấn đề / đối tượng nào đó. Ý kiến, quan điểm có thể được/ không được xác minh bằng sự thật hoặc chứng cứ cụ thể, vì đó có thể là những suy nghĩ cảm tính hoặc diễn giải của người viết về thông tin, dữ liệu. Vì vậy, thái độ, ý kiến và quan điểm thường mang tính chủ quan. Đó là lí do dẫn đến hiện tượng cùng một dữ liệu, nhưng có thể có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau về dữ liệu ấy.
- Thông tin cơ bản của văn bản là thông tin quan trọng nhất mà người viết muốn truyền tải qua văn bản. Thông tin cơ bản được hỗ trợ bởi các thông tin chi tiết.
- Cách trình bày ý tưởng và thông tin, dữ liệu: Ý tưởng và thông tin, dữ liệu trong văn bản thông tin thường được trình bày theo một số cách nhất định để hỗ trợ người đọc nhận ra mối liên hệ giữa chúng, chẳng hạn như: ý chính và nội dung chi tiết, trật tự thời gian, cấu trúc nguyên nhân – kết quả, cấu trúc so sánh – đối chiếu, cấu trúc vấn đề - cách giải quyết.
Xem chi tiết văn bản thông tin:
- Sơn Đoòng - thế giới chỉ có một
- Đồ gốm gia dụng của người Việt
- Cung đường của kí ức, hiện tại và tương lai
1.2. Ôn tập cách trích dẫn và lập danh mục tài liệu tham khảo
1.2.1. Trích dẫn
Trong tiểu luận hay báo cáo nghiên cứu, việc trích dẫn giúp đảm bảo độ tin cậy, sự minh bạch, tránh tình trạng đạo văn', đồng thời cho phép người đọc theo dõi và tìm được nguồn trích dẫn. Có hai kiểu trích dẫn:
- Trích dẫn trực tiếp:
+ Ví dụ: “Chắc hẳn nhiều người cũng đồng tình rằng tàu điện là kí ức đáng nhớ của Thủ đô trên nhiều phương diện” (Vũ Hoài Đức, 2019)
- Trích dẫn gián tiếp:
+ Ví dụ: Nguyễn Văn Trung (1986) cho rằng: ....
1.2.2. Lập danh mục tài liệu tham khảo
- Danh mục tài liệu tham khảo được đặt ở cuối tiểu luận hay báo cáo nghiên cứu.
- Hiện nay có nhiều cách viết tài liệu tham khảo.
- Dưới đây là cách trình bày tài liệu tham khảo theo chuẩn APA3:
+ Henderson, J. C. (2009). Food Tourism Reviewed. British Food Journal, 111(4), 317-326.
+ Nguyễn Văn Trung (1986). Câu đố Việt Nam. Hà Nội: Thời đại.
+ Vũ Hoài Đức. (2019). Cung đường của kí ức, hiện tại và tương lai. Tạp chí Kiến trúc, số 10. Truy xuất ngày 29/9/2020 từ
+ https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/cung-duong-cua-ky-uc-hien-lai-va-tuong-lai html.
1.3. Ôn lại cách viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội
- Nêu được đề tài nghiên cứu và câu hỏi nghiên cứu được đặt ra trong báo cáo.
- Trình bày được kết quả nghiên cứu thông qua hệ thống các luận điểm sáng rõ, thông tin xác thực.
- Biết thực hiện các thao tác cơ bản của việc nghiên cứu, khai thác được các nguồn tham khảo đáng tin cậy.
- Biết sử dụng các trích dẫn, cước chú, tài liệu tham khảo và các phương tiện hỗ trợ phù hợp, thể hiện sự minh bạch trong việc kế thừa các kết quả nghiên cứu đã có.
Bài tập minh họa
Từ những gì đã học trong bài học này, hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bạn về ý nghĩa của việc giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc trong bối cảnh hiện nay.
Lời giải chi tiết:
Đoạn văn tham khảo:
Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc là một tư tưởng luôn được đề cao trong lịch sử xây dựng và phát triển đất nước của nhân dân Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sôi động hiện nay, đây lại càng là vấn đề quan trọng. Ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc của thế hệ trẻ, một lực lượng đông đảo và hùng hậu đang là điều được quan tâm đặc biệt của xã hội.
Hơn bất kì ai, thanh niên, thiếu niên là những đối tượng bén nhạy nhất với các yếu tố văn hoá. Nhìn vào thế hệ trẻ hôm nay, đặc biệt là thành viên của thế hệ 8X, 9X người ta thấy biểu hiện một ý thức đối với bản sắc văn hoá dân tộc. Thế hệ trẻ bây giờ nhanh nhạy hơn, năng động hơn, hiện đại hơn, đó là dấu hiệu đáng mừng, bởi nó chứng tỏ tuổi trẻ Việt Nam luôn nắm bắt và theo kịp những yêu cầu của thời đại. Thế nhưng, hãy quan sát kĩ một chút, chúng ta sẽ thấy trong cái năng động, hiện đại đó còn có rất nhiều điều đáng suy ngẫm.
Đầu tiên là từ những cái dễ thấy nhất như đi đứng, nói năng, ăn mặc, phục trang. Xu hướng chung của giới trẻ là bắt chước, học theo phim nước ngoài, theo các diễn viên, các ca sĩ nổi tiếng. Những mái tóc nhuộm nhiều màu, những bộ quần áo cộc cỡn, lạ mắt, những cử chỉ đầy kiểu cách, những câu nói lẫn lộn Tiếng Anh, Tiếng Việt… Đây là biểu hiện của một thứ văn hoá đua đòi phù phiếm. Sự chân phương, giản dị mà lịch lãm, trang nhã vốn là biểu hiện truyền thống của người Việt Nam đã không được nhiều bạn trẻ quan tâm, để ý. Chạy theo những hình thức như vậy cũng là biểu hiện của việc quay lưng lại với bản sắc văn hoá dân tộc. Ở một chiều sâu khó thấy hơn là quan niệm, cách nghĩ, lối sống. Rất nhiều thanh, thiếu niên Việt Nam không nắm được lịch sử dân tộc dù đã được học rất nhiều. Trong khi đó lại thuộc lòng vanh vách tiểu sử, đời tư của các diễn viên, ca sĩ; không biết, không hiểu và không quan tâm tới các lễ hội dân gian vốn là sinh hoạt văn hoá truyền thống lâu đời của nhân dân trong khi rất sành về “chát”, về ca nhạc, cà phê. Ngày lễ, tết họ đến nhà thờ hoặc vào chùa hái lộc nhưng không biết bàn thờ gia tiên đã có những gì. Họ coi sự cần cù, chăm chỉ là biểu hiện của sự cũ kỹ, lạc hậu… Tất cả đều là biểu hiện của một sự thiếu ý thức trong giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Tiếp xúc với nhiều công dân trẻ tuổi, người ta thấy dấu ấn của bản sắc văn hoá Việt Nam là rất mờ nhạt, mà đậm nét lại là một thứ văn hoá ngoại lai hỗn tạp. Đó là một thực trạng đang khá phổ biến hiện nay.
Có hai nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên: nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Về phía khách quan, đó chính là tác động của môi trường sống, của bối cảnh thời đại. Thời đại đất nước mở cửa giao lưu, hội nhập với thế giới cho nên văn hoá bên ngoài theo đó mà tràn vào Việt Nam. Đâu đâu cũng có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh của một thứ văn hoá mới, hiện đại và đầy quyến rũ. Trong một không gian chung như vậy, những nét văn hoá cổ truyền của người Việt dường như đang có nguy cơ trở nên yếu thế.
Về chủ quan, thế hệ trẻ ngày nay ít quan tâm để ý đến vấn đề bản sắc văn hoá. Họ thiếu ý thức giữ gìn, bởi thực chất là họ không hiểu được bản sắc văn hoá dân tộc là gì và cũng không cần hiểu.
Những công dân trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Việt Nam nhưng lại không giống một người dân nước Việt. Họ có bề rộng nhưng thiếu chiều sâu, chiều sâu của một tâm hồn Việt, một tính cách Việt. Văn hoá dân tộc là cội rễ bền vững của tâm hồn mỗi con người, không lớn lên và bám chắc vào cội rễ đó, mỗi con người chỉ còn là một cá nhân lạc loài giữa cộng đồng của mình. Đó là hậu quả đầu tiên dành cho chính mỗi người, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Và hãy tưởng tượng, nếu thế hệ hôm nay quên đi bản sắc văn hoá dân tộc mình thì trong một tương lai không xa chúng ta sẽ còn lại gì? Và những thế hệ tiếp nối sau này sẽ ra sao? Bản sắc văn hoá là linh hồn, là gương mặt riêng của mỗi dân tộc, là yếu tố quan trọng để khẳng định vị thế của dân tộc đó ở giữa cộng đồng thế giới. Đánh mất bản sắc riêng trong nền văn hoá của mình là đánh mất quá khứ, mất lịch sử, mất cội nguồn và chúng ta chỉ còn là một con số không ở giữa nhân loại. Thế hệ trẻ là những người nắm giữ tương lai của đất nước, bởi vậy, nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc là một điều vô cùng cần thiết.
Vậy thì cần làm gì để thực hiện được điều đó. Trước hết, là phải từ sự tự giác ý thức của mỗi người. Mỗi thanh niên, thiếu niên phải thực sự thấy được giá trị của văn hoá dân tộc - những giá trị được chắt lọc và đúc kết từ ngàn đời, được gìn giữ, kế thừa qua bao thăng trầm của lịch sử, đã và đang ăn sâu trong máu thịt của mỗi người dân để dù có đi đâu, sống ở nơi nào, con người đó vẫn luôn là người dân nước Việt.
Gia đình, cộng đồng xã hội cũng phải chung sức, chung lòng để tô đậm thêm nữa những giá trị văn hoá đó trong sự trà trộn phức tạp của những luồng văn hoá khác. Mặt khác, cũng cần phải thấy rằng, giữ gìn ở đây không có nghĩa là khư khư ôm lấy cái đã có. Cần phải kế thừa phát huy nhưng đồng thời cũng phải phát triển nó lên bằng cách kết hợp có lựa chọn với những yếu tố văn hoá mới tích cực. Từ đó hình thành một nền văn hoá Việt Nam vừa truyền thống, vừa hiện đại, đa dạng, vừa thống nhất, đảm bảo được yêu cầu “hoà nhập nhưng không hoà tan” trong một thời đại mới. Thực hiện điều này là trọng trách, là nghĩa vụ của mỗi công dân, của mỗi thanh, thiếu niên hôm nay.
Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc là đóng góp có ý nghĩa đầu tiên cho đất nước mà mỗi thanh thiếu niên có thể làm và hãy làm bắt đầu từ việc điều chỉnh, uốn nắn chính những hành vi, ý thức của bản thân mình.
Lời kết
Học xong bài Ôn tập Bài 4, các em cần:
- Phân tích và đánh giá được tác dụng của các yếu tố hình thức (bao gồm phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ) để làm tăng hiệu quả biểu đạt của văn bản thông tin.
- Nhận biết được bố cục, mạch lạc của văn bản, cách trình bày dữ liệu, thông tin của người viết và đánh giá hiệu quả của chúng.
- Biết suy luận và phân tích mối liên hệ giữa các chi tiết và vai trò của chúng trong việc thể hiện thông tin chính của văn bản.
- Viết được báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội; biết sử dụng các thao tác cơ bản của việc nghiên cứu; biết trích dẫn, cước chú, lập danh mục tài liệu tham khảo và sử dụng các phương tiện hỗ trợ phù hợp; biết trình bày báo cáo về một vấn đề xã hội/ tự nhiên.
- Trân trọng và có ý thức giữ gìn, bảo vệ bản sắc văn hoá của dân tộc.
Soạn bài Ôn tập Bài 4 Ngữ văn 11 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo
Bài học Ôn tập Bài 4 sẽ giúp các em ôn tập các kiến thức đã học trong Bài 4, bao gồm: đặc điểm của văn bản thông tin, cách trích dẫn và lập danh mục tài liệu tham khảo và cách viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội cụ thể. Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn:
- Soạn bài đầy đủ Ôn tập Bài 4
- Soạn bài tóm tắt Ôn tập Bài 4
Hỏi đáp bài Ôn tập Bài 4 Ngữ văn 11 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 11 HỌC247