YOMEDIA
NONE

Soạn bài Củng cố, ở rộng Bài 4 - Ngữ Văn 10 Tập 1 Kết nối tri thức

Sử thi là thể loại văn học dân gian tái hiện đời sống nhân dân với nhân vật trung tâm là những anh hùng, dũng sĩ đại diện cho một thế giới nào đó. Thông qua đó thể hiện ước mơ về cuộc sống tươi đẹp của con người xưa. Bài soạn Củng cố, mở rộng Bài 4 dưới đây sẽ giúp các em ôn lại những kiến thức trong nội dung Bài 4: Sức sống của sử thi, với đặc điểm thể loại này trong một số tác phẩm và nắm được các bước viết báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề. Mời các em cùng tham khảo!

 

1. Tóm tắt nội dung bài học

1.1. Ôn lại thể loại sử thi

- Sử thi là tác phẩm tự sự dân gian có quy mô lớn, sử dụng ngôn ngữ có vần, nhịp, xây dựng những hình tượng nghệ thuật hoành tráng.

- Nội dung của sử thi có tính rộng lớn, kể về sự kiện trọng đại của quá khứ, biểu hiện toàn bộ đời sống văn hóa, lịch sử của cộng đồng.

- Nghệ thuật: sử thi là những câu chuyện kể văn xuôi xen lẫn văn vần, có sử dụng các yếu thành ngữ, tục ngữ, những từ ngữ cổ, hình thức nghệ thuật ngôn từ dân gian.

- Phân loại: sử thi có 3 loại:

+ Sử thi anh hùng dân gian

+ Sử thi cổ điển

+ Sử thi anh hùng

1.2. Ôn lại cách viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề

1.2.1. Kiểu bài

- Báo cáo nghiên cứu là văn bản trình bày kết quả nghiên cứu về một vấn đề dựa trên các dữ liệu khách quan, chính xác, đáng tin cậy.

- Viết báo cáo nghiên cứu là một hoạt động thực hành giúp bạn phát triển kĩ năng tìm hiểu, khám phá về đời sống xã hội và tự nhiên (con người, sự kiện, địa điểm, môi trường,...) qua tư liệu thu thập được và trình bày kết quả tìm hiểu, khám phá đó.

- Vấn đề nghiên cứu có thể là một vấn đề đời sống hoặc một vấn đề gợi ra từ tác phẩm văn học mà bạn đã đọc.

1.2.2. Yêu cầu khi viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề

- Nêu được đề tài và vấn đề nghiên cứu được đặt ra trong báo cáo.

- Trình bày được kết quả nghiên cứu thông qua hệ thống các luận điểm sáng rõ, thông tin xác thực.

- Khai thác được các nguồn tham khảo chính xác, đáng tin cậy, sử dụng các trích dẫn, cước chủ và phương tiện hỗ trợ phù hợp, thể hiện sự minh bạch trong việc kế thừa những kết quả nghiên cứu đã có.

- Có danh mục tài liệu tham khảo ở cuối báo cáo.

2. Soạn bài Củng cố, mở rộng Bài 4 Ngữ văn 10 tập 1 Kết Nối Tri Thức

Câu 1: Lập bảng tổng hợp những đặc trưng của sử thi được thể hiện trong hai đoạn trích Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác và Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời trên các phương diện: nhân vật, cốt truyện, không gian, thời gian, người kể chuyện.

Trả lời:

Bảng tổng hợp những đặc trưng của sử thi được thể hiện ở hai đoạn trích Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác và Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời

 

Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác

Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời

Nhân vật

Người anh hùng chiến đấu vì lý tưởng và lợi ích dân tộc

Người anh hùng theo đuổi khát vọng

Cốt truyện

Dựa trên tình huống, bi kịch của Héc-to khi phải lựa chọn giữa cá nhân và dân tộc => sư kiện trọng đại

Đăm Săn muốn Nữ Thần Mặt Trời trở thành vợ thứ của mình nên đã lên đường đến tìm nàng nhưng không được chấp thuận, khi trở về gặp nạn và chết => biến cố của nhân vật khi theo đuổi một mong muốn vượt quá khả năng

Không gian

Cuộc chiến vây hãm thành Tơ-roa của quân Hy Lạp bước sang năm thứ mười chưa phân thắng bại => hình tượng hào hùng

Khung cảnh làng Ê-đê mà Đăm Săn là người tù trưởng giàu mạnh => dân tộc ít người, thể hiện văn hóa cộng đồng

Thời gian

Thời kì cổ đại

Người kể chuyện

Ngôi thứ ba

 
Câu 2: Tìm đọc thêm các tài liệu viết về Hy Lạp và Ấn Độ thời cổ đại. Tóm tắt nội dung chính và trích dẫn những thông tin quan trọng trong các tài liệu, có sử dụng cước chú.

Trả lời:

Học sinh tự tìm đọc trong thư viện, sách báo, internet (Lưu ý chọn nguồn chính thống).

Câu 3: Lắng nghe một bài thuyết trình về văn hóa, lịch sử Tây Nguyên (ở một hội thảo hoặc trên các phương diện truyền thông), ghi lại thông tin chính trên bài thuyết trình và phản hồi của bạn về bài thuyết trình đó.

Trả lời:

- Tìm hiểu một số hội thảo về văn hóa, lịch sử Tây Nguyên

- Nêu suy nghĩ của em về bài thuyết trình (có thể là ý nghĩa, kết quả hoặc cảm nhận thích hay không thích) về bài thuyết trình.

Câu 4: Đọc thêm các tác phẩm văn học hiện đại mang âm hưởng sử thi hoặc lấy cảm hứng từ các nhân vật, sự kiện, địa điểm trong sử thi (Ví dụ: Bài ca chim Chơ-rao của Thu Bổn, Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm,…) và nhận xét về ảnh hưởng của thể loại sử thi trong văn học Việt Nam hiện đại.

Trả lời:

* Đặc trưng của sử thi được thể hiện trong Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm:

- Sử dụng ngôn ngữ có vần, nhịp

- Kể về những biến cố diễn ra trong đời sống cộng đồng của cư dân: quá trình hình thành và phát triển của đất nước gắn với những quan niệm của nhân dân

- Thể hiện quá trình vận động của dân tộc Việt qua lịch sử đất nước bốn nghìn năm

* Đặc trưng của sử thi thể hiện trong Đất nước – Nguyễn Đình Thi:

- Sử dụng ngôn từ có vần, nhịp

- Hình thức nghệ thuật ngôn từ dân gian

- Thể hiện quá trình vận động của đất nước trong chiến tranh, lịch sử của cộng đồng: “trời thu thay áo mới”, “trời xanh đây là của chúng ta”, “những cánh đồng… phù sa”, “năm xưa”, “những ngày thu đã xa”, “những buổi ngày xưa”

* Ảnh hưởng của sử thi trong văn học Việt Nam hiện đại: thể loại sử thi đã ảnh hưởng tới văn học Việt Nam hiện đại cả về nội dung và nghệ thuật ở nhiều phương diện như:

- Ngôn từ

- Sử dụng nhiều chất liệu dân gian trong sáng tác

- Cách lựa chọn thể loại

- Cách xây dựng nhân vật

- Cách lựa chọn nội dung và đối tượng trữ tình trong văn bản: đối tượng thường là người anh hùng, chiến sĩ; hình tượng đất nước trải qua khó khăn, máu lửa chiến tranh

Trên đây là những gợi ý trả lời chi tiết và đầy đủ nhất hệ thống câu hỏi thuộc phần hướng tìm hiểu bài học mà các em phải hoàn thành trong quá trình soạn bài Củng cố và mở rộng Bài 4. Ngoài ra, để củng cố và nâng cao kiến thức bài học được tốt hơn mời các em xem thêm

3. Hướng dẫn luyện tập

Câu hỏi: Viết báo cáo nghiên cứu về đặc điểm truyện ngụ ngôn trong một tác phẩm từng học.

Trả lời:

Đặt vấn đề:

   Ngụ ngôn, là một tiểu loại nằm trong loại hình văn học dân gian. Mỗi câu truyện ngụ ngôn được xây dựng, đều chứa đựng những triết lí sống giống như thể loại tục ngữ, nhưng nó lại được thể hiện ở hình thức khác biệt, mang đặc trưng độc đáo riêng mà chỉ ở ngụ ngôn mới có.

Giải quyết vấn đề:

     Ngụ ngôn là loại truyện có ngụ ý đằng sau cốt truyện, được xây dựng nhằm mục đích nên lên bài học triết lí, bài học sống cho các thế hệ. Truyện ngụ ngôn, thường có tính đả kích và châm biếm sâu sắc một tầng lớp trong xã hội, phê phán những đức tính của con người như keo kiệt, xu nịnh, huyênh hoang, tham lam, dẫn đến những hậu quả xấu.

     Đầu tiên, là bài học triết lí được thể hiện trong Chân tay tai mắt miệng. Câu chuyện muốn nói đến bài học về tình đoàn kết, đừng nghe ai xui dại mà làm bậy, thiệt hại đến bản thân. Trong một tập thể sống, mỗi thành viên không thể sống tách biệt mà phải nương tựa, gắn bó vào nhau cùng tồn tại, phải biết hợp tác và tôn trọng công sức của nhau. Cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai trong câu chuyện, ai cũng cho là mình có nhiều công lao, vất vả. Từ đó, họ xúm lại chê trách lão Miệng chỉ ăn mà không làm. Trước kia, họ vẫn dựa vào nhau mà cùng tồn tại. Nhưng cô Mắt đã khởi xướng một cuộc tẩy chay,  kêu gọi cậu Chân, cậu Tay “Nay chúng ta đừng làm gì nữa, thử xem lão Miệng có sống được không”. Và, cậu Chân cậu tay cũng nghe theo cô Mắt, kéo theo cả bác Tai đến nhà lão Miệng. Họ hùng hùng hổ hổ, hăm hở đến nói thẳng với Miệng, “Từ nay chúng tôi không làm để nuôi ông nữa. Lâu nay chúng tôi cực khổ, vất vả vì ông nhiều rồi”… “Xưa nay, chúng tôi có biết cái gì ngọt bùi ngon lành mà làm cho cực!”.

     Chân, Tay, Tai, Mắt đã xúm lại, cùng nhau chê trách lão Miệng, chỉ ăn mà không làm, để rồi nhận lấy hậu quả thích đáng. “Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày, cả bọn thấy mệt mõi rã rời”. Cậu Chân, cậu Tay thì “không còn muốn cất mình lên chạy nhảy”, cô Mắt “ngày cũng như đêm lúc nào cũng lờ đờ”, bác Tai “ bỗng thấy lúc nào cũng ù ù như xay lúa ở trong”. Tất cả mọi người đều phải chịu sự mệt mỏi. Bác Tai đã nhận ra sai lầm, giải thích với mọi người, cùng nhau đến xin lỗi Miệng. Lão Miệng cũng không khấm khá hơn, “cũng nhợt nhạt cả môi, hai hàm thì khô như rang, không buồn nhếch mép”. Khi cậu Chân và Tay đi tìm thức ăn cho lão, lão dần tỉnh lại, và tất cả cũng đều cảm thấy đỡ mệt nhọc. Từ đó, họ bảo nhau “thân mật sống với nhau, mỗi người một việc, không ai tị ai”. Họ đã nhận ra cái sai lầm của mình, và biết sửa chữa sai lầm kịp lúc.

     Cũng giống như các bộ phận được nhân hóa sinh động này, con người chúng ta cũng không thể tách mình sống riêng biệt mà tồn tại được. Mỗi người, như một bộ phận trong một cỗ máy hoàn chỉnh, nên dù thiếu bất cứ bộ phận nào dù là nhỏ nhất, cũng đều có hại. Thay vì ganh tị, chia rẻ mọi người, chúng ta cần thay đổi suy nghĩ ngay từ bên trong, tập sống có ích, sống vì mọi người, vì tập thể. Và, cũng đừng học theo thói a dua, nghe lời dèm pha từ một phía mà không suy xét, đưa ra hành động đúng đắn, nếu không sẽ nhận được hậu quả thích đáng.

     Thứ hai, là hình thức thể hiện bài học triết lí nhân sinh trong truyện ngụ ngôn nói chung và “Chân tay tai mắt miệng nói riêng”. Hình thức thể hiện những bài học triết lý chính là cơ sở, đặc điểm cơ bản để nhận diện ngụ ngôn với tục ngữ. Ngụ ngôn thể hiện bài học triết lí dưới hai hình thức, trực tiếp ở nhan đề, lời thoại nhân vật, hoặc gián tiếp qua hành động nhân vật, cốt truyện, ngôn ngữ và phương pháp nghệ thuật đặc trưng trong truyện để người thưởng thức tự đúc kết. Ở câu chuyện này, hình thức thể hiện bài học triết lý là gián tiếp, người đọc phải tự đúc kết, tự rút ra qua những hình tượng nhân vật, qua cốt truyện,qua ngôn ngữ, qua nghệ thuật thể hiện.

     Nhân vật ngụ ngôn, thường là những nhân vật hư cấu tưởng tượng từ đặc tính của loài hay từ tính cách của một hạng người. Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng, được nhân hóa từ những bộ phận trên cơ thể người, nhưng lại có sự liên hệ với đặc điểm, tính cách của một loại người trong xã hội, Đó là loại người hay ganh tị, so bì, hay a dua, hùa theo người khác mà chưa biết đúng sai.

     Cốt truyện ngụ ngôn, thường ngắn gọn và rất hàm súc. Xoay quanh những nhân vật hư cấu, xoay quanh hoàn cảnh, tình huống truyện, người ta rút ra được những ý nghĩa. Cốt truyện của thể loại ngụ ngôn thường là cốt truyện ẩn dụ, chứa đựng những bài học sâu sắc. Sự đình công của Chân, Tay, Tai, Mắt, là ẩn dụ cho sự mất đoàn kết trong xã hội và hậu quả mà họ nhận được, tất cả đều bị ảnh hưởng nặng cũng chính là sự ẩn dụ cho tinh thần đoàn kết bị chia rẽ.

     Ngôn ngữ trong truyện ngụ ngôn cũng rất hàm súc và ngắn gọn. Với sự kết hợp lối cảm nghĩ ngây thơ hồn nhiên của trẻ em và lối nhìn nhận sâu sắc của người lớn, truyện ngụ ngôn vừa gần gũi, nhưng cũng có gì đó xa lạ khiến người ta phải suy ngẫm. Ẩn dưới lớp vỏ ngôn từ, dưới những hình ảnh sinh động, chính là những bài học, kinh nghiệm sống triết lí mà nhân dân đúc kết qua bao thế hệ.

     Và nghệ thuật đặc sắc trong ngụ ngôn, chính là phương pháp tỉ dụ. Tỉ dụ là phương pháp đặc trưng và quan trọng nhất trong sáng tác ngụ ngôn. Thiếu tỉ dụ, câu truyện ngụ ngôn sẽ không hình thành và tồn tại, mà chỉ là những câu chuyện cười vô nghĩa. Tỉ dụ khiến ngụ ngôn trở nên sinh động và sâu sắc hơn. Nhưng tỉ dụ trong ngụ ngôn cũng cần phổ biến, dễ hiểu và thông dụng. Chân, tay, tai, mắt, miệng, là những bộ phận gắn kết trên cơ thể người và không thể tách rời. Người ta chú ý đến mối quan hệ khăng khít này, vì thế mà ngụ ngôn “Chân tay tai mắt miệng”, thường được dùng để nói về bài học đoàn kết trong xã hội.

Kết luận:

     Điều làm nên đặc sắc và riêng biệt của ngụ ngôn, chính là nhờ tính triết lí và biểu hiện của tính triết lí độc đáo, mang màu sắc rất riêng khác với tục ngữ hay truyện cười. Và, mỗi câu truyện ngụ ngôn trong kho tàng văn học, chính là một bài học khác nhau, một triết lí sống khác nhau để chúng ta tìm hiểu và khám phá mỗi ngày.

4. Hỏi đáp về bài Củng cố, mở rộng Bài 4 Ngữ văn 10 tập 1 Kết Nối Tri Thức

Khi gặp bất cứ khó khăn gì trong việc tìm hiểu bài soạn này, các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON