YOMEDIA
NONE

Khái quát hình ảnh Hồ Chí Minh trong thơ Tố Hữu

Khái quát hình ảnh Hồ Chí Minh trong thơ Tố Hữu
Theo dõi Vi phạm
ADSENSE

Trả lời (1)

  • Tố Hữu là nhà thơ của lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của con người cách mạng và cuộc sống cách mạng. Thơ ông tập trung thể hiện những vấn đề cốt yếu của đời sống cách mạng và vận mệnh dân tộc.

    Nhân vật trữ tình của thơ Tố Hữu là những con người đại diện cho những phẩm chất của giai cấp, dân tộc, thậm chí mang tầm vóc lịch sử và thời đại. Mà Bác Hồ là hình tượng kết tinh, điển hình nhất.

    Có thể nói trong lịch sử thi ca hiện đại Việt Nam, Tố Hữu là nhà thơ viết về Bác Hồ sớm nhất, nhiều nhất. Bằng cách nói của thơ, Tố Hữu cho ta nhận thức sâu sắc hơn về Bác bởi Bác là con người vĩ đại nhất, cao cả nhất của dân tộc, nhưng Bác cũng là người gần gũi, thân thuộc, bình dị lạ thường đối với mỗi chúng ta.

    Lần đầu tiên mái tóc bạc Bác Hồ xuất hiện trong thơ ông cũng là lần đầu tiên Tố Hữu được chiêm ngưỡng Bác tại căn lán chiến khu Việt Bắc năm 1951 nhân kỷ niệm ngày sinh của Người. Cảm kích trước sự vĩ đại và vẻ đẹp bình dị của Bác, nhà thơ thốt lên:

    "Cho con hôn mái đầu tóc bạc

    Hôn chòm râu mát rượi hòa bình"

    (Sáng Tháng Năm - 1951)

    Mái tóc bạc tả thực của giây phút trực cảm ngỡ ngàng, dạt dào thương kính, xúc động của nhà thơ trước vóc dáng gầy của vị lãnh tụ. Mái tóc bạc đi vì sương gió sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước và sự lo toan của Bác những năm đầu kháng chiến muôn vàn gian khó, thiếu thốn... Bởi thế đằng sau nét tả thực ấy, mái tóc bạc của Bác còn là tượng trưng cho nỗi gian nan vất vả và công lao của Người.

    Hòa bình lập lại trên miền Bắc thân yêu sau 9 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ, trong niềm vui, tự hào lớn lao của đất nước, Tố Hữu có bài thơ "Ta đi tới". Hình ảnh mái tóc bạc Bác Hồ lại vào thơ, nhưng lần này Tố Hữu diễn tả khác trước.

    "Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ"

    Câu thơ tả thực mà lãng mạn bay bổng và cổ kính, trang nghiêm. Hai hình ảnh đẳng lập hiện hữu trong nhau, quấn quýt trong nhau - lá cờ đỏ sao vàng bay và mái tóc bạc Bác Hồ - là biểu tượng của niềm vui chiến thắng, lòng tự hào dân tộc. Nhưng thiêng liêng hơn đó là biểu trưng của hồn nước, hồn dân tộc. Đặt hình ảnh Bác với nét đặc tả mái tóc bạc ngang hàng, bên hình ảnh cờ đỏ phải chăng là cách nói tinh tế, hàm súc bằng thơ nhằm tôn vinh sự vĩ đại của lãnh tụ Hồ Chí Minh và công lao to lớn của Người đối với dân tộc.

    Dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhớ công ơn của Đảng, Tố Hữu không quên công lao của Bác, người sáng lập Đảng ta. Hình ảnh mái tóc bạc của Bác lại xuất hiện trong niềm vui tự hào và cảm xúc ân tình:

     

    "Bạc phơ mái tóc người Cha

    Ba mươi năm Đảng nở hoa tặng Người"

    (30 năm đời ta có Đảng)

     

    Vẫn là hình ảnh mái tóc tả thực như những lần trước, song rõ ràng nhà thơ không tự lặp lại mình, bởi giờ đây đã là mái tóc "bạc phơ" của tuổi Bác 70. Chí ít mái tóc Bác đã bạc hơn lần trước. Bổ ngữ "phơ" là nét tả quan sát ở bình diện bề ngoài, khái quát - mái tóc đã trắng hết, trắng toát. Nhưng nếu nhìn kỹ bên trong vẫn còn những sợi đen hay muối tiêu. Song ở ý nghĩa tượng trưng, mái tóc bạc phơ của "người Cha" còn là nỗi lo toan, sự vất vả của Bác với dân, với nước. Ở mặt này, mái tóc còn nói lên công lao vĩ đại của Bác và tình cảm biết ơn của chúng ta với Bác.

    Chiều 6-12-1960, lúc Tố Hữu cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đón Bác tại sân bay Gia Lâm, sau khi Bác cùng đoàn đại biểu của Đảng dự hội nghị các Đảng cộng sản và công nhân quốc tế ở Mạc Tư Khoa về nước, nhà thơ lại cảm xúc trước mái tóc bạc của Bác.

     

    "Bác về tóc có bạc thêm

    Năm canh, bốn biển có đêm nghĩ nhiều?"

    (Cánh chim không mỏi)

    Lời thơ tả thực mộc mạc, bình dị tưởng như không có dụng ý làm nghệ thuật. Bác trở về vẫn mái tóc bạc như thường ngày. Chữ "thêm", bổ ngữ có tính suy tưởng của nhà thơ và đã được khẳng định trong dòng thơ tiếp sau: Tóc Bác bạc thêm hẳn vì "Năm canh, bốn biển có đêm nghĩ nhiều?". Một suy tưởng có lý, như một tất yếu, vì vốn Bác là con người của quốc tế cộng sản; tình thương yêu, chăm lo cho sự đoàn kết của phong trào Cộng sản thế giới vốn là tình cảm thường trực ở Người. Điều này càng thấy rõ trong bản Di chúc của Người trong đoạn Bác nghĩ về phong trào Cộng sản quốc tế.

    5 tháng sau khi Bác qua đời, Tố Hữu đã có ngay trường ca "Theo chân Bác" trước sự ngạc nhiên của nhiều người. Khác các bài thơ trước, với trường ca này, nhà thơ đã "nhớ lời di chúc/ theo chân Bác" để tái hiện hình ảnh Bác Hồ trên những chặng đường cách mạng trong hơn nửa thế kỷ. Bản trường ca coi như sự tổng kết về cuộc đời hoạt động cách mạng và công lao trời biển của Bác đối với dân tộc. Hình ảnh mái tóc bạc của Bác lại xuất hiện cũng trong cảm hứng chủ đạo chung ấy. 

    "Phơ phơ tóc bạc, chòm  râu mát"

     

    Hình ảnh mái tóc tả thực được tái hiện trong tâm tưởng nhà thơ. Nhưng từ mái tóc "bạc phơ" năm 1960, nay đã là "phơ phơ". Điệp từ "phơ phơ" diễn tả hình ảnh mái tóc Bác không còn sợi xanh hay muối tiêu nữa mà đã trắng toát hết thảy như gói trọn cả cuộc đời hy sinh, cống hiến cho cách mạng, cho dân, cho nước và công lao to lớn của Bác trước khi Người "Lên đường theo tổ tiên/ Mác - Lê nin, thế giới người hiền" (Bác ơi! - 1969). Hình ảnh mái tóc bạc "phơ phơ" của Bác như hòa nhập nhất quán với chủ đề chung của bản trường ca: Khắc sâu công lao trời biển của Bác đối với dân tộc, sự hy sinh cống hiến trọn đời Bác cho dân, cho nước...

    Hơn 60 năm làm thơ cho đến khi xa rời dương thế, Bác Hồ vốn là hình tượng nghệ thuật thường trực và đạt đến sự thành công nhất trong cảm xúc kính yêu của Tố Hữu đối với Bác.

    Đặc biệt viết về Bác Hồ thi sĩ Tố Hữu không tự lặp lại mình, ở ông luôn có những sáng tạo nghệ thuật mới mẻ và nét vẽ nào cũng giống Bác./.

      bởi ミ★Bạch Kudo★彡 01/12/2019
    Like (1) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF