YOMEDIA
NONE

Cảm nghĩ về hiện tượng thanh niên sống vô cảm hiện nay.

Cảm nghĩ về hiện tượng thanh niên sống vô cảm hiện nay.

Theo dõi Vi phạm
ADSENSE

Trả lời (2)

  • William Lloyd Grrison có câu: "Sự vô cảm của con người đủ để khiến mọi bức tượng nhảy dựng khỏi bệ và thúc nhanh sự hồi sinh của người chết". Mà tượng đá và người chết là những thứ vô cảm,không có cảm xúc. Và nếu như tất cả các bức tượng và người chết trên thế giới đều hồi sinh thì sẽ ra sao? Cả thế giới sẽ biến thành những người vô cảm và không có cảm xúc như những bức tượng và người chết. Thế nhưng thật đáng buồn. Vì một phần con người trong xã hội đang "biến thành" những bức tượng và người chết, họ đang mang trong mình một trái tim lạnh, sự thờ ơ ích kỉ chỉ biết quan tâm đến bản thân. Quên đi cái truyền thống của nhân dân ta là "Lá lành đùm lá rách" và chỉ nghĩ xem mình như thế nào, còn người khác làm sao thì không quan trọng. Đó là "bệnh vô cảm" mà mọi người như là một căn bệnh cảm cúm rồi sẽ qua nhanh thôi.

    "Bệnh vô cảm" đang là vấn đề "hot" nhất hiện nay. Nhưng chúng ta đã hiểu được những gì về nó.

    Vô cảm là sự trơ lì cảm xúc, dửng dưng, thờ ơ, với những hiện tượng đời sống xung quanh chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân. Ra đường gặp cái đẹp không mảy may rung động; thấy cái xấu không lên án…

    Mỗi ngày trên cả nước xảy ra hàng ngàn vụ va chạm và tai nạn giao thông. Sự vô cảm của một bộ phân người tham gia giao thông đang là thực trạng đáng báo động hiện nay. Tuy nhiên, có nhiều người sẵn sàng giúp đỡ nhưng họ lại không biết làm thế nào vì không có kĩ năng sơ cứu nào.

    Sáu giờ sáng ngày 22/9/2014 một xe bốn chỗ chạy từ thị xã Kiến Tường về thành phố Tân An ,tỉnh Long An đã bất ngờ mất lái lao xuống ao ven đường tại km51, quốc lộ 62 địa bàn huyện Mộc Hoá, tỉnh Long An. Sau khi lăn nhiều vòng thì chiếc xe bị ngập dần trong nước, bốn người trong xe đều chết ngạt trong đó có vợ chồng một bác sĩ. Những người có mặt tại hiện trường vụ tai nạn đã không tránh khỏi bức xúc khi đã không ngăn hai tài xế của hai chiếc xe khách để đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng cả hai vẫn nhấn gả bỏ đi. Đến khi chiếc xe thứ ba chịu dừng lại thì đã quá muộn. Đó mới chỉ là một ví dụ điển hình cho những hành động vô cảm đó. Chắc chúng ta không ai là không biết hình ảnh xúm đông xúm đó mỗi khi có va chạm hay tai nạn giao thông mà không giúp. Mọi người xung quanh đứng ngây ra đó nhìn mà không giúp, chụp ảnh rồi bình luận, đứng ra gọi xe cấp cứu. Chính những sự hiếu kì như vậy đã để xảy ra nhiều sự việc đáng tiếc. Khi nạn nhân đã cầu cứu rồi mà mọi người vẫn không làm gì cả. Có những người còn sợ người nhà của nạn nhân hiểu lầm này nọ nên không giúp đỡ gì cả.

    Trong mấy năm qua, tình trạng học sinh bị đánh hội đồng xảy ra rất phổ biến. Mới đây là học sinh trường THPT Tử Đà (Phù Ninh – Phú Thọ) bị một số nữ sinh đánh và căng thẳng tâm lý đến mức mất đi giọng nói. Hay sự việc nữ sinh lớp bảy ở Trà Vinh bị đánh hội đồng lại một lần nữa gióng lên những báo động nhức nhối về tình trạng bạo lực học đường. Dư luận thật sự bất bình trước cảnh nhiều bạn nam, nữ đóng cửa lớp học đánh và ném ghế tới tấp vào một nữ sinh yếu ớt. Mặc cô gái kêu gào trong đau đớn, mặt mày rũ rượi, máu chảy nhưng nhóm học sinh này không tha. Điều đó cho thấy tình trạng bạo lực học đường đang ở mức nghiêm trọng. Điều đáng nói nhất là các em tham gia vào việc đánh bạn, a dua theo mà không làm gì còn đứng quay phim đăng lên mạng,không đi nói với giáo viên. Khi xem video clip Ths Lê Thị Lan Anh – phát biểu: "xét từ góc độ tâm lý học trò, tôi có những băn khoăn: học trò lớp bảy đã có nhận thức về hành vi tốt-xấu, thế mà khi tận mắt chứng kiến một nhóm đánh bạn lại không ai đi báo thầy cô,không ai can. Phải chăng tâm lý "bạo lực đám đông, a dua" đã khiến học trò trở nên vô cảm trước rủi ro của bạn.

    Những status vô cảm, tục tĩu của một số bạn dành cho chính những người thân yêu nhất của mình đang là "căn bệnh" lây lan rất nhanh. Có một cô bé chỉ vì bà ngoại bắt đi học trong kì nghỉ hè mà đăng status để chuốc giận lên mạng và dùng những từ ngữ không hay để nói về bà của mình. Trước đó cư dân mạng cũng được một phen sửng sốt khi đọc bài viết "vì thần tượng mà chửi bố mẹ" của một số bạn trẻ hâm mộ điên cuồng kpop. Bố mẹ cấm việc không cho mê thần tượng của con mà đăng lên mạng chuốc giận với những lời nói và câu chửi thề hết sức "độc ác". Cả hai bài nói này đều lấy lí do rất vớ vẩn để chửi những người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng mình. Thế giới mạng cũng là nơi thể hiện rõ nhất sự vô cảm này, người ta có thể làm bất cứ điều gì mà không thương tiếc ai. Những lời nói xúc phạm đã "gián tiếp" gây ra hậu quả nghiêm trọng.

    Đỉnh điểm là sự vô cảm của thế giới mạng đã góp phần làm cho nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai phải tự tử cách đây ít ngày. Cô bị bạn trai tung clip nóng của hai người. Ngay lập tức clip được truyền đi với tốc độ chóng mặt. Nhiều người còn chia sẻ cho bạn bè cùng xem. Những lời dè bỉu, chế giễu thậm chí là những lời miệt thị tục tĩu của cư dân mạng dành cho cô và gia đình. Họ vô tư giết chết em bằng những lời lẽ cay nghiệt mà không biết rằng khi họ đang tích cực chửi mắng em, thì gia đình đang mang em đi các bệnh viện để cầu cứu sự sống cho em sau khi em uống thuốc diệt cỏ. Cuối cùng thì em cũng không qua khỏi vì chất độc quá mạnh, em chọn cái chết để chốn tránh sự dè bỉu của dư luận đang đè nặng lên cuộc sống của em. Trường hợp giống như em không phải chuyện hiếm hoi gì.

    Trước đây đã từng có rất nhiều người rơi vào trầm cảm, bế tắc, tuyệt vọng khi đột nhiên bị công kích bởi một nhóm người trên mạng xã hội. Có lẽ trong xã hội còn rất nhiều người sống vô cảm. Ra đường thì không quan tâm đến ai cứ thấy có người xảy ra chuyện gì là đứng lại chụp ảnh quay video đăng lên mạng để bình luận bằng những lời lẽ khinh bỉ, để sỉ nhục rồi dẫn đến những kết cục không tốt.

    Nguyên nhân gây ra căn bệnh này do rất nhiều những vấn đề như thời buổi kinh tế, thị trường,… Thậm chí, đó là những vấn đề chướng tai gai mắt hay liên quan đến sức khoẻ và lợi ích của người khác.

    Nguyên nhân đầu tiên là do sự chuyển hoá thị trường,mạnh được yếu thua,mộ số người có tâm lý việc không liên quan đến mình thì mặc kệ. Giữa những áp lực về công danh sự nghiệp,tiền tài danh vọng, mỗi người đều chọn cho mình một cách thức sống riêng và hoàn hảo cho sự lựa chọn đó là sự thờ ơ vô cảm. Bản thân mình phải được đặt lên đầu. Văn hoá thường phải liên tục phát triển. Khi chúng ta tiếp nhận lối sống mới – lối sống và nhiều nền văn hoá khác nhau, con người ta bắt đầu hiểu được sức mạnh của đồng tiền. Đáng lẽ thấy người bị nạn trên đường người ta phải giúp, thấy điều ác phải lên tiếng chống lại nhưng lại chần chừ, do dự và sợ hãi, thậm chí còn thờ ơ, vô cảm để mặc tất cả muốn ra sao thì ra, một chuyên gia xã hội học cho rằng nguyên nhân bệnh vô cảm có thể bắt nguồn từ chất lượng giáo dục ở các trường và đạo đức gia đình còn hạn chế. Chúng ta cần một nền giáo dục mới là việc thực hành trên đời sống thực tế chứ không phải là những lý thuyết khô khan chán ngắt để học sinh không còn cảm thấy nặng nề và chán nản mỗi khi đến trường đi học. Như vậy thì học sinh mới có thể phát triển tâm hồn, nhân cách nhân phẩn của học sinh và bệnh vô cảm mới được giảm đi ở mức tối thiểu.

    Nguyên nhân thứ hai dẫn đến căn bệnh khó trị này là từ chữ "sợ". Sợ chuốc hoạ vào thân, sợ phải gặp phiền phức… đã khiến cho con người chúng ta không dám đứng ra để giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn hoặc không dám đứng lên bảo vệ điều chân chính. Sợ đã dần dần chiếm hết những điều tốt đẹp những suy nghĩ là phải giúp đỡ người khác. Và chính họ đã tạo ra một cái hang để chui rúc và chốn tránh.

    Nguyên nhân cuối cùng dẫn đến căn bệnh này chính là sự kích động của thế hệ trẻ hiện khi xem phim hành động hoặc chơi game bạo lực đã làm cho con người trở nên sắt đá, tính tình nguội lạnh, chẳng còn cảm giác hay suy nghĩ về những điều xung quanh nữa.

    Căn bệnh này sẽ khiến mỗi con người trở nên xa lánh với mọi người xung quanh. Khiến họ bị cô lập, họ không quan tâm đến ai và cũng không ai quan tâm đến họ. Nặng hơn là dẫn đến bị trầm cảm. Xã hội sẽ trở nên tồi tệ vì ai cũng có một trái tim lạnh mọi người không ai quan tâm đến nhau nữa thì một xã hội hay một tập thể đang đoàn kết sẽ bị tan rã tách rời. Xã hội sẽ chết dần chết mòn nếu tất cả mọi người đều thờ ơ với những việc làm xấu.

    Vô cảm là một căn bệnh khó trị nó khiến con người trở nên xa lánh nhau hơn. Khiến nhiều người phải chịu đựng nỗi đau mất người thân là nạn nhân của những hành động thờ ơ ấy và một đất nước một xã hội sẽ chìm trong sự hỗn loạn vì mất đi sự gắn kết và đoàn kết. Nó là nguyên nhân của sự bất hạnh và đau khổ. Của những cái chết bi thương không đáng có của những nạn nhân tội nghiệp. Nó làm mất đi sự thiêng liêng giữa tình cảm của con người với con người. Mất đi truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

    Chúng ta hãy học tập lối sống lành mạnh,cách biết yêu thương mọi người xung quanh. Giúp đỡ khi họ gặp khó khăn, lên án những hành động tội lội. Học cách cảm thông với những "nạn nhân" của mạng xã hội. Là học sinh lớp 10 đang ngồi trên ghế nhà trường em sẽ cố gắng học tập tốt cả lý thuyết và thực hành để xã hội không còn những người sống vô cảm nữa.

    Tình cảm là thứ vô cùng quý giá và thiêng liêng, không thể dùng tiền để mua bán. Căn bệnh này sẽ khiến cho thứ tình cảm quý giá ấy bị phá huỷ chỉ bằng những lời nói và hành động nhỏ. Vậy mỗi chúng ta đừng bao giờ để mắc phải căn bệnh khó trị ấy. Vì nếu như mắc phải rồi thì chúng ta sẽ chết nếu không có tình cảm; tình cảm giúp con người chúng ta tốt hơn, một xã hội vững mạnh. Hãy yêu thương người xung quanh nhiều hơn để đất nước có thể phát triển và bền vững lâu hơn.

      bởi thanh hằng 30/12/2019
    Like (0) Báo cáo sai phạm
  • YOMEDIA

    Video HD đặt và trả lời câu hỏi - Tích lũy điểm thưởng

    • Mở bài:

    Thanh niên là nguồn lực lao động mạnh mẽ của đất nước. Thanh niên cũng là lớp người sẽ thay thế các bậc cha anh làm chủ đất nước. Thế nhưng, trong thanh niên nước ta hiện nay, một số cá nhân chạy theo lối sống vật chất, ngày càng trở nên ích kỉ và vô cảm. Không những thế, hiện tượng vô cảm có xu hướng lan rộng, ảnh hưởng đến nhiều người trong xã hội. Lối sống vô cảm là một vấn đề nan giải trong xã hội nước ta ngày nay.

    • Thân bài:

    Vô cảm là gì? Vô cảm là không có cảm xúc, dửng dưng trước những sự việc, những hiện tượng xảy ra xung quanh mình. Xét từ góc độ tâm lí, vô cảm không phải là một căn bệnh mà là kết quả của quá trình tác động tiêu cực của gia đình, nhà trường và xã hội.

    Lối sống vô cảm là gì? Sống vô cảm là lối sống vị kỉ thiếu cởi mở. Người vô cảm thiếu sự nhạy cảm đối với những vấn đề xã hội, của đất nước. Họ không quan tâm, không chia sẻ với những người xung quanh. Thậm chí vô tâm trước lợi ích của người khác, của cộng đồng, của đất nước.

    Những biểu hiện của lối sống vô cảm trong thanh niên ngày nay:

    Sống vô cảm là lối sống khá phổ biến ở khắp mọi nơi, mọi giới, mọi lứa tuổi. Nhất là ở tầng lớp thanh niên.  Người có lối sống vô cảm thường bàng quan trước cái xấu, cái ác trong xã hội. Họ không phân biệt đúng – sai, phải trái. Họ cũng không dám tố cáo những hành vi sai trái, độc ác, gây tổn hại cho xã hội.

    Người vô cảm khi thấy người khác gặp khó khăn hoạn nạn thường ngoảnh mặt làm ngơ. Thấy người đang trong nguy kịch họ cũng dửng dưng như không. Trên đường phố, khi người khác xảy ra tai nạn, người vô cảm thường chỉ biết đứng nhìn. Họ vì tò mò mà đến xem chứ không phải để hỗ trợ giúp đỡ người bi nạn.

    Người vô cảm không những dửng dưng trước nổi đau của người khác mà còn không dám bảo vệ kẻ yếu thế. Họ không muốn liên lụy khi can thiệp hay hỗ trọ người khác.  Đối với họ “an toàn là thượng sách”. Gặp người bị cướp trên đường, người vô cảm thường hay lánh đi. Thấy người khác làm việc sai trái hay phạm pháp, người vô cảm xem như không thấy. Họ luôn sống trong sợ hãi. chỉ biết lo an toàn cho bản thân, mặc kệ người khác.

    Người vô cảm sống theo kiểu thực dụng chỉ biết “nhận” chứ không biết “cho”. Họ ít không biết nghĩ về người khác. Họ bất chấp thủ đoạn, dù biết là vi phạm pháp luật, thuần phong mĩ tục, để đạt được cái mà mình cần, mình muốn bằng mọi giá. Bởi thế, người vô cảm thường hay lợi dụng công việc, lợi dụng người khác để chuộc lợi riêng mình.

    Người vô cảm luôn sống lạnh nhạt, thờ ơ với bạn bè, hàng xóm. Họ ngại giao tiếp, không muốn chia sẻ niềm vui, nỗi buồn. Người vô cảm thiếu đoàn kết, yêu thương, không gắn bó với mọi người. Họ khép kín cuộc đời mình trong một thế giới riêng. Bởi lẽ, họ sợ người khác phát hiện những sai trái của mình.

    Người vô cảm không quan tâm đến những công việc chung của tập thể, của đất nước. Đối với họ, tập thể hay đất nước đều vô nghĩa. Chỉ có họ và lợi ích của họ là tồn tại. 

    Nguyên nhân dẫn đến lối sống vô cảm:

    Trước hết là do sự phát triển của nền kinh tế thị trường với những quy luật cạnh tranh khắc nghiệt của nó. Tư tưởng thực dụng đang ăn sâu, len lỏi vào trong đời sống của đại bộ phận các gia đình kể từ khi đất nước mở cửa, giao lưu, hội nhập quốc tế. Cuộc cạnh tranh khốc liệt về việc làm và lợi ích khiến con người bất chấp thủ đoạn để đạt lấy lợi ích. Họ không quan tâm đến vấn đề tình cảm hay đạo đức nghề nghiệp. Bởi ai thắng lợi sẽ tiếp tục phát triển di len. Ai thất bại sẽ gánh lấy nợ nần và nghèo khổ.

    Dân số tăng nhanh, trong khi việc làm không đáp ứng được yêu cầu. Bởi thế, để tìm kiếm mọt việc làm ổn định, có thu nhập cao người ta không ngại ngần bêu xấu, hãm hại lẫn nhau. Mặt khác, lối sống ích kỉ của người Việt Nam có ảnh hưởng không nhỏ đến căn bệnh “vô cảm” này. Người Việt vừa có lối sống cộng đồng cởi mở, lại vừa khép kín theo từng nhóm xã hội nhỏ. Nhóm này công kích nhóm kia nhằm giành lấy một lợi ích nào đó. Trước mặt thì niềm nở vui tươi vì tế nhị. Sau lưng thì xì xầm, chỉ trích vì không hài lòng hoặc đó kỵ. 

    Cách giáo dục con cái trong gia đình cũng là nguyên nhân dẫn đến lối sống vô cảm của thanh niên ngyaf nay. Ngày càng có nhiều phụ huynh cưng chiều con quá mức cần thiết. Họ sẵn sàng đáp ứng tất cả những yêu cầu của con một cách vô điều kiện và thiếu suy nghĩ. Họ dạy con cái biết đề phòng và tránh xa cái xấu, cái ác. Nhưng lại không dạy con cái biết chia sẻ, quan tâm và sống có trách nhiệm với người thân, với bạn bè. Con cái tiếp nhận một chiều bởi thế ngày càng ích kỉ, vô tâm hơn.

    Phần lớn các bậc cha mẹ bận rộn với công việc, không thường xuyên quan tâm giáo dục con cái. Thậm chí, có gia đình còn ỷ thách con cái cho người khác chăm sóc và giáo dục. Xã hội nảy sinh quá nhiều vấn đề hệ trọng như tệ nạn xã hội, ma túy, trộm cướp, tham nhũng,… không còn thời gian quan tâm đến sự phát triển tâm lí và hành vi của giới trẻ.

    Thanh niên ngày nay ít được trang bị kĩ năng sống đầy đủ và cần thiết. Nội dung giáo dục trong nhà trường nặng về rèn luyện tri thức và kĩ năng nghề nghiệp. Chương trình giáo dục ít quan tâm đến văn hóa ứng xử và đạo đức đời thường. Đặc biệt là kĩ năng sống thân thiện, giàu tình yêu thương và năng lực kết nối cộng đồng. Phương pháp giáo dục nặng về những bài học đạo đức khô khan, thiếu thực tiễn. Vai trò của Đoàn, Đội còn nhiều bất cập, chưa đổi mới và chưa có sức hút các lực lượng thanh niên tham gia vào công tác đoàn thể.

    Do chính cách sống vô cảm của người lớn đã ảnh hưởng đến tính cách người trẻ. Ở nhà, nếu nghe cha mẹ nói chuyện, cư xử với những người khác theo kiểu thực dụng thì những đứa con cũng có cách sống thực dụng. Khi chơi với bạn, chúng sẽ tính toán xem mình được lợi gì. Ở trường, nếu có học sinh bị bạn bè ức hiếp, tẩy chay nhưng giáo viên không hề quan tâm, giúp đỡ, thì các em sẽ dần mất đi sự rung cảm trước mọi việc và thiếu lòng nhân.

    Một phần rất lớn xuất phát từ bản thân thanh niên. Họ thiếu năng động trong việc tiếp cận và tiếp nhận các giá trị nhân văn trong xã hội. Họ lười biếng và ỷ lại gia đình. Trước cuộc sống tiện nghi, họ đua đòi, chạy theo lối sống thời thượng, không lo bồi dưỡng nhân cách, đạo đức. Họ thích giải trí tầm thường, không quan tâm đến nghệ thuật. Đặc biệt là loại hình nghệ thuật có tính giáo dục cao.

    Họ cũng chê bai các giá trị truyền thống, xem đó là lạc hậu, lỗi thời. Họ tiếp nhận và tôn vinh các giá trị văn hóa lệch lạc, tầm thường. Họ thần tượng những nhân vật mang tính giải trí nhất thời. Từ đó đạo đức bị suy thoái trầm trọng, lệch lạc cả trong suy nghĩ và hành động.

    Hậu quả của lối sống vô cảm đối với con người và xã hội:

    Người sống vô cảm sẽ bị mọi người xem thường, xa lánh. Từ đó dẫn đến sống cô đơn, dễ bi quan, thiếu sức mạnh tinh thần để vượt lên trong cuộc sống. Sự vô cảm giết chết nhân cách và lý tương của con người.

    Nhiều người sống vô cảm, cuộc sống sẽ thiếu tình thương, thiếu thân thiện. Chất lượng sống sẽ giảm sút, truyền thống đạo đức của dân tộc sẽ bị bào mòn. Lối sống vô cảm không phù hợp với xu thế sống hiện nay. Vì muốn thành công phải biết hợp tác, biết chia sẻ.

    Giải pháp khắc phục lối sống vô cảm, xây dựng một xã hội tràn đầy tình thương yêu:

    Tạo một môi trường sống giàu tình yêu thương. Những người trong gia đình cần yêu thương nhau để thể hiện tình thương đó một cách chuẩn mực. Cha mẹ mẫu mực, con cái sẽ học hỏi và noi theo. Không chỉ là tấm gương tốt, người lớn trong nhà cần thường xuyên giáo dục tình thương cho trẻ bằng những việc hết sức cụ thể. Chẳng hạn như giúp đỡ người thiệt thòi, dẫn trẻ đến thăm trại mồ côi, mua vé số ủng hộ người khuyết tật mưu sinh…

    Nhà trường cần chủ động tạo điều kiện để trẻ tham gia lao động công ích, hoạt động xã hội, tham gia dã ngoại và các hoạt động ngoài trường học. Qua đó kết tình đồng đội, hình thành ý thức cộng động, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên,…

    Những cách nghĩ, thái độ, hành vi vì cộng đồng cần được tuyên dương công khai, và những cách hành xử ngược lại phải bị phê phán. Thầy cô giáo không chỉ là người dạy mà còn phải thật sự sống cảm xúc để làm gương cho học sinh của mình.

    Xã hội nên quan tâm nhiều cho một người nhiều tin tưởng và đáng tin cậy để có lời khuyên hữu ích. Hãy lấy tình yêu thương con người làm mục tiêu xây dựng cuộc sống. 

    Bài học nhận thức: Ra sức học tập tri thức, rèn luyện nhân cách, nhân phẩm trở thành người hữu ích. Tích cực đem sức mình xây dựng hạnh phúc bản thân, đóng góp phát triển đất nước. Tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội để hòa nhập với cuộc sống chung của xã hội. Biết cảm đồng cảm, chia sẻ với những buồn vui của người khác. Lấy tình thương làm lẽ sống. Nâng cao lý tưởng sống vì công đồng, vì đất nước. Sống trong yêu thương sẽ tìm thấy hạnh phúc chân thực.

    • Kết bài:

    Sống vô cảm là lối sống ích kỉ, lệch lạc và nguy hại. Cần phải xây dựng một lối sống hài hào, giàu lòng yêu thương, gắn kết bản thân với cộng đồng. Mỗi cá nhân sống tốt đẹp sẽ làm nên một xã hội tốt đẹp. Không có gì có thể gắn kết con người lại với nhau tốt hơn tình yêu thương giữa người và người trong thế giới này. Hãy làm những điều tốt nhát cho cuộc sống hôm nay để có một ngày mai tươi sáng hơn.

      bởi Vũ Minh Khang 02/03/2020
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

ZUNIA9
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF