YOMEDIA

Tả cảnh đẹp ngày hè - Văn mẫu lớp 5

Tải về
 
NONE

Mời các em học sinh lớp 5 cùng tham khảo bài văn mẫu Tả cảnh đẹp ngày hè dưới đây đã được Học247 sưu tầm và tổng hợp từ những bài văn hay của học sinh trên cả nước. Hy vọng rằng bài văn mẫu này sẽ hữu ích với các em. Mời các em cùng tham khảo nhé!

ADSENSE

Đề bài: Em hãy tả lại quang cảnh của mùa hè dưới dạng một bài văn ngắn.

Gợi ý làm bài:

1. Bài văn mẫu số 1

Từ lâu, em đã mong ước được tham quan vùng biển Nha Trang, một thắng cảnh tuyệt đẹp của đất nước. Và cuối cùng, ước mơ ấy đã thành hiện thực, nhờ có cuộc vui hè do xã tổ chức để khen tặng học sinh giỏi nên em đã có cơ hội tham quan vùng biển thơ mộng này.

Hôm đó, em dậy sớm, làm vệ sinh cá nhân rồi cùng mẹ chuẩn bị cho chuyến tham quan. Đúng 6 giờ, chiếc xe buýt bắt đầu khởi hành, em tạm biệt mẹ rồi cùng mọi người lên đường. Đi được một lúc, em bắt gặp hòn Vọng Phu. Quả đúng như mọi người nói, hòn Vọng Phu này có dáng đứng của một người mẹ đang bồng con, mỏi mòn đợi người chồng yêu quý thật. Rồi còn những ngọn núi với những hòn đá cuội nhẵn bóng. Hòn Nước thơ mộng diệu kì, chỉ tiếc là em không thể dừng lại để tham quan chúng được. Hoan hô, đến nơi rồi! Biển Nha Trang đã thấp thoáng hiện lên làm chúng em vui sướng cả người, những đợt sóng nhẹ lên bờ cát trắng. Có những người bơi tuốt ra ngoài cửa biển. Xa xa, những chiếc thuyền đủ màu sắc đi một cách chậm chạp (có lẽ vì chúng ở xa em quá).

Nước biển mát quá, em muốn nhảy xuống biển tắm lắm, nhưng không được. Trên bờ cát trắng phau, những cô bé, cậu bé vui vẻ xây những lâu đài cát của mình. Hết giờ rồi, em tạm biệt vùng biển rồi lên xe đi tới đảo khỉ, nhưng chúng em không tới ngay được, em còn phải qua một chuyến tàu nhỏ nữa. Rồi đảo khỉ dần dần hiện lên với những cây dừa cao, một tấm biển nhỏ có vẽ hình một chú khỉ và đề một dòng chữ đại khái là: “Hân hạnh chào đón quý khách” Đoàn chúng em chọn địa điểm ở một tán dương rậm rạp để ăn bữa cơm trưa, nhưng đoàn chúng em không ăn vội mà còn rong ruổi chơi đùa, đến khi quay về thì trái cây đã bị khỉ dùng dao cắt ra ăn gần hết (chúng khôn thật đấy). Ăn xong bữa cơm trưa, chúng em đi thăm một đàn khỉ trên đảo, hình như có đến mấy trăm con. Xem khỉ được một lúc thì chúng em lại đến rạp xiếc để xem những tiết mục của những chú chó, chú khỉ… thật đáng yêu. Thích nhất là xiếc khỉ, có chú khỉ làm người đạp xích lô và đương nhiên cũng phải có một chú khỉ khác quần áo sang trọng ngồi chễnh chệ, tay cầm chiếc dù làm khách.

Khi những tiết mục của đoàn xiếc chấm dứt cũng là lúc chúng em rời đảo khỉ để đến Hải Sinh Vật Học, ở đây em đã được xem vô số loài san hô lớn nhỏ, nhiều loài cá quý hiếm và còn được tận mắt chứng kiến những con cá mập bơi lội. Chúng em lại được sờ cả vào bộ xương cá voi khổng lồ và gặp một loài cá được mệnh danh là nàng tiên của biển cả. Trời đã bắt đầu tối, chúng em đành phải rời bỏ thành phố Nha Trang thơ mộng này, buồn quá! Nhưng biết làm sao được, dãy đèn bên thành phố đã bắt đầu thắp lên những quả tròn màu tím nhạt, ngả dần sang màu xanh lá cây và cuối cùng nở bung ra trong màu trắng soi rõ mặt người qua lại. Lúc bấy giờ, Nha Trang lại hiện lên với một bộ mặt mới, những ánh đèn đủ màu sắc của các khách sạn, toà nhà cao tầng làm thành phố trở nên lộng lẫy hơn.

Nhưng rồi chúng em cũng phải rời bỏ những hình ảnh đẹp đẽ ấy, rời bỏ thành phố Nha Trang với vẻ vô cùng hối tiếc, đi được một lúc lâu, nhiều người có vẻ đã buồn ngủ và say xe, các anh chị phụ trách thấy thế liền bày ra nhiều trò chơi lý thú, chia cả đoàn làm hai đội khác nhau, hát những bài ca thiếu nhi cho tới khi chiếc xe dừng lại trước cổng toà nhà Uỷ Ban nhân dân xã Hoà Kiến.

Ôi! Lần đi tham quan này mới tuyệt làm sao! Em nguyện sẽ cố gắng học thật giỏi để những năm sau được đi thăm những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp khác của đất nước ta hay sẽ gặp lại vùng đất Nha Trang này, một cõi mộng mơ đẹp và rất đỗi diệu kì.

2. Bài văn mẫu số 2

Em về Đà Lạt không phải như một du khách xa lạ, thoáng qua, mà em về Đà Lạt thăm họ hàng; luôn tiện nghỉ hè mấy tuần ở đó. Thế là em sống ở Đà Lạt. Nếu miêu tả một cảnh đẹp ở Đà Lạt thì rất khó, vì khi đã đặt chân đến Đà Lạt là ta đã bước vào một xứ sở mộng mơ: ta bước vào tranh giăng mắc bốn bề. Một không gian bốn chiều là tranh. Em bước đi trong tranh, thở trong tranh và ngồi nghỉ trong tranh.

Thật hồ đồ khi chưa tả được những bức tranh ấy. Đó là những bức tranh như xứ sở châu Âu, xứ sở ôn đới, với đồi cỏ, rừng thông hẻm vực, sương mù. Hơn thế, bầu không khí Đà Lạt lúc nào cũng mát rười rượi. Ba em thường đùa rằng: Đà Lạt có một cái máy lạnh mấy trăm ngàn cây số. Nhưng máy lạnh này không tốn điện lại có gió trời. Và nhìn được bầu trời đám mây, cỏ hoa khắp chốn.

Buổi sáng đút tay vào túi, em đi từ nhà thờ Con Gà ra chợ, qua hồ Xuân Hương, thấy sương chưa tan, còn mờ mờ khắp chốn. Vậy mà bên bờ hồ đã nhộn nhịp người làm vườn rửa cà rốt, những thúng cà rốt màu da cam rực lên một màu chói mắt bên bờ hồ. Buổi trưa, dọc theo mọi ngả đường, em được các cành thông che nắng, phấn thông vàng bay bay trong gió như những hạt bụi tinh khôi tìm về tương lai. Giữa những bụi cây xanh ngắt lại rực lên những đóa hoa hoang dại: nào dã quỳ vàng chói, nào hoa ngũ sắc sặc sỡ, nào tường vi trĩu nặng từng chùm. Nếu vui chân vượt qua vài dốc ta sẽ đến Cam Ly. Thác Cam Ly không hùng vĩ mà hiền hòa, rộn ràng và tươi mát cheo leo bên sườn dốc, lại có cỏ xanh hoa dại nở vàng, nở tím.

Em bước đi thỉnh thoảng cũng phải dè dặt, vì sợ dẫm lên những đóa hoa vàng bé xíu, mọc từ một loài cỏ dại trên đất đồi. Một lúc thong dong, em bước vào các vườn lan Đà Lạt. Từng lá lan mọng lên, từng chồi lan nõn nà, xanh xanh, trong trong và bóng mượt như nhựa. Nhìn lá hoa thật mà cứ ngỡ như hoa giả vì nó sặc sỡ lắm, tươi thắm lắm, đợi đến khi hương lan tỏa ra, em mới biết là hoa thật. Lan Đà Lạt trăm thứ vạn loài, không thể đếm xuể cả địa lan, lẫn phong lan cả vũ nữ, cát-laya, đến loài Hồ Điệp, và Đại Châu. Rồi bên cạnh đó là những cây kì hoa dị thảo... thầm lặng mà tươi tắn như sen đất tươi xanh, hồng môn rực đỏ, cẩm tú cầu tím nhẹ, hoa lồng đèn xinh xinh và thiên hài lửng lơ. Vào Dinh Ba, chúng ta sẽ thấy những đoá hồng nào hồng nhung, hồng bê bê, hồng phấn, hồng trắng. Chưa kể những nhà kính trồng hồng, trồng li rực rỡ như những xứ sở Ba Lan kiêu sa và tươi thắm như những phim tình diễm lệ.

Ngày xa Đà Lạt, em lưu luyến bước không vui. Trong lòng thầm nhủ: "Tạm biệt thôi, mai này mình lại về Đà Lạt" nhưng biết đến bao giờ? Cuộc sống cứ cuốn trôi với bao nhiêu công việc của học trò. Đà Lạt ơi! Bao giờ em gặp lại?

3. Bài văn mẫu số 3

“Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn”

Những cánh đồng lúa rộng mênh mông bát ngát đã trở thành biểu tượng của làng quê Việt Nam hết sức thanh bình yên ả, đi vào thơ ca nhạc họa của muôn đời. Dịp hè vừa rồi, nhân một chuyến đi thăm quê nội, em đã có dịp ngắm cánh đồng lúa của làng. Cảnh đẹp ấy đã trở thành dấu ấn khó phai mờ trong tâm trí em.

Như đã thành thông lệ, dịp hè nào cũng vậy, em và cả gia đình lại trở về quê thăm ông bà nội. Trong mắt em, cái gì cũng thật lạ lẫm và mới mẻ. Kìa lũy tre xanh xanh đầu làng, kìa triền đê với những đứa trẻ mục đồng đang thả diều, thổi sáo, và cả con sông quê như dải lụa đào mang phù sa bồi đắp cho đồng lúa thêm tươi tốt. Nhưng ấn tượng nhất với em vẫn là cảnh cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Cánh đồng lúa nằm ở giữa làng, nhìn từ xa tựa như một tấm thảm vàng rực, khổng lồ. Mỗi khi gió thổi qua, tấm thảm ấy lại nhấp nhô từng đợt, những con sóng mải miết nối đuôi nhau đi về phía chân trời. Mới ngày nào lúa còn đang thì con gái, sắc xanh mơn mởn bao trùm khắp không gian, hương lúa lên đòng còn quyện trong gió mới, vậy mà giờ đây, cánh đồng lúa ấy đã đượm một màu vàng trù phú. Hạt thóc là hạt ngọc của trời. Để có được bát cơm dẻo thơm trắng ngần, người nông dân đã phải đổ biết bao mồ hôi và công sức: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Những bông lúa nặng trĩu hạt làm thân cây như oằn xuống, báo hiệu một mùa màng bội thu. Hương lúa chín thoang thoảng dịu dàng bay trong gió, một mùi hương thanh khiết và tươi mới, làm dịu mát tâm hồn con người. Đó cũng là thứ mùi đặc trưng của đất, của hương đồng gió nội vào những ngày hè nắng cháy. Vào sáng sớm, khi đất trời còn đọng hơi sương, cánh đồng lúa im lìm như đang ngủ say, cả không gian chìm trong một màu huyền ảo tựa như chốn bồng lai tiên cảnh. Xa xa, thấp thoáng thấy vài chú trâu đang nhẩn nha gặm cỏ. Dưới ruộng, những chú cò trắng đang bì bõm lội để kiếm tôm, kiếm tép.

Mùa lúa chín cũng là mùa nhộn nhịp, đông vui nhất trong làng. Em rất thích được chứng kiến cảnh mọi người thu hoạch lúa. Lúc trời mới tờ mờ sáng, các bác nông dân đã cùng nhau ra đồng, tiếng cười nói, trò chuyện rôm rả làm náo động cả một vùng. Trên gương mặt họ lấm tấm những giọt mồ hôi nhưng nụ cười lại sáng bừng bao niềm hân hoan, hạnh phúc. Bàn tay gặt lúa khéo léo nhanh thoăn thoắt, chả mấy chốc, những bó lúa được xếp gọn gàng trên xe để kéo về sân phơi. Tiếng cắt lúa, tiếng máy sát làm nên âm thanh rộn ràng của cuộc sống làng quê. Thóc đầy sân phơi tự bao giờ đã là biểu tượng của cuộc sống ấm no, trù phú, mang lại sự bình yên trong tâm hồn mỗi người. Những con đường quê ngày mùa còn ngập tràn sắc vàng của rơm rạ. Mùi rơm ngai ngái đã trở thành nét đặc trưng của những vùng quê đồng bằng Bắc bộ. Tôi thích nhất là được cùng đám trẻ con hàng xóm ra đồng bắt cào cào, châu chấu. Những chú cào cào, châu chấu bụng căng tròn nướng lên ăn còn đọng lại hương thơm và vị béo ngậy nơi đầu lưỡi. Vài chú chim sẻ sà xuống đồng để nhặt những hạt thóc còn vương vãi sau khi gặt.

Được thăm cánh đồng lúa đã trở thành niềm mong đợi và háo hức của tôi mỗi lần về quê. Ngắm nhìn cánh đồng lúa, tôi cảm thấy thật yên bình và thêm phần gắn bó với quê hương mình hơn.

4. Bài văn mẫu số 4

Ba tháng nghỉ hè chắc hẳn ai cũng có những chuyến đi du lịch vui vẻ bên gia đình. Đối với em, điều tuyệt vời nhất mỗi khi hè về đó chính là được về quê nội. Được ngắm nhìn những cánh đồng lúa mênh mông trên con đường thơm mùi lúa mới.

Sáng sớm bà đã dẫn em đi bộ trên con đường làng quen thuộc. Cảnh vật xung quang thanh tĩnh, yên bình. Thỉnh thoảng từng cơn gió lướt qua mang theo mùi hương của lúa nếp. Quê nội đang vào vụ mùa. Hai bên đường những lũy tre xanh và những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Trời chưa sáng hẳn, thỉnh thoảng từng đàn chim sẻ bay lượn trên khắp cánh đồng, chúng cất tiếng hót véo von như để gọi nhau. Khi ông mặt trời lấp ló sau rặng tre già, những tia nắng đầu tiên len lỏi qua từng kẽ lá. Cảnh vật hiện ra là một bức tranh đồng quê tuyệt đẹp.

Những cánh đồng lúa nối tiếp nhau nhìn xa như một tấm lụa vàng óng ả, mểm mại. Những chị gió đi qua làm cho tấm thảm ấy bồng bềnh, nhấp nhô như những con sóng ngoài biển khơi. Những bông lúa trĩu hạt uốn cong mình chỉ chờ các bác nông dân gặt về. Trên lá vẫn còn đọng những giọt sương long lanh như những viên pha lê. Những hạt thóc căng tròn hứa hẹn một mùa vàng bội thu. Nếu không về quê nội em sẽ chẳng biết hạt gạo, hạt cơm mình ăn được tạo ra như thế nào. Em chăm chú nghe bà kể về sự hình thành và phát triển của cây lúa.

Trên khắp các cánh đồng, các bác nông dân đã làm việc hăng say. Tiếng cười vui vẻ, tiếng gọi nhau í ới. Những giọt mồ hôi đầm đìa trên khuôn mặt. Phải trải qua biết bao vất vả, nhọc nhằn người nông dân mới làm ra được hạt thóc. Nắng đã bắt đầu chói chang nhưng mọi người vẫn chăm chỉ làm việc. Những bó lúa nặng trĩu hạt được các bác gánh về trong niềm vui mừng, phấn khởi. Em thầm biết ơn, trân trọng những người lao động tạo nên cây lúa.

Bức tranh quê nội thật đẹp và thanh bình. Những cánh đồng lúa mênh mông chính là cảnh vật không thể thiếu trong bức tranh ấy. Em mong những dịp hè sau nữa lại được về với nội để ngắm nhìn vẻ đẹp đồng quê.

------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF