Bài giảng nội dung và hình thức của văn bản văn học dưới đây sẽ giúp các em nắm được một số kiến thức trọng tâm của bài học trước khi đến lớp. Chúc các em chuẩn bị bài thật chu đáo trước khi bắt đầu bài học mới.
Tóm tắt bài
1.1. Các khái niệm về nội dung và hình thức trong văn bản văn học
a. Các khái niệm thường được coi là thuộc về mặt nội dung của văn bản văn học gồm
- Đề tài: Là lĩnh vực đời sống được nhà văn nhận thức, lựa chọn, khái quát, bình giá và thể hiện trong văn bản
- Chủ đề: Là vấn đề cơ bản được nêu ra trong văn bản. Nó là vấn đề được nhà văn quan tâm và thể hiện chiều sâu nhận thức của nhà văn đối với cuộc sống
- Tư tưởng: là sự lí giải đối với chủ đề đã nểu lên, là nhận thức của tác giả muốn trao đổi, nhắn gửi, đối thoại với người đọc
- Cảm hứng nghệ thuật: Là nội dung chủ đạo của văn bản. Nó là trạng thái tâm hồn, những cảm xúc được thể hiện đậm đà, nhuần nhuyễn trong văn bản sẽ truyền cảm, hấp dẫn người đọc. Qua cảm hứng nghệ thuật, người đọc sẽ cảm nhận được tư tưởng, tình cảm của tác giả nêu lên trong văn bản
b. Các khái niệm thường được coi là thuộc về mặt hình thức
- Ngôn từ
- Là yếu tố đầu tiên của văn bản văn học, là cơ sở vật chất của văn bản văn học, nhờ có chúng ta mới lần lượt tìm hiểu được từng tầng nghĩa của văn bản văn học
- Các chi tiết, sự việc, hiện tượng, nhân vật,... đều được xây dựng bằng ngôn từ. Ngôn từ biểu hiện trong câu, hình ảnh, giọng điệu
- Ngôn từ trong mỗi văn bản văn học cụ thể đều có cái chung mang tính quy ước của một cộng đồng dân tộc về cách dùng từ, đặt câu và diễn đạt... nhưng bao giờ cũng mang dấu ấn riêng của nhà văn
- Kết cấu
- là sự sắp xếp, tổ chức các thành tố của văn bản thành một đơn vị thống nhất, hoàn chỉnh và có ý nghĩa
- Thể loại
- Là những quy tắc tổ chức văn bản thích hợp với nội dung văn bản: thơ, tiểu thuyết, kịch, trường ca,...
1.2. Ý nghĩa quan trọng của nội dung và hình thức của văn bản văn học
- Văn bản văn học cần phải có sự thống nhất giữa nội dung và hình thức- thống nhất giữa nội dung tư tưởng cao đẹp và hình thức nghệ thuật hoàn mĩ
- Ý nghĩa thứ nhất: trong quá trình phân tích , ta không chỉ chú trọng nội dung mà bỏ rơi hình thức . Phân tích bao giờ cũng phải kết hợp giữa nội dung và hình thức .
- Ý nghĩa thứ hai: Trong đời sống văn chương có những văn bản đạt nội dung coi nhẹ hình thức và ngược lại .Chúng ta cần nhận biết điều này khi tìm hiểu và phân tích văn bản .
2. Soạn bài Nội dung và hình thức của văn bản văn học
Để nắm được những nội dung cần đạt về bài học này, các em có thể tham khảo thêm bài soạn tại đây: Bài soạn Nội dung và hình thức của văn bản văn học.
-- Mod Ngữ văn 10 HỌC247