Thạch Lam là một cây bút đặc sắc về văn xuôi của Việt Nam. Ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng trong đó có Dưới bóng hoàng lan kể về câu chuyện tình bà cháu trong khung cảnh làng quê bình dị. Bài học Dưới bóng hoàng lan - Thạch Lam thuộc sách Kết Nối Tri Thức dưới đây sẽ giúp các em có thêm nhiều kiến thức về tác phẩm, đồng thời hiểu cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc trong văn bản. Chúc các em học tập vui vẻ!
Tóm tắt bài
1.1. Tìm hiểu chung
1.1.1. Tác giả Thạch Lam
a. Tiểu sử
- Thạch Lam (1910-1942) tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh (sau đổi thành Nguyễn Tường Lân).
- Quê gốc ở tỉnh Quảng Nam, những sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Hồi nhỏ, ông từng sống tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
- Ông viết văn, làm báo và là một trong những cây bút chủ chốt của Tự lực văn đoàn – một tổ chức văn học đóng vai trò quan trọng trong quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam thập niên 30 – 40 của thế kỉ XX.
Thạch Lam (1910-1942)
b. Sự nghiệp sáng tác
- Tác phẩm của Thạch Lam thuộc nhiều thể loại, tiêu biểu có: Gió đầu mùa (tập truyện ngắn, 1937), Nắng trong vườn (tập truyện ngắn, 1938), Ngày mới (truyện dài, 1939), Theo giòng (bình luận văn học, 1941), Sợi tóc (tập truyện ngắn,1942), Hà Nội băm sáu phố phường (tập tuỳ bút, 1943),...
- Ngòi bút của Thạch Lam thường hướng về cuộc sống của những người dân nghèo nơi phổ huyện, ở ngoại ô Hà Nội, hay những tri thức bình dân, thể hiện niềm cảm thương kín đáo mà sâu sắc.
- Truyện của ông có cốt truyện đơn giản, lời văn trong sáng, giản dị, giàu chất thơ.
1.1.2. Tác phẩm Dưới bóng hoàng lan
a. Xuất xứ
Văn bản Dưới bóng hoàng lan nằm trong Tuyển tập Thạch Lam, NXB Văn học, Hà Nội, 1998.
Truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam (NXB Văn học)
b. Tóm tắt văn bản
Chuyện kể về một chàng trai tên Thanh mồ côi cha mẹ, sống với bà. Lớn lên Thanh ra tỉnh làm rồi đi về hàng năm vào các ngày nghỉ. Lần trở về này đã cách kỳ trước hai năm. Cũng như bao lần Thanh trở lại ngôi nhà cũ nhưng dường như ngôi nhà thân thuộc ấy phần nào lại khiến cho anh chàng cảm thấy hồi hộp bồi hồi đến kì lạ khiến chàng thấy cảm động quá. Thời gian như quay ngược lại, không gian đứng lặng. Phong cảnh vẫn y nguyên, gian nhà vẫn tịch mịch và bà chàng vẫn tóc bạc phơ và hiền từ. Trong cảnh bình yên và thong thả của chốn xưa, một hình ảnh tươi mát hiện lên. Khu vườn xưa hiện lên trước mắt anh chàng với con đường Bát Tràng. Hình ảnh những cô thiếu nữ xinh xắn trong tà áo trắng, mái tóc đen lánh buông trên cổ nhỏ, bên cạnh mái tóc bạc trắng của bà chàng cũng khiến chàng thanh niên trẻ xốn xang và hơi dao động phần nào. Chàng cảm thấy không gian náo nhiệt ồn ào ngoài kia như đang dừng lại trên bậc cửa. Về quê sao ta có một cảm giác thanh bình yên ổn đến thế ta dường như không còn vướng bận bất cứ điều gì của cuộc sống nhộn nhịp ngoài kia mà chỉ còn biết thả hồn vào thiên nhiên và cảnh vật.
1.2. Đọc hiểu văn bản
1.2.1. Tâm trạng của Thanh khi trở về với không gian thân thuộc
Tâm trạng của Thanh khi trở về với không gian thân thuộc:
- Tâm trạng vui sướng, hạnh phúc, có cảm giác quen thuộc như chưa bao giờ rời xa nhà.
- Tâm trạng của Thanh cũng như tâm trạng của bao người con xa quê mỗi khi về thăm nhà, một tâm trạng khó nói thành lời.
1.2.2. Biểu hiện tình cảm của Nga và Thanh
- Hành động: Thanh dắt tay Nga ra vườn xem; Thanh với cành hoa hoàng lan xuống thấp để Nga tìm hoa.
- Lời nói: “Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá” - lời nói tâm tình, nhẹ nhàng của Nga đã thể hiện nỗi nhớ đến Thanh mỗi khi đến hái hoa.
- Tâm trạng: Tâm trạng hạnh phúc nhưng vẫn chứa sự buồn thương khi Nga và Thanh vừa gặp nhau, vừa thể hiện tình cảm với nhau thì lại sắp phải xa nhau.
=> Từ những biểu hiện tình cảm của Nga và Thanh qua hành động, lời nói, tâm trạng cho thấy hai người đều nhớ thương nhau trong những ngày Thanh xa nhà, nhớ về những kỉ niệm hồi còn bé và tình cảm họ dành cho nhau vẫn thắm thiết như ngày nào.
1.2.3. Sự đan xen giữa lời của người kể chuyện và lời độc thoại nội tâm của nhân vật
- Lời của người kể chuyện là những câu hỏi gợi mở cảm xúc của nhân vật, mở ra diễn biến tiếp theo của câu chuyện, còn lời độc thoại nội tâm chính là câu hỏi nghi vấn mà Thanh tự hỏi bản thân mình, là suy nghĩ bên trong của Thanh.
- Lời của người kể chuyện và lời độc thoại nội tâm của nhân vật có sự xen kẽ với nhau, người đọc dễ bị nhầm lẫn hai câu với nhau và có thể hiểu sai dụng ý của tác giả.
- Sự đan xen hai lời kể, lời nói góp phần làm rõ hơn về tâm trạng của Thanh, gợi sự tò mò về người mà Thanh nghe tiếng thấy quen và từ đó mở ra diễn biến tiếp theo của câu chuyện.
1.3. Tổng kết
1.3.1. Về nội dung
Đoạn trích Dưới bóng hoàng lan thông qua câu chuyện của nhân vật Thanh nhân một lần trở về nhà, thăm bà, gặp lại những người anh luôn yêu thương, tôn trọng. Qua đó thể hiện nỗi nhớ quê hương gợi ra từ cảnh vật bình dị, thân quen và tình cảm gia đình bà cháu thiết tha luôn đau đáu trong lòng nhân vật.
1.3.2. Về nghệ thuật
- Văn bản mang đậm chất thơ
- Hình ảnh mang tính chất biểu tượng trữ tình – hình ảnh cây hoàng lan và người bà
- Từ tượng thanh, tượng hình sử dụng linh hoạt
Bài tập minh họa
Bài tập: Đọc đoạn trích và trả lời các câu hỏi
Ngoài khung cửa sổ, trời xanh ngắt ánh sáng; lá cây rung động dưới làn gió nhẹ. Một thân cây vút cao lên trước mặt. Cùng một lúc, chàng lẩm bẩm: "cây hoàng lan!", mùi hương thơm thoang thoảng đưa vào. Thanh nhắm mắt ngửi hương thơm và nhớ đến cái cây ấy chàng thường hay chơi dưới gốc nhặt hoa. Ðã từ lâu lắm, ngày mới có căn nhà này, ngày cha mẹ chàng hãy còn. Rồi đến ngày một bà một cháu quấn quít nhau.
(Trích Dưới bóng hoàng lan - Thạch Lam)
a. Tìm các từ tượng hình có trong đoạn trích.
b. Nêu tác dụng của các từ tượng hình đó.
c. Nêu nội dung đoạn trích.
Hướng dẫn giải:
- Đọc kĩ câu văn phần đã cho
- Đặt câu văn vào bối cảnh văn bản để rút ra nội dung đoạn trích
- Chú ý các từ tượng thanh
Lời giải chi tiết:
a. Từ tượng hình: xanh ngắt, vút cao, quấn quýt, rung động
c. Từ tượng hình làm hình ảnh của sự vật có hồn, sinh động và hiện hữu cụ thể trước mắt người đọc, người nghe. Khung cảnh thanh bình đi vào lòng người như một miền kí ức chứa chan bao tình cảm.
d. Đoạn trích là nỗi nhớ nhung được gợi ra từ cảnh vật bình dị, thân quen trong nhân vật Thanh. Khung cảnh ấy là tình yêu quê hương, là tình cảm gia đình thiết tha luôn đau đáu trong lòng nhân vật.
Lời kết
- Học xong bài Dưới bóng hoàng lan, các em cần:
+ Phân tích được tâm trạng nhân vật Thanh khi về lại chốn cũ
+ Cảm nhận được tình cảm của Nga và Thanh
+ Phân tích ý nghĩa văn bản
Soạn bài Dưới bóng hoàng lan - Thạch Lam Ngữ văn 10 KNTT
Văn bản Dưới bóng hoàng lan thể hiện tình cảm gia đình sâu sắc cùng những kỉ niệm về tình bà cháu của nhân vật Thanh. Nhằm giúp các em hiểu hơn về bài soạn này, các em có thể tham khảo thêm bài soạn dưới đây:
Hỏi đáp bài Dưới bóng hoàng lan - Thạch Lam Ngữ văn 10 KNTT
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
Một số bài văn mẫu về Dưới bóng hoàng lan - Thạch Lam
Tác phẩm Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam cho ta cảm nhận về tuổi thơ với người bà ấp áp với hình ảnh quê hương gần gũi đậm đà thân thương của nhân vật Thanh. Để hiểu hơn về bài học này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:
-- Mod Ngữ văn 10 HỌC247