YOMEDIA
NONE

Soạn bài Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy - Ngữ văn 10

Bài soạn dưới đây sẽ giúp các em có thêm những gợi ý cho việc soạn bài trước khi đến lớp. Mong rằng bài soạn sẽ giúp các em trả lời tốt những câu hỏi trong SGK, chuẩn bị đầy đủ kiến thức cần thiết trước khi bắt đầu bài học mới!

 

1. Tóm tắt nội dung bài học

1.1. Nội dung

  • Truyện là một cách giải thích nguyên nhân việc mất nước Âu Lạc. Qua đó nhân dân muốn nêu lên bài học lịch sử tinh thần cảnh giác với kẻ thù và cách xử lí đúng đắn mối quan hệ trong xã hội.

1.2. Nghệ thuật

  • Các yếu tố thần kì làm tăng sức hấp dẫn cho truyền thuyết
  • Đan xen bi - hùng - Xây dựng được những hình ảnh giàu chất tư tưởng thẩm mĩ, có sức sống lâu bền

2. Soạn bài Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy chương trình chuẩn

2.1. Soạn bài tóm tắt

Câu 1: Dựa theo cốt truyện và hãy tìm những chi tiết liên quan đến nhân vật An Dương Vương. Trên cơ sở các chi tiết anh chị hãy phân tích:

a. Do đâu mà An Dương Vương được thần linh giúp đỡ? Kể về sự giúp đỡ thần kì đó, dân gian muốn thể hiện cách đánh giá như thế nào về nhà vua.

b. Sự mất cảnh giác của nhà vua được biểu hiện thế nào?

c. Sáng tạo chi tiết Rùa Vàng, Mị Châu, ... nhân dân muốn biểu lộ thái độ, tình cảm gì đối với nhân vật lịch sử An Dương Vương và việc mất nước Âu Lạc?

  • a) An Dương Vương được thần linh giúp đỡ bởi nhà vua đã có ý thức đề cao cảnh giác, sớm lo việc xây thành đắp lũy và chuẩn bị vũ khí để chống ngoại xâm. Tưởng tượng ra sự giúp đỡ thần kì này, nhân dân ta đã tỏ lòng ca ngợi công lao của nhà vua và tự hào về việc xây thành, chế nỏ cũng như những chiến công trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước của dân tộc ta.
  • b) Sự thất bại của An Dương Vương bắt đầu từ chỗ nhà vua chấp nhận lời cầu hòa và thêm nữa còn cho Trọng Thủy về ở rể. Trong sự việc này, An Dương Vương đã tỏ ra mơ hồ về bản chất ngoan cố của kẻ thù, tỏ ra mất cảnh giác. Hơn nữa việc mất nước còn do nhà vua chủ quan ỷ vào có vũ khí lợi hại nên đã không đề phòng khi quân giặc tiến công.
  • c) Chi tiết Rùa Vàng, Mị Châu và việc vua chém đầu con gái theo lời kết án của Rùa Vàng được sáng tạo ra để nhân dân ta gửi gắm lòng kính trọng đối với vị vua anh hùng dũng cảm – con người sẵn sàng hi sinh những tình cảm riêng tư để giữ tròn khí tiết và danh dự trước đất nước non sông. Nó cũng phê phán thái độ mất cảnh giác của Mị Châu, đồng thời cũng là lời giải thích “nhẹ nhàng” nhằm xoa dịu nỗi đau mất nước.

Câu 2: Về việc Mị Châu lén đưa cho Trọng Thủy xem nỏ thần, có hai cách đánh giá như sau:

- Mị Châu làm vậy chỉ là thuận theo tình cảm vợ chồng mà bỏ quên nghĩa vụ với đất nước.

- Mị Châu làm theo ý chồng là lẽ tự nhiên, hợp lí

  • Nhận xét về ý kiến thứ nhất: Nếu chấp nhận cách đánh giá này thì lỗi của Mị Châu rất lớn. Nàng là một người vì tình riêng mà không có trách nhiệm với quốc gia, không quan tâm tới vận mệnh dân tộc. Một công dân như thế thì đối với bất kì thời đại nào cũng không chấp nhận được
  • Nhận xét về ý kiến thứ hai: Cách đánh giá này xuất phát từ luân lí của chế độ phong kiến, người phụ nữ “xuất giá tòng phu” - khi lấy chồng, phải tuyệt đối nghe theo lời chồng.
  • Cả hai cách nghĩ đều chưa thỏa đáng. Mị Châu là một nạn nhân đáng thương của một mưu đồ chính trị. Nàng nhẹ dạ, cả tin, ngây thơ và khờ dại. Vì tin tưởng chồng một cách trọn vẹn mà mắc sai lầm. Đối với quốc gia, nàng có tội lớn, không thể tha thứ được. Nhưng chi tiết lời nguyền của nàng trước khi chết được ứng nghiệm đã nói lên rằng: Người Việt Nam không ai chịu bán nước mà họ chỉ bị kẻ địch lợi dụng mà thôi. Do đó, Mị Châu cũng đáng được chúng ta cảm thông và nàng đáng thương nhiều hơn đáng trách.

Câu 3: Mị Châu bị Rùa Vàng kết tội là giặc, lại bị vua cha chém đầu, nhưng sau đó, máu nàng hóa thành ngọc trai, xác nàng hóa thành ngọc thạch. Hư cấu như vậy, người xưa muốn bày tỏ thái độ và tình cảm thế nào đối với nhân vật Mị Châu và muốn gửi gắm gì đến thế hệ trẻ muôn đời sau.

  • Đây là chỉ là một chút an ủi cho Mị Châu. Chi tiết ngọc trai thể hiện sự thương cảm, nhân dân muốn giải bớt nỗi oan tình cho Mị Châu. Người con gái ngây thơ, trong trắng, vô tình mà đắc tội với non sông chứ nàng không phải là người chủ ý hại vua cha. Nàng thực sự bị “người lừa dối”.

⇒ Qua đây ông cha ta muốn nhắn nhủ tới thế hệ trẻ mai sau trong quan hệ tình cảm phải luôn luôn đặt quan hệ riêng chung cho đúng mực. Đừng nặng về tình riêng mà quên cái chung, phải biết hi sinh tình cảm riêng để giữ cho trọn vẹn nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Đó là một bài học cảnh giác sâu sắc.

Câu 4: Trọng Thủy gây nên sự sụp đổ cơ đồ Âu Lạc và cái chết cho Mị Châu. Vậy anh (chị)  hiểu như thế nào về hình ảnh "ngọc trai  - giếng nước"?

  • Hình ảnh "ngọc trai - giếng nước" là một hình ảnh đẹp và giàu ý nghĩa. Nó là một sự kết thúc hoàn mỹ cho một mối tình và cũng là lời giải oan cho tội “bán nước” của Mị Châu. Chi tiết máu của Mị Châu khi chết đi được loài trai ăn phải thì hóa thành ngọc trai đã chứng thực được tấm lòng trong sáng của nàng. Việc Trọng Thủy gieo mình xuống giếng nước đã thể hiện sự hối hận của nhân vật khi đã phụ người vợ của mình. Việc ngọc trai kia đem rửa trong nước giếng này lại càng sáng đẹp hơn còn nói lên rằng Trọng Thủy đã tìm được lời hóa giải trong tình cảm của Mị Châu ở thế giới bên kia. Nếu đứng ở bình diện này, ta càng thấy thương xót cho mối tình của Mị Châu – Trọng Thủy.

Câu 5: Từ những điều đã phân tích, anh (chị) hãy cho biết đâu là "cốt lõi lịch sử" của truyện và cốt lõi lịch sử đó được dân gian thần kì hóa như thế nào?

  • "Cốt lõi lịch sử" của truyện là việc An Dương Vương xây thành Cổ Loa và sự thực về sự thất bại của Âu Lạc trước sự xâm lược của Triệu Đà. Dân gian đã thêm vào các yếu tố thần kì để “cốt lõi lịch sử” thêm sinh động và hấp dẫn hơn. Đầu tiên, ta thấy hình tượng của thần Kim Quy hiện lên giúp vua xây thành, chế nỏ, chuyện lời nguyền của Mị Châu với chi tiết “ngọc trai – giếng nước” và sau cùng là vua An Dương Vương theo Rùa Vàng về biển. Việc tạo ra các yếu tố thần kì này đã tái hiện một câu chuyện lịch sử dưới cái nhìn của dân gian thật khác lạ: người anh hùng An Dương Vương không chết mà chỉ bước sang một thế giới khác, nàng Mị Châu đã được rửa tội “bán nước”, còn tình cảm đẹp của Trọng Thủy – Mị Châu đến cuối cùng cũng có một cái kết viên mãn nhất.

2.2. Soạn bài chi tiết

Câu 1: Dựa theo cốt truyện, tìm những chi tiết liên quan đến nhân vật An Dương Vương

  • Những chi tiết liên quan đến An Dương Vương:
    • Trong quá trình dựng nước: An Dương Vương xây thành nhưng thất bại; sau đó được sự giúp ích của thần linh, An Dương Vương xây thành thành công và chế tạo ra nỏ thần, đánh thắng Triệu Đà.
    • Trong quá trình giữ nước: An Dương Vương chủ quan, không đề phòng giặc đã chấp nhận lời cầu hôn của Trọng Thủy để con gái của mình là Mị Châu cưới Trọng Thủy. Sau đó bị giặc đánh chiếm thành và truy đuổi. Cuối cùng An Dương Vương phải tự tay giết chết con gái của mình và trả giá cho sự lơ là, thiếu trách nhiệm trong việc giữ nước.

a. Do đâu mà An Dương Vương được thần linh giúp đỡ? Kể về sự giúp đỡ thần kì đó, dân gian muốn thể hiện cách đánh giá như thế nào về vua?

  • An Dương Vương được thần linh giúp đỡ vì:
    • An Dương Vương là một vị vua có trách nhiệm với đất nước, điều đó thể hiện ở việc ông kiên trì xây thành và tìm cách chế tạo vũ khí để giữ gìn non sông. Khi thành xây không được, vua đã lập đàn trai giới cầu đảo bách thần, điều đó càng thể hiện sự chân thành và hết lòng vì đất nước của An Dương Vương.
    • Kể về sự giúp đỡ thần kì của Rùa Vàng, nhân dân muốn ca ngợi An Dương Vương là một ông vua tốt, có trách nhiệm với đất nước. Trong tâm thức người Việt, An Dương Vương là người công nhiều hơn tội.

b. Sự mất cảnh giác của nhà vua được biểu hiện như thế nào?

  • Lần mất cảnh giác thứ nhất, vua không nghi ngờ gì đã đồng ý kết tình thông gia với Triệu Đà.
  • Lần mất cảnh giác thứ hai, khi Triệu Đà kéo quân đến, An Dương Vương vẫn ỷ vào nỏ thần, chờ quân giặc kéo tới gần nên đã trở tay không kịp.

c. Sáng tạo những chi tiêt Rùa Vàng, Mị Châu, nhà vua tự tay đem chém đầu con gái... nhân dân muốn biểu lộ thái độ, tình cảm gì đối với nhân vật lịch sử An Dương Vương và việc mất nước Âu Lạc?

  • Sáng tạo những chi tiết về Rùa Vàng, Mị Châu, nhà vua tự tay chém đầu con gái… nhân dân đã thể hiện cách nhìn nhận của mình về vấn đề “công – tội’’ của An Dương Vương trong việc trị vì đất nước Âu Lạc.
  • Đối với nhân dân, việc An Dương Vương xây thành Cổ Loa, chế tạo vũ khí để chống giặc, đó là công lao to lớn. Nhưng việc An Dương Vương mất cảnh giá để quân Triệu Đà chiếm Âu Lạc lại là một tội lớn. Ông đã phải trả giá bằng việc mất nước, tự tay chém đầu con gái mình, rồi cùng đường phải xuống biển.
  • Chi tiết nhà vua tự tay giết con gái cho thấy An Dương Vương đã đặt lợi ích quốc gia lên trên tình thân. Vì thế, trong lòng nhân dân An Dương Vương vẫn là một vị vua được yêu mến.
  • Một mặt dân gian nêu ra bài học đắt giá cho người thủ lĩnh mất cảnh giác , để mất nước một cách bi thảm . Đó là sự trừng phạt nghiêm khắc của lịch sử . 
  • Mặt khác nhân dân vẫn kính trọng những việc ông đã làm cho đất nước nên đã giảm nhẹ tội cho ông bằng cách sáng tạo ra lỗi lầm của Mị Châu và để ông cầm sừng tê đi xuống lòng biển về với Lạc Long Quân bất tử . 

Câu 2: Về việc Mị Châu đưa Trọng Thủy xem nỏ thần, có hai cách đánh giá như sau:

- Mị Châu làm vậy là chỉ thuận theo tình cảm vợ chồng mà bỏ quên nghĩa vụ đối với đất nước

- Mị Châu làm theo ý chồng là lẽ tự nhiên, hợp đạo lí.

Ý kiến riêng của anh (chị) như thế nào?

  • Có thể có nhiều cách nghĩ khác nhau về nhân vật này, dưới đây là một cách suy nghĩ về Mị Châu:
    • Sự mất cảnh giác của Mị Châu là ở chỗ đã cả tin đem trao vào tay giặc bí quyết chống giặc giữ nước của quốc gia. Hơn thế nữa khi hai cha con đã bị thất bại, nàng lại vì bị tình cảm lu mờ mà chỉ đường cho giặc khiến cho hai cha con bị rơi vào con đường cùng tận.
    • Thực ra ý kiến cho rằng “Mị Châu làm vậy là chỉ tuân theo tình cảm vợ chồng mà bỏ quên nghĩa vụ đối với Tổ quốc” và “việc Mị Châu tuyệt đối nghe và làm theo ý chồng là đương nhiên” là không thuyết phục dù chúng ta biết Mị Châu là một người vợ thời phong kiến. Khi dựng truyện, tác giả dân gian cũng chỉ muốn nhấn mạnh sự cả tin và ngây thơ của Mị Châu, vì thế mới có bài học giữ nước cay đắng, xót xa nhưng thấm thía truyền đến tận hôm nay.
    • Phần kết truyện liên quan đến cái chết của Mị Châu thể hiện hai cái nhìn tưởng như trái ngược nhưng lại rất thống nhất của tác giả dân gian. Mị Châu bị trừng trị là một dứt khoát, rõ ràng của lịch sử. Nó xuất phát từ truyền thống yêu nước và lòng thiết tha với độc lập tự do của người Việt ta. Nhưng Mị Châu lại được “hồi sinh” (hóa thân vào ngọc và đá) bởi dân tộc ta bao giờ cũng bao dung. Kết thúc ấy thể hiện niềm cảm thông với sự trong trắng ngây thơ của nàng công chúa.
    • Câu chuyện của Mị Châu quả đúng là lời nhắn nhủ của tác giả dân gian đối với thế hệ trẻ muôn đời trong việc giải quyết mối quan hệ giữa tình nhà với nghĩa nước, giữa cái riêng với cái chung.

Câu 3: Mị Châu bị Rùa Vàng kết tội giặc, lại bị vua chém đầu, nhưng sau đó, máu nàng hóa thành ngọc trai, xác nàng hóa thành ngọc thạch. Hư cấu như vậy, người xưa muốn bày tỏ thái độ và tình cảm như thế nào đối với nhân vật Mị Châu và muốn nhắn gửi điều gì đến thế hệ trẻ muôn đời sau?

  • Dân gian đã phán xử tội của Mị Châu thông qua chi tiết Mị Châu chết, máu hóa thành ngọc trai, xác nàng hóa thành ngọc thạch.
  • Mị Châu là người có tội rất lớn, vì tội lỗi ấy nên Mị Châu phải trả giá bằng tính mạng của mình. Nhưng Mị Châu cũng chỉ là một nạn nhân đáng thương. Phải mang danh “là giặc’’ là nỗi oan của Mị Châu nên dân gian đã thành ngọc thạch như một cách rửa oan cho nàng, thể hiện sự thông cảm, bao dung đối với nàng. Đồng thời qua chi tiết ấy, dân gian muốn gửi đến thế hệ trẻ lời nhắn nhủ, phải biết đề cao cảnh giác, đừng nặng tình riêng mà quên đi cái chung nếu không sẽ phải trả đắt giá.

Câu 4: Trọng Thủy gây nên sụp đổ cơ đồ Âu Lạc và cái chết của Mị Châu. Vậy anh (chị) hiểu như thế nào về hình ảnh "Ngọc trai - Giếng nước"?

  • Hình ảnh Ngọc trai - Giếng nước:
    • Là sự bao dung chiêu tuyết của nhân dân đối với Mị Châu, chứng thực tình cảm trong sáng của nàng
    • Giếng nước có hồn Trọng Thuỷ là chứng nhận cho mong muốn hoá giải tội lỗi của y
    • Ngọc trai đem rửa bằng nước giếng càng sáng trong thêm nói lên rằng Trọng Thuỷ đã tìm được sự hoá giải trong tình cảm của Mị Châu ở thế giới bên kia.

Câu 5: Từ những điều đã phân tích, anh (chị) hãy cho biết đâu là "cốt lõi lịch sử" của truyện và cốt lõi lịch sử đó đã được dân gian thần kì hóa như thế nào?

  • Cốt lõi lịch sử của truyện là sự ra đời và suy vong của nhà nước Âu Lạc, có thành cao, vũ khí mạnh
  • Cốt lõi lịch sử ấy được nhân gian thần kì hóa bằng một chuỗi truyền thuyết li kì và hấp dẫn với việc Rùa Vàng giúp vua xây thành và cho vuốt làm nỏ thần để chống giặc và bi kịch tình yêu thấm đẫm nước mắt với nhiều chi tiết hoang đường, kì ảo.

 3. Soạn bài Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy chương trình nâng cao

Câu 1: Hãy cho biết văn bản này có thể chia làm mấy phần. Nội dung của mỗi phần là gì? Tóm tắt câu chuyện trong mười dòng.

  • Bố cục cảu văn bản: Xem ở mục 1.
  • Tóm tắt câu chuyện:
    • Sau khi giúp An Dương Vương xây dựng xong Loa Thành, trước khi ra về, thần Kim Quy còn tặng cho chiếc vuốt để làm lẫy nỏ thần. Nhờ có nỏ thần, An Dương Vương đánh bại quân xâm lược Triệu Đà. Sau thất bại, Triệu Đà vờ làm hòa và cho con trai của mình là Trọng Thủy sang cầu hôn công chúa Mị Châu và được vua đồng ý. Trọng Thuỷ dỗ Mị Châu cho xem trộm nỏ thần rồi ngầm đổi mất lẫy thần mang về phương Bắc. Sau đó, Triệu Đà phát binh đánh Âu Lạc. Không còn nỏ thần, An Dương Vương thua trận, cùng Mị Châu chạy về phương Nam. Theo dấu lông ngỗng, quân Triệu Đà đuổi theo được hai cha con An Dương Vương. Đến bờ biển, Rùa Vàng hiện lên kết tội Mị Châu là giặc, vua chém đầu Mị Châu rồi theo Rùa Vàng xuống biển. Mị Châu chết, máu chảy xuống biển thành ngọc trai. Trọng Thuỷ mang xác vợ về chôn ở Loa Thành, xác liền biến thành ngọc thạch. Vì quá tiếc thương tiếc vợ, Trọng Thủy gieo mình xuống giếng mà chết. Người đời sau mò được ngọc trai, rửa bằng nước giếng ấy thì ngọc trong sáng thêm.

Câu 2: Những chi tiết nào của truyện thể hiện vai trò của An Dương Vương trong sự nghiệp giữ nước.

  • Dời đô từ núi (Ngũ Linh) về đồng bằng (Cổ Loa) để phát triển sản suất, mở rộng lưu thông. Đó là quyết định sáng suốt của An Dương Vương.
  • Vua cho xây chín vòng thành ốc, đào hào sâu, tìm người chế tạo vũ khí (nỏ thần) thể hiện tinh thần cảnh giác, sẵn sàng bảo vệ đất nước, quyết tâm chống giặc bảo vệ nhà nước Âu Lạc.
  • Đón mời các cụ vào điện hỏi cách xây thành, ra cửa Đông đợi sứ Thanh Giang nghe lời Rùa Vàng diệt yêu quái. Thể hiện thái độ trọng hiền tài trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước của An Dương Vương.

Câu 3: Tìm những tình tiết trong truyện phản ánh bi kịch mất nước và bi kịch tình yêu (lưu ý: bi kịch mất nước gắn liền với An Dương Vương , Mị Châu; còn bi kịch tình yêu liên quan tới Mị Châu –Trọng Thủy).

  • Hình ảnh An Dương Vương tuốt gươm chém Mị Châu là hành động quyết liệt, dứt khoát đứng về phía công lý và quyền lợi dân tộc để xử á, cũng là hành động thể hiện sự tỉnh ngộ đối với lỗi lầm của nhà vua.

Câu 4: Theo anh (chị), tại sao Trọng Thủy lại tự vẫn sau khi đã giúp Triệu Đà chiếm được Âu Lạc? Cái chết đó nói lên điều gì về con người Trọng Thủy? Một truyền thuyết ở vùng Cổ Loa lại kể: Trọng Thủy không tự vẫn, khi ngó xuống giếng đã bị oan hồn Mị Châu kéo xuống và dìm chết. Theo anh (chị), kết cục nào hợp lí hơn? Tại sao?

  • Cái chết đó nói lên sự hối hận của Trọng Thủy khi đã vô tình tiếp tay cho cha. Đồng thời đó còn là một bi kịch trong chiến tranh.
  • Cái kết này cho thấy Trọng Thủy là một người si tình. Nhưng nếu theo cái kết của vùng Cổ Loa kể lại thì không hợp lí. Bởi lẽ nếu Trọng Thủy không hối hận thì chàng sẽ không mang xác của Mị Châu về chôn ở Cổ Loa.

Câu 5: Tìm những chi tiết kì ảo trong truyện. Những chi tiết đó góp phần thể hiện thái độ và tình cảm của nhân dân đối với từng nhân vật như thế nào?

  • Ông già từ phương Đông lại báo tin về sứ Thanh Giang, thần Rùa Vàng giúp An Dương Vương xây thành ốc là những chi tiết kì ảo nhằm đề cao tính chất đúng đắn của sự việc xây thành đắp lũy của nhà vua nên được người và thần giúp sức.
  • Nỏ thần làm từ móng rùa, trăm phát bắn trăm trúng.
  • Máu Mị Châu chảy xuống biển, trai sò ăn phải đều biến thành hạt trai -. Minh oan cho sự vô tình gây nên tội của Mị Châu và thể hiện thái độ thông cảm, xót thương, bao dung của nhân dân đối với nàng.
  • An Dương Vương cầm sừng tê bảy tấc, Rùa Vàng rẽ nước dẫn vua đi xuống biển ⇒ thái độ và tình cảm của nhân dân với An Dương Vương, tiếc thương cho một vị anh hùng nên đã bất tử hình ảnh của An Dương Vương, thể hiện sự ngưỡng mộ đời đời với ông.

4. Hướng dẫn luyện tập

Câu 1: Có hai cách đánh giá sau:

a. Trọng Thủy là một kẻ gián điệp, ngay cả việc yêu Mị Châu cũng là điều giả dối.

b. Giữa Mị Châu và Trọng Thủy có tình yêu chung thủy và hình ảnh "Ngọc trai - Giếng nước" đã ca ngợi mối tình đó.

Anh (chị) hãy trình bày ý kiến riêng của mình.

Câu 2: An Dương Vương đã tự tay chém đầu người con gái duy nhất của mình nhưng nhân dân lại dựng đền và am thờ hai cha con bên cạnh nhau. Cách xử lí như vậy nói lên điều gì trong đạo lí truyền thống của dân tộc ta?

Câu 3: Tìm một số bài thơ viết về Mị Châu - Trọng Thủy và nêu lên sức sống lâu bền của Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy.

Gợi ý trả lời:

Câu 1: Dưới đây là một gợi ý, một cách suy nghĩ về hai đánh giá trên. Các em có thể trình bàu suy nghĩ riêng của mình. 

  • Có thể, ban đầu Trọng Thủy cầu hôn với Mị Châu hoàn toàn chỉ là mưu đồ chính trị, nhưng trong quá trình chung sống với Mị Châu, tình yêu nơi Trọng Thủy đã nảy sinh. Chi tiết Trọng Thủy ôm xác Mị Châu về an táng và lao đầu xuống giếng tự vẫn đã nói lên điều đó.
  • Hình ảnh “ngọc trai – giếng nước’’ đã được giải thích ở trên. Chúng ta chỉ khẳng định rằng, trước sau Trọng Thủy chỉ là một tên giặc cướp nước. Hành động của Trọng Thủy từ đầu đến cuối đều có mục đích. Nhân dân ta luôn yêu – ghét phân minh.  Do đó không thể có “sự ca ngợi’’ đối với tên giặc Trọng Thủy được.

Câu 2: An Dương Vương đã tự tay chém đầu người con gái duy nhất của mình nhưng nhân dân lại dựng đền và am thờ hai cha con bên cạnh nhau. Cách xử lí như vậy nói lên điều gì trong đạo lí truyền thống của dân tộc:

  • Cách làm đó thể hiện sự bao dung của nhân dân ta. Mị Châu vì khờ dại dẫn đến họa mất nước đã chịu nhận cái chết. An Dương Vương đặt quyền lợi quốc gia lên tình thân, phải tự tay chém đứa con gái của mình (chắc chắn nhà vua rất đau đớn). Bởi vậy, đền và am thờ của hai cha con gần nhau dể tình cha con được vẹn tròn sau khi chết. Đó cũng là sự thể hiện tấm lòng nhân đạo của nhân dân ta.

Câu 3:

Ví dụ trong bài thơ “Tâm sự” rút trong tập thơ “Ra trận” của nhà thơ Tố Hữu, có đoạn viết:

Tôi kể ngày xưa chuyện Mị Châu,

Trái tim lầm lỡ để trên đầu.

Nỏ thần vô ý trao tay giặc,

Nên nỗi cơ đồ đắm biểu sâu…

Các em có thể sưu tầm thêm ở những sách tham khảo, hay những bài viết, bài bình luận xoay quanh tác phẩm này.'

5. Một số bài văn mẫu văn bản Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy

Câu chuyện về việc mất nước, về An Dương Vương và cả nàng Mị Châu lầm lỡ vô tình tiếp tay cho giặc đã để lại nhiều bài học quý giá trong lòng mỗi người con đất Việt. Sự trăn trở, boăn khoăn về bi kịch mất nước, bi kịch tình yêu éo le trong câu chuyện vẫn cứ mãi nhắc nhở, vang vọng trong lòng người. Để có được những cảm nhận hay về văn bản này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON