YOMEDIA
NONE

Soạn bài Củng cố, mở rộng Bài 3 - Ngữ Văn 10 Tập 1 Kết nối tri thức

Trong cuộc sống hằng ngày, khi cần thuyết phục người khác về một vấn đề nào đó, các em cần sử dụng hệ thống một số luận điểm, lí lẽ và dẫn chứng được tổ chức chặt chẽ, người ta gọi đó là văn nghị luận. Bài soạn Củng cố, mở rộng Bài 3 dưới đây sẽ giúp các em ôn lại những kiến thức trong nội dung Bài 3: Nghệ thuật thuyết phục trong văn nghị luận với đặc điểm văn nghị luận trong một số tác phẩm cụ thể và cách viết kiểu bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm. Mời các em cùng tham khảo!

 

1. Tóm tắt nội dung bài học

1.1. Ôn lại văn bản nghị luận

- Văn bản nghị luận là loại văn bản thực hiện chức năng thuyết phục thông qua hệ thống một số luận điểm, lí lẽ và dẫn chứng được tổ chức chặt chẽ.

- Đề tài của văn nghị luận rất rộng, bao gồm các vấn đề đời sống như xã hội, triết học, chính trị,...

1.2. Ôn lại cách viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm

- Trong đời sống xã hội, sự đồng thuận luôn là vấn đề được mọi người quan tâm. Vì sự đồng thuận đó, mỗi chúng ta không ít lần được đặt vào tình huống phải thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm, có khi bằng lời nói trực tiếp, có khi bằng bài luận.

- Yêu cầu khi viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm:

+ Nêu được thói quen hay quan niệm cần từ bỏ.

+ Chỉ ra được các biểu hiện hoặc khía cạnh của thói quen hay quan niệm cần từ bỏ.

+ Phân tích tác động tiêu cực của thói quen hay quan niệm đó đối với cá nhân và cộng đồng.

+ Nêu những giải pháp mà người được thuyết phục có thể thực hiện đề từ bỏ một thói quen hay quan niệm không phù hợp.

2. Soạn bài Củng cố, mở rộng Bài 3 Ngữ văn 10 tập 1 Kết Nối Tri Thức

Câu 1: Ba văn bản đọc trong bài (Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, Yêu và đồng cảm, Chữ bầu lên nhà thơ) đã giúp bạn hiểu được gì về đặc điểm nội dung và hình thức của văn nghị luận?

Trả lời:

- Đặc điểm nội dung: bàn luận về một vấn đề xã hội hoặc một tư tưởng đạo đức.

- Đặc điểm hình thức:

  + Bài văn gồm nhiều đoạn văn, có các luận điểm, luận cứ rõ ràng, những lí lẽ bằng chứng xác đáng, có sức thuyết phục.

  + Các đoạn văn trong bài có sự mạch lạc, logic; các câu văn được liên kết bởi các phép nối, phép lặp, phép thế,…

  + Ngôn ngữ, giọng điệu phù hợp với nội dung bàn luận, tạo sự hứng thú hấp dẫn người đọc.

Câu 2: Theo bạn, trong văn nghị luận, yếu tố tự sự có thể sử dụng ở những trường hợp nào và với mức độ ra sao?

Trả lời:

- Các trường hợp có thể sử dụng yếu tố tự sự trong văn nghị luận:

  + Sử dụng yếu tố tự sự trong quá trình lập luận để các luận điểm được trình bày rõ ràng hơn.

  + Sử dụng khi nêu ra các lí lẽ, bằng chứng để tăng sức thuyết phục.

- Yếu tố tự sự cần được sử dụng trong văn nghị luận với mức độ vừa phải, không nên dùng quá nhiều dễ nhầm sang văn tự sự.

Câu 3: Hãy lập bảng hoặc sơ đồ tư duy để so sánh các văn bản trong bài theo một số điểm gợi ý sau: luận đề; cách triển khai luận điểm; cách nêu lí lẽ và bằng chứng; lí do chọn cách triển khai luận điểm và nêu lí lẽ, bằng chứng,...

Trả lời:

Văn bản

Tiêu chí

Hiền tài là nguyên khí của quốc gia

Yêu và đồng cảm

Chữ bầu lên nhà thơ

Luận đề

Bàn luận về tầm quan trọng của hiền tài đối với đất nước.

Nói về sự cần thiết của yêu và đồng cảm trong cuộc sống.

Bàn luận vai trò quan trọng của chữ đối với nhà thơ.

Cách triển khai luận điểm

Luận điểm được triển khai từ ý lớn đến ý nhỏ, từ khái quát đến cụ thể; được trình bày một cách rõ ràng, mạch lạc, logic, dễ hiểu. 

Luận điểm được triển khai từ ý nhỏ đến ý lớn, trình bày có sự mạch lạc, logic đã làm nổi bật được luận đề.

Luận điểm có sự liên kết, mạch lạc và có tính chất nâng cao, mở rộng; theo trình tự nêu vấn đề, giải quyết vấn đề và kết luận.

Cách nêu lí lẽ và bằng chứng

Các lí lẽ bằng chứng được trình bày cụ thể, hợp lý nhưng chưa có sự liên hệ với thực tiễn, chưa thật sự thuyết phục người đọc. 

Lí lẽ, bằng chứng xác đáng, hợp lý, có sự liên hệ nhưng chưa cụ thể và rõ ràng, thiếu sức thuyết phục.

Lí lẽ bằng chứng rõ ràng, hợp lý, có ví dụ liên hệ cụ thể với thực tiễn, tạo được sức thuyết phục.

Lí do chọn cách triển khai luận điểm và nêu lí lẽ, bằng chứng

Đưa ra nội dung khái quát để tạo sự tò mò khiến bạn đọc muốn đi sâu vào tìm hiểu chi tiết vấn đề được bàn luận.

Đưa ra những phân tích, chứng minh gây sự hấp dẫn với người đọc, muốn tìm hiểu rõ hơn về vấn đề bàn luận.

Đặt vấn đề và phân tích, tổng hợp giúp người đọc hiểu rõ hơn vấn đề, nâng cao khả năng hiểu biết về vấn đề bàn luận.

Câu 4: Thảo luận nhóm về cách nhận diện đặc điểm riêng của văn bản nghị luận xã hội.

Trả lời:

Gợi ý: Cách nhận diện đặc điểm riêng của văn bản nghị luận xã hội:

- Luận đề, nội dung chính là bàn luận về các hiện tượng cụ thể có trong đời sống xã hội xưa và nay.

- Các luận điểm, luận cứ hướng tới việc phân tích các mặt đúng – sai, chỉ ra nguyên nhân và bày tỏ thái độ, ý kiến của người viết về hiện tượng xã hội đó.

- Dẫn chứng được lấy từ vị dụ thực tế của hiện tượng đó.

Câu 5: Tìm đọc thêm một số văn bản nghị luận đề cập những vấn đề có liên quan tới nội dung các văn bản đã học trong bài. Chú ý xác định quan hệ kết nối giữa các văn bản và tập hợp chúng vào các nhóm có đặc điểm nội dung hoặc hình thức gần gũi (ví dụ: nhóm văn bản bàn về việc trọng dụng nhân tài, nhóm văn bản bàn về những vấn đề cơ bản của sáng tạo nghệ thuật, …)

Trả lời:

Gợi ý một số văn bản nghị luận

- Nhóm văn bản bàn về những vấn đề cơ bản của sáng tạo nghệ thuật: Thơ còn tồn tại được không (Diễn từ Nobel 1975 của E. Montale), Một thời đại trong thi ca (Hoài Thanh, Hoài Chân), …

- Nhóm văn bản bàn về việc trọng dụng nhân tài: Cầu hiền chiếu (Ngô Thì Nhậm),…

Trên đây là những gợi ý trả lời chi tiết và đầy đủ nhất hệ thống câu hỏi thuộc phần hướng tìm hiểu bài học mà các em phải hoàn thành trong quá trình soạn bài Củng cố và mở rộng. Ngoài ra, để củng cố và nâng cao kiến thức bài học được tốt hơn mời các em xem thêm:

3. Hướng dẫn luyện tập

Câu hỏi: Từ văn bản Yêu và đồng cảm của Lê Đạt, em hãy viết đoạn văn nghị luận về sự đồng cảm và chia sẻ trong cuộc sống.

Trả lời:

Đối với mỗi cuộc đời con người, sự sẻ chia trong cuộc sống là điều vô cùng cần thiết. Vậy sẻ chia là gì? Tại sao nó lại quan trọng đến vậy? Sẻ chia là một dạng tình cảm xuất phát từ trái tim, sự đồng cảm, và tình yêu thương, được thể hiện khi ta biết quan tâm, lo lắng và giúp đỡ những người xung quanh. Nói cách khác, sẻ chia chính là cho đi mà không mong muốn được nhận lại. Bạn biết đấy, cuộc sống là sự tổng hòa của các mối quan hệ xã hội. Biết sẻ chia chắc chắn sẽ giúp bạn phát triển các mối quan hệ xã hội, tạo nên sự gắn kết với những người xung quanh, từ đó không bao giờ cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo. Đồng thời khi ai đó gặp khó khăn, giúp được họ - dù chỉ một chút thôi – chắc chắn bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc và thanh thản hơn rất nhiều. Trong thực tế, không khó để ta bắt gặp và cảm phục những con người mang trong mình đức tính này. Những tình nguyện viên mang trên mình màu áo xanh tình nguyện, các mạnh thường quân không quản ngại khó khăn đến với vùng bão lũ hay đơn giản hơn là một cậu bé biết dành tiền ăn sáng tặng cho người hành khất…, đó đều là những bông hoa đẹp điểm tô cho vườn đời thêm rực rỡ. Tuy nhiên, vẫn có một số người sống ích kỉ, chỉ biết nhận lại chứ không biết cho đi. Họ chỉ biết đến lợi ích của bản thân mình mà không quan tâm đến người khác muốn gì, nghĩ gì, cần giúp đỡ gì. Đứng trước hiện tượng này, tất cả chúng ta cần học cách đồng cảm, sẻ chia với những người xung quanh từ những việc làm nhỏ nhất: gửi lời chào tới bố mẹ trước khi đi học, chúc người bạn cùng bàn một ngày tốt lành khi tới lớp… Như vậy, chắc chắn cuộc sống ý nghĩa hơn rất nhiều. Bởi đúng như một nhà văn Nga từng nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương của con người”.

4. Hỏi đáp về bài Củng cố, mở rộng Bài 3 Ngữ văn 10 tập 1 Kết Nối Tri Thức

Khi gặp bất cứ khó khăn gì trong việc tìm hiểu bài soạn này, các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF