YOMEDIA
NONE

Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 44 - Ngữ văn 10 Tập 2 Chân Trời Sáng Tạo

Trong tiếng Việt có một khối lượng khá lớn từ Hán Việt, thế nhưng không phải trường hợp nào cũng có thể sử dụng loại từ này. HOC247 mời các em cùng tham khảo bài soạn Thực hành tiếng Việt trang 44 thuộc sách Chân Trời Sáng Tạo dưới đây nhằm giúp các em ôn tập kiến thức về cách nhận biết và sửa một số lỗi về sử dụng từ Hán Việt, đồng thời tự tin hơn trong quá trình tạo lập văn bản của mình. Chúc các em có nhiều kiến thức bổ ích!

 

1. Tóm tắt nội dung bài học

1.1. Ôn tập về từ Hán Việt

- Trong tiếng Việt có số lượng lớn các từ Hán Việt. Tiếng cấu tạo từ Hán Việt gọi là yếu tố Hán Việt

- Phần lớn các yếu tố Hán Việt được kết hợp tạo thành từ ghép, cũng có một số trường hợp được dùng độc lập như một từ

- Cũng như từ ghép thuần Việt, từ ghép Hán Việt có hai loại chính: từ ghép đẳng lập và chính phụ

- Trật tự của các yếu tố trong từ ghép chính phụ Hán Việt:

+ Có trường hợp giống với trật tự từ ghép thuần Việt: yếu tố chính đứng trước, yếu tố phụ đứng sau

+ Có trường hợp khác với trật tự từ ghép thuần Việt: yếu tố phụ đứng trước, yếu tố chính đứng sau

1.2. Lỗi dùng từ Hán Việt và cách sửa

- Dùng từ không đúng hình thức ngữ âm

Ví dụ: Ông ấy là một đọc giả khó tính.

+ Cách sửa: Nên dùng từ độc giả hoặc từ ngữ thuần Việt người đọc.

- Dùng từ ngữ không đúng nghĩa

Ví dụ: Tự ti là một trong những yếu điểm của anh ấy

+ Ở câu này, người viết dùng sai từ yếu điểm (điểm quan trọng).

+ Cách sửa: Thay từ yếu điểm bằng từ nhược điểm hoặc điểm yếu.

- Dùng từ không phù hợp với khả năng kết hợp

Ví dụ: Những văn nhân và người làm thơ thời trung đại thường chuộng dùng điển cố.

+ Ở câu này, việc kết hợp văn nhân (từ Hán Việt) và người làm thơ (cụm từ thuần Việt) không phù hợp.

+ Cách sửa: Nên dùng cả hai từ ngữ Hán Việt là văn nhân và thi sĩ hoặc cả hai từ thuần Việt là người viết văn và người làm thơ.

- Dùng từ không phù hợp với phong cách

Ví dụ: Dạo này sức khỏe thân mẫu bạn như nào?

+ Đây là câu hỏi giao tiếp thông thường giữa hai người bạn nên cần giản dị, gần gũi hơn là trang trọng, kiểu cách; do đó việc dùng từ Hán Việt là không cần thiết.

+ Cách sửa: Dùng từ thuần Việt mẹ thay cho từ Hán Việt thân mẫu.

2. Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 44 Ngữ văn 10 tập 2 Chân Trời Sáng Tạo

Câu 1: Chỉ ra lỗi dùng từ Hán Việt trong những câu sau đây. Phân tích những lỗi ấy và sửa lại cho đúng.

a. Song thân của thằng bé ấy đều làm công nhân ở xí nghiệp in.

b. Ông ấy vừa giỏi về cơ khí lại vừa giỏi về kinh doanh, thật là tài hoa.

c. Sáng mai, các bạn tập họp đúng giờ nhé.

d. Đọc sách nơi không đủ ánh sáng dễ làm giảm sút thị giác.

đ. Chú tôi thường lợi dụng những vật phế thải để tạo nên những món đồ trang trí xinh xắn.

e. Nông nghiệp và nghề đánh cá nước ta phát triển mạnh ở quý III năm nay.

ê. Năm mới cháu chúc ông luôn được an khang và bách niên giai lão.

g. Hoa xuân đua nở tân trang cho đời thêm những sắc màu tươi thắm.

h. Cảnh vật nơi đây trông rất kiều diễm.

Trả lời:

Câu

Lỗi dùng từ Hán Việt

Sửa lại cho đúng

a

Dùng từ song thân không hợp phong cách.

Song thân → Bố mẹ

b

Dùng từ kinh doanh là từ không cùng loại với từ cơ khí (không cùng phù hợp với khả năng kết hợp).

kinh doanh → việc kinh doanh

c

Dùng từ tập họp là không đúng hình thức ngữ âm.

tập họp → tập hợp

d

Dùng từ thị giác là không đúng nghĩa.

thị giác → thị lực

đ

- Dùng từ lợi dụng là không đúng nghĩa.

- Dùng cụm từ vật phế thải vừa thừa từ, vừa không đúng nghĩa.

- lợi dụng → tận dụng

- vật phế thải → phế liệu

e

Dùng từ nông nghiệp và cụm từ nghề đánh cá là những từ không phù hợp với khả năng kết hợp.

Có 2 cách sửa:

- Cách 1: sửa nông nghiệp → nghề nông.

- Cách 2: sửa nghề đánh cá → ngư nghiệp.

ê

Dùng cụm từ an khang và bách niên giai lão không phù hợp với phong cách.

an khang và bách niên giao lão → mạnh khỏe và sống lâu trăm tuổi

g

Dùng từ tân trang không phù hợp với phong cách.

tân trang → tô điểm

h

Dùng từ kiều diễm không phù hợp với phong cách.

kiều diễm → lộng lẫy

Câu 2: Chọn từ Hán Việt ở cột B có ý nghĩa tương đương với từ ngữ hoặc cách nói ở cột A (làm vào vở):

A

B

 1. non sông đất nước

 a. phong vân

 2. yêu thương người và chuộng lẽ phải

 b. hiếu sinh

 3. tự mình làm chủ, không phụ thuộc vào người khác

 c. hào kiệt

 4. người có tài năng, chí khí hơn người 

 d. kì diệu

 5. chạy vạy nhọc nhằn để lo toan việc gì đó

 đ. cầu hiền

 6. mong tìm được người tài đức

 e. bôn tẩu

 7. gió mây

 ê. giang sơn

 8. yêu thương, trân trọng sự sống

 g. nhân nghĩa

 9. lạ và hay khác thường

 h. duy tân

 10. đổi mới 

 i. độc lập

Trả lời: 

1  - ê                            2  - g

3  - i                             4  - c

5  - e                            6  - đ

7  - a                            8  - b

9  - d                            10 - h

Câu 3: Thay thế các câu sau đây bằng các câu có dùng từ Hán Việt sao cho tương đồng về ý nghĩa và trang nhã hơn:

a. Ăn uống ở Việt Nam có rất nhiều thứ.

b. Tổng thống Pháp và vợ sẽ đến thăm chơi nước ta vào khoảng từ ngày 10 đến ngày 20 tháng 11 năm nay.

c. Bẻ bông, giẫm lên cỏ trong vườn hoa chung, xả rác nơi ở chung là hành động cần phải dẹp bỏ.

d. Người đứng đầu các nước đều bày tỏ sự lo sợ trước tình hình làm ăn buôn bán đang có nhiều thay đổi rắc rối hiện nay.

đ. Tiền công viết báo của ông ấy rất cao.

e. Anh ấy bảo tôi thay anh ấy làm hết những giấy tờ này.

ê. Nền kinh tế nước ấy đã mạnh trở lại và từ chỗ đi sau dần trở thành đi trước.

g. Các nghĩa sĩ Cần Giuộc đã bạo dạn đánh vào đồn giặc Pháp, không sợ chết chóc.

h. Những điều ông ấy nói trong cuộc họp đã bị nhiều người chống lại.

Trả lời: 

a. Ẩm thực Việt Nam rất đa dạng, phong phú.

b. Tổng thống Pháp và phu nhân sẽ công du nước ta vào khoảng từ ngày 10 đến ngày 20 tháng 11 năm nay.

c. Bẻ bông, giẫm lên cỏ trong công viên, xả rác nơi công cộng là hành động cần phải dẹp bỏ.

d. Người đứng đầu các quốc gia đều bày tỏ sự lo sợ trước tình hình kinh tế đang có nhiều thay đổi phức tạp như hiện nay.

đ. Nhuận bút của ông ấy rất cao.

e. Anh ấy bảo tôi thay anh ấy làm hết những thủ tục này.

ê. Nền kinh tế nước ấy đã phục hồi mạnh mẽ và từ chỗ tụt hậu dần trở thành tiên phong.

g. Các nghĩa sĩ Cần Giuộc đã dũng cảm đánh vào đồn giặc Pháp, không sợ hi sinh.

h. Những điều ông ấy nói trong cuộc họp đã bị nhiều người phản đối.

Trên đây là những gợi ý trả lời chi tiết và đầy đủ nhất hệ thống câu hỏi thuộc phần hướng tìm hiểu bài soạn. Ngoài ra, để củng cố và nâng cao kiến thức bài học được tốt hơn mời các em xem thêm:

3. Hướng dẫn luyện tập

Câu hỏi: Nhận xét về việc dùng các từ Hán Việt in đậm trong những câu sau:

- Em đi xa nhớ bảo vệ sức khỏe nhé!

- Đồ vật làm bằng gỗ tốt thì sử dụng được lâu dài. Còn những đồ làm bằng gỗ xấu dù làm rất cầu kì, mĩ lệ thì cũng chỉ dùng được trong một thời gian ngắn.

Trả lời:

Theo từ điển:

- Bảo vệ (chống lại mọi sự huỷ hoại, xâm phạm để giữ cho được nguyên vẹn)

- Mĩ lệ (đẹp một cách trang trọng).

--> Việc dùng từ Hán Việt trong 2 câu trên không hề có ý nghĩa trang trọng mà ngược lại còn làm cho câu văn trở nên tốì nghĩa, không phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp. Vì vậy, ta có thể thay bằng các từ ngữ thuần Việt, dễ hiểu:

- Em đi xa nhớ  giữ gìn sức khỏe nhé!

- Đồ vật làm bằng gỗ tốt thì sử dụng được lâu dài. Còn những đồ làm bằng gỗ xấu dù làm rất cầu kì, đẹp đẽ thì cũng chỉ dùng được trong một thời gian ngắn.

4. Hỏi đáp về bài Thực hành tiếng Việt trang 44 Ngữ văn 10 tập 2 Chân Trời Sáng Tạo

Khi có vấn đề khó hiểu về bài soạn này cần giải đáp, các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF