Qua Bài 4: Sức sống của sử thi, các em đã được phân tích một số đặc điểm của sử thi các văn bản nghị luận cụ thể, đồng thời nắm được các yêu cầu khi viết báo cáo về một vấn đề xã hội. Nhằm giúp các em hệ thống toàn bộ kiến thức trên, HOC247 đã biên soạn bài học Củng cố, mở rộng Bài 4 thuộc sách Kết Nối Tri Thức dưới đây. Chúc các em học tập vui vẻ!
Tóm tắt bài
1.1. Ôn lại thể loại sử thi
- Sử thi là tác phẩm tự sự dân gian có quy mô lớn, sử dụng ngôn ngữ có vần, nhịp, xây dựng những hình tượng nghệ thuật hoành tráng, hào hùng để kể về một hoặc nhiều biến cố lớn diễn ra trong đời sống cộng đồng của cư dân thời cổ đại.
- Nội dung của sử thi có tính rộng lớn, kể về sự kiện trọng đại của quá khứ, biểu hiện toàn bộ đời sống văn hóa, lịch sử của cộng đồng, thể hiện quá trình vận động của tộc người đó qua các giai đoạn khác nhau.
- Nghệ thuật: sử thi là những câu chuyện kể văn xuôi xen lẫn văn vần, có sử dụng các yếu thành ngữ, tục ngữ, những từ ngữ cổ, hình thức nghệ thuật ngôn từ dân gian.
- Phân loại: sử thi có 3 loại:
+ Sử thi anh hùng dân gian
+ Sử thi cổ điển
+ Sử thi anh hùng
1.2. Ôn lại cách viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề
1.2.1. Kiểu bài
- Báo cáo nghiên cứu là văn bản trình bày kết quả nghiên cứu về một vấn đề dựa trên các dữ liệu khách quan, chính xác, đáng tin cậy.
- Viết báo cáo nghiên cứu là một hoạt động thực hành giúp bạn phát triển kĩ năng tìm hiểu, khám phá về đời sống xã hội và tự nhiên (con người, sự kiện, địa điểm, môi trường,...) qua tư liệu thu thập được và trình bày kết quả tìm hiểu, khám phá đó.
- Vấn đề nghiên cứu có thể là một vấn đề đời sống hoặc một vấn đề gợi ra từ tác phẩm văn học mà bạn đã đọc.
1.2.2. Yêu cầu khi viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề
- Nêu được đề tài và vấn đề nghiên cứu được đặt ra trong báo cáo.
- Trình bày được kết quả nghiên cứu thông qua hệ thống các luận điểm sáng rõ, thông tin xác thực.
- Khai thác được các nguồn tham khảo chính xác, đáng tin cậy, sử dụng các trích dẫn, cước chủ và phương tiện hỗ trợ phù hợp, thể hiện sự minh bạch trong việc kế thừa những kết quả nghiên cứu đã có.
- Có danh mục tài liệu tham khảo ở cuối báo cáo.
Bài tập minh họa
Bài tập: Dựa vào văn bản Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời, em hãy tìm những yếu tố kì ảo trong văn bản và nêu tác dụng của chúng.
Hướng dẫn giải:
- Đọc kĩ lại văn bản đã cho, liệt kê những yếu tố kì ảo.
- Chú ý tác dụng của yếu tố kì ảo với đặc điểm của sử thi.
Lời giải chi tiết:
Các yếu tố kì ảo khi nói về nhân vật Đăm Săn:
- Chàng giậm chân trên sàn sân, hai lần sàn sân làm như vỗ cánh, bảy hàng cột nhà chao qua chao lại từ đông sang tây
- Chàng giắt chà gạc lên, rồi ngồi xuống, trông nghênh nghênh như con rắn trong hang, ngang ngang như con cọp trong đầm, như con tê giác trong thung
- Chàng nói nói cười cười, tiếng oang oang như sấm gầm sét dậy
Tác dụng: Việc đưa các yếu tố kì ảo khi nói về nhân vật Đăm Săn giúp tô đậm sức mạnh của nhân vật và tăng tính phiêu lưu trong cốt truyện làm cho đặc điểm sử thi trong văn bản thể hiện rõ nét.
Lời kết
- Học xong Củng cố, mở rộng Bài 4, các em cần:
+ Nắm được khái niệm, đặc điểm của thể loại sử thi
+ Nắm được quy trình và yêu cầu khi viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề cụ thể
Soạn bài Củng cố, mở rộng Bài 4 Ngữ văn 10 KNTT
Bài học Củng cố, mở rộng bài 4 nhằm hệ thống hóa lại những kiến thức đã học trong Bài 4: Sức sống của sử thi. Từ đó, các em có thể áp dụng viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề cụ thể. Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn dưới đây:
Hỏi đáp bài Củng cố, mở rộng Bài 4 Ngữ văn 10 KNTT
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 10 HỌC247