Đất nước ta có rất nhiều loại hình sân khấu cổ truyền, trong đó phải kể đến tuồng, chèo, cải lương,...Mỗi loại hình lại có những đặc trưng và ý nghĩa riêng của nó. Qua Bài 5: Tích trò sân khấu dân gian, các em đã được phân tích đặc điểm của chèo, tuồng, múa rối nước, đồng thời nắm được các yêu cầu khi viết báo cáo về một vấn đề văn hóa truyền thống Việt Nam. Nhằm giúp các em hệ thống toàn bộ kiến thức trên, HOC247 đã biên soạn bài học Củng cố, mở rộng Bài 5 thuộc sách Kết Nối Tri Thức dưới đây. Chúc các em học tập vui vẻ!
Tóm tắt bài
1.1. Ôn lại thể loại chèo
- Chèo là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền Việt Nam, mang tính quần chúng và được coi là loại hình sân khấu của hội hè với đặc điểm sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình.
- Chèo được hình thành từ thế kỷ 10, dưới thời nhà Đinh khi vua Đinh Tiên Hoàng trị vì Kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) là đất tổ của sân khấu chèo, người sáng lập là bà Phạm Thị Trân, một vũ ca tài ba trong hoàng cung đã được nhà vua phong chức quan Ưu Bà chuyên truyền dạy nghề múa hát.
- Các vở chèo nổi tiếng như Lưu Bình - Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính,...
Trích cảnh vở chèo Quan Âm Thị Kính Nhà hát Chèo Việt Nam (Hà Nội)
1.2. Ôn lại thể loại tuồng
- Tuồng (hay còn gọi là luông tuồng, hát bộ, hát bội) là một loại hình nhạc kịch thịnh hành tại Việt Nam
- Tuồng mang theo âm hưởng hùng tráng với những tấm gương nhân vật tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc, chất bi hùng là một đặc trưng thẩm mỹ của nghệ thuật tuồng.
- Có thể nói tuồng là sân khấu của những người anh hùng... Loại hình này khác biệt với cải lương xã hội, cải lương Hồ Quảng (cải lương tuồng cổ), thoại kịch, opera,...là những hình thức diễn xướng sân khấu mới ra đời trễ và được chuộng hơn.
Một trích đoạn tuồng cổ do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam biểu diễn
1.3. Ôn tập viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề văn hóa truyền thống Việt Nam
Yêu cầu khi viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề văn hóa truyền thống Việt Nam
- Nêu được vấn đề muốn nghiên cứu về sân khấu dân gian Việt Nam.
- Biết sử dụng những phương pháp nghiên cứu phù hợp.
- Xây dựng được hệ thống luận điểm sáng rõ; làm nổi bật được các kết quả nghiên cứu với những cứ liệu minh hoạ cụ thể, sát hợp.
- Sử dụng ngôn ngữ khách quan, khoa học để trình bày kết quả nghiên cứu và thể hiện quan điểm đánh giá riêng.
- Khái quát được ý nghĩa của vấn đề sân khấu dân gian đã chọn nghiên cứu.
- Thể hiện được thái độ trung thực khi kế thừa kết quả nghiên cứu của những người khác.
Bài tập minh họa
Bài tập: Hãy thuyết minh về một loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền mà em yêu thích.
Hướng dẫn giải:
- Có thể dựa vào lý thuyết bài học về chèo và tuồng để viết
- Tham khảo các tư liệu sách báo, internet để hiểu hơn về các loại hình nghệ thuật
- Kết hợp những hiểu biết, trải nghiệm của bản thân để bài viết chân thực hơn
Lời giải chi tiết:
Loại hình nghệ thuật truyền thống tuồng.
Tuồng là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền đặc sắc của Việt Nam được hình thành trên cơ sở ca vũ nhạc và các trò diễn xướng dân gian vốn có từ lâu đời và rất phong phú của dân tộc Việt Nam.
Theo một số tư liệu thì tuồng ảnh hương của hí khúc (Trung Quốc) do quân lính nhà Nguyên bị giữ làm tù binh dưới thời nhà Trần (thế kỉ XIII) biểu diễn. Nhưng tuồng Việt Nam có nét riêng của nó. Lúc đầu, tuồng chỉ xuất hiện ở miền Bắc, sau đó theo binh lính chúa Nguyễn vào Đàng Trong và phát triển cực thịnh ở đó. Tuồng phát triển mạnh vào thế ki XVII - XVIII.
Sang triều Nguyễn (thế kỉ XIX), tuồng vẫn giữ vị trí xứng đáng trong đời sống văn hoá ở cung đình và trong dân dã.Nghệ thuật tuồng được phân loại thành tuồng thầy (mẫu mực), tuồng ngự (cho vua xem), tuồng cung đình (diễn trong hoàng cung), tuồng pho (nhiều hồi diễn nhiều đêm), tuồng đồ (phóng tác, không có trong sử sách), tuồng tân thời (chuyển thể từ các tiểu thuyết).
Nhưng tựu chung có thể chia làm hai loại tuồng kinh điển và tuồng dân gian. Ngày nay có ba lưu phái tuồng: Bắc Bộ, Nam Bộ và Trung Bộ. Tuồng Trung Bộ phong phú và mang màu sắc dân tộc hơn cả. Bình Định là cái nôi của tuồng, trở thành đất tuồng với các tên tiêu biểu sau này: Đào Tấn, Nguyễn Hiển Dĩnh...
Khác với các loại hình sân khấu khác như chèo, cải lương..., tuồng có nội dung mang theo âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc, chất bi hùng là một đặc trưng thẩm mỹ của tuồng.
Lực lượng chính nghĩa, trong những tình huống gian khổ, hiểm nguy, đã chiến đấu vô cùng dũng cảm với một tín niệm sắt đá, thủy chung, với một khát vọng rất lớn. Họ chiến đấu cho một lí tưởng tuyệt đối (phục nghiệp cho dòng vua cũ) và bằng một lòng trung thành vô hạn độ. Cuộc chiến đấu của họ đã diễn ra đầy khí thế hào hùng, gây xúc cảm thẩm mỹ mạnh mẽ.
Có thể nói, tuồng là sân khấu của những người anh hùng. Chúng ta thấy nổi lên trong loại tuồng này là những nhân vật đầy nghĩa khí, thủy chung, chịu đựng và vượt qua mọi gian khổ hiểm nguy, hi sinh tất cả, suốt đời chiến đấu cho một lí tưởng lớn. Đạo đức được ca ngợi ở đây là tinh thần chiến đấu không khoan nhượng với kẻ thù, là tinh thần bền bỉ theo đuổi niềm tin chính nghĩa, tinh thần vị tha cao cả.
Nội dung đạo đức ấy tất nhiên sẽ có sức sống dài lâu trong nhân dân vì nó chứa đựng tính nhân dân.Hát tuồng là nghệ thuật mang nặng tính ước lệ. Các diễn viên hát bội phân biệt từ mặt mũi, râu tóc, áo quần để rõ kẻ trung nịnh, người sang hèn, ai thô lậu, thanh tú, ai minh chánh, gian tà. Sắc đỏ được dùng dặm mặt để biểu hiện vai trung thần; màu xám là nịnh thần; màu đen là kẻ chân thật; màu lục là hồn ma. về y trang thì võ tướng khi ra trận mặc võ giáp có cắm cờ lệnh sau lưng.
Vua mặc áo thêu rồng; hậu phi mặc áo thêu phượng. Đào mặc áo lụa trắng đóng vai tiểu thơ đài các còn lụa đỏ dành cho cô dâu, v.v... Ngôn ngữ ca ngâm của tuồng thường dùng giọng thật to, thật cao và rõ. Điệu hát quan trọng nhất trong hát bội là "nói lối", tức là nói một lúc rồi hát, thường đế mở đầu cho các khúc hát khác.
"Nói lối" có hai giọng chính là "Xuân" và "Ai". "Xuân" là giọng hát vui tươi, còn "Ai" là bi thương, ảo não. Nói lối giọng Ai còn được gọi là "lối rịn". Ngoài ra còn có những "lôi hằng", "lối hường", "lối giậm". Hát thì có những điệu "Nam", "Khách", "thán", "oán", và "ngâm".
Hiện nay, nghệ thuật tuồng truyền thống của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc phục hồi và phát triển, nhưng Chính phủ và các ngành hữu quan ở Việt Nam đang có những nỗ lực nhằm bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống này trên tinh thần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn những cái hay cái đẹp do cha ông để lại.
Nghệ thuật tuồng - một loại hình sân khấu độc đáo của Việt Nam ẩn chứa những giá trị văn hoá, tinh thần của dân tộc, những giá trị nghệ thuật mang tính chất bền vững, đã, đang và sẽ còn là những người bạn tri âm, tri kỉ của các tầng lớp nhân dân Việt Nam.
Lời kết
- Học xong Củng cố, mở rộng Bài 5, các em cần:
+ Nắm được khái niệm, đặc điểm của thể loại chèo, tuồng
+ Nắm được quy trình và yêu cầu khi viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề văn hóa truyền thống Việt Nam
Soạn bài Củng cố, mở rộng Bài 5 Ngữ văn 10 KNTT
Bài học Củng cố, mở rộng bài 5 nhằm hệ thống hóa lại những kiến thức đã học trong Bài 5: Tích trò sân khấu dân gian. Từ đó, các em có thể áp dụng viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề văn hóa truyền thống Việt Nam cụ thể. Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn dưới đây:
Hỏi đáp bài Củng cố, mở rộng Bài 5 Ngữ văn 10 KNTT
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 10 HỌC247