YOMEDIA
NONE

Bàn luận về Nói và làm trong cuộc sống?

Bàn luận về Nói và làm trong cuộc sống?

Theo dõi Vi phạm
ADSENSE

Trả lời (2)

  • “Nói đi đôi với làm” là một đòi hỏi mang tính chất xã hội, không phải chỉ riêng xã hội bây giờ mà xưa đã thế và sau này vẫn thế. Bởi “mười lần nói không bằng một lần làm”, “nói hay không bằng cày giỏi”, “nói và làm” từ xưa vốn luôn gắn liền với chữ tín “một lần bất tín, vạn lần bất tin”... Thế nhưng tại sao trong cuộc sống “nói và làm” thường ít khi đi đôi với nhau? Phải chăng bởi vì nói dễ hơn làm, vì “lời nói gió bay”, vì “nói trước quên sau”. Lão Tử đã từng dạy “Lời nói có thể tin được thì nghe không hay, lời nói nghe hay thì không thể tin được”.

    Một lời nói, dù là trẻ con, người lớn đều có thể nói ra, nói thì dễ nhưng để nói mà làm được lại là một điều cực khó. Bởi vậy chớ nên nói bừa, nói ẩu, nói cho xong chuyện, trừ khi bạn là người không có lòng tự trọng. "Làm khó", vì làm phải tốn sức, tốn công, thậm chí phải "quên mình", phải "hy sinh",... Tốn sức, tốn công thì nhiều người có thể làm được. Những "hy sinh, quên mình" mới là thử thách khó vượt qua! Mà ở đời, những việc quan trọng nhất, lại thường đòi hỏi người thực hiện phải... hi sinh, phải quên mình! Dám hi sinh thì việc khó trở thành dễ. Đó là chân lý vậy!

    “Nói đi đôi với làm” vừa là đạo lý vừa là yêu cầu của thực tiễn cuộc sống. Trong xã hội chúng ta, nhiều bậc làm cha làm mẹ là những người biết điều hay lẽ phải mà dạy con không được chủ yếu là chỉ nói mà không làm, không hành động gương mẫu trước con cái. Do đó lời nói không có sức cảm hóa và thuyết phục. Một người mẹ luôn dạy con rằng, con phải vứt rác vào thùng rác để bảo vệ môi trường thế nhưng lại tiện tay để ngay hộp sữa xuống lề đường sau khi con uống xong, điều đó thật sự không hề có sự thuyết phục trong mắt con trẻ. Suy rộng ra hơn, ở trong cuộc sống, nếu chỉ biết nói, mà chẳng bao giờ thực hiện thì sẽ không chiếm được lòng tin, lòng cảm phục của mọi người. Một người lãnh đạo chỉ “nói giỏi” mà không “làm giỏi” sẽ không lấy được lòng tin của dân. Bởi “nói thì dễ nhưng làm thì khó”, “làm” mới là thước đo chuẩn mực nhất để đánh giá thực chất giá trị con người. Xã hội muôn tiến lên cũng phải do hành động, trực giác của con người.

    Sách cổ Trung Quốc có ghi lại mẩu chuyện lý thú về án Anh, vị Tể tướng nhỏ thó mà lừng danh nước Tề. Có người hỏi án Anh:

    - Bao năm làm Tể tướng, với tiên sinh điều gì khó nhất?

    - Làm được điều mình nói, án Anh trả lời ngay tức khắc.

    Đó là câu chuyện từ mấy ngàn năm trước. Còn bây giờ là chuyện cuối thế kỷ XX.Giữa năm 1985, khi Mikhain Goocbatrọp, Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô, mới phát động chiến dịch cải tổ và tăng tốc được ít lâu, ông có làm cuộc vi hành đến Leningrad. Để tạo hình ảnh một nhà lãnh đạo trẻ năng động, gần gũi dân chúng (tương phản với dáng vẻ nặng nề, ốm yếu, già nua của ông Brêgiơnhép trước đó không lâu), ông Goocbachop đi bộ ra quảng trường Cung điện Mùa đông để trò chuyện với nhân dân. Bắt tay một người đàn ông trung niên Nga, rắn rỏi, vạm vỡ, nhà lãnh đạo Liên Xô ân cần hỏi:

    - Đồng chí làm nghề gì?

    - Thưa đồng chí, tôi là thợ tiện nhà máy đóng tàu.

    - Đồng chí muốn chúc điều gì cho tôi và Trung ương?

    - Tôi chúc đồng chí và Trung ương làm được điều mình nói! Người thợ tiện nọ trả lời ngay tức khắc... (Cũng phải nói thêm, lúc này, sau ít tháng xuất hiện ở cương vị cao nhất đất nước, người dân Liên Xô đã thấy ông Goocbachop bắt đầu bộc lộ hứng thú ưa đăng đàn diễn thuyết).

    Hai câu chuyện cách nhau hàng ngàn năm xảy ra với hai người địa thế xã hội hoàn toàn khác nhau - vị Tể tướng lừng danh và người thợ tiện vô danh. Ấy vậy mà câu trả lời lại hoàn toàn giống nhau. Điều đó cho ta thấy được rằng: sống trên đời này để lời nói đi đôi với việc làm vô cùng khó khăn.

    Chúng ta đang sống trong thời đại CNTT, thời đại mà phương tiện truyền thông có mặt mọi lúc, mọi nơi, bất cứ lúc nào ta cũng có thể tiếp cận thông tin một cách dễ dàng và nhanh chóng. Những hình ảnh, lời nói luôn luôn hiện hữu dù đôi khi ta không hề muốn, những sự thật, việc thật cũng không bao giờ ra khỏi tầm mắt của con người. Và thế là, dù muốn hay không muốn, chúng ta vẫn thấy được sự khác nhau rõ ràng và khác biệt về nói và làm trong cuộc sống.

    Đi ra đường phố, thấy cảnh ôtô, xe máy, xe làm, xe đạp, xích lô, xe thồ... ngược xuôi, lạng lách, rẽ ngang rẽ trái không theo một luật lệ nào, rồi thì chợ cóc, chợ xanh, chợ hoa dưới lòng đường, hàng hoá bày ra choán hết vỉa hè..., chúng ta hoang mang tự hỏi: Liệu những quy định về trật tự an toàn giao thông đâu hết cả? Mật độ dày đặc của cảnh sát giao thông cũng không làm giảm bớt bao nhiêu những ách tắc. Rồi cái nạn đua xe của mấy cô mấy cậu rửng mỡ, con nhà giàu, con ông cháu cha gây nhức nhối bao năm, sau rất nhiều lời hứa hẹn “kiên quyết chấm dứt" vẫn diễn ra như trêu ngươi; các thứ thư tay, điện thoại riêng “đề nghị chiếu cố, nương nhẹ" vẫn tồn tại sau mỗi lần công an bắt giữa người, xe...

    “Chính quyền của ta là của dân, do dân, vì dân" - câu nói đẹp làm nức lòng người mau chóng bị sao nhãng khi người dân đến cửa quan gặp phải những bộ mặt lạnh tanh, những câu trả lời nhát gừng và những kiểu đùn đẩy hồ sơ hết phòng này sang phòng kia, những kiểu hẹn lần hẹn lữa không có hồi kết thúc như thử thách lòng kiên nhẫn của người dân. Kết quả là đơn thư khiếu nại chất thành đông, năm này qua năm khác.

    Hay như ở vạn đề y tế “Lương y như từ mẫu", câu khẩu hiệu gặp ở mọi bệnh viện, trên thực tế liệu đã làm yên lòng bệnh nhân chưa? Chắc chắn là chưa. Thế nên hầu hết người bệnh khi chẳng may phải lên bàn mổ hay gặp bệnh hiểm nghèo, đều phải cố lần những đồng tiền còm cõi cuối cùng, kín đáo bỏ vào phong bì, rồi tìm kiếm cơ hội tiếp cận vị “lương y như từ mẫu" kia để mà nài nỉ, khẩn khoản họ nhận cho “tấm lòng thành” với mặc cảm của người có lỗi. vẫn còn nhiều lắm những ca phẫu thuật nhầm, chuẩn đoán sai gây ảnh hưởng đến cả tính mạng của bệnh nhân.

    Đáng nói hơn cả, có lẽ là vấn đề giáo dục. Đó là “Cải cách giáo dục”, “Nâng cao chất lượng dạy và học", “Giáo dục là quốc sách”,... những lời lẽ được lặp lại ngày này qua ngày khác, nhưng những phiền muộn do giáo dục mang lại cũng không giảm. Nào là “quá tải” phải “giảm tải”, “học thêm dạy thêm”, nào là sách giáo khoa viết sai in sai, đề thi ra nhầm lẫn, lộ đề trước khi thi, nào là “các lò luyện thi” thương mại hóa một cách lộ liễu đến trơ tráo” Giảm tải chương trình học cho học sinh” nhưng xét cho cùng có khi còn nặng hơn chương trình cũ gấp nhiều lần.

    Như Herbert Spencer đã từng nói “Mục đích cao cả nhất của giáo dục không phải là lời nói mà là hành động”. Người nước ngoài luôn thắc mắc rằng “Tại sao người Việt Nam nói thì giỏi nhưng làm thì lại rất kém?” Đó phải chăng là do phương pháp học tập của người Việt Nam từ xưa đến nay. Học sinh Việt Nam ở các kì thi quốc tế luôn làm rất tốt các bài thi lý thuyết nhưng lại rất kém ở phần thi thực hành. Một học sinh có thể đọc vanh vách tất cả các hiện tượng hóa học nhưng không thể tiến hành một thí nghiệm cho dù là đơn giản nhất. Thậm chí là tại các trường học vẫn luôn tồn tại những kì thi Tin học bằng lý thuyết trên giấy kiểu như “Em hãy trình bày cách tính ở Excel”. Vậy là cho dù đã học đến rất nhiều, thế nhưng khi bắt tay vào thực tế, tất cả vẫn chỉ là con số 0 khi thực tế lại “Sao không giống với những gì mình đã học?”. Giáo dục Việt Nam có lẽ chỉ thiên về việc truyền đạt kiến thức lý thuyết, sách vở mà quên đi cách thức thực hiện cũng giống như việc có thể nói vanh vách nhưng không thể tiến hành thực hiện.

    “Nói và làm” giờ đây đã sắp trở thành một căn bệnh nan y của người Việt Nam, đã dần ngấm sâu vào máu, chính vì thế chúng ta phải cùng nhau đi tìm những phương thuốc hữu hiệu hơn để trị tận gốc căn bệnh đó. Có điều chắc chắn là không thể dùng lời nói, lời hô hào suông mà chữa khỏi được.

      bởi minh vương 24/12/2019
    Like (0) Báo cáo sai phạm
  • YOMEDIA

    Video HD đặt và trả lời câu hỏi - Tích lũy điểm thưởng

  • Suy nghĩ về mối quan hệ giữa “nói” và “làm” trong cuộc sống

    • Mở bài:

    Nói và làm là hai hoạt động chủ đạo trong đời sống của xã hội loài người. Giữa nói và làm có mối quan hệ chặt chẽ, quyết định thành công của mỗi con người. Dám nói phải dám làm mới là người cao thượng.

    • Thân bài:

    Nói là gì?

    Nói là trình bày ý nguyện, tư tưởng, ước vọng, hoài bão của bản thân. Biểu đạt trong giao tiếp của nói là lời nói.

    Làm là gì?

    Làm là thực hiện những điều ấy bằng hành động cụ thể nhằm mang lại một kết quả mong muốn nào đó.

    Vì sao lời nói phải đi đôi với việc làm?

    Nói và làm có mối quan hệ mật thiết giữa lí thuyết và thực hành, phản ánh năng lực nhận thức và khả năng làm việc của con người. Nói định hướng cho việc làm; làm là hiện thực lời nói hướng đến kết quả. Nói và làm là sự phản ánh của lí luận và hành động, là hai quá trình căn bản của một hoạt động có mục đích. Một công việc được tiến hành luôn tuân thủ chặt chẽ hai giai đoạn này. Nói là khâu hình thành dự định, đánh giá dự định, vạch kế hoạch và trình bày kế hoạch để đi đến sự thống nhất chung trong tập thể. Làm là hiện thực kế hoạch ấy thông qua những hoạt động tương tác có mục đích nhằm tạo ra một hiệu quả nhất định.

    Trong tập thể, không thể chỉ có nói mà không làm. Theo chủ tịch Hồ Chí Minh, nói đi đôi với làm là nguyên tắc đầu tiên trong ba nguyên tắc đạo đức cách mạng và cũng là nguyên tắc làm người. Nói thì phải làm, xây đi cùng với chống và tu dưỡng đạo đức suốt đời. “Nói thì phải làm” là thể hiện sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, tư tưởng và hành động, nhận thức và việc làm. Lời nói được minh chứng bằng việc làm và khẳng định bằng kết quả trong công việc. Kết quả công việc là thước đo sự cống hiến của mỗi người.

    Nói đi đôi với làm không chỉ là nguyên tắc đạo đức, lẽ sống, phương châm hoạt động mà còn là biểu hiện sinh động cụ thể của việc quán triệt sâu sắc nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa suy nghĩ và hành động, giữa tư tưởng đạo đức và hành vi đạo đức của mỗi người.

    Trong tập thể, cũng không thể chỉ làm mà không nói. Lời nói giúp ta trình bày rõ ràng dự định, kế hoạch, ý chí và nguyện vọng trong công việc cụ thể nhằm thống nhất tư tưởng, ý chí và nguyện vọng của tập thể, kết hợp các nguồn sức mạnh để tiến hành công việc thuận lợi, đạt được kết quả tốt nhất. Lời nói đúng đắn giúp tập thể thấu hiểu, đồng tình, ủng hộ và hỗ trợ công việc cùng nhau đạt đến mục tiêu.

    Mối quan hệ giữa nói và làm sẽ là thước đo đánh giá phẩm chất đạo đức và tài năng của con người trong cuộc sống xã hội. Một người có phẩm chất đạo đức trong sáng, cao đẹp; có tài năng luôn biết quý trọng lời nói và kết hợp chặt chẽ giữa nói và làm. Họ không bao giờ lý thuyết suông hay hành động mà không có chủ đích. Bằng lời nói đúng đắn và hành động cụ thể, họ tạo được niềm tin tưởng, cảm phục và kính trọng ở người khác trong công việc và trong lối sống hằng ngày.

    Thực hiện nói đi đôi với làm là phát huy truyền thống đạo đức quý báu của dân tộc. Kế thừa và phát huy phẩm chất cao đẹp của cha ông là trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay đối với đất nước.

    Phải làm gì để kết hợp chặt chẽ giữa nói và làm?

    Để kết hợp giữa nói và làm; giữ lí luận và hành động thực tiễn, trước hết phải ý thức rõ ràng trách nhiệm của mình trong công việc và trước tập thể. Mỗi cá nhân sẽ chịu trách nhiệm về hành động của mình. Khi nói phải gắn với những công việc, nhiệm vụ cụ thể, không nói chung chung, đại khái dẫn đến nói chung, ai nói cũng được, nghe thì hay, nhưng không biết thực hiện thế nào và ai sẽ chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện công việc.

    Không được hứa mà không làm. Đó là biểu hiện của bệnh quan liêu, giả dối. Lời hứa sẽ tạo ra sự kì vọng ở người khác. Họ mong mỏi lời hứa sẽ được thực hiện và chờ đợi điều đó xảy ra. Nếu hứa mà không làm nghĩa là ta đã phản bội lòng tin tưởng, xem thường mối quan hệ và thiếu trách nhiệm đối với bản thân và tập thể.

    Nâng cao tri thức, bồi dưỡng nhân cách, tư tưởng tốt đẹp, xây dựng lối sống trong sạch, vững mạnh là điều kiện giúp ta thực hiện hiệu quả giữa nói và làm. Có tri thức chúng ta mới vững tin vào bản thân và đủ năng lực để biến lời nói thành hành động. Có phẩm chất và tư cách tốt đẹp giúp ta biết tôn trọng bản thân và người khác, sẵn sàng vượt qua khó khăn trong công việc để đạt đến thành công. Có lối sống lành mạnh giúp ta biết quý trọng lời nói, lời hứa, không hứa suông, hướng đến cộng đồng.

    Người lớn phải là tấm gương sáng về bài học nói và làm. Để giáo dục giới trẻ, những người lớn tuổi phải nói được làm được, biết giữ lời hứa, làm việc có kế hoạch và hoạch định rõ ràng, hướng đến kết quả cụ thể để làm gương cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.

    Hiểu sâu sắc mối quan hệ giữa nói và làm, phải nói thật và làm đúng; phải cần thận trọng khi nói và quyết tâm khi làm. Kiên quyết phê phán những kẻ chỉ biết nói mà không làm hoặc nói một đằng làm một nẻo.

    Phê phán: Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người chỉ biết nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, nói đằng làm một nẻo. Họ dùng lời nói biện minh cho những việc làm xấu xa, hoặc xúi giục người khác làm điều sai trái, làm cho chân lí bị che khuất, sự thật bị xuyên tạc, cái ác được dung túng, khó phân biệt sai trái, tốt xấu… Đó là hành vi của người giả dối, ba hoa, xu nịnh và vụ lợi. Họ luôn gây mất niềm tin và thất vọng đối với mọi người, không đem lại lợi ích cho xã hội, thậm chí còn là nguyên nhân gây nên những mâu thuẫn trong cộng đồng.

    Cũng là những người biết làm việc máy móc, chỉ làm mà không nói. Họ hoặc là quá tin tưởng vào năng lực bản thân hoặc là ngu dốt, kiêu ngạo, xem thường ý kiến tập thể. Trong công việc, họ không vạch trước kế hoạch, không dự kiến trước những tình huống xảy ra, không tham luận tập thể để có cách đối phó hợp lí. Họ hành động chủ quan, mù quáng theo cảm tính. Cách làm như thế thiếu khoa học, nhiều may rủi, sẽ không có kết quả cao, thậm chí là gây nguy hiểm cho xã hội.

    Bài học: nói và làm có mối quan hệ chặt chẽ, gắn kết với nhau. Đã nói được thì phải làm được. Đừng nói mà không làm, đừng nói nhiều hơn làm. Nói mà không làm là nói suông, trở thành người sáo rỗng, không ai còn tin tưởng. Làm mà không nói tuy tốt nhưng không thể gắm kết mình với tập thể để tìm kiếm tiếng nói chung, hành động nhất quan.

    • Kết bài:

    Một người sẽ được tập thể tôn trọng, yêu mến và tin tưởng nếu kết hợp chặt chẽ giữa lời nói và làm. Đừng bao giờ lạm dụng lời nói để nhận lấy niềm tin, ảo tưởng của người khác. Đừng bao giờ nói nhiều hơn những gì bạn có thể làm được. Hãy biết tôn trọng bản thân, tôn trọng người khác, lấy hiệu quả công việc, lợi ích tập thể làm mục tiêu phấn đấu của hành động. Đó cũng chính là nguyên tắc căn bản, là phẩm chất của người thành công mà chúng ta thường bắt gặp trong cuộc sống.

      bởi Vũ Minh Khang 01/03/2020
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF