YOMEDIA
NONE

Cảm nghĩ về một tác phẩm nổi bật đã học.

Cảm nghĩ về một tác phẩm nổi bật đã học.

Theo dõi Vi phạm
ADSENSE

Trả lời (2)

  • Chúng ta đã từng học qua những truyện ngắn như Lão Hạc, Tắt đèn và chắc không mấy ai trong số chúng ta lại không trầm trồ thán phục tài năng nghệ thuật của Nam Cao hay Ngô Tất Tố. Với riêng tôi, dù đã đọc đi đọc lại truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao rất nhiều lần nhưng dường như lần nào tôi cũng lại tìm thấy thêm được một vài điều lý thú. Nó cuốn hút tôi, lay động tôi, khi thì gợi trong tôi sự căm thù, khi lại gọi về chan chứa những yêu thương.

    Lão Hạc là sản phẩm của một tấm lòng nhân đạo cao cả. Nó là tình yêu thương, là sự ngợi ca, trân trọng người lao động của Nam Cao. Giống như Ngô Tất Tố cùng nhiều nhà văn thời đó, Nam Cao đã dựng lên hình ảnh người nông dân Việt Nam trước Cách mạng với những phẩm chất đáng quý, đáng yêu: chăm chỉ, cần cù, giàu tình yêu thương và giàu đức hy sinh.Trước cách mạng, Nam Cao say sưa khám phá cuộc sống và tính cách của người nông dân. Trong các tác phẩm của ông, môi trường và hoàn cảnh sống của nhân vật chính thường gắn liền với cái nghèo, cái đói, với miếng ăn và với các định kiến xã hội đã thấm sâu vào nếp cảm, nếp nghĩ vào cách nhìn của con người ở nông thôn.

    Lão Hạc cũng vậy, suốt đời sống trong cảnh nghèo và cái đói. Lão đã dành hầu như cả đời mình để nuôi con mà chưa bao giờ nghĩ đến mình. Lão thương con vô bờ bến: thương khi con không lấy được vợ vì nhà ta nghèo quá, thương con phải bỏ làng, bỏ xứ mà đi để ôm mộng làm giàu giữa chốn hang hùm miệng sói. Và đọc truyện ta còn thấy lão đau khổ biết nhường nào khi phải bán đi cậu Vàng, kỷ vật duy nhất của đứa con trai. Không bán, lão biết lấy gì nuôi nó sống. Cuộc sống ngày thêm một khó khăn. Rồi cuối cùng, đến cái thân lão, lão cũng không giữ được. Lão ăn củ chuối, ăn sung luộc. Nhưng lão nghĩ, lão "không nên" sống nữa. Sống thêm, nhất định lão sẽ tiêu hết số tiền dành dụm cho đứa con mình. Vậy là, thật đớn đau thay! Lão Hạc đã phải tự "sắp xếp" cái chết cho mình. Cuộc sống của nông dân ta trước cách mạng ngột ngạt đến không thở được. Nhìn cái hiện thực ấy, ta đau đớn, xót xa. Ta cũng căm ghét vô cùng bọn địa chủ, bọn thực dân gian ác.

    Lão Hạc chết. Cái chết của lão Hạc là cái chết cùng đường, tuy bi thương nhưng sáng bừng phẩm chất cao đẹp của người nông dân. Nó khiến ta vừa cảm thương vừa nể phục một nhân cách giàu tự trọng. Lão chết nhưng đã quyết giữ cho được mảnh vườn, chết mà không muốn làm luỵ phiền hàng xóm.

    Đọc Lão Hạc ta thấy đâu phải chỉ mình lão khổ. Những hạng người như Binh Tư, một kẻ do cái nghèo mà bị tha hoá thành một tên trộm cắp. Đó là ông giáo, một người trí thức đầy hiểu biết nhưng cũng không thoát ra khỏi áp lực của cảnh vợ con rách áo, đói cơm. Cái nghèo khiến ông giáo đã phải rứt ruột bán đi từng cuốn sách vô giá của mình. Nhưng cái thứ ấy bán đi thì được mấy bữa cơm? Vậy ra ở trong truyện tất cả đã đều là lão Hạc. Lão Hạc phải oằn mình mà chết trước thử hỏi những người kia có thể cầm cự được bao lâu?

    Vấn đề nổi bật được thể hiện trong Lão Hạc là niềm tin và sự lạc quan của nhà văn vào bản chất tốt đẹp của con người. Thế nhưng điều quan trọng hơn mà nhà văn muốn nhắn gửi đó là một lời tố cáo. Nó cất lên như là một tiếng kêu để cứu lấy con người. Từ chiều sâu của nội dung tư tưởng, tác phẩm nói lên tính cấp bách và yêu cầu khẩn thiết phải thay đổi toàn bộ môi trường sống để cứu lấy những giá trị chân chính và tốt đẹp của con người.

    Lão Hạc cho ta một cái nhìn về quá khứ để mà trân trọng nhiều hơn cuộc sống hôm nay. Nó cũng dạy ta, cuộc sống là một cuộc đấu tranh không phải chỉ đơn giản là để sinh tồn mà còn là một cuộc đấu tranh để bảo toàn nhân cách.

      bởi thúy ngọc 13/02/2020
    Like (0) Báo cáo sai phạm
  • YOMEDIA

    Video HD đặt và trả lời câu hỏi - Tích lũy điểm thưởng

  • Nguyễn Trãi được người đời biết đến ngoài việc là một vị quan chính trực ông còn vừa là nhà thơ vừa là nhà văn kiệt xuất của dân tộc. “Bình ngô đại cáo” là một trong những tác phẩm xuất sắc của ông, bài cáo có ý nghĩa như bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt Nam.

    Thừa lệnh của chủ soái Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã viết “Bình ngô đại cáo” sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh kết thúc, nước Đại Việt hoàn toàn thắng lợi nhằm tổng kết cuộc kháng chiến vĩ đại, báo cáo rộng rãi cho toàn thể nhân dân được biết. Với nghệ thuật chính luận hùng hồn và cảm hứng trữ tình sâu sắc, tác giả đã tố cáo tội ác tày trời của giặc Minh, đồng thời ca ngợi sức mạnh thần kì của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

    Mở đầu tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” khẳng định lí tưởng của cuộc kháng chiến việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Đánh giặc chính là nhân nghĩa. Tiếp theo, Nguyễn Trãi khẳng định Việt Nam là một quốc gia văn hiến từ bao đời đã sánh vai với cường quốc Trung Hoa về nhiều phương diện. Nội dung nói trên được tác giả biểu đạt bằng những câu văn sang trọng, đĩnh đạc gợi không khí trang nghiêm lịch sử. 

     

    “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
    Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
    Như nước Đại Việt ta từ trước
    Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
    Núi sông bờ cõi đã chia
    Phong tục Bắc Nam cũng khác
    Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập
    Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương"

    "Nhân nghĩa" - một tư tưởng quen thuộc, nhắc tới cách hành xử tốt đẹp giữa người với người trong quan niệm đạo đức Nho gia. Đó là mối quan hệ giữa con người với con người được xây dựng trên nền tảng tình thương và đạo lí. Theo Nguyễn Trãi, trước hết muốn yên dân thì phải lo trừ bạo để cho dân được sống thanh bình, hạnh phúc. Cứu nước tức cứu dân bởi nước với dân là một. Đây chính là cái cốt lõi của nhân nghĩa. Vì vậy, nhân dân ta chiến đấu chống ngoại xâm là nhân nghĩa, là phù hợp với tư tưởng nhân nghĩa. Những yếu tố được Nguyễn Trãi đưa ra để xác định độc lập chủ quyền của dân tộc bao gồm: tên nước, nền văn hiến lâu đời, lãnh thổ, ranh giới, phong tục tập quán, lịch sử các triều đại Triệu, Đinh, Lý, Trần. Tất cả đều là những căn cứ lịch sử không thể chối cãi.

    Tiếp theo đó tác giả đã đưa ra các dẫn chứng về thực tế lịch sử:

    "Vậy nên:

    Lưu Cung tham công nên thất bại
    Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong
    Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô
    Sông Bằng Đằng giết tươi Ô Mã
    Việc xưa xem xét
    Chứng cớ còn ghi"

    Ở đoạn này, Nguyễn Trãi đã cho người đọc thấy những chiến công oanh liệt của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống xâm lăng. Cái hay mà Nguyễn Trãi đem lại không những khẳng định được nền độc lập dân tộc mà còn cho thấy cả quá trình để sức sống độc lập ấy tồn tại đầy mãnh liệt. Chỉ một đoạn văn nhỏ mà thấy cả dòng chảy lịch sử suốt năm trăm năm, với sáu lần đánh bại quân thù. Không còn điều gì có thể tự hào hơn, không còn điều gì có thể thay đổi chân lý đó. Những chứng cứ lịch sử năm xưa lại càng "khóa chặt" cho cơ sở lý luận về nền độc lập dân tộc, về sự chính nghĩa trong công cuộc trường chinh bảo vệ đất nước của vua tôi nhà hậu Lê.

    Sau đó tác giả đã tố cáo những âm mưu, tội ác của giặc Minh:

    "Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
    ....
    Lẽ nào trời đất dung tha? Ai bảo thần dân chịu được?"

    Những hành động thật sự tàn bạo. Giặc ngoại xâm chúng ngang nhiên hành hạ, giết hại dân lành vô tội. Giọng văn khi uất hận, khi sôi trào, khi sôi trào thể hiện rõ sự tố cáo, vạch trần tội ác của tác giả với quân xâm lược. Điều đáng chú ý ở đây là khi vạch rõ âm mưu xâm lược của giặc Minh, Nguyễn Trãi đứng trên lập trường dân tộc. Khi tố cáo tội ác của giặc tác giả lại đứng trên lập trường nhân bản, nghĩa là đứng về quyền sống của người dân để tố cáo. Bởi thế, đoạn văn có thể coi là một bản cáo trạng tội ác của giặc Minh đã chứa các yếu tố của bản tuyên ngôn nhân quyền.

    Đất nước ngập bóng quân thù, dân chúng sống trong cảnh lầm than, oán hận, anh hùng đã đứng lên khởi nghĩa:

    "Núi Lam Sơn dấy nghĩa,
    ....
    Chính lúc quân thù đương mạnh"

    Đoạn thơ đã làm nổi bật được hình ảnh chủ tướng Lê Lợi với những phẩm chất tiêu biểu nhất của người yêu nước thế kỉ XV. Tuy nhiên ta có thể thấy ở buổi đầu khởi nghĩa ta đã gặp muôn vàn khó khăn. Địa bàn dấy lên cuộc nghĩa là ở nơi Lam Sơn hẻo lánh, thế ta và thế địch lại không cân sức "Vừa khi cờ nghĩa dấy lên/ Chính lúc quân thù đương mạnh". Không chỉ khó khăn về điều kiện chiến đấu mà ta còn thiếu nhân tài, đã vật có lúc còn bị vây, có lúc bị thương gần hết, quân lính chỉ còn lại mấy người. Nhưng không vì thế mà anh hùng bỏ cuộc, gắng sức vượt qua gian nan. Nhân dân bốn cõi một nhà, cùng nhau đoàn kết chống giặc xâm lăng. Giơ trúc làm cờ, tướng sĩ một lòng đánh giặc, thế trận xuất kỳ, sử dụng chiến thuật lấy yếu chống mạnh, đánh bất ngờ, nhanh gọn tiêu diệt địch. Qua hình tượng Lê Lợi tác giả đã khắc họa ý chí quyết tâm đánh đuổi giặc của nhân dân ta. Ta dùng nhân nghĩa để thắng hung tàn, lấy ý chí để thắng cường bạo khiếp quân thù "nghe hơi mà mất vía", "nín thở cầu thoát thân". Quân ta lần lượt tiến quan, trải qua các trận đánh: Tây Kinh, Đông Đô, Ninh Kiều, Tốt Động...

    Đoạn cuối giọng văn đã chuyển sang trầm lắng, tự hào bởi đó là lời tổng kết những trang sử oai hùng của dân tộc, tuyên bố chấm dứt chiến tranh, khẳng định nền độc lập của một dân tộc thái bình. Trong lời tuyên bố tác giả đồng thời rút ra hai bài học lịch sử, đó là quy luật trời đất, quy luật suy vong hưng thịnh của mỗi quốc gia.

    Có thể thấy lối văn mạch lạc, cách triển khai vấn đề rõ ràng của Nguyễn Trãi thông qua bài cáo. Qua đây Nguyễn Trãi vừa khẳng định chủ quyền của dân tộc, vừa tố cáo tội ác của giặc vừa thể hiện được niềm tự hào dân tộc trước những chiến thắng oai hùng của lịch sử.

    Chiến tranh đã lùi xa nhưng cho đến nay bài cáo vẫn còn nguyên vẹn những giá trị của nó. Bài cáo không chỉ là một trong ba bản tuyên ngôn độc lập của đất nước mà qua đây người đọc còn thấy được những trang sử hào hùng dân tộc và những câu chuyện xoay quanh nó.

      bởi Vũ Minh Khang 02/03/2020
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF