YOMEDIA
NONE

Phân tích ý thức và phẩm giá con người qua đoạn trích "Nỗi thương mình" trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (1)

  • Với Truyện Kiều, Nguyễn Du đã là người thứ nhất trong văn học Việt Nam làm nên một chuyện lạ lùng: bắt độc giả nhiều thế hệ phải mê, phải bênh, phải bảo vệ một người con gái giang hồ, từng “thanh lâu hai lượt”, từng thốt lên lời đoạn tuyệt với chữ trinh nghìn vàng đáng giá “Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”! Có thể xem đây là một nghịch lí, một nghịch lí chỉ có nghệ thuật mới thực hiện để khiến độc giả từ đó nhận ra chân lí cuộc đời.

    Tại sao Nguyễn Du đã làm được điều ấy? Chỉ xét vấn đề từ khía cạnh con người nghệ sĩ của Nguyễn Du, có thể nói, bí quyết lớn nhất giúp ông thành công chính là sự nhấn mạnh vào đời sống tâm lí của nhân vật. Nếu thiếu tâm lí, Kiều đã không phải là Kiều và cơ chừng hình tượng nhân vật này sẽ không chiếm được trọn vẹn cảm tình, lòng thương xót của ta đến vậy.

    Trước phần được trích học trong sách giáo khoa, Nguyễn Du đã dành một đoạn dài để thuật kể bài học “vỡ lòng” mà mụ Tú Bà dạy cho Thuý Kiều về cái “công phu” của “nghề chơi” ở chốn lầu xanh. Đi kèm với sự thuật kể đó, nhà thơ cũng đã cho ta biết cảm giác ngậm ngùi, xót xa của nàng Kiều khi phải “học lấy những nghề nghiệp hay!”. Chưa vào nghề mà đã thế – người đọc nhạy cảm nhận thấy ở đây lời báo trước về một đoạn đời ghê gớm, vô cùng tủi nhục của nhân vật chính. Đồng thời, ta cũng hiểu ra một điều gần như đã trở thành quy luật: lúc nào thấy Kiều sắp phải sa vào cuộc sống ô trọc là Nguyễn Du lại hướng sự quan tâm của người đọc vào phản ứng tâm lý của nàng – cái phản ứng nhiều khi mang tính chất của một cuộc kháng cự tuyệt vọng. Thế là không biết tự khi nào, ta đã cùng với nhà thơ có chung niềm thấp thỏm lo âu khi theo dõi đường đời của cô gái họ Vương đa tài, đa tình, đa ưu, đa hoạn!

    Cái cuộc sống ở chốn lầu xanh mà nàng Kiều phải can dự vào thật đáng ghê sợ:

    Biết bao bướm lả ong lơi

    Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm.

    Dập dìu lá gió cành chim

    Sớm đưa Tống Ngọc tới tìm Trường Khanh.

    Giữa các điển tích và hình ảnh ước lệ, tác giả nêm chen vào rất nhiều yếu tố ngôn từ chỉ hoạt động và mức độ của hoạt động như lả lơi, say, cười, sớm đưa… tối tìm, biết bao, đầy, suối, dập dìu…Với kiểu xử lý nghệ thuật đó, điển tích và hình ảnh ước lệ không bị đông cứng lại thành những khái niệm khô khan mà vẫn mang dáng vẻ cụ thể, sinh động và vẫn gợi được nhiều cảm giác, trước hết là cảm giác nhàm chán, gớm ghét. Việc tách xé cụm từ có kết cấu khá chặt chẽ là “ong bướm lả lơi” để sắp xếp lại theo một trật tự mới – trật tự của kết cấu song hành – thành “bướm lả ong lơi” cùng việc sử dụng hình thức tiểu đối trong câu thơ “Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm” đã làm nổi các trò suồng sã của vô số kẻ truỵ lạc (chứ không phải chỉ một kẻ truỵ lạc, một loài ong bướm chung chung) và sự tái diễn miên man, bất tận của những cuộc truy hoan. Ta tưởng như thấy trước mắt những dáng điệu nghiêng ngả quay cuồng, những cử chỉ chèo kéo dai dẳng không thể gỡ thoát, nghe dội bên tai những trận cười sằng sặc điên dại, những lời đưa đẩy nhớt nhát, dẫn dụ con người lạc vào vùng đam mê tăm tối. Chính cảm quan hiện thực đã giúp nhà thơ vượt thoát khỏi sự khống chế tiêu cực của cách diễn tả mang nhiều tính quy phạm để nói được cái bản chất trần trụi của sự việc, nhưng ngược lại mỹ cảm vững vàng lại cho phép ông chủ động lợi dụng những mặt khả thủ của cách diễn tả kia, làm cho ngôn từ thơ vẫn đạt được sự trang nhã cần thiết, hướng người đọc tới thái độ dị ứng với những cách thác loạn.

    Từ điểm nhìn ấy, nhà thơ đưa ta tới miền tâm sự của nàng Kiều:

    Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh

    Giật mình, mình lại thương mình xót xa.

    Khi sao phong gấm rủ là

    Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.

    Mặt sao dày gió dạn sương

    Thân sao bướm chán ong chường bấy thân!

    Mặc người mưa sở, mây

    Tần Những mình nào có biết xuân là gì.

    Những cảnh nghiêng ngả đã lùi xa, những trận cười lắng lại. Chỉ còn trơ khác ở đây một con người vô cùng cô độc đang tự thương thân. Ba từ mình xuất hiện trong diện tích hẹp của câu thơ đã nhàn lên trùng trùng sự cô độc đó và thể hiện rất chính xác cái không khí lặng ngắt đang vây bọc lấy nàng Kiều. Thật đáng xót xa cái kiếp sống một con người phải đem thân ra cho thiên hạ giày vò và chỉ có giá trị với thiên hạ thuần tuý ở khía cạnh mua vui. Tâm sự của nàng như thế nào thì chẳng ai thèm biết đến. Nhưng nhà thơ đã không bỏ rơi người con gái bất hạnh. Ông rưng rưng cùng Kiều vào chính những thời điểm nàng còn lại một bóng “khi tỉnh rượu, lúc tàn” canh, tức là thời điểm nàng được trở về với chính mình, sống đúng mình nhất. Oái oăm thay những thời điểm đó không thể đưa lại cho con người sự tĩnh tâm, nói gì tới niềm vui. Cái chúng đưa đến chỉ là sự giật mình – một cảm giác khiếp hãi không hiểu tại sao bản thân lại ra nông nỗi ấy. Men rượu đã nhạt không đủ dìu nàng chìm vào sự quên, đêm hầu tàn nhưng trời lại chưa sáng không cho nàng mượn việc tiếp khách để đánh đuổi nỗi nhớ. Kiều không thể trốn mình, không thể thoát khỏi sự giày vò của ý thức về nhân phẩm. Sự hồi nhớ về một thời “phong gấm rủ là”, về nếp sống của một tiểu thư khuê các đã làm Kiều vô cùng đau đớn. Sự đối lập dữ dội giữa hai cảnh đời dường như vượt quá tầm lí giải của nàng, khiến nàng chỉ còn biết sống với những thắc mắc tuyệt vọng (khi sao, giờ sao). Nhưng bên cạnh nỗi thắc mắc, Kiều còn thấy kinh sợ cho chính bản thân và muốn nguyền rủa bản thân (mặt sao, thân sao). Rõ ràng có một sự chuyển biến và bổ sung sắc thái ngữ nghĩa rất tinh tế ở từ sao khi nó được ghép với những từ khác nhau và được đặt ở những câu khác nhau, trong lúc nghĩa oán thán, trách phận, xa xót vẫn được bảo lưu trọn vẹn. Ở mấy câu thơ này, Nguyễn Du tiếp tục sử dụng thủ pháp xáo trộn trật tự các tiếng trong những cụm từ dày gió dạn sương và bướm chán ong chường. Nếu tác giả vẫn hạ bút viết theo cách nói thông thường là dày dạn gió sương và ong bướm chán chường thì có lẽ tính cảm giác của các câu thơ cùng ấn tượng về một sự tồn tại trơ trẽn sẽ bị tước đi gần hết. Như vậy, phép lạ hóa ngôn từ đã được nhà thơ dùng hết sức đắc địa, giúp người đọc luôn biết dừng lại thắc mắc với từng yếu tố nhỏ nhất của văn bản, từ đó mà nhập cảm trọn vẹn vào cảm giác bị giày vò đau khổ của nhân vật. Mượn lời của Nguyễn Minh Châu trong một bài viết về Nam Cao, ta có thể nói Thúy Kiều đã tự đặt mình lên cái kẹp chả và chính tay nàng không phải tay ai khác lật đi lật lại mình trên lò lửa của sự dằn vặt và tự vấn. Sự chán mình, tủi hổ cho mình như thế là đã đạt tới đỉnh điểm.

    Nếu trong bốn dòng đầu của đoạn trích, tác giả miêu tả khái quát cảnh sinh hoạt đặc trưng ở lầu xanh, thì trong những dòng dưới đây, ông đi vào tái hiện cụ thể ứng xử của nàng Kiều giữa chốn ô trọc đó:

    Mặc người mưa Sở, mây Tần,

    Những mình nào biết có xuân là gì

    Đòi phen gió tựa hoa kề

    Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu.

    Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

    Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?

    Rõ là Kiều tồn tại như một cái xác vật vờ, một vật thể máy móc. Hoàn toàn không có sự nhập cuộc của yếu tố tinh thần, bởi vậy những tựa, những kề ở nàng chỉ có tính chất tự động hóa, tuỳ thuộc vào sự đẩy đưa, lơi lả của đám khách làng chơi. Mặc cho gió mưa dập dìu trên thân xác, nàng chẳng biết xuân là gì, nhất là khi đã có sự đánh tráo khái niệm đối với từ “xuân”. “Xuân” là sự vui tươi, hạnh phúc, nhưng một cuộc sống như thế mà được gọi là vui, hạnh phúc hay sao? Những cảnh phong, hoa, tuyết, nguyệt vốn đẹp nhưng giờ đây đối với Kiều chẳng có ý nghĩa gì. Vả chăng, gió trong gió tựa và hoa trong hoa kề lại không thuần tuý hàm nghĩa chỉ cái đẹp của ngoại giới mà còn mang nghĩa chỉ những hạng người lai vãng tìm vui, tìm khoái lạc chốn lầu xanh. (Tựa, kề cùng trường nghĩa với những lả, lơi, say, cười, đưa, tìm, mưa, mây ở trên). Nàng Kiều chỉ thấy có một không khí hư vô lồng lộng lạnh lùng thổi quanh mình. Rõ ràng khi tâm hồn băng giá thì cảnh cũng đeo sầu, ảm đạm, không thể khác được. Từ cảnh huống của một con người cụ thể, Nguyễn Du đã đưa ra một chân lý phổ quát. Khi đã hiểu được chân lý phổ quát đó, sống lại với tâm sự của nàng Kiều, ta thấy thương nàng vô hạn. Không chỉ thương mà còn trọng nàng. Đã bị rơi vào vũng bùn nhơ nhớp mà vẫn gắng không để cho bùn đồng hóa. Điểm tựa của nàng chính là sự tự ý thức. Sự tự ý thức đã vạch rõ ranh giới giữa nàng với môi trường phàm tục, để nàng vẫn tiếp tục là một con người mang nhiều nét lí tưởng mà Nguyễn Du cũng như những độc giả trung thành với những giá trị đạo đức truyền thống mong muốn.

      bởi Hoa Hong 04/04/2022
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON