Học247 xin giới thiệu đến các em bài văn mẫu Thuyết minh về một làng nghề truyền thống dưới đây nhằm giúp các em hiểu hơn về giá trị văn hóa của những làng nghề truyền thống của nước ta. Mời các em cùng tham khảo nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài văn mẫu Thuyết minh về lễ hội đền Trần.
1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về làng nghề truyền thống của quê hương.
b. Thân bài:
- Nêu cụ thể hơn địa chỉ của làng nghề: nằm ở đâu, cách đi đến và nhận dạng như thế nào?
- Nêu nguồn gốc, lịch sử hình thành của làng nghề truyền thống ấy:
+ Làng được hình thành, ra đời từ khi nào?
+ Lịch sử của làng gắn với sự kiện, nhân vật quan trọng nào?
+ Thời gian tồn tại và phát triển dài bao lâu?
- Chi tiết về làng nghề truyền thống ấy:
+ Trong làng có bao nhiêu gia đình theo nghề?
+ Khung cảnh làng như thế nào?
+ Sản phẩm truyền thống của làng nghề. Hiện nay, người dân trong làng vẫn duy trì phương pháp thủ công hay hiện đại. Nêu nét thay đổi, tiến bộ trong hoạt động làm nghề của con người nơi đây.
+ Quá trình những người nghệ nhân làm nghề có gì đặc biệt, gây ấn tượng với em.
+ Sản phẩm tạo ra có hình dáng, màu sắc như thế nào? Thể hiện nét đặc trưng chỉ thuộc về làng nghề này...
+ Những sự vật, khung cảnh khác xung quanh làng nghề.
- Nêu vị trí, giá trị của làng nghề truyền thống ấy trên đất nước, với người dân nơi đây.
c. Kết bài:
- Khẳng định lại lịch sử lâu đời của làng nghề.
- Tình cảm của bản thân với làng nghề đó.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Em hãy viết bài văn thuyết minh về một làng nghề truyền thống.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1 – Thuyết minh về làng gốm Bát Tràng
Mảnh đất thủ đô nghìn năm văn hiến - Hà Nội không chỉ có những danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Mà còn có rất nhiều làng nghề truyền thống. Một trong số đó là gốm Bát Tràng.
Làng gốm Bát Tràng bao gồm hai thôn Bát Tràng và Giang Cao, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Làng gốm Bát Tràng cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng chừng 30km về phía Đông Nam. Đầu tiên về tên gọi của làng gốm Bát Tràng có thể hiểu theo nghĩa Hán Việt, “bát” là từ dùng để chỉ đồ gốm, chén bát nói chung còn “tràng” chính là chỗ đất dành riêng cho một lĩnh vực, một chuyên môn nào đó.
Làng gốm Bát Tràng có lịch sử hình thành khá lâu đời, song vẫn chưa có tài liệu nghiên cứu nào cho biết chính xác thời gian ra đời. Theo như “Đại Việt sử ký toàn thư”, làng gốm Bát Tràng bắt đầu ra đời vào dưới thời đại nhà Lý ( khoảng từ những năm 1010 đến 1225). Khi vua Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư của Ninh Bình về Thăng Long (Hà Nội) thì năm dòng họ lớn của xã Bồ Bát thuộc vùng đất Ninh Bình là Trần, Nguyễn, Lê, Phạm Vương đã đưa những nghệ nhân làm gốm giỏi di cư theo và tìm nơi lập nghiệp. Những người dân đó đã chọn Bát Tràng - nơi có đất sét trắng, nguyên liệu chính để làm gốm làm nơi lập nghiệp. Và chính năm dòng họ này đã kết hợp với dòng họ Nguyễn để hình thành nên làng gốm Bát Tràng. Bên cạnh đó cũng có tài liệu khác ghi lại rằng sự ra đời của làng gốm Bát Tràng nhờ vào ba người là Đào Trí Tiến, Lưu Phương Tú, Hứa Vinh Kiều. Sau khi được cử đi sứ, ba người đã ghé thăm vùng gốm nổi tiếng của Trung Quốc và sau đó học hỏi một số kĩ thuật mang về và truyền lại cho nhân dân. Dù có rất nhiều những giai thoại khác nhau xoay quanh nguồn gốc của làng gốm Bát Tràng thì đây vẫn là một làng nghề có truyền thống lâu đời của đất nước ta.
Làng gốm Bát Tràng là một làng nghề truyền thống nổi tiếng về sản xuất gốm. Bởi vậy nên quá trình sản xuất gốm ở làng gốm Bát Tràng luôn có những điểm độc đáo, đặc sắc riêng. Điều quan trọng đầu tiên để tạo nên một sản phẩm gốm chất lượng đó chính là việc lựa chọn đất. Nguồn nguyên liệu chủ yếu để làm gốm đó chính là đất sét trắng. Ngày nay, đất sét trắng để làm gốm Bát Tràng có thể được lấy từ trong làng hoặc từ các vùng khác như Hồ Lao, Trúc Thôn... Sau khi đã lựa chọn được đất sét trắng làm nguyên liệu, các nghệ nhân làm gốm sẽ bắt tay vào việc xử lý, pha chế đất bởi lẽ trong đất sét có lẫn tạp chất và đồng thời việc xử lý đất sẽ tạo ra những nguyên liệu phù hợp đối với từng loại sản phẩm. Ở làng gốm Bát Tràng vẫn tuân theo quy luật xử lý đất truyền thống là thông qua việc ngâm nước ở hệ thống bốn bể nước với các độ cao khác nhau. Đất sét trắng sau khi được xử lý sẽ được đem đi tạo dáng và ở nơi đây người ta tạo dáng bằng tay trên bàn xoay - đây là phương pháp tạo dáng truyền thống từ ngàn đời nay. Bằng đôi bàn tay khéo léo, sử tỉ mỉ, cẩn trọng, những nghệ nhân làng gốm đã tạo ra nhiều loại đồ gốm với những hình dáng, mẫu mã và chủng loại khác nhau. Tạo dáng xong, các sản phẩm sẽ được đem đi phơi sấy và sửa lại theo mong muốn của người làm.
Ở làng gốm Bát Tràng, việc phơi sấy thường được sử dụng là hong khô trên giá và để ở nơi thoáng mát. Nhưng ngày nay, một số người lựa chọn sấy sản phẩm ở trong các lò sấy và tăng nhiệt độ từ từ. Sau khi đã tạo ra được sản phẩm gốm như mong muốn, những nghệ nhân làm gốm sẽ tiến hành trang trí, quét men lên sản phẩm để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người sử dụng. Cuối cùng, đó chính là nung gốm trong các lò. Và như vậy, trải qua nhiều công đoạn khác nhau, những nghệ nhân làng gốm Bát Tràng đã có thể tạo ra được những sản phẩm gốm độc đáo.
Làng gốm Bát Tràng là một trong số những làng nghề nổi tiếng của nước ta từ ngàn đời nay. Những sản phẩm của làng gốm Bát Tràng luôn nhận được sự ưa chuộng, yêu mến của mọi người không chỉ bởi mẫu mã đa dạng mà còn bởi sự tuyệt vời về chất lượng. Hiện nay, đồ gốm Bát Tràng không chỉ có mặt ở khắp nơi trên đất nước ta mà còn được xuất khẩu ra nhiều thị trường lớn trên thế giới như châu u, Mỹ, Hàn Quốc... Thêm vào đó, nơi đây còn là một địa điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước về tham quan và tự mình nhào nặn nên những sản phẩm đồ gốm tuyệt diệu.
3.2. Bài văn mẫu số 2 – Thuyết minh về làng tơ Cổ Chất
Mỗi khi câu thơ ấy vang lên, lòng tôi lại xao xuyến nhớ về màu tơ vàng óng làng Cổ Chất. Theo dòng chảy vô tình của thời gian, bao năm qua đi, ngôi làng ấy vẫn giữ được truyền thống cổ xưa nhất, tạo nên một làng nghề truyền thống nổi tiếng ở đất Thành Nam. Người ta gọi là Làng tơ Cổ Chất.
Làng Cổ Chất lặng lẽ đặt mình ở một vùng của xã Phương Đình, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Từ trung tâm thành phố Nam Định chạy thẳng theo quốc lộ 21 hoặc xuôi dòng sông Hồng yên ả khoảng 20km về phía Đông Nam, bạn sẽ chợt thấy mình như lạc vào một không gian đậm chất xưa của đồng bằng Bắc Bộ. Đó là làng tơ Cổ Chất. Làng nghề truyền thống khẽ nép mình bên dòng sông Ninh hiền hòa, thơ mộng.
Từ rất lâu trước kia, ngôi làng này đã nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Không có ai nhớ rõ nghề này đã theo làng từ lúc nào. Chỉ nghe các vị bô lão kể lại rằng: vào đầu thế kỷ XX, Pháp xây một nhà máy ươm tơ ngay đầu làng Cổ Chất để khai thác sức lao động và lợi thế của vùng dâu tằm sông Ninh.
Hồi tưởng lại quá khứ, những người có tuổi trong làng vẫn nhớ rõ khung cảnh tấp nập khi xưa của làng. Thương nhân ở khắp mọi nơi tìm về làng thu mua tơ lụa, đem bán ở bến Đò Chè - khu cảng sầm uất của Nam Định những năm trước 1945.
Cho tới hôm nay, làng có khoảng năm trăm hộ theo nghề ươm tơ. Tơ làng Cổ Chất có chất lượng rất tốt, những sợi tơ thanh mảnh, mềm mại, màu sắc tươi sáng. Người trong làng ươm cả tơ vàng và tơ trắng. Kén tằm được chọn lựa từ các vùng lân cận xa xôi hơn như Thanh Hóa, Hà Nam, Thái Bình. Ấn tượng đầu tiên khi mới bước chân đến ngôi làng cổ này là đâu đâu cũng thấy những bó tơ vàng, tơ trắng óng ả phơi trên những thanh sào tre. Thấp thoáng đâu đó là hình ảnh những người phụ nữ đang vắt những bó tơ vừa dệt. Tơ vàng, ánh mặt trời vàng hòa quyện với nhau tạo nên một bức tranh sặc sỡ sắc màu. Khoa học công nghệ phát triển, sản phẩm của làng bây giờ được sản xuất bằng cả phương pháp thủ công và máy móc, cho ra nhiều sản phẩm tơ đa dạng, chất lượng hơn.
Đi sâu vào những xưởng kéo tơ, ta lại càng ngỡ ngàng với những làn khói bốc nghi ngút từ nồi luộc kén. Ẩn phía sau những làn khói ấy là bóng dáng các bà, các chị đang miệt mài cho những chiếc kén tằm vào nồi, đôi tay khéo léo khuấy liên tục. Một lúc sau, kén thi nhau nhảy lên bàn kéo sợi, những sợi tơ chui qua lỗ nhỏ rồi cuốn mình vào guồng quay đang quay tít. Sau đó, những bó tơ vàng, tơ trắng được ra đời.
Về thăm làng Cổ Chất, bạn không chỉ được tận mắt chứng kiến các công đoạn ươm tơ dệt lụa mà còn có dịp chiêm ngưỡng một làng quê mang đậm nét truyền thống xứ Bắc. Dạo quanh làng, bạn sẽ nhìn thấy Vạn Cổ Hương và chùa Phổ Quang. Đó là quần thể kiến trúc được Bộ văn hóa cấp bằng di tích lịch sử - văn hóa đền chùa Cổ Chất. Đặc biệt, bạn còn được nghe kể về những câu chuyện xa xưa gắn liền với những công trình này.
Trong làng có Chùa thờ Phật, đền thờ bốn vị Thánh tổ có công khai phá và dựng nên làng Cổ Chất xưa kia. Để nhớ công lao của những vị thành hoàng, tri ân công đức của các bậc tiền nhân, mùng 6 tháng 3 âm lịch hằng năm, dân làng lại đón khách thập phương tới dâng hương. Cũng trong dịp đó, người dân nơi đây tổ chức các trò chơi dân gian như khởi đầu cho một mùa tơ vàng, một mùa lúa bội thu và cầu may cho một cuộc sống an khang thịnh vượng.
Làng tơ Cổ Chất từ lâu đã trở thành một làng nghề truyền thống của Nam Định. Nơi đây là quê nhà của những loại tơ tằm đẹp có tiếng đất thành Nam. Những bó tơ vừa bền vừa đẹp, qua đôi tay những nghệ nhân đi đến mọi miền đất nước, dệt lên những bộ quần áo duyên dáng cho con người. Tơ Cổ Chất là nguồn kinh tế của cả một làng nghề, là lịch sử văn hóa soi chiếu lâu đời. Về làng cổ này, ta được tiếp xúc với những con người chân chất, hiền lành, gắn bó cả đời với nghiệp ươm tơ, dệt lụa và ngắm nhìn những khung cảnh tuyệt đẹp.
Qua bao thăng trầm của lịch sử, tới tận hôm nay, Cổ Chất trở thành một làng nghề truyền thống nổi tiếng khắp mọi vùng miền của Tổ quốc. Dù cho bao lâu đi nữa, làng nghề truyền thống ấy vẫn sống mãi trong tim những thế hệ hôm nay và cả mai sau.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----