YOMEDIA
NONE

Phân tích nhân vật ông Ngư trong đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn.

Phân tích nhân vật ông Ngư trong đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn.

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (1)

  • "Chở bao đạo thuyền không khẳm

    Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà"

    Với quan điểm sáng tác văn chương tiến bộ, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã đem đến cho nền văn học trung đại Việt Nam các tác phẩm có giá trị về những bài học đạo lí. Truyện thơ "Lục Vân Tiên" là một trong những sáng tác tiêu biểu thể hiện rõ điều này. Được xây dựng trên nền tảng luân lí cổ truyền bao gồm những phẩm chất như "nhân, nghĩa, lễ, trí, tín", tác phẩm đã truyền tải nhiều bài học lớn về tư tưởng nhân nghĩa tỏa sáng. Bên cạnh nhân vật trung tâm là Lục Vân Tiên, Ngư ông cũng là một nhân vật để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Thông qua đoạn trích "Lục Vân Tiên gặp nạn", Ngư ông hiện lên với vẻ đẹp nhân nghĩa thông qua việc làm nhân nghĩa cùng nhân cách cao cả và cuộc sống vô cùng thanh cao.

    Mặc dù rơi vào hoàn cảnh mù lòa và bơ vơ nơi đất khách quê người nhưng Lục Vân Tiên vẫn tiếp tục rơi vào kiếp nạn khi bị Trịnh Hâm hãm hại. Do lòng đố kị, ghen ghét và tâm địa độc ác, bất tín, bất nhân và bất nghĩa Trịnh Hâm đã mưu tính và lên kế hoạch xô ngã Vân Tiên "ngay xuống vời". Nhân vật Ngư ông đã xuất hiện và cứu Vân Tiên thoát khỏi kiếp nạn đầy nguy hiểm này:

    "Ông chài xem thấy vớt ngay lên bờ

    Hối con vầy lửa một giờ

    Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt mày"

    Những hành động cứu người đầy khẩn trương và dứt khoát, không chút đắn đo, suy tính của Ngư ông và gia đình như "vớt ngay lên bờ", "Hối con vầy lửa", "Ông hơ bụng dạ" và "mụ hơ mặt mày" đã thể hiện tình cảm chân thành, không hề vụ lợi của những người cứu giúp đối với người gặp nạn. Không chỉ dừng lại ở đó, hành động cứu giúp Vân Tiên của gia đình Ngư ông còn cho thấy đó là sự tự nguyện và xuất phát từ tấm lòng yêu thương con người - một truyền thống mang tính nhân đạo vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta. Hành động "Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp" đó đã được miêu tả chân thực và mộc mạc qua lớp ngôn từ giản dị, không trau chuốt và mang đậm phong vị Nam Bộ. Và rồi khi hiểu rõ hơn nữa hoàn cảnh của Lục Vân Tiên, dù chỉ là một gia đình quanh năm sống với nghề chài lưới nhưng Ngư ông vẫn mở lòng để cưu mang một con người trong cảnh hoạn nạn:

    Ngư rằng: "Ngươi ở cùng ta

    Hôm mai hẩm hút với già cho vui"

    Hành động cứu người diễn ra đầy dứt khoát thì câu nói chan chứa sự cưu mang đối với một con người mù lòa như Lục Vân Tiên đã một lần nữa khẳng định nhân cách cao đẹp của người ngư phủ này. Đó còn là sự tự nguyện, sẵn sàng chăm sóc những mảnh đời đang hoạn nạn mà không hề mong nhận lại điều gì:

    Ngư rằng: "Lòng lão chẳng mơ

    Dốc lòng nhơn nghĩa há chờ trả ơn

    Nước trong rửa sạch ruột trơn

    Một câu danh lợi chi sờn lòng đây"

    Câu nói về quan niệm nhân nghĩa của ngư ông khiến chúng ta liên tưởng đến nụ cười hồn nhiên và vô tư của Lục Vân Tiên khi Kiều Nguyệt Nga muốn lạy tạ đền ơn cứu mạng:

    Vân Tiên nghe nói liền cười:

    "Làm ơn há dễ trông người trả ơn"

    Câu nói "Dốc lòng nhơn nghĩa há chờ trả ơn" của Ngư ông và "Làm ơn há dễ trông người trả ơn"của Lục Vân Tiên có sự tương đồng và gặp gỡ nhau ở tư tưởng "trọng nghĩa khinh tài": Giúp đỡ người khác không mưu cầu được đền đáp, như thế mới xứng đáng với bậc trượng phu.

    Qua những hành động cứu người dứt khoát và đồng cảm, muốn cưu mang Lục Vân Tiên, chúng ta có thể phần nào hiểu được cuộc sống thanh cao của người ngư phủ lương thiện:

    "Rày dai mai vịnh vui vầy

    Ngày kia hứng gió, đêm này chơi trăng

    Một mình thong thả làm ăn

    Khỏe quơ chài kéo, mệt quăng câu dầm"

    Tuy chỉ là người ngư dân nhưng Ngư ông lại hiện lên trong tâm thế của một ẩn sĩ với lối sống vô cùng thanh cao, hòa hợp cùng thiên nhiên với những thú vui tao nhã "hứng gió" và "chơi trăng". Cuộc sống của người lao động lương thiện cứ thế trôi qua trong sự ung dung "Khỏe quơ chài kéo, mệt quăng câu dầm". Trên chiếc thuyền nan nhỏ bé, cuộc sống cần cù, tự chủ, thanh bạch cứ thế diễn ra và gắn bó chặt chẽ với những tư tưởng nhân nghĩa cao đẹp.

    Như vậy, nhân vật Ngư ông đã được khắc họa và tái hiện thông qua hành động và ngôn ngữ - cách miêu tả nhân vật quen thuộc trong thi pháp văn học trung đại, tạo nên một hình tượng nhất quán và đẹp đẽ về tính cách: Hành động cứu người mạnh mẽ dứt khoát, không chút do dự và lời nói thẳng thắn, cương trực cùng cuộc sống thanh cao cùng thiên nhiên, sông nước, không toan tính thiệt - hơn, được - mất. Bức chân dung của Ngư ông còn được tái hiện nhờ ngôn ngữ thơ giản dị và mộc mạc, rất gần gũi với ngôn ngữ trong ca dao, dân ca và mạng đậm "chất Nam Bộ".

    Thông qua vẻ đẹp về nhân cách cao cả và cuộc sống thanh cao của nhân vật Ngư ông, chúng ta càng hiểu rõ hơn về quan niệm sáng tác và tâm hồn của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Tuy sống trong hoàn cảnh mù lòa, nhưng ông vẫn giữ được và ngời sáng cốt cách cao đẹp. Qua hình tượng nhân vật Ngư ông, chúng ta cũng thấy được thái độ quý trọng và niềm tin của nhà thơ vào nhân cách của những người dân lao động thật thà, chất phác trong thời buổi loạn li và lưu lạc.

      bởi thúy ngọc 16/01/2020
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON