YOMEDIA
NONE

Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích để thấy rằng: Nguyễn Du đã dựng nên một bức tranh tâm tình đầy xúc động.

Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích để thấy rằng: Nguyễn Du đã dựng nên một bức tranh tâm tình đầy xúc động.

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (1)

  • Truyện Kiều là một trong những tác phẩm thơ ca đặc sắc và tiêu biểu nhất cho văn học chữ Nôm của Việt Nam. Tác phẩm là lời thương cảm sâu sắc của Nguyễn Du dành cho những số phận bất hạnh của cuộc đời. Ông cũng đã thành công ở nhiều phương diện khi xây dựng lên tính cách, tâm trạng của nhân vật qua lời nói, hành động. Đặc biệt trong đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích", có ý kiến đã nhận định rằng "Nguyễn Du đã xây dựng lên một bức tranh tâm tình xúc động qua hình ảnh của nàng Kiều".

    Thúy Kiều sau khi bán mình cứu cha, nàng những tưởng mình bị bán đi làm vợ lẽ cho người ta. Nào ngờ rằng nàng đã bị Mã Giám Sinh lừa gạt, làm nhục rồi bán cho Tú Bà buôn phấn bán hương. Rơi vào nanh vuốt của mụ buôn thịt người, quá uất ức và đau khổ, Kiều quyết định liều mình tự sát, cứu vớt chút danh dự cuối cùng cho bản thân. Thế nhưng, nàng lại được Tú Bà cứu sống chỉ vì không muốn mất đi một món hời lớn. Tú Bà đã dụ dỗ Kiều tới ở lầu Ngưng Bích với lời hứa sẽ tìm chỗ tử tế để gả nàng đi. Tại đây, nàng sống những ngày tháng buồn bã, đầy đau khổ và tủi nhục, thương nhớ người yêu, thương nhớ mẹ cha ở quê nhà. Đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích" chính là đoạn trích miêu tả tâm trạng của nàng trong những ngày tháng sống tại đây. Bằng bút pháp tài hoa của mình, Nguyễn Du thực sự đã dựng xây lên một bức tranh tâm tình đầy xúc động, đúng như nhận định trên. Cảnh vật trong đoạn trích cũng bị nhuốm một màu hiu hắt, đìu hiu, gợi lên mối sầu cô đơn trong lòng nàng Kiều tội nghiệp.

    Thúy Kiều sinh trưởng trong một gia đình gia giáo, được sống trong không khí đầm ấm, dịu êm của gia đình, lại đang say trong hạnh phúc cùng chàng Kim Trọng, ai ngờ đâu nàng lại lỡ sa chân vào vòng xoáy đen bạc của cuộc đời. Nàng bị Mã Giám Sinh rồi Sở Khanh lừa gạt một cách trắng trợn, bị đánh đập, bị xúc phạm, bị làm nhục, tất cả những gì đau khổ nhất dường như đổ lên người nàng cùng một lúc. Tâm hồn nàng, thể xác nàng bị dày vò, bị chà đạp, bị giày xéo bởi những thế lực đen tối đến mức nàng chỉ muốn tìm đến cái chết để giải thoát cho mình. Thế nhưng, đúng là cuộc đời muốn vần xoay nàng khiến nàng chết cũng không được, nàng được Tú Bà cứu sống rồi đưa đến lầu Ngưng Bích để giam lỏng. Những ngày tháng ở đây, nơi đất khách quê người, không một ai thân thích, Kiều hoàn toàn cô đơn, bất lực, đau xót. Nàng chỉ biết bầu bạn cùng những cảnh vật bên mình, gửi gắm vào chúng những tâm tình đầy đau khổ vì quanh nàng chẳng có lấy một ai cho nàng sẻ chia. Nhưng Nguyễn Du, ông đã vô cùng thấu hiểu nàng khi luôn theo sát bước chân nàng, là người phía sau miêu tả và thấu hiểu những nỗi tâm tư trăm đường tơ vò của Thúy Kiều - người phụ nữ tài sắc vẹn toàn mà ông trân trọng, yêu quý nhất.

    Đọc đoạn trích, ở ngay những câu đầu tiên, người ta đã nhận ngay ra cái hoàn cảnh và tâm trạng đầy đau khổ của Kiều hiện lên trong từng câu chữ, từng chút cảnh vật xung quanh:

    "Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân

    Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung

    Bốn bề bát ngát xa trông

    Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia

    Bẽ bàng mây sớm đèn khuya

    Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng"

    Những người thân yêu với Kiều giờ đây đang ở một nơi phương xa, chỉ còn mình Thúy Kiều sống giữa bầy lang sói Tú Bà, Sở Khanh, ... thế nên với nàng, một cảnh núi xa, một tấm trăng gần cũng trở thành người bạn tri kỷ, chia sẻ nỗi niềm cùng nàng. Cảnh vật ở lầu Ngưng Bích hiện lên thật rõ ràng chỉ bằng vài nét miêu tả chấm phá tài hoa của Nguyễn Du. Trước lầu ấy có núi non bát ngát, có trăng, có bụi hồng, cồn cát, ... Cảnh đẹp là thế nhưng ngôi lầu như chiếc lồng son đã khóa chặt bước chân của Kiều. Đây là sự giam lỏng mà Tú Bà dành cho Kiều trước khi dùng âm mưu khác buộc Kiều phải tiếp khách. Lầu Ngưng Bích đã "khóa xuân" tức là khóa chặt tuổi xuân của Kiều, khóa chặt những nỗi thương nhớ, tình yêu, hy vọng, thanh xuân của nàng. Cảnh vật hiện lên thật đẹp, thật mênh mông rộng lớn, thế nhưng, giữa mênh mông đó chỉ có mình Kiều. Chỉ có mình nàng cô đơn giữa chốn đây, đìu hiu, hoang vắng. Nguyễn Du đã mượn cảnh vật để Kiều nói lên tâm trạng của mình:

    "Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung

    Bốn bề bát ngát xa trông

    Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia"

    Có cảnh vật đấy, có cảnh sắc đấy, "bát ngát" mênh mông đấy, thế nhưng lại chẳng có ai cho nàng thổ lộ, chia sẻ nỗi niềm trong lòng. Cảnh vật càng tĩnh lặng lại càng làm nổi bật lên nỗi cô đơn đau xót của nàng khi phải ở một mình nơi đất khách. Gần là núi, là trăng, xa xa là cồn cát vàng đang tung lên những bụi phấn hồng, thế nhưng sao mà lạnh lẽo, thê lương tới nhường ấy! Mọi cảnh vật ở đây đều ngổn ngang, đều mù mịt như chính tâm trạng và tương lai của nàng vậy. Bút pháp tả cảnh ngụ tình đã phát huy tối đa tác dụng của mình khi miêu tả cảnh vật nhưng lại giấu trong đó bao nhiêu là nỗi niềm của người con gái xa quê tội nghiệp. Tả cảnh xung quanh nhưng cũng là tả những phút giây tâm trạng cô đơn, ngổn ngang suy nghĩ của Kiều. Cô đơn, đau xót là vậy, nghĩ tới thân phận của mình, cõi lòng của Kiều lại càng thêm xót xa hơn:

    "Bẽ bàng mây sớm đèn khuya

    Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng"

    "Bẽ bàng" - sự tủi nhục, đau khổ, hổ thẹn của Kiều khi nàng hết bị Mã Giám Sinh làm nhục rồi lại phải chịu cảnh bước chân vào một nơi chốn xa lạ, xấu xa, bẩn thỉu. Nàng cảm thấy thật xấu hổ, thật đau đớn tủi nhục biết bao khi chính mình phải chịu kiếp làm thân kỹ nữ mà muôn người cười chê. Bị giam lỏng ở đây, hết tối lại sáng, rồi lại lặp lại vòng xoay ấy, Thúy Kiều chỉ có thể ở lại đây, thui thủi, lẻ loi một mình. Không gian vắng lặng xung quanh bủa vây lấy nàng, vây hãm nàng.

    Chính trong những lúc cô đơn buồn bã nhất, nàng lại lặng mình hồi tưởng, âm thầm gạt những giọt lệ khi nghĩ về quá khứ êm đềm ngày xưa. Nàng nhớ về người mình yêu, về những phút giây đầu tiên khi say trong men nồng của hạnh phúc lứa đôi lần đầu nàng bắt gặp. Nàng cũng nhớ về đêm trăng mình cùng tình lang hẹn hò, thề nguyền đôi lứa mãi mãi bên nhau. Nỗi nhớ người yêu bùng lên trong lòng Kiều khiến nàng càng thêm xót xa vô tận:

    "Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

    Tin sương luống những rày trông mai chờ

    Bên trời góc bể bơ vơ

    Tấm son gột rửa bao giờ cho phai"

    Hạnh phúc mà nàng có được trong đêm nàng băng tường vượt rào đến với chàng Kim thật khiến nàng không khỏi bồi hồi khi nhớ lại. Những phút giây hạnh phúc nâng chén rượu dưới ánh trăng để hẹn thề, giờ nhớ lại thật là đau xót biết bao. "Tưởng" được Nguyễn Du đặt ngay đầu câu thơ khiến chúng ta như cảm thấy rằng hình ảnh của đôi trai tài gái sắc ấy hiện ra ngay trước mắt. Hay phải chăng chính Kiều cũng đang sống lại trong phút giây ấy trong sự hồi tưởng:

    "Vầng trăng vằng vặc giữa trời

    Đinh ninh hai miệng một lời song song"

    Nàng cũng hình dung thấy rằng ở Lưu Dương cách trở xa xôi kia chàng Kim Trọng vẫn ngày ngày ngóng trông tin tức của nàng, mong ngóng nàng "rày trông mai chờ" trong vô vọng. Nguyễn Du đã đặt ở đây những lời độc thoại từ sâu thẳm bên trong trái tim nàng. Đó là tiếng nói thổn thức của một trái tim yêu hướng về mối tình đầu còn dang dở của mình. Nàng đang nhớ người yêu tha thiết biết nhường nào! Chén rượu thề nguyền hôm đó vẫn còn đọng nguyên hương vị trong trái tim của nàng và nàng biết dù có đi xa, có cách trở chân trời "chân trời góc bể bơ vơ" thì trong lòng nàng, mối tình ấy vẫn vẹn nguyên, trong sáng. "Tấm son" - tình yêu đầu tiên trong lòng nàng sẽ không bao giờ nhạt phai.

    "Chân trời góc bể bơ vơ

    Tấm son gột rửa bao giờ cho phai"

    Nghĩ tới tình lang Kim Trọng đang mòn mỏi mong ngóng tin tức của nàng, trong lòng nàng lại chợt dâng lên dạt dào nỗi nhớ cha mẹ:

    "Xót người tựa cửa hôm mai

    Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ

    Sân Lai cách mấy nắng mưa

    Có khi gốc tử đã vừa người ôm"

    Nàng đã rời xa quê hương, gia đình, ra đi biền biệt, giờ đây ai là người chăm sóc, thăm nom người cha già người mẹ của nàng? Nàng ra đi vì chữ hiếu, nhưng nàng chẳng khỏi băn khoăn, thổn thức không nguôi khi nghĩ tới cảnh cha mẹ già yếu vẫn phải dựa cửa trông mong con gái trong vô vọng. Nếu như ở trên, nhớ người yêu, nàng chỉ hồi tưởng, ngẫm lại "tưởng" thì khi nghĩ về mẹ cha, nàng lại thấy "xót" thương vô cùng. Kiều cảm thấy thật day dứt, trăn trở khi không thể chăm nom, phụng dưỡng cha mẹ già, lại còn khiến mẹ cha thêm lo lắng vì ngóng chờ tin tức của mình. Ở đây, Nguyễn Du đã dùng một loạt những điển cố, điển tích của Trung Quốc như "Sân Lai, gốc tử" để nhắc tới tâm trạng nhớ thương và tấm lòng hiếu thảo của Kiều đối với cha mẹ của mình. Nàng đang tưởng tượng ra cha mẹ mình ngày thêm già yếu, "có khi gốc tử đã vừa người ôm", thế mà nàng lại chẳng được kề bên mà chăm sóc, an ủi cha mẹ mình. Ẩn trong lời thơ là sự trách móc bản thân, sự ân hận của Kiều khi không làm tròn được đạo hiếu của người con.

    Qua tám câu thơ nhắc về những nỗi nhớ của Kiều, người ta mới thấy Kiều quả thật là một người con hiếu thảo, một tình nhân thủy chung giàu lòng vị tha. Dù nàng đang phải sống trong những tháng ngày đày đọa, đau khổ, thế nhưng nàng chẳng hề màng tới nỗi đau của bản thân mà chỉ sống trong nỗi tâm tưởng về tình yêu đầu cùng với tấm lòng hiếu thảo hướng về mẹ cha nơi quê nhà. Nàng nhớ chàng Kim trước bởi vì nàng là người có lỗi. Nàng ra đi mà chẳng thực hiện lời thề, chẳng một lời báo tin tới chàng. Còn mẹ cha ở quê, nàng đã thực hiện phần nào chữ hiếu khi bán thân cứu cha, cứu gia đình. Ở đây, thứ tự sắp xếp đảo ngược so với lễ giáo nhưng lại vô cùng hợp lý trong hoàn cảnh của Kiều.

    Bức tranh tâm trạng của Kiều hiện lên trong từng câu chữ, từng cảnh vật xung quanh nàng. Dường như những nỗi buồn, nỗi nhớ của nàng đang thấm dần vào cảnh vật, để chúng cũng nhuốm một màu đầy tâm trạng. Đúng như Nguyễn Du cũng đã từng nói:

    "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ"

    Nguyễn Du đã tả rất chân thực những nỗi niềm của Kiều, để đến những câu thơ tiếp theo, người ta thấy hiện lên ở đó là bức tranh về nỗi niềm tâm trạng của Kiều khi nhìn về cuộc đời số phận của mình:

    "Buồn trông cửa bể chiều hôm

    Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa

    Buồn trông ngọn nước mới sa

    Hoa trông man mác biết là về đâu

    Buồn trông nội cỏ rầu rầu

    Chân may mặt nước một màu xanh xanh

    Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

    Ầm ầm tiếng sóng vây quanh ghế ngồi"

    Một loạt những từ láy cùng điệp ngữ được Nguyễn Du sử dụng liên tiếp ở đây để nhấn mạnh, để khắc sâu hơn suy nghĩ, tâm trạng của Kiều. Bốn từ "buồn trông" được lặp lại liên tiếp ở bốn câu thơ liên tục,"buồn trông" - cái nhìn buồn bã, đầy tâm trạng khắc khoải, mỗi lần nhắc lại lại là sự mở đầu của một cảnh vật khác nhau. Sự nhắc đi nhắc lại ấy là để diễn tả nỗi buồn trùng điệp của Kiều. Nỗi buồn ấy đang dâng lên trong không gian, thời gian, bao trùm lấy cảnh vật quanh nàng, vẽ lên một bức tranh sống động đầy tâm tình xúc động. Nỗi buồn trùng trùng lớp lớp ấy đang kéo đến, cuộn lên không dứt trong lòng Thúy Kiều.

    Mỗi cặp câu lại diễn tả một nỗi buồn khác nhau của Kiều.

    "Buồn trông cửa bể chiều hôm

    Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa"

    Lời thơ là ánh mắt của Kiều đang hướng ra ngoài xa của không gian cảnh vật. Trong cảnh vật chiều hôm, nhuốm tà dương ấy, một cánh buồm đang chấp chới, lẻ loi ngoài khơi xa. Cánh buồm ấy lúc ẩn lúc hiện trong mênh mông sóng nước, lẻ loi, cô quạnh. Phải chăng, đó cũng là tâm trạng là hoàn cảnh của nàng lúc này, cũng lẻ loi cô độc như vậy! Liệu chăng tới khi nào, nàng mới được trở về quê hương, trở về trong vòng tay của người thân yêu?

    Lặp lại điệp từ "buồn trông" nhưng lần này, cảnh vật lại hiện ra khác với câu thơ trước:

    "Buồn trông ngọn nước mới sa

    Hoa trông man mác biết là về đâu"

    Ánh mắt của Kiều đang dừng trên dòng nước mới đang chảy trôi chầm chậm. Trên mặt nước ấy là hình ảnh của một cánh hoa rơi rụng đang bị nước cuốn đi ra xa. Cánh hoa ấy cứ trôi nhẹ trên mặt nước, chẳng biết nước sẽ đưa cánh hoa ấy trôi đi xa tận những đâu. Phải chăng, Kiều nghĩ, đó cũng là thân phận của mình? Số phận của nàng cũng giống như cánh hoa kia, cứ dập dềnh theo dòng nước xô đẩy của cuộc đời chẳng biết sẽ dừng chân ở đâu, rơi vào một nơi thế nào? Đúng, nàng chỉ là cánh hoa mỏng manh, yếu đuối ấy, chẳng biết cuộc đời sẽ vùi dập nàng thêm bao nhiêu lần nữa đây? Hình ảnh cánh hoa là hình ảnh ước lệ miêu tả bản thân của Kiều như lời ví von của người xưa "hồng nhan" cũng là lời bày tỏ tâm trạng nỗi niềm lo lắng của nàng về cuộc đời của mình.

    Hướng trông ra xa hơn, nàng nhìn thấy chân trời xa tắp, phía trước là một màu xanh của biển cả mênh mang. Thế nhưng, trong hình ảnh xanh mơn man ấy, là những "nội cỏ rầu rầu" - một màu sắc buồn bã, u ám như chặng đường sắp tới của nàng:

    "Buồn trông nội cỏ rầu rầu

    Chân mây mặt nước một màu xanh xanh"

    Một "nội cỏ rầu rầu" - từ láy chỉ sự úa tàn, tàn lụi, một nội cỏ chẳng xanh mướt mà lại "rầu rầu" héo úa. Phải chăng, nội cỏ ấy cũng chứa tâm trạng của Kiều đang thật u ám, thật mệt mỏi, cô đơn rằng cuộc đời của mình cũng sẽ như nội cỏ ấy lụi tàn theo năm tháng, hao mòn tại nơi đây? Màu xanh xanh nhờn nhợt của chân trời cũng như báo hiệu cho tương lai mịt mù, đầy bão tố của nàng.

    Nghĩ tới bão tố dường như trong lòng nàng dâng lên một dự cảm chẳng lành, những dự cảm về những sóng gió bủa vây cuộc đời nàng:

    "Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

    Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi"

    "Gió cuốn mặt duềnh" - gió cuốn sóng nước nổi lên mù mịt, tiếng sóng ầm ầm bủa vây xung quanh. "Ầm ầm" được dùng ngay đầu câu thơ để người đọc cảm thấy sự hãi hùng, sự to lớn của biển cả trong giông bão. Đọc câu thơ, ta như cảm thấy sự rung chuyển của từng dòng nước đang nổi lên xung quanh. Phép nhân hóa ở đây không chỉ khiến cho câu thơ thêm sinh động mà còn dùng để thể hiện tiếng kêu sợ hãi trong lòng Kiều. Tiếng sóng gió ấy, tiếng gầm gào của sóng biển ấy dâng lên trong lòng khiến cho Kiều có một dự cảm chẳng lành về đoạn đường đời phía trước của nàng. Chắc hẳn nó cũng giông bão và thật khủng khiếp biết bao. Hình ảnh thiên nhiên nhưng lại mang tâm trạng của con người. Bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình, Nguyễn Du đã thật xuất sắc khi dựng lên bức tranh tâm trạng đầy sợ hãi trước sóng gió của Kiều về cuộc đời phía trước. Đó như một lời cảnh báo, một dự cảm của Nguyễn Du báo hiệu cho những thử thách ở cuộc đời nàng phía trước mặt.

    Khép lại đoạn trích, những gì đọng lại trong lòng người đọc chúng ta là bức tranh cảnh vật nhuốm màu tâm trạng của Kiều. Bức tranh ấy toàn những sắc màu nhợt nhạt, u sầu, buồn bã, bởi "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" cùng những dự cảm của Kiều về quãng đời phía trước. Đoạn trích cũng hội tụ nghệ thuật miêu tả tâm lý con người, độc thoại nội tâm đầy đặc sắc cùng những phép so sánh, nhân hóa, ẩn dụ tài ba mà Nguyễn Du sử dụng để miêu tả tâm trạng của Thúy Kiều. "Kiều ở lầu Ngưng Bích" quả là một bức tranh tâm tình đầy xúc động.

    Đọc đoạn trích người đọc thấy hiện lên ở đây một Thúy Kiều với tâm trạng thật cô đơn, buồn tủi, lạc lõng và sợ hãi biết chừng nào. Thế nhưng, nàng vẫn đau đáu trong lòng tình yêu thủy chung với Kim Trọng cùng tấm lòng hiếu kính với mẹ cha. Nguyễn Du đã miêu tả thật sát tâm trạng của Kiều. Ông đã dùng những cảnh vật xung quanh để vẽ lên bức tranh tâm trạng đặc sắc của Kiều. Ông đã cùng đồng cảm, cùng suy tư, cùng sẻ chia những nỗi buồn của nàng. Đó là một trong những điều biểu thị giá trị nhân văn đáng quý. Ông quả là một người thi sĩ vừa tài ba vừa nhân đạo của nền văn học Việt Nam.

      bởi thanh duy 15/01/2020
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON